Home Đời Sống Tài Liệu Lịch Sử Ngành Cảnh Sát Quốc Gia VNCH

Lịch Sử Ngành Cảnh Sát Quốc Gia VNCH PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Kim Pham   
Thứ Năm, 03 Tháng 6 Năm 2010 10:58

Nói đến Ngành Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, nhiều người chỉ hiểu về những người chỉ có Nhiệm Vụ Giữ Gìn An Ninh Trật Tự, hoặc Điều Hòa Lưu Thông ở khắp các Thành Phố, Thôn Xóm...

Không nhiều tài liệu ghi lại những Danh Xưng, Tổ Chức theo từng Giai Đoạn đổi thay của Lịch Sử:  Từ Thời Pháp Thuộc, đến Thời Đệ I Cộng Hòa và Đệ II Cộng Hòa... Với sự trợ giúp của Quý Niên Trưởng --Những Bậc Tiền Bối trong Ngành Cảnh Sát Quốc Gia như:  Lê Sơn Thanh, Trần Trần Trọng Sanh, Thành Phước Thành, Ðặng Văn Minh v.v...

A- Giai Đoạn 1:  Thời Kỳ Phôi Thai.

Sau 19/12/1946, Pháp đã chiếm lại một số lãnh thổ trên các Miền Bắc, Trung và Nam đặt lại nền đô hộ trên các phần đất chiếm lại của Việt Minh. Tại các địa phương đó, Pháp đã trao lại cho các Chính Khách thân với họ để lập nền Hành Chánh địa phương.

Ngày 5/3/1947 Pháp cử Nghị Sĩ Emile Bollaert sang làm Cao Ủy Pháp tại Việt Nam. Một Ủy Ban Lâm Thời được thành lập tại Huế. Tại Bắc Phần, Pháp cho thành lập Ủy Ban Lâm Thời Hành Chánh và Xã Hội. Tại Miền Nam, Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh được Hội Ðồng Tư Vấn Nam Kỳ cử ra thành lập Chính Phủ Nam Kỳ. Tại mỗi địa phương đều thành lập lấy Cơ Quan An Ninh riêng để giữ gìn an ninh và trật tự cho chính quyền địa phương và bảo vệ phần nào dân chúng trở về sau cuộc chiến.

Về phía người Pháp, lập lại nền đô hộ với Sở Liêm Phóng Liên Bang và Địa Phương, có thẩm quyền và quyền hạn trên cả các Cơ Quan An Ninh địa phương.

Sau khi Pháp chiếm lại toàn ven lãnh thổ, họ cho thành lập những Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời, với các tên gọi như:  Hội Ðồng Chấp Chánh Lâm thời ở Trung Phần, Hội Ðồng An Dân ở Bắc Phần và Chính Phủ Nam Kỳ ở Nam Phần.

Các Sở Công An được thành lập ở Hà Nội, Huế và Sai Gòn. Ở mỗi thị xã có một Ty Cảnh Sát, nhân viên là cựu công chức thuộc các Ngành An Ninh Pháp hoặc các Ngạch Hành Chánh hay Chuyên Môn trước năm 1945, và có một số được tuyển dụng tạm thời. Lương bổng do địa phương đài thọ. Chưa có hệ thống từ Trung Ương.

Năm 1948, Hàng Ðế Bảo Ðại đứng ra điểu đình với Bollaert để thành lập một Chính Phủ Lâm Thời và giao cho Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng. Sắc Lệnh Số 48/SG ngày 18/2/1948 tổ chức các Cơ Quan trực thuộc Thứ Trưởng Nội Vụ, trong đó có một “Ty Giám Ðốc Cảnh Sát và Mật Thám Quốc Gia”.

Thi hành Thỏa Ước Việt - Pháp ngày 8/3/1949, công bố tại Điện Elysée, liên quan đến chủ quyền Việt Nam, một số bộ phận thuộc các Sở An Ninh Pháp bắt đầu chuyển giao cho chính phủ Việt Nam, nhưng công tác Tình Báo Chống Cộng vẫn do Sở Liên Phóng của Pháp đảm trách.

B- Giai Đoạn 2:  Thời Kỳ Tổ Chức Có Hệ Thống.

Nghị Ðịnh Số 59/BNV ngày 24/4/1950 của Thủ Tướng, quy định việc tổ chức Ngành Công An và Cảnh Sát Quốc Gia. Một Nha Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Ðược thành lập tại Trung Ương. Mỗi phần có một Sở Cảnh Sát Công An:  Hà Nội, Huế và Saigòn. Một tỉnh có một Ty Công An, mỗi thị xã có một Ty Cảnh Sát. Về hành chánh và lương bổng trực thuộc địa phương, còn chuyên môn trực thuộc Trung Ương. Ở mỗi quận thuộc tỉnh có một Chi Công An.

Ngày 14/6/1950 Sở Liêm Phóng và Cảnh Sát Pháp tại Hà Nội được chuyển giao cho phủ Thủ Hiến Bắc Việt. Tháng 7/1951, tại Miền Trung, Thủ Hiến Trần Văn Lý cho thành lập Nha Cảnh Sát và Công An Trung Phần.

Sắc Lệnh Số 81/CA ngày 29/11/1951 thiết lập các Ngạch Cảnh Sát và Công An, ấn định thể thức tuyển dụng, ngạch trật, chỉ số long.v.v… Trong năm 1952 có 2 lần nhập Ngạch Cảnh Sát Công An cho nhân viên tùng sự tại các nơi. Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Công An trong thời kỳ này là Tổng Kiểm Tra Mai Hữu Xuân.

Ngày 23/6/1954 Ông Ngô đình Diệm về nước lập Chính Phủ với tư cách Thủ Tướng do Quốc Trưởng Bảo Ðại chỉ định. Nền Hành Chánh, Quân Sự và Cảnh Sát Công An tại Bắc Phần và các tỉnh Bắc Trung Phần đều triệt thoái vào Nam, từ Vĩ Tuyến 17 trở xuống.

Ngày 7/10/1954 các Cơ Quan An Ninh Pháp hoàn tất việc chuyển giao Cảnh Sát Công An cho Việt Nam. Thời kỳ này, Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Công An là Lai Văn Sang, thuộc Lực Lượng Bình Xuyên đảm trách.

Sắc Lệnh Số 120/CV ngày 25/10/1954 thiết lập các Ngạch Điều Khiển và cải tổ Ngành Cảnh Sát Công An.

Tổng Nha Cảnh Sát Công An, gồm có các Sở:  Hành Chánh, Tư Pháp, Cảnh Sát Ðặc Biệt... Sở do Chánh Sở điều khiển. Sở chia ra phòng do Chủ Sự điều khiển.

Tại các Nha Phần, có các Phòng:  Tình báo tổng quát, tình báo đặc biệt, hành chánh, kế toán, căn cước, tư pháp... do một Chủ Sự điều khiển. Các Chi ở Quận không thay đổi.

Ngày 26/3/1955, vào thời kỳ Bình Xuyên lộng quyền ở Sai Gòn, Nha Cảnh Sát Ðô Thành được thành lập, chỉ thuộc quyền Ðô Trưởng mà không thuộc quyền Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Công An Lai Văn Sang. Sau những gây rối do Công An Xung Phong của Bình Xuyên tạo ra, gặp sự phản công của quân đội ở 3 mặt cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Ðường thuộc Xóm Củi và Phú Lâm, Lai Văn Sang được thay thế bởi Ðại Tá Nguyễn Ngọc Lễ do Nghị Định ngày 24/4/1955 của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Trong Nghị Định này, cũng giải tán Công An Xung Phong. Sau đó, Giám Ðốc Cảnh Sát Công An Nam Phần Nguyễn Văn Tôn cũng bị thay thế bởi Trung Tá Trần Vĩnh Ðắt. Trụ Sở Tổng Nha tạm di chuyển về bên hông Nha Cảnh Sát Ðô Thành đường Trần Hưng Ðạo.

Ngày 29/4/1955, một Hội Ðồng Nhân Dân Cách Mạng được thành lập, từ đó đưa tới “Việc Trất Phế Bảo Ðạ”i, và Ông Ngô Ðình Diệm “được ủy nhiệm làm” Thủ Tướng để thành lập Chính Phủ mới. Sau những đợt di cư vào Nam, các Phòng, Sở của Nha Miền Bắc đều sung vào các Phòng mới thành lập, riêng nhân viên Cảnh Sát Công An các Ty Miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung Phần đều sung vào Phòng Ðiều Tra Ðặc Biệt. Sau đó Tổng Nha được dời về bout Catinat (gần bưu điện) và có thêm một vị Phó Tổng Giám Ðốc --ông Nguyễn Văn Hướng, nguyên là Giám Ðốc Công An Bắc Phần. Tổng Nha Cảnh Sát và Công An trực thuộc Bộ Nội Vụ, do ông Bùi Văn Thinh làm Bộ Trưởng.

Cấp chỉ huy của các Nha lúc bay giờ là:

-Nha Cảnh Sát và Công An Nam Phần, ông Trần Bá Thành làm Giám Ðốc.

-Nha Cảnh Sát và Công An Trung Phần, ông Nguyễn Chữ làm Giám Ðốc.

-Nha Cảnh Sát và Công An Cao Nguyên, ông Nguyễn Văn Hay làm Giám Ðốc.

-Nha Cảnh Sát Ðô Thành, ông Trần Văn Tư làm Giám Ðốc.

Ngày 28/5/1955, Ðại Sứ Hoa Kỳ Freiderick Rheinardt trình ủy nhiệm thư, đánh dấu giai đoạn chuyển hướng nền Hành Chánh, nói chung, và Ngành Cảnh Sát Công An Việt Nam. Trong chiều hướng canh tân, chính phủ nhờ Phái Bộ Hoa Kỳ phụ giúp việc huấn luyện Cảnh Sát Công An.

Ngày 24/10/1956, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm thay cựu Hoàng Bảo Ðại trong chức vụ Quốc Trưởng. Tổng Thống ký Sắc Lệnh Số 147/a/TTP chia Nha Cảnh Sát và Công An Trung Phần ra làm 2:  Nha Cao Nguyên và Nha Trung Nguyên --Nha Cảnh Sát Công An Cao Nguyên và Nha Cảnh Sát Công An Trung Nguyên Trung Phần.

Tại Tổng Nha có Sở Trung Ương Tình Báo, phòng Tư Pháp, Phòng Hành Chánh, phòng Ngoại Kiều, phòng Nhân Viên và phòng Kế Toán.

Ngày 8/12/1956, Ðại Tá Phạm Văn Chiểu thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Lễ.

Ngày 6/6/1960, bắt đầu phát thẻ căn cước bọc nhựa cho dân chúng Ðô Thành do Cảnh Sát Công An đảm trách.

Vào thời kỳ này, Ngành Cảnh Sát Công An có các Trung Tâm Huấn Luyện:

-Trung tâm huấn luyện Trung Cấp, thuộc Tổng Nha.

-Trung tâm huấn luyện Sơ Cấp tại Vũng Tàu.

-Trung tâm huấn luyện Tam Hiệp (Biên Hòa).

Ngày 13/11/1961, Ðại Tá Nguyễn Văn Y được cử làm Tổng Giám Ðốc thay Thiếu Tướng Nguyễn Văn Là. Dưới thời Ðại Tá Y nhiều thay đổi quan trọng trong Ngành Cảnh Sát Công An Việt Nam. Ngoài những nhiệm vụ thường lệ, còn có thêm một Cơ Quan Tình Báo khác, đó là Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo.

Theo Sắc Lệnh Số 146/NV ngày 27/6/1962, Ngành Cảnh Sát và Công An được hợp nhất và cải tổ thành Cảnh Sát Quốc Gia. Ở Tỉnh không còn Ty Công An và Ty Cảnh Sát; chỉ có một Ty Cảnh Sát Quốc Gia mà thôi. Hành chánh, lương bổng, tiếp liệu, chuyên môn... trực thuộc Tổng Nha. Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia gồm nhiều Sở, nằm trong 3 Khối chính:  Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt, Khối Tư Pháp và Khối Hành Chánh. Mỗi Khối do một Phụ Tá Tổng Giám Ðốc điều khiển. Cũng trong dịp cải tổ này, một số Phòng được nâng lên thành Sở và Ban được nâng lên thành Phòng:

-Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt:  Nghiệp vụ về Tình Báo và Phản Tình Báo, để ngăn ngừa và đối phó với những hoạt động xâm nhập và phá hoại của Cộng Sản kể cả lo việc huấn luyện chuyên môn cho nhân viên như:  Tình Báo căn bản, Tình Báo và Phản Tình Báo cao cấp, Cán Bộ Điều Khiển, Cán Bộ Sưu (Truy) Tầm v.v…

-Khối Tư Pháp:  Cấp phát Căn Cước, Tổng Văn Khố, Giảo Nghiệm, Cảnh Sát Hành Chánh, điều tra Tư Pháp và Ngoại Kiều.

-Khối Hành Chánh:  Nhân Viên, Kế Toán, Tiếp Liệu, Truyền Tin, Nội Dịch và Huấn Luyện.

Ngày 2/7/1963 bảy (7) Nha Cảnh Sát Quốc Gia được tổ chức lại:  Nha Trung Phần (Huế), Nha Nam Trung Nguyên Trung Phần (Nha Trang), Nha Cao Nguyên (Ðà Lạt và Ban Mê Thuộc), Nha Miền Ðông Nam Phần (Biên Hòa), Nha Tiền Giang (Mỹ Tho), Nha Hậu Giang (Cần Thơ) và Nha Ðô Thành Sai Gòn.

Ðầu năm 1964, do Sắt Luật SL4/QP Ngành Hiến Binh Việt Nam được giải tán và sau đó một phần nhân viên được chuyển qua Cảnh Sát Quốc Gia. Ở các Tỉnh Miền Nam, số Cảnh Sát hương thôn, Cảnh Sát Thị xã (ngoại ngạch) cũng được chuyển ngạch Cảnh Sát Quốc Gia.

Sắc Lệnh Số 19/NV ngày 27/1/1965, qui định việc thành lập Đoàn Cảnh Sát Dã Chiến tại Tổng Nha. Sau đó, do Sắc Lệnh Số 42/NV ngày 17/7/1965, quy định tại Tổng Nha có thêm Khối Yểm Trợ, gồm có Lực Lượng Cảnh Sát Dã Chiến và Giang Cảnh. Một Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến được thành lập tại Ðà Lạt.

Vào khoảng tháng 7 năm 1965, sau khi can thiệp và được Chính Phủ cho được Miễn Động Viên, Tổng Nha được tuyển dụng những nhân viên có bằng cấp Tú Tài trở lên được theo học các Khóa Sĩ Quan Cảnh Sát để thành những cấp chỉ huy tương lai. Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia được thành lập để đào tạo những người này thành những Biên Tập Viên (có Tú Tài II) và Thẩm Sát Viên (có Tú Tài I) và phải qua một kỳ thi tuyển. Cho đến ngày 12/3/1966, Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia mới được hợp thức hóa bằng Nghị Ðịnh Số 416/NÐ/NV. Thời gian học của các Sĩ Quan này là 1 năm. Khóa 1 Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia khai giảng ngày 1/3/1966 tại Trai Lê văn Duyệt, trong khu Biệt Khu Thủ Ðô Sai Gòn. Viện Trưởng Học Viện đầu tiên là Quận Trưởng Cảnh Sát Ðàm Trung Mộc (mất ngày 28/12/1982, nhằm ngày 14 tháng11 Năm Nhâm Tuất tại “Trại Tù Cải Tạo” Hà Sơn Bình, Bắc Việt). Sau đó. Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia được dời về trụ sở mới ở Thủ Ðức vào đầu năm 1969.

C- Giai Đoạn 3:  Thời Kỳ Phát Triển.

 
Cuối năm 1966, Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia dự trù tăng từ 22.000 người lên 72.000 người. Theo đó, Tổng Nha tuyển dụng thêm một số nhân viên ngoại ngạch, gọi là Cảnh Sát Viên Phù Động Đồng Hóa Công Nhật, luơng bổng do viện trợ Hoa Kỳ đài thọ.

Sắc Lệnh Số 160/SL/AN ngày 30/10/1967 và được bổ túc bởi Sắc Lệnh Số 26/SL/NV ngày 12/3/1969 lại cải tổ Ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Các Sở thuộc Khối Hành Chánh được chia ra thành Khối Nhân Huấn và Khối Hành Chánh. Hai Khối này, một lần nữa sắp xếp lại thành Khối Huấn Luyện và Khối Quản Trị.

Trong thời kỳ này, Tổng Nha thay đổi danh xưng của Khối Yểm Trợ thành Khối Hành Quân, thêm Nha An Ninh Cảnh Lực và Trung Tâm Bình Ðịnh và Phát Triển. Bảy (7) Nha Cảnh Sát trước đây được xếp lại thành bốn (4) theo các Vùng Chiến Thuật và Nha Ðô Thành Sai Gòn.

Sắc Lệnh Số 17A/TT/SL ngày 1/3/1971 thành lập Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia thay Tổng Nha trước đây và các hệ thống trực thuộc như sau:

-Bộ Tư Lệnh.

-Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Khu I, II, III, IV và Thủ Ðô.

-Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia của Tỉnh, Thành Phố biệt lập (như Ðà Nẵng, Vũng Tàu...) hay các Quận ở Thủ Ðô.

-Bộ Chỉ Huy Quận của các Tỉnh hay các Thành Phố biệt lập.

-Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia ở Xã hay Phường ở Thủ Ðô.

Sắc Lệnh Số 59/SL/NV ngày 22/6/1971, ấn định cấp bậc, chỉ số lương, cấp hiệu nhân viên các cấp của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia giống như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, gồm có:

-Cảnh Sát Viên

-Trung Sĩ, Thượng Sĩ Cảnh Sát.

-Thiếu Úy, Trung Úy, Ðại Úy Cảnh Sát.

-Thiếu Tá, Trung Tá, Ðại Tá Cảnh Sát.

-Chuẩn Tướng, Thiếu Tướng, Trung Tướng Cảnh Sát.

Mỗi cấp có nhiều bậc, để được cứu xét trong mỗi kỳ thăng thưởng hàng năm hay đặc biệt (đặc cách vì chiến công).

Việc cải chuyển từ Ngạch Trật cũ ấn định bởi Sắc Lệnh 81/CA ngày 19/11/1971 qua cấp bậc mới cho Nhân Viên Cảnh Sát Quốc Gia và cho Nhân Viên Biệt Phái được thực hiện từ tháng 7 năm 1971.

Ngày 1/6 hàng năm được ấn định là Ngày Truyền Thống Cảnh Sát Quốc Gia từ năm 1971.

Nhân số Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã tăng đến 135.000 người vào năm 1975 để đáp ứng với nhu cầu của việc Việt Nam hóa chiến tranh chống với Cộng Sản Bắc Việt