Bí ẩn về những chiếc vali hạt nhân |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | |||
Thứ Ba, 20 Tháng 4 Năm 2010 09:20 | |||
Chiếc vali hạt nhân (VLHN - hay còn gọi là nút bấm hạt nhân) luôn là đề tài bí ẩn thu hút được sự tò mò của công chúng Từng được gọi với nhiều cái tên - như "Nuclear Football", "President's Emergency Satchel", "The Button" - những chiếc vali hạt nhân (VLHN - hay còn gọi là nút bấm hạt nhân) luôn là đề tài bí ẩn thu hút được sự tò mò của công chúng, mỗi khi người ta nhìn thấy chúng trên tay các sĩ quan quân đội hộ tống đi kèm các nguyên thủ của Nga và Mỹ. Trong lịch sử hàng chục năm tồn tại của mình, đã có không ít những câu chuyện kỳ thú xung quanh những chiếc vali hạt nhân này... Eisenhower – Cha đẻ của vali hạn nhân Là quốc gia đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, chính người Mỹ cũng là người đầu tiên nghĩ ra chiếc VLHN, bắt đầu từ thời của Tổng thống Eisenhower (1953-1961). Khi đó, phía Mỹ cũng đang có được một ưu thế vượt trội về vũ khí hạt nhân - 300 quả bom hạt nhân so với vỏn vẹn 10 quả của Liên Xô. Tuy nhiên, công cụ kiểm soát khả năng khai hỏa vũ khí hạt nhân này của Mỹ chỉ có được hình dạng tương tự như chiếc VLHN hiện nay bắt đầu xuất hiện từ cuộc khủng hoảng Caribe, khi Tổng thống Kennedy nghi ngờ về khả năng kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của ông với tư cách là Tổng tư lệnh tối cao. Trước những lời kêu gọi có phần cực đoan từ nhiều quan chức cao cấp quân sự cũng như dân sự đòi "trừng phạt người Nga" vào những thời khắc cao điểm của cuộc khủng hoảng, Kennedy lo ngại lệnh phát động đòn tấn công hạt nhân có thể được thực thi mà không có sự đồng ý của ông ta. Mặt khác, Kennedy mong muốn khi cấp thiết có thể ban hành lệnh tấn công này mà không cần phải có mặt tại trung tâm điều hành. Đó là những lý do chính dẫn tới sự xuất hiện của chiếc VLHN như hiện nay. Kể từ thời điểm đó, chỉ riêng Tổng thống Mỹ mới có khả năng ban hành lệnh phóng tên lửa hạt nhân. Ông chủ Nhà Trắng có thể làm được điều này ngay cả tại phòng ngủ của mình, với điều kiện bên cạnh ông ta có mặt chiếc VLHN. Bên trong chiếc vali hạt nhân Mỹ Bất cứ người dân nào cũng tò mò muốn biết: Chiếc VLHN của Mỹ có hình dạng như thế nào? Và bên trong nó có chứa đựng những gì? Nói chung, thành phần và nguyên tắc hoạt động của chiếc VLHN luôn là bí mật, cho dù qua một vài nguồn tin nội bộ, vẫn có thể nắm được không ít chi tiết. Đó thực ra là một chiếc tráp bằng da màu đen, bên trong là một vali bằng titan siêu chắc nặng 18kg, kích thước 45x35x25cm với khóa bằng mật mã - do Hãng Zero Halliburton sản xuất. Chiếc vali này không được phép rời xa viên sĩ quan trợ lý đặc biệt của tổng thống. Khi đang trong ca trực, viên trợ lý này luôn "dính chặt" với chiếc VLHN bằng một chiếc vòng đặc biệt gắn vào cổ tay. Có tất cả 5 viên trợ lý như vậy trực liên tục suốt ngày đêm theo ca - tất cả được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng từ các sĩ quan không quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ. Họ phải trải qua các thủ tục kiểm tra chi tiết nhất về tiểu sử và những mối quan hệ. Những sĩ quan này được phép mang vũ khí, có quyền khai hỏa mà không cần cảnh báo để tiêu diệt đối phương, và điều quan trọng nhất - luôn luôn phải ở bên cạnh Tổng thống. Chính vì vậy, viên trợ lý xách vali hạt nhân luôn phải đi đứng bênh cạnh Tổng thống, ở cùng với ông ta trên máy bay hay trong xe hơi. Nói tóm lại, viên trợ lý phải luôn là "cái bóng" của Tổng thống. Bên trong chiếc vali nhỏ trên là một máy phát sóng vệ tinh và một số tài liệu, dựa trên cơ sở đó Tổng thống cần phải đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong số này có một "cuốn sách đen" dày 30 trang ghi những phương án sơ lược của kế hoạch đòn đánh hạt nhân. Vào thời cao điểm của Chiến tranh lạnh, bản kế hoạch tổng thể này từng bao gồm 12.500 mục tiêu khác nhau trên lãnh thổ Liên Xô. Trong vali còn có danh sách những hầm ngầm bí mật mà Tổng thống có thể sử dụng trong trường hợp nước Mỹ phải hứng chịu đòn tấn công hạt nhân, kèm theo đó là chỉ dẫn liên lạc với Lầu Năm Góc và đề xuất về các bước hành động tiếp theo. Ngoài ra, còn có các thủ tục để kích hoạt hệ thống thông tin khẩn cấp EAS, nhờ đó Tổng thống có thể phát biểu trước toàn dân chỉ trong vòng 10 phút, sau khi tuyên bố về tình huống khẩn cấp, không phụ thuộc vào việc ông ta đang ở đâu. Một khi Tổng thống quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, lực lượng bảo vệ cần tăng cường bảo đảm an toàn cho ông ta, trong khi viên sĩ quan trợ lý đặc biệt mở vali. Tiếp đó, Tổng thống và trợ lý này cần phải lựa chọn phương án hành động thích hợp nhất, trước khi liên lạc với Lầu Năm Góc hay Bộ chỉ huy trên không được đặt trên một chiếc máy bay Boeing E-4B. Nhưng để cho mệnh lệnh được thực thi, Tổng thống phải có bước xác nhận bản thân mình nhờ một "mật mã vàng" đặc biệt - lưu trong một chiếc thẻ nhựa tương tự như chiếc thẻ tín dụng ngày nay. Thực ra đó chính là mật mã riêng của Tổng thống dưới dạng các con số và chữ cái, có thể ra lệnh cho tất cả những cá nhân có trách nhiệm nhấn nút phóng tên lửa từ các hầm chứa hay tàu ngầm. Mật mã vàng vào… hiệu tẩy hấp đồ Sĩ quan bàn giao VLHN trước AirForce 1 Tổng thống Carter từng làm giới lãnh đạo quân sự phải đứng tim, khi để quên chiếc thẻ "mật mã vàng" của mình trong túi một chiếc áo khoác, được gửi đến hiệu tẩy hấp đồ. Reagan lại nhét thẻ trong ví để ở túi quần sau, và sau vụ ám sát hụt nhằm vào ông ta, người ta đã không thể tìm lại được chiếc thẻ mật mã trên. Hay như Tổng thống Ford bỏ mặc chiếc vali cùng trợ lý đặc biệt của mình trên khoang máy bay ở Paris. Cũng lại Carter không cho phép trợ lý đặc biệt ở cùng với mình trong thời gian đi nghỉ tại trang trại ở bang Georgia, khiến chiếc vali phải ở tại một khách sạn cách xa Tổng thống tới 10km. Bush-cha sau buổi đánh tennis tại Los Angeles đã lên xe đi thẳng, khiến trợ lý phải xách VLHN đuổi theo chiếc Limousine của Tổng thống bằng... taxi. Nhưng tất cả những vụ trên chưa thể bằng việc Tổng thống Bill Clinton vào đúng ngày kỷ niệm 50 năm thành lập NATO tại Washington, đã bỏ mặc viên trợ lý đặc biệt cùng chiếc VLHN ngay trên đường phố. Anh chàng tội nghiệp này đã phải đuổi theo đoàn xe của Tổng thống trên đường về Nhà Trắng trong suốt 15 phút. Vali hạt nhân cho Tổng Bí thư So với người Mỹ, Liên Xô bắt đầu có VLHN chậm hơn tới 20 năm, khi mức độ phát triển các loại tên lửa hạt nhân của họ đã đủ cho khả năng ra đòn tấn công bất ngờ. Dù triển khai nghiên cứu chế tạo từ những năm 70 thế kỷ trước, từ thời Brejnev, nhưng phải đến thời Chernenko mới bắt đầu xuất hiện các sĩ quan xách VLHN hộ tống Tổng bí thư. VLHN của Liên Xô (có mật danh là "Cheget") là một phần trong hệ thống tự động hóa điều khiển các lực lượng hạt nhân chiến lược "Kazbek", được chính thức đưa vào vận hành từ năm 1983. Công chúng cho tới giờ vẫn chưa thể biết những gì được cất giữ trong chiếc vali nặng tới 11kg này. Dưới thời Brejnev, từng có ý tưởng đề xuất về sự tồn tại của 3 chiếc vali hạt nhân giống nhau do Tổng bí thư, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng nắm giữ. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị bãi bỏ do khó có khả năng luôn đảm bảo được sự liên lạc đồng thời giữa 3 quan chức này, chưa kể thời gian để đưa ra một quyết định khó khăn như trên chỉ chưa đầy 30 phút (thời gian để tên lửa đối phương bay tới mục tiêu). Theo như kịch bản đã định trước, khi có dấu hiệu đối phương phóng tên lửa, viên sĩ quan trực tại trung tâm cảnh báo phải xác định đó có thực sự là cuộc chiến hay không. Khi mọi chuyện đã rõ ràng, tín hiệu báo động ngay lập tức được gửi tới Tổng bí thư, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng và trực chỉ huy của tất cả các quân chủng. Đầu tiên là một đường dây nóng được nối nhằm xác minh tình hình. Khi ba quan chức hàng đầu trên đưa ra quyết định cuối cùng, các sĩ quan trực chỉ việc mở khóa, nhấn nút phóng tên lửa và... chiến tranh hạt nhân bắt đầu. Vali hạt nhân của Nga hiện nay Ban đầu, việc duy trì VLHN của Nga đã gặp nhiều khó khăn sau khi Liên Xô tan rã. Cụ thể là đến năm 1993, tất cả những nguồn tài nguyên kỹ thuật cho hệ thống này gần như đã cạn kiệt. Trong hệ thống sử dụng toàn những chi tiết nội địa, trong khi các vi mạch điện tử thời gian này hầu hết được sản xuất ở nước ngoài. Việc sử dụng các linh kiện nhập ngoại lại không được phép về mặt nguyên tắc, vì rất có thể chúng đã được cài cắm những con chip gián điệp. Chưa kể phần lớn các chuyên gia thành thạo về hệ thống trên đều đã qua đời. Hình ảnh chiếc vali hạt nhân trên tay một sĩ quan hải quân Mỹ. Về mặt thủ tục, đích thân Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga là người lựa chọn các sĩ quan xách VLHN tháp tùng tổng thống. Theo mỗi phiên trực thường có hai người túc trực, luôn đi bên cạnh Tổng thống, hoặc ở gian phòng cạnh đó, chỉ cách một bức tường. Trong những lúc này, nếu một người được phép thiếp đi, người kia phải thường xuyên kiểm tra khả năng hoạt động của vali, cũng như thử nghiệm tất cả các kênh liên lạc đặc biệt. Để liên lạc không bao giờ bị ngắt trong hệ thống, người Nga trước đó cũng từng đưa vào sử dụng một hệ thống liên lạc và phối hợp song song có tên "Chu vi". Vai trò của hệ thống này là nhằm đảm bảo có thể phóng kịp thời tên lửa từ các bệ phóng trên mặt đất hay tàu ngầm, ngay cả trong trường hợp đối phương đã kịp tiêu diệt hết tất cả các mắt xích liên lạc, điều hành và chỉ huy khác. Được nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm trong giai đoạn 1979-1982, "Chuvi" chính thức được đưa vào trực chiến từ tháng 1/1985. Người Mỹ chỉ biết tới hệ thống này vào năm 1993, khi một trong những tác giả của dự án "Chu vi" đào tẩu và khai ra tất cả mọi thông tin nắm được. Ngày 8-10-1993, tờ The New York Times đã cho đăng tải một bài báo nhan đề "Russia Has Doomsday Machine" (Nước Nga có cỗ máy ngày tận thế), nói về hệ thống đặc biệt trên. Theo các thỏa thuận trong Hiệp ước START-I, Nga chính thức rút hệ thống "Chu vi" khỏi chế độ trực chiến vào tháng 6/1995. Sĩ quan mang vali hạt nhân trình diện trước Tổng thống Nga Medvedev. Đối với Tổng thống đầu tiên của nước Nga là Boris Eltsin, chiếc VLHN luôn được nhìn nhận như một biểu tượng về quyền lực, của một cường quốc. Ngay cả khi phải vào phòng phẫu thuật tim, ông Eltsin vẫn không chịu trao lại chiếc vali cho bất cứ ai. Các sĩ quan mang VLHN phải ngồi túc trực ngay tại tiền sảnh của bệnh viện, và ngay khi Tổng thống vừa hồi tỉnh sau ca phẫu thuật, chiếc vali được đưa ngay vào trong phòng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bên cạnh Tổng thống Nga trong các chuyến đi trong nước cũng như ngoài nước, người ta không nhìn thấy bóng dáng của các sĩ quan xách VLHN. Rất có thể theo một số quy định mới, những sĩ quan này tháp tùng Tổng thống Nga trong điều kiện kín đáo hơn.Một chi tiết nữa được nhiều người quan tâm là thủ tục chuyển giao chiếc VLHN từ đời Tổng thống này sang đời Tổng thống khác tại Nga. Theo các quy định, chiếc vali được Tổng thống mãn nhiệm chuyển giao cho người kế nhiệm vào đúng ngày tuyên thệ nhậm chức (tương tự như tại Mỹ). Tuy nhiên, thủ tục đầy đủ này chỉ được thực hiện lần đầu tiên khi ông Putin bàn giao quyền lực cho tân Tổng thống Medvedev. Còn Eltsin trao chiếc VLHN cho Putin vào đúng ngày tuyên bố từ chức của mình. Trước đó, Gorbachev còn nhất quyết không chịu đích thân trao lại vali cho Eltsin. Khi đó, một chỉ huy của Bộ tổng tham mưu là tướng Boldyrev xách chiếc vali cùng với các sĩ quan liên lạc đặc biệt xuất hiện tại phòng khách của Tổng thống Nga, qua đường điện thoại thông báo: "Chúng tôi đã tới chỗ của ngài"
|