Cheerleading là môn thể thao với quy luật và cung cách riêng Hiện nay, hầu hết các trường trung học -đệ nhất cũng như đệ nhị cấp- và đại học tại Hoa Kỳ đều thành lập các đội cheerleaders gồm thuần túy là học sinh và sinh viên trong trường. Một số trường đại học gởi đại biểu tham dự các cuộc tranh tài cheerleading hằng năm còn cấp học bổng cho các cheerleaders nữa.
Ngành cheerleading do các trường bảo trợ có mục đích đề cao tinh thần nhà trường, đồng thời kích động tinh thần của cầu thủ và dân ái mộ đội bóng của nhà trường. Một đội cheerleaders của trường có thể đi biểu diễn tài nghệ ngoài phạm vi các trận đấu bóng của trường mình với các trường khác, như tại các trận đấu bóng cấp thành phố, cấp vùng và cấp liên bang. Một màn tung hứng do các cheerleaders thực hiện trong một trận đấu bóng rổ trung học ở Florida năm 2009. (Hình: Getty Images)
Ngành cheerleading nay đã trở thành một môn vừa có tính thể thao vừa mang nét nghệ thuật được trình diễn quanh năm, khởi đầu bằng các hoạt động thao dượt vào Mùa Xuân trước năm học mới, rồi mọi người tập họp lại để thành một đội cheerleaders chính thức, được huấn luyện và được thực tập kỹ càng để có thể tham dự nhiều trận tranh tài thể thao, và sau cùng là tham dự mùa tranh tài cheerleading ở cấp quốc gia, đại khái là suốt từ Mùa Ðông cho tới Mùa Xuân trong mỗi năm học.
Các hoạt động cheerleading trong trường
Tại bậc trung học, nhất là từ lớp 9 cho tới lớp 12, mỗi trường thường có 2 đội cheerleaders, một đội cheerleaders chính gọi là varsity team và một đội cheerleaders phụ gọi là junior varsity team. Một số trường còn có thêm đội cheerleading sơ cấp (freshman level) có mục đích giúp phát triển các khả năng thể dục, thể thao cần thiết trong môn cheerleading. Cheerleading tại trường trung học thể hiện tinh thần nhà trường và tinh thần thi đấu thể thao.
Các đội cheerleaders này hoạt động quanh năm, khởi sự bằng các cuộc thao dượt vào Mùa Xuân rồi đến các cuộc huấn luyện và tham gia cổ vũ thể thao từ Mùa Thu cho tới Mùa Ðông trong năm học, và kế đó là tham dự các cuộc tranh tài cheerleading. Nhiều đội cheerleaders còn tham dự những cuộc huấn luyện đặc biệt về nhào lộn ngoài các cuộc thao dượt theo chương trình định sẵn nữa.
Tiến trình thao dượt thường diễn ra nhiều ngày. Huấn luyện viên thường tổ chức các khóa huấn luyện trong đó các nguyên tắc căn bản của cheerleading được chỉ dạy hoặc duyệt xét lại. Khóa huấn luyện này giúp cho các cheerleaders mới trở lại trường và các cheerleaders mới gia nhập vào đội có cơ hội đồng đều để làm quen với các hoạt động và động tác cheerleading. Các kỹ năng cheerleading mà huấn luyện viên cần người cheerleaders thể hiện bao gồm kỹ thuật nhảy, nhào lộn, di động và các bước vũ. Giai đoạn thao dượt thường diễn ra vào Mùa Xuân để huấn luyện viên có thể kịp lựa ra được các cheerleaders và lập thành một đội cheerleaders chính thức đặng tham dự các cuộc tranh tài thể thao vào Mùa Hè.
Trong năm học, môn cheerleading thường chiếm thì giờ từ 5 đến 6 ngày một tuần. Còn trong mùa tranh tài cheerleading thì đây là một môn thể thao chiếm hết 7 ngày trong tuần, với các cuộc thực hành có khi mỗi ngày tới 2 lần.
Tinh thần nhà trường trong cheerleading được thể hiện qua các động tác cổ vũ, ủng hộ và “bôm” đám đông lên tại các cuộc tranh tài football, bóng rổ và cả đấu vật nữa. Ðể đạt mục tiêu này, các đội cheeleaders phải thực hiện các bích chương quảng cáo, mở những cuộc biểu diễn tại các cuộc tập họp khác trong trường, và đưa tinh thần nhà trường vào cho toàn thể học sinh trong trường. Hồi Tháng Năm năm 2009, Liên Ðoàn Quốc Gia Các Hiệp Hội Trung Học Tiểu Bang đã cho công bố kết quả cuộc nghiên cứu về sự tham gia thật sự của các trường trên toàn quốc vào hoạt động cheerleading. Cuộc nghiên cứu này ước toán số cheerleaders của các trường trung học trên toàn quốc hiện nay là 394,649 người.
Cheerleading là môn thể thao với quy luật và cung cách riêng
Chính yêu tố tranh đua tài nghệ đã biến cheerleading trở thành một môn thể thao riêng. Có các cuộc huấn luyện cùng thực tập cổ vũ thể thao quanh năm và các cuộc tranh tài cheerleading trong suốt Mùa Ðông của năm học. Có nhiều hiệp hội cổ vũ thể thao tham gia tổ chức các cuộc tranh tài này, trong đó có cuộc tranh tài cheerleading cấp tiểu bang và cấp vùng. Nhiều trường trung học còn đứng ra tổ chức các cuộc tranh tài cheerleading có các giám khảo tham dự nữa. Các cuộc tranh tài cấp vùng là để chọn ra các đội cheerleaders dự thi cấp quốc gia, tỷ dụ như cuộc tranh tài cheerleading do Hiệp Hội Universal Cheerleaders Association tại Orlando, Florida, tổ chức hằng năm.
Các chi tiết tranh tài cheerleading có thể rất gắt gao, với cung cách và luật lệ tranh tài thay đổi từng năm khiến cho việc quyết định xem cung cách biểu diễn nào được coi là tân kỳ nhất và “nóng bỏng” nhất trở nên vừa quan trọng vừa khó mà đạt tới. Hầu hết các đội cheerleaders đều có chuyên gia dạy các bước vũ trong cheerleading để bảo đảm rằng các động tác do cheerleaders thực hiện không phạm luật và đồng bộ với các đội cheerleaders thuộc các trường trung học khác. Tất cả các huấn luyện viên cheerleading cấp trung học đều phải tham gia các khóa hội thảo chuyên ngành vào đầu mỗi mùa tranh tài nhằm bảo đảm rằng họ quán triệt các quy luật vừa thay đổi và tuân hành nghiêm chỉnh các quy luật mới này. Thời gian biểu diễn các động tác cheerleading là khoảng 2 phút 30 giây, và trong đó phải có các động tác cổ vũ, các bước vũ, các động tác nhảy, nhào lộn và các động tác vừa khó làm vừa nguy hiểm (stunts).
Không phải tất cả các đội cheerleaders bậc trung học nào cũng tham gia vào các cuộc tranh tài cheerleading, nhưng điểm chung của mọi đội cheerleaders là họ đều ủng hộ trường mình và “gà nhà.” Và khi biểu diễn trước đám đông thì các cheerleaders phải làm sao chứng tỏ tinh thần đồng đội, cùng nhau và vì nhau mà biểu diễn xuất sắc trong màu cờ, sắc áo của trường mình.
Viết theo Wikipedia và knowledgebase-script
|