Home Đời Sống Tài Liệu Cột đồng Mã Viện: huyền thoại và lịch sử.

Cột đồng Mã Viện: huyền thoại và lịch sử. PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Mạnh Hùng   
Thứ Bảy, 17 Tháng 4 Năm 2010 06:15

Việc Mã Viện dựng cột đồng như vậy có vẻ là một huyền thoại. Nhưng vì sao mà huyền thoại này xuất hiện 

http://www.danchimviet.com/wp-content/uploads/2010/04/HAI-BA-TRUNG-MT.jpg

“Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy
“Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương”

Đó là hai câu thơ vịnh sử của một nhà thơ Việt thời sau cảm khái về Hai Bà Trưng. Cột đồng, tục truyền do Mã Viện dựng sau khi đánh bại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng để làm biểu tượng cho chiến thắng của người Hán và sự khuất phục của người Việt, đã là đề tài của biết bao nhiêu bài thơ và câu đối giữa hai phe.

Thời Trần, khi sứ thần Đại Việt sang Thượng Đô (Bắc Kinh hiện nay) đã bị quan nhà Nguyên đưa ra câu đối xách mé “Đồng trụ chí kim đài vị lục” (Cột đồng đến nay rêu vẫn còn chưa xanh) và ông đã trả lời một cách hào hùng “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng đến nay máu vẫn còn đỏ) để chứng tỏ rằng nếu cột đồng bày tỏ cái nhục thua trận của dân Đại Việt thì cái nhục đó đã được rửa bằng hai lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng.

Nhưng liệu huyền thoại về cột đồng có thực hay không? Đại Việt Sử Ký toàn thư chép “(Thắng được Hai Bà Trưng) Viện bèn dựng cột đồng để làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán. Cột đồng tương truyền ở trên động Cổ Lâu thuộc Khâm châu. Viện có câu thề ‘Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt’ người Việt đi qua thường lấy đá chất vào thành như gò đống vì sợ cột ấy gãy. Mã Tổng nhà Đường lại dựng hai cột đồng ở chỗ cũ của nhà Hán ghi công đức của Mã Viện để tỏ ra mình là dòng dõi của Viện. Hiện hai sông Tả Giang và Hữu giang mỗi nơi có một cột.”

Truyền thuyết được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký toàn thư có nhiều mâu thuẫn. Nếu Viện dựng cột đồng để làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán thì phải đặt tại phía nam chỗ biên giới huyện Tượng Lâm, huyện cực nam của quận Nhật Nam (nay là vùng Quảng Nam của ta) chứ không thể nào tại Khâm châu được vì lúc đó nước ta và vùng Lưỡng Quảng của Trung Quốc hãy còn bị sáp nhập lại thành Giao châu chưa phân ra. Vả lại nhà Hán, cũng như các triều đại sau của Trung Quốc, chưa bao giờ chấp nhận nước ta là một nước riêng biệt mà chỉ cho là một tỉnh phản loạn. Mỗi khi có dịp là họ lại tìm cách xâm chiếm. Thành ra việc đặt cột đồng tại Khâm châu là một chuyện hoàn toàn vô lý.

Nhưng làm sao lại có huyền thoại về cột đồng Mã Viện để còn được lưu truyền đến nay? Hậu Hán thư - Mã Viện truyện, cuốn sách chép chi tiết nhất về Mã Viện đã không hề nhắc đến việc dựng cột đồng này. Thủy Kinh chú, một cuốn sách khác viết nhiều về những hoạt động của Mã Viện cũng chỉ chép rằng “Viện đến Đồng Cổ thuộc Cửu Chân, ở đấy có nhiều trống đồng. Viện lấy trống đồng ở đó đúc ngựa đồng dâng lên Quang Vũ” chứ không nhắc đến việc đúc cột đồng.

Phải đến cuốn Ngô lục của Trương Bột viết vào thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên mới có chép đến cột đồng, nhưng tại vùng Quảng Nam của ta hiện nay chứ không phải bên châu Khâm. Ngô lục viết “ở Tượng Lâm (nay là Quảng Nam), ngoài biển có một bãi nhỏ, sản xuất ra vàng mềm. Đi 30 dặm từ Bắc xuống Nam thì đến nước Tây Thuộc. Dân ở đó tự xưng là con cháu người Hán. Có cột đồng người ta nói là để phân cương giới cho nhà Hán”. Sau đó, Quảng châu ký cũng viết “Mã Viện đến Giao chỉ, dựng cột đồng làm biên giới phía nam cho nhà Hán”. Nói rõ nhất về chuyện này là Du Ích Kỳ được chép trong Thái Bình Quảng Ký “Ngày xưa Mã văn Uyên (tên tự của Mã Viện) chất đá làm bờ để đi đến Tượng phố dựng cột đồng để làm giới hạn miền cực nam. Tiên biểu của Du Ich Kỳ nói rằng ‘Mã văn Uyên dụng hai cột đồng ở phía bắc bờ sông Thọ Linh. Ở đấy cón có hơn mười nhà là những binh lính còn sót lại. Họ ở bên bờ phía nam mà đối với cột đồng. Họ tự lấy họ là Mã và thông hôn với nhau. Nay có hai trăm nhà. Người Giao châu lấy lẽ họ là người lưu ngụ nên gọi họ là Mã lưu’. Tiếng nói ăn uống vẫn như người Hoa. Núi sông rời đổi, nay cột đồng mất vào trong biển chính nhờ dân ấy mà biết được chỗ cũ.”

Như vậy là phải đến thế kỷ thứ tư, khoảng ba trăm năm sau cuộc chinh phục của Mã Viện, huyền thoại cột đồng mới bắt đầu xuất hiện. Cần lưu ý tại đây rằng tất cả những đoạn văn đầu tiên viết về cột đồng này đều đặt cột tại vùng cực nam của nước ta chứ không phải giữa biên giới ta và Trung Quốc. Ngoài ra vị trí của cột đồng thay đổi tùy theo biên giới phía nam của đế quốc Trung Hoa thời đó. Nếu trong Ngô lục vị trí của cột đồng còn ở huyện Tượng Lâm tức là vùng Quảng Nam hiện nay thì đến Du Ích Kỳ đời Tấn thì vị trí của cột đồng đã lên tuốt phía Bắc, đến vùng Quảng Bình (sông Thô Linh là sông Gianh hiện nay). Đó là vì triều Tấn, nước Lâm Ấp thành lập cuối thời Hán đã lấy mất toàn bộ vùng phía nam sông Gianh rồi. Càng về sau, vị trí của cột đồng càng dời lên phía bắc. Man thư đời Đường đặt vị trí của cột đồng Mã Viện tại huyện An Ninh tỉnh Vân Nam. Trong khi Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi đời Tống đặt cột đồng tại động Cổ Sâm thuộc Khâm châu. Chính thuyết của Chu Khứ Phi này đã được Đại Việt Sử Ký toàn thư của ta lấy lại mà đặt cột đồng Mã Viện bên Trung Quốc.

Việc Mã Viện dựng cột đồng như vậy có vẻ là một huyền thoại. Nhưng vì sao mà huyền thoại này xuất hiện, chúng ta cần phải tìm chứng tích không những trong sử mà còn trong khảo cổ học nữa. Trong sử Trung Quốc có hai cuộc chinh phục phương nam lớn nhất và để lại dấu ấn sâu đậm nhất cho đời sau là cuộc chinh phục Việt Nam của Mã Viện và cuộc chinh phục xuống vùng Vân Nam và Quý châu của Gia Cát Lượng. Chính những truyền thuyết về cột đồng đã bắt đầu xuất hiện sau những cuộc chinh phục này, đặc biệt là sau cuộc chinh phục của Gia Cát Lượng vào cuối thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên.

Theo các nhà khảo cổ, vùng Tấn Ninh thuộc Vân Nam vốn là một trong những vùng hiếm hoi của Trung Quốc có trống đồng. Và chính nơi đây người ta cũng tìm được những cột đồng. Tuy rằng trên đất nước Việt Nam hiện nay người ta không tìm thấy được một cột đồng nào cả, nhưng trong quá khứ người ta cũng tìm thấy một vài cột đồng trong nội bộ nước ta. Sách Lĩnh Biểu lục dị chép “Đời Đường Vy Công Cẩn làm thứ sử Ái châu (Thanh Hóa) thấy trong hạt mình có cột đồng, muốn chiếm đem bán. Nhân dân xem là vật thiêng, nếu bị hủy, họ sẽ bị diệt nên đã kiện lên đô hộ Hàn Uớc. Công Cẩn phải thôi”. Lại ở huyện Nam Đàn, Nghệ An tương truyền là có cột đồng trên núi Lam thành vì vậy nhân dân ở đó gọi là núi đồng trụ.

Nếu những cột đồng này không phải do Mã Viện và Gia Cát Lượng dựng thì chúng do ai tạo ra? Theo các nhà khảo cổ thì cột đồng này là những biểu hiện của một tôn giáo thờ tự nhiên giống như những công trình đại thạch khí (megalith) như Stonehenge của Anh mà theo lời của A.W. McDonald  thì “Tại châu Á gió mùa. chúng liên hệ với chu kỳ tuần hoàn tự nhiên của sự phồn thực trên thế giới. Chu kỳ tuần hoàn này được coi như là kết quả của những tương tác giữa nước (mưa) và đất mà ra, tức là một quan hệ hài hòa giữa trời, đất, và thế giới dưới lòng đất, giữa người chết và người sống và giữa những giòng nước trên trời và giòng nước duới đất”. Thành ra, cột đồng cũng như các tảng đá của người tiền sử ở Anh, là những biểu tượng tôn giáo của dân tộc Lạc. Nói cách khác, như các nhà khảo cổ đã tìm ra thì cột đồng cũng như trống đồng là tập tục của dân tộc Lạc.

Khi quân Trung Quốc chinh phục phương nam, họ đã tìm cách chiếm những biểu tượng thiêng liêng của tôn giáo người nam này thành ra của họ để củng cố sự thống trị của họ. Cột đồng trở thành biểu tượng của sự thống trị phương bắc.