Phút say hương |
Tác Giả: Quỳnh Giao /Người Việt | |||
Thứ Năm, 15 Tháng 4 Năm 2010 20:05 | |||
Có lần, người viết đang nói chuyện với bạn về nước hoa thì nhớ đến loài cây bụi có mùi hoa rất ngọt là “chèvrefeuille”, khuya về thường quyến rũ loại bướm đêm. Hỏi trong nhà thì chẳng ai biết tên Việt Nam là gì. Nếu đấy là cây “honeysuckle” thì có khi ta dễ hình dung ra cây đó là gì. Sau này mà tra cứu lại thì mới biết rằng “chèvrefeuille” là cây kim ngân... Giữa ba cái tên của cùng một loài hoa thơm, kim ngân chỉ cho ta cái sắc. Có khi là cái... “sắc” tay đầy vàng bạc, mà không có mùi hương. “Honeysuckle” thì cho ta cả hương và vị ngọt. Còn “chèvrefeuille” thì chẳng giúp mình cái gì hết. Dịch ra “lá dê” lại càng dẫn vào chốn sai lầm... Ngày xưa, có ông vua rất ham dật lạc, cung tần mỹ nữ có cả ngàn. Ông thường ngồi xe cho dê kéo, dê kéo tới chốn nào thì ngự nơi đó. Vì vậy mà các bà phi mới trải lá dâu ngoài ngõ để dụ con dê, hoặc là cái xe dê... Làm giống dê bị oan vì một tánh xấu của người! Qua đến xứ ta thì vì chuyện xổ đề mà con số 35 cũng bị oan luôn! Bây giờ mà dịch loài cây thơm ngọt ra “lá dê” thì cỏ cây cũng lại bị hàm oan... Các nhà làm nước hoa thì không phiền hà gì về chuyện có mặt đặt tên như thế. Họ tìm ra tinh chất, chế cất được dầu thơm, rồi kết hợp rất hài hòa với các hóa chất dưới một cái tên có ý hoàn toàn khác lạ. Như nhà Hermès có mùi “Eau d'Orange Verte” cho nam giới thì từ cái tên ta còn có thể đoán ra là mùi gì. Có lẽ thơm mùi cam chanh cho Mùa Hè mà các thiếu nữ mạnh khỏe ngổ ngáo có thể giành lấy cho mình. Chứ mùi “24, Faubourg” của các bà là gì thì khó ai đoán nổi nếu không thử ra một mùi vừa tinh khiết vừa nồng nàn. Khó đoán ra vì đấy là địa chỉ của Hermès tại Paris từ thế kỷ 19! Trong nhà, các cô em của Quỳnh Giao thường gọi bà chị là “cô chủ tiệm nước hoa”. Chẳng phải vì trong tủ có cả ngàn chai mà vì trời cho khứu giác rất tinh và có trí nhớ. Mùi hương của nước hoa nào thoáng ngửi một lần là nhớ. Nam giới mà như vậy thì có khi kiếm ra việc làm trong hãng rượu để say khướt! Chứ ở Việt Nam thì dù có cái mũi mẫn cảm cũng chỉ đánh đàn, đi hát và viết tạp ghi thôi! Khi nào la cà cửa tiệm nước hoa, Quỳnh Giao thường làm người bán hàng ngạc nhiên vì không những biết nhiều mùi hơn họ, mà biết tường tận mùi nào của hãng nào, ra đời từ năm nào. Có hôm Quỳnh Giao mua chai “Femme de Rochas”, cô bán hàng gật gù bảo rằng mùi này xưa lắm. Trầm ngâm rồi, khách mới trả lời: “Vâng, xưa lắm, vì mùi này ra đời năm 1944, là mùi đầu tiên của nhà Rochas đấy”. Cô bán hàng vốn là manager của cửa hiệu vội hỏi khách có thì giờ làm part time với cô không? ‘Ồ, cám ơn cô, nhưng tôi bận nghề khác. Chỉ nhờ cái mũi thính, nên tôi đâm ra mê và có vẻ sành nước hoa đấy thôi!’” Marcel Rochas để lại câu danh ngôn: “Phải ngửi thấy phụ nữ trước khi gặp nàng!” Nói là làm, ông ta làm nghề chế cất nước hoa là phải rồi! Mãi đến năm 1960, nhà Rochas mới có mùi “Madame Rochas”, mà các bà các cô ở Sàigòn vào thập niên 70 “mê” lắm. Cứ vào phòng trà, hay rạp ciné là đến cả chục bà dậy mùi này. Theo ý riêng thì mùi “Femme” trẻ hơn và tình tứ hơn mùi “Madame” dù chính Hélène Rochas, là bà Marcel Rochas, sáng chế ra mùi này. Nói đến nước hoa là nói đến nghệ thuật, và nghệ thuật thì đòi hỏi sự say mê. Mỗi người mê một loại. Quỳnh Giao có người bạn chỉ thích mùi muguet và nói rằng phải là nước hoa muguet sản xuất từ bên Ðức cơ! Nghe bạn nói vậy, Quỳnh Giao lại mách: “Ồ, vậy bạn phải qua Pháp chơi vào Tháng Năm!” Nơi đây, ngày một Tháng Năm thì họ tặng nhau chùm hoa muguet, và dĩ nhiên là có bán nước hoa muguet. Nếu ở bên Mỹ thì tạm dùng mùi muguet chế bởi nhà Guerlain, hay Molinard cũng được. Mùi hương tương tự thì có “Fleurissimo” là quà cưới của nhà Creed mừng nữ hoàng Grace de Monaco. Sau khi Grace Kelly qua đời, mùi này mới được tung ra thị trường. Có lẽ nước hoa của hãng Creed chỉ bầy bán ở Neiman Marcus thôi! Có lần ham rẻ mua trên net, mới thấy mình hớ! Vì tuy mùi thơm vẫn giống nhưng mau phai và rất nhạt! Tại sao thì... cái mũi này không biết! Ai làm marketing trong các hãng nước hoa thì xin mách cho. Bây giờ đang đầu Xuân, cỏ cây hoa lá đơm mầm nẩy lộc. Bôi một chút “Fleurissimo” vào gáy và vào thái dương ta cảm thấy cảnh thanh bình êm ả được Nguyễn Du tả trong Truyện Kiều: Ngày Xuân con én đưa thoi Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi Cỏ non xanh tận chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa... Nếu tuổi chừng hai mươi đến bốn mươi, hay đã năm, sáu chục xuân xanh nhưng hồn vẫn trẻ thì mùi Calèche của nhà Hermès là hợp cách! Cứ tưởng tượng như nàng George Sand ngồi bên Chopin, tài hoa ẻo lả trên đường trải đá sỏi dưới những tàng cây “noisiers” của đại lộ Champs Elysées. Calèche là cỗ xe ngựa bỏ mui thời “Belle Époque” mà cũng là dấu ấn của một hãng chuyên sản xuất yên cương, trước khi là một đại gia về xa xỉ phẩm. Nếu chàng có đưa ra bãi biển vầy sóng thì nên bôi lên trán mùi “Fidji” của nhà Guy Laroche. Fidji là tên một hải đảo ở South Pacific. Theo định nghĩa của các nhà chuyên môn về nước hoa, mùi này là “green tonality”, là thơm sạch sẽ, tinh khiết và gần với thiên niên. Ðừng chê là các bà rắc rối nếu thích bôi nước hoa ban ngày khác ban đêm! Thật vậy, mùi bôi vào ban khuya thì phải nồng nàn hương đêm, đậm hơn một chút, chứ không dùng mùi “green” được. Ðấy là nói về Mùa Xuân thôi, chứ Mùa Thu hay Mùa Ðông cũng còn phải khác nữa ạ! Ðêm Xuân dạo chơi, ngắm trăng hay ngồi sau vườn thì bôi một chút mùi “Diorissimo” của nhà Christian Dior vào lòng bàn tay và cánh tay. Người đi bên cạnh sẽ tưởng như đứng bên cụm nhài trắng về đêm, hay cây hoàng lan đại thụ của ngôi biệt thự ngày trước. Hay lại bâng khuâng nhớ đến cành thủy tiên ngày Tết! Nếu đi xem hát, hay đi nghe nhạc thì bôi lên gáy lên tóc một thoáng “Arpège” của nhà Lanvin. Mùi này sản xuất từ năm 1927, cho đến nay là mùi classic, không bao giờ thay đổi và vẫn là một biểu tượng của nữ tính duyên dáng và đằm thắm. Arpège lại là từ ngữ của âm nhạc và có nghĩa là một chuỗi âm thanh. Ngồi trong một thính đường tràn ngập thanh âm, Arpège làm cho người bên cạnh say cả thanh lẫn hương sắc... Không bàn gì đến mùi của các ông, người viết chắc chắn các ông sẽ đọc kỹ lắm! Vì còn tìm mua cho người kia mùi hương thanh quý, rồi nhẹ bôi lên gáy cho nàng. Chẳng là tình tứ lắm sao?
|