Home Đời Sống Tài Liệu Hội Thảo 'Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại' tại Washington D.C

Hội Thảo 'Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại' tại Washington D.C PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang (từ Washington D.C.)   
Chúa Nhật, 11 Tháng 4 Năm 2010 07:33
35 Năm Nhìn Lại: “Người thắng trận có quyền viết lịch sử theo ý họ, nhưng qua một thời gian thật lâu, thì lịch sử thật sự sẽ được phơi bầy.”
WASHINGTON D.C. - Sáng sớm ngày 9 tháng Tư, gần 200 người, trang phục chỉnh tề, tụ tập tại phòng họp lớn của Câu Lạc Bộ Hải Quân Hoa Kỳ, tọa lạc trên đường 17th Street Northwest, ngay trung tâm thủ đô.

Họ là những người Mỹ gốc Việt, sử gia, học giả, chính trị gia, giáo sư các trường quân sự, cựu quân nhân và sĩ quan các cấp, cựu đại sứ, cố vấn, của hai quốc gia Hoa Kỳ, và Việt Nam trước đây (VNCH).

Họ đến từ nhiều nơi, từ California, Canada, Florida, Texas... để tham dự cuộc hội thảo có tên: “Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại” (“Vietnam – a 35 Year Retrospective Conference”).


Toàn cảnh buổi hội thảo Việt Nam-35 Năm Nhìn Lại. (Hình: Hà Giang)


Họ đến để cùng nghe, cùng tìm hiểu và cùng nói lên sự thật về “Chiến Tranh Việt Nam,” cuộc chiến đã gây không biết bao nhiêu tranh cãi, và ngộ nhận trong suốt 35 năm qua.

Những ngộ nhận và những sự thật về cuộc chiến này là gì? Lý do nào thực sự khiến Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Hoa Kỳ thua trận?

Mở đầu buổi hội thảo, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Bùi Diễm, nói: “Người thắng trận có quyền viết lịch sử theo ý họ, nhưng qua một thời gian thật lâu, thì lịch sử thật sự sẽ được phơi bày.”

“Thời gian thật lâu,” là bao lâu? Ba mươi lăm năm có thể được xem là “đủ lâu?”


Cựu Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ trong cuộc hội thảo Việt Nam - 35 Năm Nhìn Lại: “Người thắng trận có quyền viết lịch sử theo ý họ, nhưng qua một thời gian thật lâu, thì lịch sử thật sự sẽ được phơi bầy.” (Hình: Hà Giang)

Tiến sĩ Stephen Randolph, cựu đại tá không quan Hoa Kỳ, hiện là phó khoa của Đại Học Không Quân Quốc Gia, tác giả cuốn sách có tên: “Powerful and Brutal Weapons: Nixon, Kissinger, and the Easter Offensive,” do Havard University Press xuất bản, cả quyết: “Năm 1972, trong một cuộc gặp gỡ tại Tòa Bạch Ốc, Henry Kissinger báo cho tổng thống Johnson biết là tình báo Hoa Kỳ khám phá rất nhiều xe vận tải chứa vũ khí tối tân tại miền Bắc Việt Nam, tiêu hủy những chiếc vận tải này là việc rất dễ, nhưng nếu chậm trễ để cho chỉ một chiếc xe vận tải này lọt vào Việt Nam thôi, thì Nam Việt Nam sẽ khốn đốn.”

Cũng theo lời tiến sĩ Stephen Randolph, thì Henry Kissinger nói rằng tổng thống Johnson lúc đó “băn khoăn, đi ra đi vào mãi” mà không quyết định được, lý do là vì Hoa Kỳ sắp hội thảo với Bắc Kinh trong vòng mười ngày nữa.

Cuối cùng, Tổng Thống Johson quyết định làm lơ với tin tình báo này.

“Tổng thống (Johnson) sợ là phá hủy vũ khí của Bắc Việt sẽ ảnh hưởng không tốt đến tương quan với Bắc Kinh.”


Tiến sĩ Stephen Randolph kết luận, rằng Việt Nam và Hoa Kỳ thua cuộc “là vì lý do chính sách,” và vì Hoa Kỳ lúc đó “has bigger fish to fry” (đang câu con cá lớn hơn).

Ngậm ngùi, ông nói: “Đây là nhận thức mà tôi biết rằng sẽ ám ảnh tôi cho đến suốt cuộc đời.”

Ngoài một vài tiếng thở dài, cả phòng họp dường như yên lặng sau lời tâm sự của ông.

Cuộc hội thảo hoàn toàn bằng Anh ngữ cũng đã dẫn cử tọa đi ngược thời gian, chứng kiến những trận đánh quan trọng của chiến tranh Việt Nam, qua lời kể của những nhân chứng sống, cũng như những tài liệu tham khảo, trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân, trận chiến An Lộc, kỳ công tái chiếm cổ thành Quảng Trị.

Bằng giọng kể vừa linh hoạt vừa đầy xúc cảm, Trung Tá (lieutenant colonel) biệt cách dù Nguyễn Văn Lân, lãnh đạo của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vẽ lên một cách sống động trận chiến An Lộc, mà tiến sĩ Jim Willbanks cho là “trận đánh quan trọng nhất trong chiến tranh Việt Nam.”

“Thời điểm 1972, Bắc Việt rất tin là họ sẽ chiếm được miền Nam, vì chính sách “Việt Nam Hóa” chiến tranh của Hoa Kỳ đã cho Bắc Việt nhiều lợi thế, cả về quân sự lẫn chính trị.”

“Binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã phải đơn phương chống cự với một đạo quân đông gấp bội, và hỏa lực ngày càng hùng hậu và tối tân do Nga và Tàu cung cấp.”

Trung Tá Nguyễn Văn Lân nói.

“Thế nhưng, lòng quả cảm của quân đội VNCH đã khiến chúng ta đẩy lui được quân Bắc Việt, dù phải chịu thiệt hại nặng nề.”

Chỉ lên tấm hình một nghĩa trang ngút ngàn thập tự giá, Trung Tá Nguyễn Văn Lân chia sẻ: “Không gì đau lòng hơn cảnh nhìn các binh sĩ của mình tìm cách chôn cất đồng đội, trong khi chính bản thân họ cũng đang cận kề cái chết.”

Rồi ông đọc một câu thơ do một phụ nữ trong vùng làm tặng các chiến sĩ bỏ mình vì thương cảm trước hoàn cảnh bi đát của họ:

“An Lộc địa sử ghi chiến tích
Biệt Kích Dù… vị quốc vong thân…”

Cử tọa xúc động khi ông nghẹn lời, run giọng, không đọc rõ nổi bốn chữ “Vị Quốc Vong Thân.”

“Đã đến lúc phải trả lại sự thật cho lịch sử. Chúng ta phải cho các thế hệ con cháu biết là cha ông chúng đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đất nước, để họ không bao giờ phải hỏi tại sao chúng ta đã thua trận. Chúng ta không thể để cho những người đã nằm xuống phải tức tưởi.”

Ông kết luận.

Nếu lòng quả cảm, ý chí bảo vệ bờ cõi đến giọt máu cuối cùng, và sự hy sinh anh dũng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, bên cạnh đồng minh Hoa Kỳ được làm sáng tỏ, thì mặt khác, cử tọa cũng được các diễn giả cho thấy rõ quyết tâm tiến chiếm Miền Nam của quân đội miền Bắc, bên cạnh sự hỗ trợ ngày càng cao của hai nước Nga Sô và Trung Quốc.

Giáo sư kiêm học giả Nguyễn Ngọc Bích trình bày cuộc thảm sát, rằng Bắc Việt “chối bỏ cáo buộc là chính họ ra lệnh cho cuộc tổng tấn công và thảm sát,” và “đổ tội cho những hành động riêng lẻ của cấp dưới.”
Ông cũng nói đến vai trò của giới truyền thông trong việc tạo nên những ngộ nhận về cuộc chiến, qua biến cố Mậu Thân, “cuối cùng dẫn đến quyết định bỏ rơi Việt Nam của Tổng Thống Johnson.”

Trong một buổi hội thảo có mặt của biết bao nhân vật có tầm cỡ của cả hai chính quyền, sự có mặt và phần trình bày của thứ trưởng John Negroponte được nhiều người chú ý nhất, và ông cũng là người được nhiều người và các cơ quan truyền thông đặt câu hỏi “hóc búa” nhất.

Trả lời câu hỏi của phóng viên nhật báo Người Việt, rằng ông nghĩ gì về nhận định cho rằng việc Mỹ bỏ rơi đồng minh đã dẫn đến việc thua trận của họ và miền Nam Việt Nam, ông trả lời: “Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam từ năm 1950 cho đến năm 1975, khi đã hỗ trợ nhau một thời gian dài như thế thì không thể gọi là bỏ rơi được. Chỉ là vấn đề lúc đó Tổng Thống Johnson đã quá kiệt sức, không “deal” nổi với cuộc chiến đó nữa.”

“Nên nhớ là sau đó Johnson quyết định không tái ứng cử nữa. Ông đã quá mệt mỏi!”

Cuộc hội thảo có sự góp mặt của một danh sách hùng hậu nhiều diễn giả có tầm vóc, và các nhân chứng sống của cuộc chiến như: Sử Gia Dale Andrade (Trung Tâm Lịch Sử Quân Đội Hoa Kỳ, người đã viết ba cuốn sách về cuộc chiến Việt Nam: “Ashes to Ashes: The Phoenix Program and the Vietnam War”, “Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam”, and “America’s Last Vietname Battle: Halting Hanoi’s 1972 Easter Offensive”), Tiến sĩ John Carland (Trung Tâm Lịch Sử Quân Đội Hoa Kỳ, và là một chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam), ông Hoàng Đức Nhã (cựu Bộ trưởng bộ Thông Tin VNCH), Đại Tá Cảnh Sát Trần Minh Công, Đại Tá Hoàng Ngọc Lung...

Nhiều người tham dự ra về trong tiếc rẻ, vì khó có thể tóm tắt quá nhiều sự kiện quan trọng của một cuộc chiến đã làm thay đổi bàn cờ thế giới trong vòng một ngày, nhưng ai cũng đồng ý, đây là bước đầu trong việc trả sự thật cho lịch sử, và danh dự cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh, cũng như ghi ơn những người đã nằm xuống.