Hoa trà mi |
Tác Giả: Dipl.-Biol. Nguyễn Thị Hoàng | |||
Thứ Ba, 06 Tháng 4 Năm 2010 15:02 | |||
Từ ngày xưa trà là món giải khát quốc hồn quốc túy của người Á châu, hiện nay lan rộng ra khắp nơi trên thế giới. Nhưng mỗi khi thưởng thức tách trà thơm nóng, ít người trong chúng ta liên tưởng đến một giống hoa có họ hàng thân thiết với trà uống (Camellia sinensis), đó là trà kiễng như hoa trà mi (Camellia japonica) „…tuy rằng khác giống, nhưng chung gia đình“. Camellia japonica Tricolor Rot (http://www.pictokon.net) Xuất xứ của cây hoa trà ở vùng Đông Á, từ Nepal, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhựt Bổn cho đến Việt Nam. Đa số cây mọc ở vùng ven biển và rừng núi, nơi có lớp đất mùn (Humus) mầu mỡ không đọng nước, nhiệt độ ít thay đổi và độ ẩm không khí cao. Đến ngày nay hơn 250 giống (Arten) được ghi nhận và người ta hy vọng với thời gian còn có thể tìm thấy thêm nhiều giống mới nữa. Lá trà mi đa số dày, có hình xoan dài, độ lớn vừa phải, và vành lá có khía răng cưa nhỏ, đặc biệt lá xanh mướt quanh năm thật đẹp. Về phần mầu sắc, hoa có màu trắng, hồng lợt, hồng, đỏ hồng, đỏ cam, đỏ tươi, đỏ đậm và vàng lợt, và đôi khi không phải chỉ một màu trên cánh hoa mà còn có thêm màu khác, lốm đốm, sọc dài, viền bìa cánh hoa. Trà mi được mang danh "người đẹp Viễn đông“ nhưng có khuyết điểm là không có hương thơm, mặc dầu những thành tố tạo mùi hương (= dầu hoa/ Ätherische Öle) vẫn được tìm thấy ở cánh hoa trà mi. Đây là một điều bí ẩn khó hiểu! Tuy nhiên về sau người ta tìm ra một vài giống hoa trà kiễng hoang dại có mùi thơm như cây trà Camellia lutchuensis với mùi thơm thật nồng, được dùng để lai giống tạo các loại trà mi thơm. Sự lai giống tạo ra hoa trà mi thơm không phải dễ, kéo dài ít nhất 5 năm hay lâu hơn nữa. Kết quả đạt được đầu tiên là ở Mỹ, nhưng sự thành công lớn trong vấn đề này ở Tân Tây Lan (New Zealand). Theo tài liệu Danh Sách Quốc tế Hoa trà (International Camellia Register) hiện nay có hơn 30000 loại trà kiễng được ghi nhận và riêng hoa trà mi (Camellia japonica) chiếm hết 20000. Cũng nên nói thêm, các hoa rất giống nhau nên cả đến chuyên gia cũng bị khó khăn trong sự phân biệt các giống và với sự phát triển của việc lai giống, càng ngày càng có thêm nhiều loại hoa mới được tạo lập. Ở điểm này người ta không thể quên việc tạo giống lai Hybrid (=phối hợp/lai giống từ hai loại thuần chủng) thành công lần đầu tiên vào năm 1930 ở Anh do ông J. C. Williams. Như chúng ta đều biết trà mi xuất xứ từ Đông Á nhưng khi nào sang đến Âu Châu thật ra cũng không được xác định rõ. Người ta chỉ phỏng đoán rằng có thể trước đây hơn 300 năm những nhà hàng hải Bồ Đào Nha đã mang trà mi về xứ từ Macao, thành phố thuộc địa của Bồ Đào Nha ngày xưa. Theo một giả thuyết khác, vào thời xa xưa ấy người Trung Hoa độc quyền về việc buôn bán trà và giá trà rất đắt đỏ. Các thương gia Anh muốn phá vỡ sự độc quyền này và muốn trồng trà tại xứ mình để làm trà thành thức uống quốc hồn quốc túy. Với ý định thực hiện việc này người Anh mua chuộc người Trung Hoa để mua những cây trà uống Camellia sinensis, nhưng không biết vì ngôn ngữ bất đồng hay vì muốn bảo vệ sự độc quyền về trà, nên thay vì bán cho người Anh cây trà Camellia sinensis, họ lại giao cây trà mi Camellia japonica. Camellia japonica Alba Plena (http://www.pictokon.net) Vào năm 1739 hoa trà mi có tràng hoa đơn giản màu đỏ của ông Lord Petre ở Thornton Hall (Essex/Anh quốc), đã nở hoa lần đầu tiên, sau đó lan dần qua các nước khác. Năm 1786 trà mi có mặt ở Ý nhờ đại sứ Anh Sir James Hamilton đã tặng triều đình Neapel. Ở Pháp người ta phỏng đoán, Nữ Đại Đế (Kaiserin) Josephine đã được Hoàng Hậu Ý tặng hoa này. Bà Josephine rất ái mộ hoa trà mi và về sau cho trồng thêm nhiều loại trà mi khác ở lâu đài của bà tại Malmaison. Từ Mailmaison trà mi được mang sang Đức do Jacob Friedrich Seidel, con của người lo chăm sóc vườn vua ở Dresden. Ở Bỉ trà mi là hoa yêu thích của vua Leopolp I. Riêng ở Bồ Đào Nha, nhờ khí hậu thích hợp, trà mi được trồng cả ngoài trời và có những cây thật cổ. Sự ái mộ trà mi không những ở Âu Châu mà còn lan tràn qua các quốc gia khác. Trà mi có mặt ở Mỹ lần đầu tiên năm 1800, ở Úc 1826 và Tân Tây Lan khoảng 1883. Ngoài hoa trà mi với tràng hoa đơn giản, ở Âu Châu vào năm1792 người ta có thêm hoa trà mi với tràng đa hợp "Alba Plena“ màu trắng và "Variegata“ màu hường đậm với những lằn trắng hay đốm trắng trên cánh hoa. Ở Nhật Bản sự ái mộ trà mi lên đến tột đỉnh vào năm 1700 và ở các quốc gia khác trên thế giới bắt đầu từ thế kỷ 19. Ngoài ra vì trà mi nở rất đẹp vào mùa đông, điều mà thời ấy không có loại hoa nào mang đặc tính này, đã khiến giá trị của trà mi thêm cao. Thời đó hoa trà mi là một loại hoa thời trang quý giá, là hoa của giới thượng lưu và quý tộc luôn luôn có mặt để trang điểm cho những dạ hội và vườn hoa của vua chúa, và nam thanh nữ tú đều thích cài đóa trà mi trên áo để tạo thêm vẻ thanh lịch. Cũng nên nhắc lại những cây trà mi đầu tiên đem từ Trung Hoa sang Âu Châu, được xem như của lạ quý giá và được trồng trong nhà kiếng. Nhưng hoa nào cũng có một thời, kể từ năm 1890 sự ái mộ dành cho trà mi giảm xuống lần và bị Azaleen thay thế. Ngoài ra cũng có giả thuyết cho rằng hoa này bị mất giá vì tác phẩm "Die Kameliendame/Trà Hoa Nữ“, một loại hoa của hạng người kỹ nữ không được đánh giá cao. Nhưng nguyên nhân chánh chính là sự xuống dốc của giới quý tộc. Nhu cầu trồng trà mi do đó không còn nhiều nữa và các nhà kiếng nuôi cây bị hư dần. Tuy nhiên trong sự bất lợi ấy cũng có cái lợi, người ta tình cờ phát hiện có vài trà mi vẫn sống sót qua mùa đông dù không được giữ trong nhà kiếng. Sự kiện này cho thấy trà mi có thể trồng được ngoài trời và chịu đựng nhiệt độ đến -20°C, nếu được che chở tránh băng giá. Ngoài điểm này, về sau người ta còn tạo thêm được nhiều loại trà mi cũng như tìm được những giống trà kiễng hoang dại mới. Bắt đầu từ năm 1940 sự ái mộ trà mi dần dần sống lại, và trà mi được trồng nhiều ở những nơi khí hậu thích hợp như miền Nam nước Anh nhất là ở Cornwall, ở Californien (Mỹ), Úc Châu và Tân Tây Lan. Riêng ở Đức từ vài năm nay nhờ sự hoạt động của Hội Hoa Trà (Deutsche Kamelien-gesellschaft) nên hoa này được chú ý trở lại. Ngày nay mục tiêu chính của những chuyên gia lai giống hoa là cố gắng tạo ra những hoa có dạng đặc biệt, lớn, nhiều màu sắc, có mùi thơm và chịu đựng được lạnh. Camellia japonica Chandlers Elegans Trong vấn đề trồng trọt người ta có thể trồng trà mi từ hạt giống hay ghim nhánh. Nếu trồng hạt giống của trà mi hoang dại (Wildform) cây sẽ cho những hoa với tràng hoa đơn giản, còn từ hạt giống của những cây đã lai giống thì hoa có nhiều hình dạng. Một đặc điểm của trà mi là sự sậu biến (Mutation) dễ xảy ra, có nghĩa là trên cành cây, ở nơi nào đó, đôi khi có sự biến thái về dạng lá, màu sắc và hình dáng của hoa. Về việc trồng trà mi trong chậu, nên để ý đến những điểm sau đây: Thời điểm thích hợp để trồng cây vào tháng 4 đến tháng 7. Trong tác phẩm chuyện Kiều của Nguyễn Du không ai không biết câu thơ diễn tả số kiếp hồng nhan bạc phận của nàng Kiều khi lọt vào tay sở khanh Mã Giám Sinh Còn ở Âu châu hoa trà mi được đề cập qua nhiều tác phẩm như “Der Nachsommer“ của Adalbert Stifter, trong tập thơ của bà Annette von Droste-Hülshoff, “Frühlingsfluten“ và “Rauch“ của Turgenjew, trong “Effi Briest“ của Fontane, “Der Meister und Margarita“ của Bulgakow, và đặc biệt nhất là tác phẩm văn chương nổi tiếng thế giới “Die Kameliendame/ Trà Hoa Nữ“ của Alexandre Dumas con (fils) kể chuyện tình trắc trở đau thương giữa nàng kỹ nữ đắt giá, rất đẹp, yêu hoa trà mi Marguerite Gautier và Armand Duval. Về phương diện hội họa người ta thấy nhiều bức tranh trà mi do họa sĩ nổi tiếng Medouté thực hiện cho bà Josephine. Ngoài ra những mẫu hình hoa trà mi còn dùng trang điểm trên các đồ sứ quý. Ở Nhật trà mi có giá trị cao liên hệ trong nghi lễ triều đình vua và ngoài ra còn đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật uống trà. Đối với người hiệp sĩ Samurai Nhật cánh hoa trà mi đỏ rơi rụng tượng trưng cho sự chết và sự phù du của cuộc đời. Đặc biệt người Nhật thích hoa với tràng hoa đơn giản vì đối với họ dạng hoa này tiêu biểu cho tình bạn, sự thanh lịch và hòa hợp. Ngược lại người Trung Hoa cho dạng hoa này là thô tục vì bộ nhị đực để lộ ra ngoài, không được che kín.
|