Home Đời Sống Tài Liệu Con cua dừa ở Vanuatu

Con cua dừa ở Vanuatu PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Ba, 30 Tháng 3 Năm 2010 12:52

Người Việt thời đó gọi Vanuatu là Tân Thế giới vì thực dân Pháp thường mộ phu chân đăng ở Đông Dương để đi khai phá và canh tác đồn điền ...

 

Vanuatu 

Vanuatu, tên chính thức Cộng hòa Vanuatu, là quốc gia gồm nhóm quần đảo vùng Melanesia, tây nam Thái Bình Dương. Quần đảo này nằm phía đông Úc cách 1.750 km, phía đông bắc Nouvelle-Calé donie cách 500 km, phía tây Fiji, và phía nam quần đảo Solomon..

Trước năm 1980, Vanuatu có tên là New Hebrides thuộc sự đồng trị của cả hai nước Anh và Pháp. Người Việt thời đó gọi Vanuatu là Tân Thế giới vì thực dân Pháp thường mộ phu chân đăng ở Đông Dương để đi khai phá và canh tác đồn điền ở đó.

Đầu thế kỷ 20, người Pháp thực dân tuyển mộ người Việt Nam sang làm phu mỏ kền và phu đồn điền cao su ở Tân Đảo (New Caledonia – Nouvelle Calédonie) và Tân Thế Giới (New Hebrides).  Những phu mỏ và phu đồn điền thời đó xuất phát từ miền Bắc, được gọi là người chân đăng (phát xuất từ  tiếng Pháp “d’engager”). Đến  Đệ Nhị Thế Chiến, số người Việt ở hai nơi này lên tới  khoảng 12,000 người. Dân số người Việt ở hai nơi này hiện nay khoảng 3,500 người trong đó có khoảng 150 người sống ở nước Vanuatu.

Lịch sử
Theo chứng tích khảo cổ thì con người có mặt trên đảo Vanuatu từ khoảng 1300 năm trước Công nguyên. Năm 1606 người Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của Luis Váez de Torres và Pedro Fernández de Quirós đến đảo thám hiểm và cho rằng Vanuatu là một phần của lục địa châu Úc. Mãi đến thế kỷ 18 sau chuyến hải hành thứ hai của nhà thám hiểm người Anh James Cook và đảo được đặt tên "New Hebrides" người châu Âu mới đến định cư vùng đảo.

Trong thời gian ngắn ngủi sau năm 1879, đảo Efate thành lập thể chế cộng hòa dưới tên " Franceville " với đặc điểm là quốc gia độc lập đầu tiên với quyền đầu phiếu phổ thông không phân biệt sắc tộc hay giới tính. Tuy nhiên riêng người da trắng được nhậm chức. Năm 1887 đảo được đặt dưới quyền cai trị quân đội của hai nước Anh và Pháp. Gần 20 năm sau, năm 1906 thể chế Anh-Pháp đồng trị chính thức điều hành rồi giải thể năm 1980 khi Vanuatu độc lập.

Đa số những hải đảo là núi non, địa chất phún thạch của những ngọn núi lửa xưa với khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Vũ lượng tại Vanuatu tính trung bình là 2.360 mm nhưng có năm lên đến 4.000 mm ở những đảo miền bắc.

Có vài ngọn núi lửa còn hoạt động tại Vanuatu như ngọn Lopevi. Thiên tai địa chấn và núi lửa thường đe dọa quần đảo. Ngọn núi cao nhất Vanuatu là đỉnh Tabwemasana, đo được 1879 m trên đảo Espiritu Santo .

Thành phố lớn nhất là thủ đô Port Vila trên đảo Efate. Thị trấn thứ nhì là Luganville trên đảo Espiritu Santo.Vanuatu được công nhận là vùng địa sinh thái đặc biệt (distinct terrestial ecoregion) thuộc phân khu sinh thái (ecozone) Australasia.

Chính trị
Vanuatu là một nước dân chủ nghị viện. Đứng đầu là Tổng thống với nhiệm kỳ năm năm nắm vai trò lễ nghi. Cử tri đoàn gồm các đại biểu quốc hội và tổng thống tỉnh bang bỏ phiếu bầu tổng thống toàn quốc. Thủ tướng điều hành chính phủ thì do Quốc hội bầu nếu đạt được hơn nửa số phiếu của ¾ đại biểu. Thủ tướng có nhiệm vụ lập nội các, tức hội đồng bộ trưởng để điều hành ngành hành pháp Vanuatu. Quốc hội Vanuatu là viện lập pháp đơn viện (unicameral) với 52 đại biểu nhiệm kỳ bốn năm do cử tri trực tiếp bầu ra. Quốc hội có thể tự giải tán hay do lệnh Tổng thống với sự cố vấn của Thủ tướng. Song song với Quốc hội là Hội đồng tộc trưởng Malvatu Mauri để cố vấn chính phủ trong những lãnh vực văn hóa và ngôn ngữ Vanuatu.
 
Cua dừa Vanuatu
Trong chuyến đi đến đảo quốc Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương, những cư dân bản địa giới thiệu cho tôi một đặc sản kỳ lạ, trông như con quái vật, với đầu tôm, càng cua, mai rùa, bụng nhện... ấy là vẻ ngoài của con cua dừa - một trong những loài cua lớn nhất thế giới tồn tại trên trái đất - đang sinh sống tại các hòn đảo ngoài khơi Nam Thái Bình Dương.  

Cua dừa là món đặc sản dùng đãi khách quý

Trọng lượng tối đa 4kg, chiều dài lên đến 40cm, tuổi thọ từ 30 - 60 năm, cua dừa có mười chân, là một sinh vật kỳ quái, dữ dằn của các rừng dừa ở các đảo quốc như Vanuatu, Fiji, Solomon... Xoay quanh cua dừa là những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn từ cách cua leo dừa, hái dừa, bổ dừa, ăn dừa...

Sát thủ dừa
Càng cua dừa to khoẻ như gọng kìm - có thể nhấc bổng trọng lượng nặng đến 29kg - dùng lột vỏ dừa. Hai cặp chân kế của cua dừa có chiều dài hơn hẳn trong số các chân cua dừa, và cực khoẻ, giúp cua dừa leo được lên những thân dừa thẳng đứng. Cặp chân thứ tư nhỏ hơn, có hàm để cua dừa gắp các cùi dừa ăn, cặp chân này cũng dùng đi lại và leo trèo. Cặp chân cuối cùng rất nhỏ, nằm ở gần bụng, dùng làm sạch những lỗ thở ở phần bụng cua dừa.

Cua dừa có những kỹ thuật tách vỏ dừa độc đáo, trái dừa bị bao bọc bởi vỏ khô, cua dừa sẽ dùng càng khoẻ của mình để tách lớp xơ dừa, bắt đầu từ phần cuống dừa có ba lỗ nhỏ nơi dừa mọc mầm, cua dừa sẽ dùng càng gõ mạnh liên tục vào các lỗ này cho đến khi quả dừa khô bể hoặc lủng sâu vào phần cơm dừa, cua dừa lật ngược trái dừa lại, dùng hai chân sau nhỏ và nhọn chọc sâu vào phần cơm dừa, lôi cơm dừa ra đánh chén. Nhiều cua dừa lớn có thể dùng càng đập bể vỏ dừa khô thành từng mảnh.

Có những con cua dừa rất khôn, sau khi tách dừa khô ra khỏi vỏ đập hoài không bể, cua cặp trái dừa leo lên cây cao thả xuống cho trái dừa bể ra để ăn cơm dừa, gặp khi dừa chưa kịp rụng, cua trèo lên cây dừa cao trên 20m, hái dừa thả xuống đất rồi bò xuống tách dừa để ăn. Cua dừa thường trèo lên cây hái dừa và trái cây, hoặc để tránh nóng và tránh các loài thú ăn thịt khác.
Kẻ sợ nước và không biết bơi

Một cặp cua dừa vừa được săn bắt

Cua dừa sống trên cạn, ở các hang hốc gần bờ biển, và không biết bơi, có thể bị chết chìm trong nước. Chiếc mũi là một cơ quan cực kỳ quan trọng giúp cua dừa đánh hơi, phân tích mùi tìm hướng đến các quả dừa sâu trong đất liền. Mùa kết bạn của cua dừa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, cao điểm nhất là từ tháng 7 đến tháng 8, cua đực và cua cái đánh nhau dữ dội cho đến khi cua đực trườn lên lưng cua cái và tiến hành giao phối, thời gian giao phối dài 15 phút.. Sau đó cua cái đẻ trứng, ôm trứng dưới bụng bằng một loại keo kết dính do cua cái tiết ra, thường đến tháng 10 - 11, cua cái tìm đến biển vào ban đêm, lợi dụng những con sóng thuỷ triều cao, gần như các cua cái sống trong khu vực đều tiến hành việc thả trứng vào đại dương cùng lúc.

Trứng cua dừa lênh đênh trên sóng nước 28 ngày, rất nhiều trong số đó bị các loài cá và giáp xác khác ăn thịt, sau đó ấu trùng cua sống dưới đáy biển ven bờ trong một vỏ bọc bảo vệ như vỏ sò suốt 28 ngày kế tiếp. Trong thời gian này, cua dừa hay ngoi lên bờ sống, sau đó lột xác và phát triển. Thêm 28 ngày nữa, cua dừa thường xuyên lên bờ hơn, và quên luôn khả năng thở trong nước. Cua dừa thực sự trưởng thành từ 4 - 8 năm tuổi. 
Kẻ thù của cua dừa

Cua dừa trong tự nhiên

Thức ăn chính của cua dừa là cơm dừa, trái cây, lá, rễ cây, kể cả vỏ sò, xác chết động vật, ăn các loài động vật sống chậm chạp, không có nhiều khả năng trốn chạy như rùa biển. Chúng cũng có kinh nghiệm bắt được cả loài chuột để ăn thịt. Thông thường cua dừa giành thức ăn lẫn nhau, và kéo lương thực cướp được về hang của mình để thưởng thức một cách an toàn.

Cua dừa sống khá kín đáo, thường ẩn mình trong các hang đá ban ngày để tránh kẻ thù và tránh thoát hơi nước, đêm đến mới ra khỏi hang kiếm ăn.

Với thể xác to lớn, cặp càng khoẻ như gọng kìm, cua dừa trưởng thành gần như không có những kẻ thù từ môi trường tự nhiên, trừ con người. Thịt cua dừa cực kỳ ngon, ở phần "bụng nhện" là lớp mỡ tích tụ từ chất béo của dừa, khi hấp lên trở thành một khối dẻo màu cacao, dùng chấm bánh mì ăn béo ngậy như phômai.

Phần thịt cua chắc nịch, ngọt đậm, chế biến kiểu gì ăn cũng ngon. Một con cua dừa đạt trọng lượng 2kg thường mất đến 20 năm, trong khi đó cua dừa lại có thị giác rất kém, vì vậy rất dễ bị con người săn bắt.