Ý Nghĩa Biểu Hiệu Của Thế Vận Hội Mùa Đông Kỳ XXI Tại Vancouver, Canada |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Quang | |||
Thứ Bảy, 13 Tháng 3 Năm 2010 17:45 | |||
Biểu hiệu của Thế Vận Hội Mùa Đông kỳ XXI tại Vancouver, Canada, năm nay từ ngầy 14 tháng 2 đến 28 tháng 2 là hình người lấy từ biểu tượng của thổ dân Inuit sống nhiều ở vùng Tây Bắc Canada và Bắc Cực gọi là Ilanaaq hay Inukshuk. Biểu hiệu này được thiết kế bởi nữ nghệ sĩ Elena Rivera MacGregor ở Vancouver. The 2010 Winter Olympics logo, named Ilanaaq the Inukshuk (hình trong Wikipedia, Inuksuk) Biểu hiệu này dĩ nhiên hiện nay được giải thích theo ý nghĩa của các người Inuit hiện nay đã mất truyền thống của tổ tiên họ cổ thời. Người Inuit vốn có nguồn cội từ Á châu đi qua eo biển Bering đến châu Mỹ và đây cũng là sự giải thích theo cái nhìn của người da trắng Canada gốc Âu Châu. Ta phải tìm hiểu ý nghĩa nguồn cội đích thực của biểu hiệu này dựa vào nền tảng văn hóa cổ Á châu, chính xác hơn là vùng Đông Nam Á, địa bàn của Đại Tộc Việt, nơi người Inuit cổ đã từng sống. Trước hết ta hãy duyệt qua những sự giải thích hiện nay của biểu hiệu này. Từ Inuksuk ngày nay được giải thích là “Things that can act in the place of human being” (Những vật thể có thể hành động thay thế con người”). Vì thế mà người Inuit hiện nay hiểu Inuksuk theo nghĩa duy tục có mục đích phục vụ cho những sinh hoạt và đời sống của người Inuit. Những Inuksuk này hiện nay được cho là những dấu mốc bằng đá hay caim dùng bởi các tộc người Inuit, Inupiat, Kalaallit, Yupik và các tộc khác ở vùng Bắc Cực (Canadian Artic, Alaska, Greenland) như một dấu mốc, trụ mốc dùng hướng dẫn khi di chuyển bằng thuyền, đi săn bắn hoặc chỉ nơi dấu cất thực phẩm và thêm vào đó các nghĩa suy diễn tân kỳ bóng bẩy như biểu tượng cho lãnh đạo, hợp tác, hữu nghị. Vì thế mà biểu hiệu lấy gốc từ Inuksuk của Thế Vận Mùa Đông Vancouver kỳ này được gọi tên là Ilanaaq có nghĩa là “bạn” trong ngôn ngữ của người Inuit Inuktitut. Tác giả Rivera MacGregor khi nộp đề án dự thi vể biểu hiệu cho Thế Vận Mùa Đông Vancouver kỳ XXI này còn cho thêm ý nghĩa mới là mang biểu tượng cho văn hóa, môi trường và con người Canada. Tuy nhiên trong tài liệu giải thích về Inuksuk kèm theo khi tôi mua kỷ vật Inuksuk ở vùng Rocky Mountains, Canada thì Inuksuk cũng còn có những ý nghĩa sâu sa hơn về văn hóa, tín ngưỡng mhư Inuksuit cũng có thể sử dụng để chỉ những chỗ thiêng liêng (sacred places), cõi chết (place of death), nơi có sự tái sinh (a place where life is renewed), nơi thần linh ở (a place where spirits reside) (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á)… Tại Mũi Enukso trên đảo Baffin có trên 100 inuksuit và vùng này được chỉ định là một trong những địa điểm di tích lịch sử quốc gia của Canada. Hình Inuksuk trên lá cờ của tộc Nunavut (hình trong Wikipedia, Inuksuk). Ngày 13 tháng 7 năm 2005, quân đội Canada dựng một Inuksuk, cắm cờ và đặt một tấm bảng hiệu Canada tại đảo Hans, nơi có sự tranh chấp chủ quyền với Denmark. Và dĩ nhiên Inuksuk phải có mặt trong dịp Thế Vận Thể Thao Mùa Đông Kỳ XXI này. Một biểu tượng Inuksuk được dựng lên tại Núi Whistler, nơi có những cuộc tranh tài xẩy ra. Ngày nay theo yêu cầu của các tộc này từ Eskimo không còn dùng nữa. Inuit là gì? Inuit có nghĩa là Người. Như thế hiển nhiên Inuksuk với nghĩa là Dạng Người, Giống Người, Hình Nhân thì Inuksuk ruột thịt với Inuit. Inuksuk phải là biểu tượng mang ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng, vũ trụ quan chính yếu của Người Inuit, còn những ý nghĩa là dấu mốc chỉ nơi săn bằn, cất dấu thực phẩm chỉ là những ý nghĩa đã rất muộn theo duy tục. Như đã nói ở trên, Inuksuk vốn còn có những ý nghĩa sâu sa hơn về văn hóa, tín ngưỡng như dùng để chỉ những chỗ thiêng liêng (sacred places), cõi chết (place of death), nơi có sự tái sinh (a place where life is renewed), nơi thần linh ở (a place where spirits reside)… như thế ta phải chú tâm vào những ý nghĩa này để truy tìm ý nghĩa nguyên thủy của Inuksuk. Với nghĩa tự gọi mình là Người, Inuit liên hệ với các tộc thổ dân Mỹ chầu từ châu Á qua có tên gọi mình có nghĩa là người như người Navajo còn gọi là Dine có nghĩa là người. Hiển nhiên Inuit cũng có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á đi lên eo biển Bering qua miền Bắc Cực Mỹ châu. Như thế họ liên hệ với cổ Việt. Chúng ta là Man, Mán, Mường cũng có nghĩa là Người. Như vậy Inuit-Người có văn hóa cổ liên hệ với Việt cổ Man-Mán-Mường- Người. Có nhiều chứng tích cho thấy rõ Inuit có sự liên hệ với người Đông Sơn là họ cũng có lối vẽ theo cái nhìn quang tuyến (Xray-painting) (cũng giống như Xray-painting của thổ dân Úc châu) ví dụ như vẽ người thấy cả xương cốt, lối vẽ này giống hệt lối vẽ Xray painting trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Điểm này giải thích tại sao trống đồng cũng được tìm thấy ở vùng của người Eskimo, Inuit (Diệu Tần, Sơ Lược Về Ngôn Ngữ, tác giả xuất bản, San José, 2000, tr.116). Trong Tiếng Việt Huyền Diệu tôi đã so sánh một số từ Eskimo Inuit tương đồng với Việt ngữ. Như thế Inuksuk phải có những ý nghĩa liên hệ với văn hóa của đại tộc Đông Sơn, còn ghi khắc lại trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn tức liên hệ với Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo dựa trên lưỡng hợp, nòng nọc, âm dương. Trong Vũ Trụ Tạo Sinh khối đá mang một hình ảnh trụ chống trời, Núi Trụ Thế Gian, Cõi Giữa Đất Thế Gian, Cõi Nhân Sinh, Cõi Người. Trụ Đá biểu tượng cho Đất thế gian thấy rõ qua chữ Hán cổ Thổ (đất) còn ghi khắc trên giáp cốt vẽ hình trụ đá trên mặt đất (xem Học Tiếng và Chữ Trung Hoa Bằng Tiếng Việt). Về sau chữ Thổ trụ thạch này viết thành hình trụ nọc có đế bằng trong chữ viết nòng nọc vòng tròn-que. Inuksuk trụ đá nguyên sơ này cũng thấy rõ qua truyền thuyết ông Bàn Cổ của Đại Tộc Việt. Cổ có nghĩa là Cây, Cột và bàn là bằng, Bàn Cổ là ông Trụ Đá đứng trên đế là một mặt đá bằng rất vững (vững như bàn thạch) nên là Trụ Chống Trời (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Ông Bàn Cổ có một hình bóng của một đại thạch bi giống như hình chữ thổ nguyên sơ dưới dạng chữ viết nòng nọc vòng tròn-que ở trên. Bàn Cổ là ông Trụ Chống Trời sinh ra con Người. Ông Bàn Cổ Trụ Chống Trời, Thần Tổ Loài người mang cùng hình ảnh trụ đá dựng đứng Inuksuk nguyên sơ. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, ta có núi Kì tức Núi Trụ Chống Trời. Kì biến âm với Kè (loại cây có thân thằng như cây cột, cây trụ không có cành nhành, Anh ngữ palm)... Núi Kì là núi Trụ Thế Gian. Chúng ta có Kì Dương Vương là vua Mặt Trời Trụ Thế Gian, vua đầu tiên của Đại Tộc Việt, Thần Tổ của loài người. Kì biến âm với Kẻ cũng có nghĩa là Người. Kì Dương Vương là thần tổ loài Người, rõ hơn là thần tổ của các tộc có nghĩa là người như Man Mán Mường, Inuit, Ainu, Dine... Như thế rõ như ban ngày Inuksuk Trụ Thạch nguyên sơ ruột thịt với Inuksuk-Dạng Người hình Cây Tam Thế. Tôi gọi là “người-cây vũ trụ” hay người vũ trụ. Điều này thấy rõ qua truyền thuyết cổ Việt-Mường là Dạ Dần, Mẹ Người (Dạ là mẹ, Dần biến âm với dân, nhân là người) là Mẹ tổ của Mường Việt nói riêng và nói chung là của cả loài người do cây si sinh ra. Cây si thuộc họ cây đa, biểu tượng cho Cây Vũ Trụ, Cây Đời (người Thái ở Nghệ An có cây đa là Cây Vũ Trụ) (xem Cây Đa Rụng Lá Sân Đình trong Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt). Ta cũng thấy theo biến âm s= c= k, si= ki, kì, kẻ, cây. Cây si có nghĩa là “cây”, tức cây si là cây thần tổ của tất cả loài cây nên đẻ ra thần tổ loài người (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Người liên hệ với Cây (Vũ Trụ) cũng thấy rõ qua ngôn ngữ học. Việt ngữ kẻ ngoài nghĩa là Ki, Cọc, Trụ, Cây còn có nghĩa là Người (Kẻ Sặt). So sánh người và cây ta thấy: đầu tương ứng với vòm cây biểu tượng Cõi Trên, hư không hay bầu trời; hai tay đưa lên cao hình vòng cung hình chữ U, biểu tượng cho các vật đựng nước như bát, nồi... ứng với cành cây tức biểu tượng tầng đất-nước thế gian (trong trường hợp hai tay dang ngang biểu tượng chung cho Cõi Đất Bằng thế gian); thân người là thân cây hình trụ biểu tượng Trục Thế Gian và chân là gốc cây biểu tượng Cõi Dưới. Inuksuk-Dạng Người đứng hai tay dang ngang mang hình ảnh Cây Vũ Trụ (ở đầy thay vì giơ cao lên đầu, hai tay dang ngang biểu tượng cho Cõi Bằng Đất Thế Gian). Theo duy dương hay vào thời phụ quyền cực đoan, con người đầu tiên, con người nguyên khởi, thần tổ loài người là một người nam được diễn tả bằng một hình người đứng thường giơ hai tay lên cao cũng có hình dáng của một cái cây. Ta thấy Inuksuk-Dạng Người có hình một người đứng hai tay dang ngang mang hình bóng một Cây tức Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống, Cây Tam Thế. Cây Người-Vũ Trụ Inuksuk sinh ra sự sống, con Người tức sinh ra Inuit (Người). Vì thế phải hiểu Inuksuk-Dạng Người mang hình bóng Người Cây-Vũ Trụ, Người Vũ Trụ, con người đầu tiên của nhân loại, con người nguyên khởi, là thần tổ của loài người (tổ mẫu hay tổ phụ) (Supreme Being), là đấng tạo hóa, đấng sinh tạo, đấng chí tôn (Creator), là thần tổ, là tổ tiên... Bây giời thì ta hiểu rõ tại sao Inuksuk còn có các ý nghĩa liên quan đến tín ngưỡng, Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo như dùng để chỉ những chỗ thiêng liêng (sacred places), cõi chết (place of death), nơi có sự tái sinh (a place where life is renewed), nơi thần linh ở (a place where spirits residence).. . Nơi thần linh ở và có sự tái sinh là Thượng Thế, Cõi Trên ứng với đầu người, nơi có sinh hoạt nhân sinh (nơi linh thiêng, thờ phượng, săn bắn, cất giữ thực phẩm...) là Trung Thế, Cõi Đất Bằng ứng với hai tay dang ngang và cõi chết là Hạ Thế, Cõi Âm ứng với chân... Inuksuk bắt buộc phải hiểu theo ý nghĩa tín ngưỡng, vũ trụ quan của tộc Inuit có nghĩa là Người, tiểu vũ trụ, con của đại vũ trụ, của Tam Thế biểu tượng bằng hình người Vũ Trụ đứng hai tay dang ngang giống hình cây. Ngày nay hiểu là những dấu mốc liên quan đến đời sống như hướng dẫn di chuyển bằng ca-nô, săn bắn, cất giữ thực phẩm... thì phải hiểu theo diện tín ngưỡng đây là những Thần Tổ Inuit giúp hướng dẫn, bảo vệ, che chở, nuôi dưỡng cho người Inuit... Một điểm soi sáng và hỗ trợ thêm nữa là Inuksuk dạng hình người đứng dang ngang hai tay này trông giống cây thánh giá. Vì thế mà đã có sự tranh luận là biểu tượng này có phải đã có mặt trong văn hóa Inuit trước khi các nhà truyền giáo Âu châu tiếp xúc với họ hay là có sau? (Wikipedia, Inuksuk, ref. 6). Ta đã biết Inuksuk mang hình bóng Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống thì không còn gì để tranh luận nữa, biểu tượng này có thể đã có từ cổ thời khi người Inuit còn ở vùng Đông Nam Á, có khi còn có trước cả thời công nguyên ra đời chứ không cần nói tới trước lúc các nhà truyền giáo Âu châu tiếp xúc với họ. Điểm này cũng được hỗ trợ bằng sự kiện là người Maya có một loại Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ có hình cây thánh giá vì thế mà người Tây Ban Nha đã cải đạo, cải hóa đức tin người Maya rất dễ dàng. Trong Thiên Chúa giáo cây Thánh giá để trên một bục tam cấp hay trên một đế tháp nhọn chính là hình ảnh Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ (xem Sự Tương Đồng Giữa Maya và Việt Cổ). Vì thế Inuksuk Dạng Người hai tay dang ngang mang hình ảnh cây thánh giá chính là dạng Cây Tam Thế của người Maya, ruột thịt với người Việt cổ Đông Nam Á (đã được`chứng minh bằng DNA). Inuksuk Dạng Người nếu nhìn dưới góc cạnh cây thánh giá thì phải nhìn dưới lăng kính của Vũ Trụ giáo chứ không phải của Thiên Chúa giáo mặc dầu Vũ Trụ giáo và Thiên Chúa giáo cả hai đều có Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống mang hình ảnh cây thánh giá. Như đã biết Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống sinh ra đấng tạo hóa, đấng sinh tạo, đấng chí tôn (Creator), Thần Tổ loài người. Hình bóng đấng sinh tạo, Thần Tổ loài người này thấy rõ qua hình ảnh Đấng Christ đứng hai tay dang ngang ra như hình tượng Chúa Cứu Thế Cristo de Redentor (Christ, The Redeemer) được bầu là một trong mười kỳ quan loại mới của thế giới ở trên đỉnh núi cao Corcovado, tại thủ đô Rio de Janeiro của Brasil. Chúa Cứu Thế Cristo de Redentor (Christ Redeemer), Đấng Tạo Hóa, Thần Tổ Loài Người đứng trên đỉnh núi cao Corcovado, tại thủ đô Rio de Janeiro, Brasil. Đây chính là hình ảnh của Người Vũ Trụ, Người Nguyên Khởi, hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, Thượng Đế, Thần Tổ loài người, Mẹ Đời hay Cha Đời sinh ra từ Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống của nhân loại nói chung và của Inuit (Người), của Man, Mán, Mường (người) chúng ta nói riêng. Theo duy âm đây chính là hình ảnh Thần Tổ Dạ Dần của Mường Việt sinh ra từ Cây Si, một thứ Cây Đời Sống, Cây Vũ Trụ. Một lần nữa cho thấy ta có thể dùng văn hóa cổ của Đại Tộc Việt để nghiên cứu, kiểm chứng lại văn hóa của thổ dân Mỹ châu và ngược lại. Tôi đã mở ra một cánh cửa cho các nhà nghiên cứu văn hóa thổ dân Mỹ châu, hy vọng các nhà làm văn hóa của các tộc thổ dân Mỹ châu, theo dấu chân tôi, dựa vào văn hóa cổ Đông Nam Á nói chung và vào văn hóa Đông Sơn của Đại Tộc Việt nói riêng mà nghiên cứu, điều chỉnh lại những cái nhìn lệch lạch, phiến diện nhiều khi gần như miệt thị, bóp méo, xuyên tạc văn hóa “Indian” Mỹ châu của các nhà nghiên cứu Tây phương xưa và nay.
|