Home Đời Sống Tài Liệu Nữ luật sư Việt cảm thương đồng hương sa cơ lỡ bước

Nữ luật sư Việt cảm thương đồng hương sa cơ lỡ bước PDF Print E-mail
Tác Giả: Hải Minh (theo OC Register)   
Thứ Sáu, 12 Tháng 3 Năm 2010 13:18

 Bé, 19 tuổi, ngồi trong một khu nhà dành cho những nạn nhân từng bị buôn bán ...

Vanessa U.Nguyễn và chiếc nhẫn bạc của Bé để lại. Ảnh: ocregister.com.  

Khi màn đêm buông, một cô gái Việt từng bị bán vào động mại dâm ở Trung Quốc bắt đầu chắp nối những mảnh ký ức, trải lòng về những đắng cay của mình với một cô gái Việt khác, đến từ California.

Bé, 19 tuổi, ngồi trong một khu nhà dành cho những nạn nhân từng bị buôn bán và lạm dụng ở Đào Viên, Đài Loan. Còn cô gái đến từ Mỹ là Vanessa U. Nguyễn, sinh viên luật học đại học Chapman, làm việc cho một tổ chức nhân đạo Mỹ. Trong lúc Bé thì thầm câu chuyện đời mình, Nguyễn mải miết ghi chép.

Bé kể rằng cô bị lừa bán sang Trung Quốc, nơi cô bị ép phục vụ cho một nhà chứa. Sau một thời gian làm mại dâm ở Trung Quốc, Bé lại bị đưa lên một chiếc thuyền, bị nhồi bên trong những đống trái cây và rau rồi bị bán tiếp cho một người Đài Loan. Người này đã cưỡng bức và khiến cô có thai.

Vào thời điểm Bé tìm tới nơi trung tâm trú ẩn do tổ chức phi lợi nhuận "Vì lao động nhập cư và cô dâu Việt" này, cô cảm thấy bối rối, bồn chồn. Giống như hầu hết những nạn nhân khác, cô ngần ngại mở lòng với người khác. Tuy nhiên, Bé đã nhanh chóng kết thân với Nguyễn, 22 tuổi, một phần có lẽ là do họ sàn sàn tuổi nhau.

Nguyễn tới đây vào tháng 6/2006 theo chương trình thực tập kéo dài 2 tháng cho tổ chức phi lợi nhuận Liên minh người Việt chống nạn buôn người (VietACT), chi nhánh ở California, Mỹ. Năm 2005, một năm sau khi thành lập, VietACT bắt đầu cử các thực tập sinh đến nơi nương náu của các nạn nhân buôn người. Họ nhận thấy rằng các thực tập sinh có thể đem đến cho các nạn nhân một thứ: tình bạn.

Những người đàn ông và phụ nữ ở nơi nương náu này hầu hết đều bị lừa sang Đài Loan. Họ thường bị ép làm nô lệ lao động hoặc rơi vào con đường mại dâm. Hộ chiếu và visa của họ đều bị lấy mất. Khi đã đến trung tâm, ai nấy đều lo âu, căng thẳng về những khoản nợ mà họ nghĩ đã vay những người đưa họ qua Đài Loan.

Đối với những trường hợp như thế, tình bạn rất có ích. "VietACT đem đến sự khuây khỏa. Người của chúng tôi không những giúp họ đương đầu với mọi chuyện mà còn đem đến cho họ cảm giác gia đình và họ hàng", Nguyễn nói. Cô xuất thân trong một gia đình người Việt nhập cư tới Mỹ và hiện sống ở bang California.

Bé là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất ở trung tâm này. Cô và Nguyễn thân nhau vì tuổi cũng gần bằng nhau. Vì thế, trong khi trung tâm chăm lo Bé về mặt thể chất sau ca sảy thai và giúp cô các thủ tục về pháp lý, Nguyễn dẫn Bé đi dạo trong công viên.

Mỗi buổi sáng, Nguyễn nấu mì cho Bé và những phụ nữ khác ở trung tâm. Nguyễn dạy những phụ nữ này tiếng Anh, làm kẹo lạc với họ, đem cho họ màu nước và sơn để vẽ. Đây là một dạng liệu pháp trị liệu. Nguyễn cũng làm cả nghiên cứu về luật chống buôn người quốc tế cho trung tâm.

Chính thời gian ở với Bé và kiên nhẫn lắng nghe chuyện của Bé mỗi tối đã thay đổi Nguyễn. Trước khi biết Bé và những người ở trung tâm, Nguyễn thấy buôn người là một khái niệm trừu tượng đối với cô. "Các cô gái trẻ ấy trông cũng giống như tôi, em tôi và cháu tôi thôi", Nguyễn nói.

Thời gian Nguyễn ở Đài Loan là vào năm 2006, giờ cô 26 tuổi và là một luật sư. Nguyễn nhớ lại rằng khi cô sắp phải trở lại California, Bé bắt đầu thay đổi. Bé đem một số đồ đạc cá nhân, trong đó có một cái nhẫn bạc, cho Nguyễn.

Một tuần trước khi Nguyễn đi, Bé trốn khỏi trung tâm lúc nửa đêm, bỏ lại bộ quần áo ngủ phía ngoài tòa nhà. Cô để lại điện thoại di động, vở ghi chép và chăn gối. Nhân viên trung tâm đã đi tìm nhưng không bao giờ thấy Bé. Nguyễn luôn băn khoăn không hiểu chuyện gì đã xảy ra với cô gái cô coi là "chị em".


Nguyễn viết nhật ký và thơ về những ngày tháng của cô ở trung tâm. Ảnh: ocregister.com.

Phải nói lời từ biệt luôn luôn khiến Nguyễn cảm thấy khó khăn. Cô là người thường đồng hành với các nhân viên trung tâm ra sân bay mỗi khi có một nạn nhân được hồi hương về Việt Nam.

"Khi họ ôm tôi và tạm biệt, tôi biết rằng sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa", Nguyễn nói, mắt ngấn nước. "Tôi nghĩ rất nhiều về những người mình đã từ biệt".

Dù không bao giờ được nói lời từ biệt với Bé, Nguyễn vẫn nghĩ về Bé mỗi khi cô nhìn chiếc nhẫn. Giờ đây cô đặt nó trên kệ trang sức trong phòng tắm.

"Tôi buồn nhưng nó nhắc nhở tôi về một điều vô cùng quan trọng trong đời và vẫn mãi là một phần cuộc sống tôi", Nguyễn nói.

Nguyễn trở về nhà với một nhận thức mới về cộng đồng xung quanh cô. Bây giờ, mỗi khi cô lái xe xuống đại lộ Harbor vào tối muộn và bắt gặp những cô gái trẻ mặc váy ngắn, đi một mình, cô biết rằng những gì cô thấy không đơn giản là một cô gái dạo chơi trên đường.

Nguyễn nói cô đã mệt mỏi khi trở về từ Đài Loan. Sau đó, cô ngừng một chút và chữa lại: "Tôi không muốn nói mệt mỏi, vì nói thế nghĩa là tôi cảm thấy không còn hy vọng".

"Tôi nhìn mọi thứ với con mắt hoài nghi hơn nhiều. Nhưng phần lớn sự hoài nghi đó là đi cùng với câu hỏi "Liệu rằng chúng ta có thể làm được gì?".