Bưởi Hồ Lô, sản phẩm độc nhất vô nhị của một nhà vườn miền Tây |
Tác Giả: Cát Tường/Người Việt | |||
Thứ Năm, 04 Tháng 3 Năm 2010 08:40 | |||
Hồ lô là bầu phép nhiệm mầu của các tiên ông. Nó có thể biến hóa ra trăm điều kỳ diệu cho người chủ. Chính từ ý niệm đó và cũng từ hình dáng trái bưởi gần giống như vậy mà ông Võ Trung Thành đã nghĩ đến chuyện biến trái bưởi bình thường thành hồ lô “thần kỳ” chưng trong ba ngày Tết Nguyên Ðán. “Hồ lô vàng” Giá một ký bưởi bình thường trong ngày 22 Tháng Chạp Kỷ Sửu, chỉ khoảng 4,000 đồng, một trái trung bình 2 ký tròm trèm 10,000 đồng. Vậy mà một trái bưởi hồ lô của anh Võ Trung Thành chưa đạt trọng lượng đó lại có giá tới 150,000 đồng. Ðúng là “bưởi vàng”. Ðóng gói bưởi hồ lô chuẩn bị chuyển lên Sài Gòn. (Hình: Cát Tường/Người Việt) Xế chiều hôm ấy, tại vườn bưởi của một nhà vườn hợp tác sản xuất “bưởi hồ lô” (gọi là hợp tác xã) gần nhà anh Võ Trung Thành, anh Thành cùng các đối tác đang lui cui hái trái, o bế, phân loại, chuẩn bị đóng thùng trước sự kiểm sát nghiêm ngặt của một nhân viên Công Ty Dịch Vụ & Quảng Cáo Anh Ngọc. Những trái bưởi mang dáng hình chiếc hồ lô trong các câu chuyện thần thoại Trung Hoa thời Phong Thần, Phong Kiếm Xuân Thu... lần lượt được cho vô thùng giấy cứng, đậy kín, quấn băng keo cẩn thận trước khi cho xuống vỏ lãi đưa tới một bến sông chuyển lên xe đưa về quận Bình Thạnh (Sài Gòn) - trụ sở công ty Anh Ngọc. Anh Thành cho biết lần “xuất” này có trên 1,000 trái bưởi hồ lô trong tổng số 1,600 trái đã hái. Nghĩa là anh và hợp tác xã chỉ thu hoạch được 20% sản lượng “đầu tư”. Tuy nhiên đó vẫn là số phần trăm đáng mơ ước, và đó cũng là số lợi nhuận rất quan trọng cho anh và nhà vườn cùng chung lưng nuôi dưỡng trái. Bưởi hồ lô của anh và hợp tác xã còn đợt thu hoạch cuối cùng vào ngày 25 Tháng Chạp Kỷ Sửu, với 600 trái loại 1 và loại 2. Riêng 200 trái loại 3 anh không cung ứng cho Công Ty Anh Ngọc vì ngoài hợp đồng. Tổng cộng cả 2 đợt thu hoạch bưởi hồ lô “mùa Tết” Canh Dần, anh Thành và hợp tác xã thu được khoảng 200 triệu đồng để ăn một cái Tết đầy sự “mầu nhiệm” có được từ những chiếc “hồ lô xanh” với hai chữ “Tài”, “Lộc” nằm đối xứng trên thân bưởi lần đầu tiên xuất hiện. Chính với hai chữ này mà giá bán bưởi hồ lô năm nay của anh Thành đã lên cao gấp đôi so với năm rồi vì chưa có hai chữ “hên” này. Khuôn ép bưởi hồ lô. (Hình: Cát Tường/Người Việt) Anh Thành chỉ từng khoảnh bưởi nằm trên nền gạch sân nhà vườn hợp tác, cho biết: Bưởi hồ lô loại 1 có chữ “Tài” “Lộc” đẹp, nặng trên l.4kg. Loại 2 chữ “Tài” “Lộc” kém sắc sảo, nặng trên 1kg. Loại 3, không có chữ, nặng dưới 1kg. Tất nhiên giá của 3 loại bưởi khác nhau. Những trái bưởi da xanh sậm, với cuống và lá như vầy sẽ được Công Ty Anh Ngọc đưa về Sài Gòn “nâng cấp” trước khi cung ra thị trường tại thành phố phương Nam này, đặc biệt còn đưa ra tận Hà Nội với giá cả anh và hợp tác xã không hề biết. Những cặp bưởi này sẽ được bà con mua về, trịnh trọng chưng trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày sắp sửa bước sang năm Âm lịch mới với hy vọng “Tài” và “Lộc” sẽ dồi dào trong suốt một năm dài của tương lai - một ước nguyện rất “tâm linh” và “truyền thống” của dân tộc ta. Bưởi chưng trên bàn thờ được 1 tuần mới rụng lá, nhưng bưởi trái thì để được cả tháng trời. “Công phu nghĩ ngợi” Ðể có được những trái bưởi “hồ lô vàng” này, anh Võ Trung Thành và hợp tác xã đã dày công hạn mã “phát minh”, nghiên cứu và thử nghiệm trong suốt 3 năm qua. “Vua” bưởi hồ lô Võ Trung Thành với kết quả công sức “nghĩ ngợi” của mình. (Hình: Cát Tường/Người Việt) Ở miền Nam, từ nhiều chục năm qua bưởi năm roi Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) nổi đình nổi đám khắp cả nước, thậm chí còn “làm mưa làm gió” tại một số quốc gia khác nhờ xuất khẩu. Phú Hữu (Mái Dầm, Cần Thơ xưa) nằm đối diện làng bưởi năm roi Mỹ Hòa, bên này sông Hậu, là một làng bạt ngàn bưởi năm roi. Cả hai làng bưởi năm roi này cùng “uống nước” sông Hậu nên cùng cho những trái bưởi đặc sản lừng danh. “Nhan sắc” không thua kém bưởi năm roi Mỹ Hòa, nhưng chất lượng bưởi năm roi Phú Hữu hơn hẳn, có thể nói là “vô địch”. Anh Thành tự hào phân tích: “Bưởi năm roi Phú Hữu chất lượng cao, 100% trái không có hột, chua ngọt vừa ăn”. Vậy mà bưởi năm roi Phú Hữu lại “chìm nghỉm” trong những khu vườn rậm rạp có phần “âm u” trong đời sống kinh tế vất vả của người dân nơi đây. Võ Trung Thành (54 tuổi, ngụ ấp Phú Trí, xã Phú Tân, huyện Châu Thành - theo tên gọi mới) có 3 công đất chỉ trồng rặt loại trái cây đặc sản này từ 24 năm qua. Cuộc sống của gia đình anh cứ “chan chát” một cách đáng buồn với vườn bưởi ngon tiếng tăm chưa thoát đi xa. Tức mình nhưng anh chẳng biết làm cách nào để thoát nghèo từ vốn tài sản quý đó. Một trưa cận Tết, nằm võng nhìn lên bàn thờ chưng đối xứng cặp bưởi hái từ vườn nhà đẹp ơi là đẹp, anh thấy hình dạng nó giống chiếc hồ lô, nếu chịu khó gia công anh sẽ có loại bưởi “vô địch thiên hạ” trong dịp Xuân về Tết đến, giúp bà con có cặp bưởi “thiêng” thờ trên bàn thờ gia tiên, phần mình có dịp đổi đời. Vậy là anh mày mò thử nghiệm, ra vườn nhìn ngắm những trái bưởi 2 tháng tuổi có dáng hình gần giống chiếc hồ lô liền cột thắt một vòng dây trên hai phần ba thân bưởi. Vòng dây này như chiếc niềng kim cô của Phật Bà Quan Âm không phải siết chặt đầu anh chàng Tề Thiên Ðại Thánh ngổ ngáo mà thít chặt thân bưởi khiến nó có vòng eo như ý muốn vào mấy tháng sau. “Cầu được ước thấy”, nhìn những trái bưởi thử nghiệm lần đầu thành công, trong số nhiều trái “hy sinh” cho “sự nghiệp thử nghiệm” của mình, anh Thành mừng đến rơi nước mắt. Ðó là năm 2007. Tháng 6 năm này, với phương pháp “ép” bưởi hồ lô thủ công, anh Thành thu được 30-40 trái, hình dáng khá đạt nhưng anh không bán vì không muốn làm “hư” sản phẩm trong mắt người tiêu dùng. Gần Tết năm 2008, anh lại thử nghiệm trên 100 trái, có 48 trái hư vì một lý do tế nhị. Tia sáng ăn nên làm ra về một thị trường rộng lớn này đã lóe lên trong đầu anh Thành, vậy là anh dấn sâu thêm một bước nữa: những trái bưởi hồ lô của anh “chế tạo” trong 2 năm qua còn đơn giản, phương pháp thủ công khiến sản phẩm không đồng đều và năng suất thu hoạch kém. Anh bắt đầu cho một thử nghiệm mới, rất tự tin: đặt làm khuôn nhựa với hai chữ “Tài” và “Lộc” đối xứng. Nắm chắc thành công, anh hợp đồng với 4 hộ cùng làm bưởi hồ lô (gọi là hợp tác xã), trong đó có 1 nhà vườn làm ăn chia sản phẩm. Ðể có bưởi hồ lô hoàn hảo, anh Thành và các cộng sự chọn những trái bưởi có hình dạng hao hao chiếc hồ lô trên cây nằm vừa tầm tay chăm sóc (một cây chừng 5-7 trái), bọc khuôn nhựa khi trái 2 tháng tuổi. Bưởi lớn dần và định hình chiếc hồ lô theo khuôn, 5 tháng sau thu hoạch. Công việc “dễ ợt” này của anh đã gây tiếng vang sâu rộng, nên tháng 10 năm 2009 anh vội vàng đăng ký độc quyền kiểu dáng: “Bưởi Hồ Lô Trung Thành”, trở thành người “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam có sản phẩm... “tâm linh” này. Và, trong năm 2009 vừa qua, anh được Sở Khoa Học & Công Nghệ tỉnh Hậu Giang tặng giải nhất “Ðề Tài Sáng Kiến” chỉ với mỗi một công trình “kiến tạo” bưởi hồ lô. Với công trình này, giá trị bưởi năm roi Phú Hữu đã tăng lên gấp nhiều lần, tiếng tăm vượt xa khỏi địa giới tỉnh nhà. Do đó Công Ty Anh Ngọc đã ký hợp đồng độc quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm bưởi hồ lô của anh và hợp tác xã trong dịp Tết Canh Dần này. Hiện tại, có một công ty khác ở Cần Thơ cũng đã muốn ký hợp đồng độc quyền bao tiêu sản phẩm bưởi hồ lô trong năm 2011, nhưng anh chưa quyết định. Ðiều anh Thành đang quan tâm là, để những cặp bưởi hồ lô của mình “mầu nhiệm” hơn, “bay” xa hơn, anh đã làm thủ tục đăng ký sản phẩm đạt chuẩn Việt GAP, sau này sẽ tiến thêm bước nữa là Global GAP nhằm mở rộng thị trường sang một số quốc gia có truyền thống ăn Tết Âm lịch và chịu ảnh hưởng nền văn hóa tín ngưỡng Á Ðông, như Ðài Loan, Trung Quốc, Singapore... hoặc ra thị trường các quốc gia có đông kiều bào Việt Nam sinh sống. Ðó là thị trường khổng lồ của “Vua” bưởi hồ lô Võ Trung Thành và hợp tác xã. Ðể thỏa mãn thị trường này, anh sẽ hợp đồng với nhiều nhà vườn khác.
|