Home Đời Sống Tài Liệu Phong tục lì xì

Phong tục lì xì PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan An   
Thứ Ba, 09 Tháng 2 Năm 2010 14:32

Theo Từ điển tiếng Việt, lì xì, có nghĩa là “mừng tuổi”.

Ở Việt Nam phong tục mừng tuổi (hay lì xì) đã có từ rất lâu. Thường dịp Tết Nguyên đán, ông bà cha mẹ sum vầy cùng con cháu nhân sáng mùng một Tết, chúc tụng và “mở hầu bao” mừng tuổi cho mỗi người một chút tiền.

 Lì xì là một từ đã rất quen thuộc và được sử dụng nhiều mỗi khi Tết đến xuân về. Theo Từ điển tiếng Việt, lì xì, có nghĩa là “mừng tuổi”.  Lì xì (hay có người gọi là lầy xì) là cách nói Việt hóa âm Quảng Đông, chính âm Hán - Việt là lợi thị (điều tốt lành, lợi lộc, vận may...). Có lẽ lúc đầu từ lì xì chỉ được dùng ở miền Nam (chủ yếu ở vùng Chợ Lớn - Sài Gòn trước đây), sau này mới lan dần ra sử dụng toàn quốc. Dân gian vốn thấy cái gì hay hay lạ lạ thì theo, thấy gọi lì xì, nghe hay hơn mừng tuổi thì gọi lì xì. Mừng tuổi, lì xì với nghĩa khởi thủy là một cách để “tạo đà”,  để lấy "khước" cho con cháu khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang hay làm ăn phát đạt, tài lộc dồi dào.

 
                                            Ảnh: Absolutevision

 Phong tục lì xì – phong tục tặng quà năm mới bằng tiền chỉ có ở một số nước châu Á như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam... Quà tiền mặt lì xì bắt buộc phải là tiền mới, bắt buộc phải được bọc trong “giấy gói quà” – phong bao lì xì màu đỏ.

 Theo đúng phong tục thì  những người ngang tuổi không lì xì cho nhau, người dưới không lì xì cho người trên mà chỉ có người lớn tuổi, người bề trên lì xì cho người dưới. Tuy nhiên, cái bao lì xì đỏ rực niềm tin đang bị mất dần ý nghĩa tốt đẹp của nó, phong tục lì xì đang bị biến tướng thành một cách để đưa hối lộ. Ngày Tết có khi nhân viên phải lo “mừng tuổi” sếp, sếp nhỏ lo “mừng tuổi” sếp to, sếp to lo “mừng tuổi” sếp to hơn nữa. Quê ta vạn tuế, mọi người cứ lo “mừng tuổi” loanh quanh như vậy mà quên mất rằng lẽ ra sếp phải lì xì cho nhân viên, sếp to phải lì xì cho sếp bé. Hoặc có người đến nhà sếp, đưa lì xì cho con sếp mà mắt liếc sếp không biết sếp có chứng giám cho “tấm lòng thành” của mình không, có hiểu được ý đồ mình định gửi gắm, cài cắm không.

 Tết đến, đối tượng được lì xì nhiều nhất là trẻ em. Người lớn khi lì xì cho trẻ em là thể hiện sự quan tâm đến trẻ, mong muốn mang đến cho trẻ niềm vui, sự may mắn, điều tốt lành nhiều hơn là giá trị vật chất của tiền. Tết được nhận lì xì với trẻ em đã thành phản xạ có điều kiện. Mỗi khi có khách đến nhà chúc Tết là bọn trẻ lại chờ đợi "tiết mục" lì xì. Trẻ con có thể háo hức đến mức bỏ ăn bỏ chơi để ngồi chờ lì xì, có thể làm đủ trò để khách đừng lơ đãng mà "quên" lì xì mình. Có người chiết tự vui "lì xì" có nghĩa là trẻ con cứ lì ra cho đến khi khách phải xì tiền mừng tuổi ra mới thôi. Trẻ em đúng là trẻ em vì chỉ thích được lì xì chứ có thể còn chưa biết giá trị của tiền, hoặc được lì xì bao nhiêu là “nộp” cho mẹ giữ.

 Nhiều người bắt đầu thích gọi lì xì là lầy xì, ý bảo từ góc độ của người phải đi lì xì, phong tục lì xì giờ trở nên lầy lội - lầy xì. Người lớn nhiều khi đi chúc Tết rất ngại vì đến nhiều nhà thấy có đầy trẻ con, lì xì ít thì không ổn mà lì xì nhiều thì không biết bao nhiêu cho xuể. Rồi trước Tết, sau Tết nhiều người cứ bị trắng trợn đòi tiền lì xì, không lì xì  không được mà lì xì thì ấm ức, lì xì xong mặt cứ lầm lì.

 Ngày Tết chắc chắn là phải có lì xì, Tết mà không có lì xì não nùng như thể Tết đến mà không được thấy quê hương. Khi đi vào trong làng sâu phải có lì xì vì dân quê vốn trọng tình nghĩa và nhất là đối với trẻ con, lì xì cao hơn…ăn cỗ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, có lẽ nên giáo dục để bảo tồn tính nhân văn của phong tục lì xì với nét đặc biệt là chỉ lì xì tiền nhỏ đựng trong bao đỏ tượng trưng và chỉ có người trên lì xì cho người dưới, người lớn lì xì cho trẻ con - ngoại trừ trường hợp con cái, cháu chắt đã đi làm có tiền có bạc, ngày Tết cũng rút phong bao đỏ cung kính biếu bố mẹ, ông bà. Trường hợp này phải gọi là mừng tuổi (gọi là lì xì rõ ràng là không ổn), mừng các cụ thêm một tuổi – theo quan niệm các cụ càng thọ càng quý. Mừng tuổi kiểu này thực ra là một cách biếu tiền để các cụ ăn quà và chỉ thịnh hành trong điều kiện con cháu thành đạt mà các cụ thì đã “rửa tay gác kiếm” không có nhiều thu nhập. Nếu con cháu nghèo thì cũng không nhất thiết phải mừng tuổi, phong tục không có “quy định” bắt buộc  mà ngày Tết nhớ đến các cụ, mang con gà, chai rượu đến Tết các cụ là hiếu thảo rồi.

 Nếu trong nhà, trong họ có các cụ tiêu pha không được thoải mái lắm thì nhân dịp Tết cũng nên đến thăm và mừng tuổi, biếu các cụ ít tiền tiêu vặt. Với người già điều cần thiết trước hết là sự kính trọng, quan tâm chứ không phải số tiền mừng tuổi. Nhiều cụ cũng khí khái và hiểu rõ phong tục, khi con cháu mừng tuổi thì cũng lì xì lại, chứ nhất định không để có chuyện mừng tuổi một chiều.