Cuối năm kể chuyện ao làng |
Tác Giả: Nguyễn Đăng Tấn | |||||
Thứ Bảy, 06 Tháng 2 Năm 2010 06:02 | |||||
Từ ngàn xưa, nhà gỗ lim, ao sâu trâu nái… là biểu tượng của sự giàu có. Ở nông thôn, ao gắn liền với văn hoá làng quê. Bên bờ ao, phong cảnh lý tưởng là những khóm tre, bụi trúc với “ngõ trúc lao xao”. Là nơi tự tình của những đôi trai thanh gái lịch trong tiếng vi vu của tiếng sáo và vầng trăng nghiêng nghiêng chứng kiến. Ao cũng đã đi vào ca dao, ngạn ngữ "Ta về ta tắm ao ta; Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" hay "Một giọt máu đào hơn ao nước lã". Ao có những cô Tấm, cô Tiên hái sen, giặt lụa, hình dáng yêu kiều xoã mái tóc dài bồng bềnh như mây như khói soi bóng xuống làn nước trong xanh. Ở sân chùa, ao là nơi tịnh thanh sen, súng, nơi "Cá nghe kinh" lững lờ chờ một ngày hoá về nước Phật... Quê tôi nhà nào cũng vậy đều có một cái ao ngay trước hiên nhà để tiện cho việc giặt giũ, rửa ráy. Thôi thì trăm thứ đều cần đến ao. Các chị tôi thường ra cầu ao để mà soi bóng bởi ngày trước làm gì có gương. Nhà nào có là phong lưu lắm. Ngày tôi còn bé, bố trồng một cây đào bên bờ ao, Dưới những cành đào có cái cầu ao bằng tre be bé. Tết hoa đào nở hồng cả một góc trời. Hoa in bóng xuống làm nước ao hồng lên đẹp như tranh vẽ. Có thể nói ao là thứ "bất ly nhà" của người nông dân bởi sự tiện ích của nó. Từ ăn uống tắm giặt... thứ gì cũng cần đến ao. Rồi khi khách đến chơi nhà chợ xa không tiện thì thả tấm vó xuống một lúc thế nào cũng bắt được dăm chú cá mè, cá chép để mà đãi khách. Mấy câu vui dân gian nói về cái ao cá: "Chẳng mấy khi khách đến chơi nhà, vợ thời đi vắng chợ thời xa; ao sâu cá lặn khôn chài lưới; vườn rộng rào thưa khó đuổi gà". Cái ao có tầm quan trọng là vậy. Tôi cũng đã đi nhiều vùng quê. Hầu như ở đâu trên đất nước này cũng đều có ao. Những vùng nào đất chật người đông, nhà nhà san sát thì đành chịu chứ khi đã có khoảng đất trống thế nào cũng đào ao thả cá cho bằng được. Khi những nụ đào hé nở là người dân quê chuẩn bị tát ao bắt cá để đón Tết. Cá thường được thả là giống cá mè, cá chép, cá trắm, cá trôi. Những loại này dễ nuôi lại mau lớn. Nhất là giống cá trắm cỏ, một loại phàn ăn có tiếng. Thả rau cỏ xuống là lên ăn rào rào. Loại này rất dễ câu nên cũng thường bị mấy cậu nhóc ở quê như chúng tôi câu trộm. Bây giờ thì tát ao dễ dàng hơn vì có máy bơm. Chỉ mấy tiếng là ao đã cạn. Ngày trước thường phải tát bằng gầu sòng. Cái gầu đã đi vào câu hát dân ca: "Hỡi cô tát nước một mình; Cho tôi múc với chung tình sách đôi, hay "Hỡi cô tát nước bên đàng; sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi". Tát gầu sòng cũng phải quen và khỏe. Liên tục gập người xuống kéo những gầu nước nặng trĩu. Một cái ao bình thường cũng mất cả buổi, có khi cả ngày. Mặc dù mệt là vậy nhưng thích nhất là khi ao đã cạn. Nhìn những chú cá chép trắng nõn nà có cái đuôi đo đỏ, cá trắm đen trũi vùng vẫy tung tóe bùn nước mà sướng cả mắt. Không phải tất cả cá đều lấy, chỉ chọn những con to, còn lại thả tiếp dành đến tết sang năm. Tát ao trước tết còn là dịp để được ăn ngon. Ao nào cũng có rất nhiều tôm tép, cua ốc và cả những loại cá nhỏ khác. Ở quê ngày trước quanh năm cơm ăn chỉ toàn dưa muối chứ lấy đâu ra cá tôm. Đồng ruộng tuy nhiều cá nhưng không có tiền để mà mua, vì thế lũ trẻ con khi nói đến tát ao đứa nào mà chả háo hức. Tết ở quê bao giờ nồi cá kho cũng là món chánh. Bây giờ ở Hà Nội, đầu tháng, đầu năm rất kiêng cá mè chứ ở quê không bao giờ phân biệt. Ba Mươi, Mồng Một cá mè vẫn đưa lên cúng và ăn ngon lành. Thế mà có thấy rủi ro hay xúi quẩy gì đâu. Chúng tôi vẫn cứ lớn, vẫn cứ học hành tiến tới. Kho được nồi cá ngon là một kỳ công. Thường thì cá được làm sạch sau đó cho nước vào luộc chín rồi đổ nước đầu đi. Tiếp theo là cho riềng cho mía vào dưới nồi sau đó xếp những khúc cá lên trên. Rồi còn phải cho muối thế nào là vừa, nấu nước hàng ra sao cho đẹp... Cá kho xong mùi riềng mùi mía thơm lừng. Những khúc cá phải có màu mật mía, rắn chắc như gỗ, xắn ra có khi còn gẫy cả đũa... Quê hương là vậy, chỉ đơn giản là mái rơm mái rạ "Qua bao mưa nắng mà thành", là nồi cá kho đón Tết, là những hạt thóc, củ khoai, cái ao, con cá. Ai chả có những tuổi thơ tươi đẹp ở nơi "bờ ao ơi bậc đá tiếng ai cười". Dù có đi xa ngàn dặm thì ngày tết vẫn ngong ngóng nhìn về. Tâm hồn mỗi con người giàu có cũng bắt đầu từ những điều giản dị mà thiêng liêng đó. Và tôi cũng vậy, ngày xa quê, gần tết là nhớ đến ngày tát ao bắt cá. Trong thẳm sâu của tâm hồn vẫn có một góc riêng giành cho nơi bờ ao có nhiều kỷ niệm. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày chia tay dưới gốc cây Hải Đường bên bờ ao nhà bạn, trong tiếng cá quẫy lấp lánh ánh trăng, tôi tạm biệt bạn bè để mà ra trận. Ra đi khi mùa xuân đang tràn đầy và không gian ngập tràn hoa đào đì đùng pháo nổ. Tất cả để thành tâm hồn mỗi con người. Cũng như mùa xuân được bắt đầu bằng những hạt mưa và từ những chồi non lộc biếc. Nguyễn Đăng Tấn
|