Nước mắt “vàng đen” |
Tác Giả: TRIỀU DƯƠNG | |||
Chúa Nhật, 24 Tháng 1 Năm 2010 14:00 | |||
Bên dòng sông Vu Gia cuồn cuộn chảy, ngước mắt nhìn lên mỏ than Ngọc Kinh nham nhở, lở loét, chúng tôi chứng kiến từng đoàn phu than ngày đêm đục khoét, đào sâu vào lòng đất, múc lên những mẻ “vàng đen” trộn mồ hôi và nước mắt. Trong cuộc mưu sinh đầy may rủi, họ phó thác sự sống cho số phận, cho lời cầu nguyện oan linh của những con người xấu số vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất này. ĐỜI PHU THANLần khất mãi cuối cùng tôi cũng nhận được cái gật đầu đồng ý dẫn đường của anh bạn người Đại Lộc, Quảng Nam. Từ thành phố Đà Nẵng, mất nửa ngày ngoằn ngoèo qua các con đường đầy ổ gà, bụi mù trời của đất Quảng chúng tôi mới tới được mỏ than Ngọc Kinh. Lên đến nơi, anh bạn bảo tôi cứ ở lại làm việc, khi nào xong thì “alô” lên chở. Thấy anh nhiệt tình quá, lại còn bận công việc ở cơ quan nên tôi cũng không dám giữ chân. Nhưng trước khi về, tôi yêu cầu anh mượn cho bộ đồ phu than, chứ ăn mặc thế này ai cho lên mỏ. Với đôi giày vải cũ kỹ, bộ quần áo, chiếc mũ dính đầy bụi đất, một mình tôi ung dung leo lên núi “tác chiến”. Trong vai kẻ khất thực từ Bắc mới vào tìm việc, tôi đi khắp các lò xem chủ nào cần thợ đào than. Ở đây, ngoài người bản địa chiếm số ít, thợ là dân tứ xứ đổ về, nhiều nhất là dân Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và có cả những thợ than Quảng Ninh đã “hết thời”. Nói đến quê, họ nhớ lắm nhưng lâu rồi vẫn chưa được về thăm Lên lưng chừng núi nhìn xuống, những vỉa than đào xong chưa kịp lấp đất vương vãi khắp nơi, cây cối bị cày xới trơ lại gốc, nước chảy tạo thành những đường rãnh sâu hoắm, lỡ chân trượt xuống không biết số phận sẽ đi về đâu. Tôi đánh vật với những bước chân nặng nhọc, cuối cùng cũng tìm được một vỉa do người Nghệ An khai thác. Mọi người đang cần mẫn làm việc, vòng quay ròng rọc kêu kin kít đến nặng nhọc, năm phút sau một mẻ than ướt nhão nhoẹt được đưa lên. Người chủ chỉ tay vào mẻ than chừng 30kg nói: “Nếu chú có sức kéo được thì đứng đây làm, chứ mới vào tụi anh không cho xuống hầm mô, lỡ chết ngạt lại khổ!”. Tôi vò cái mũ vứt sang bên, chạy đến thử quay dây tời rồi cười bảo: “Nhà em dân Quỳnh Lưu cũng làm nông nên chân tay nỏ đến nỗi, anh cứ cho em thử vài bữa nếu được thì nhận”. Nghe giọng quê “choa” (dân Nghệ Tĩnh) lại hoàn cảnh tha phương cầu thực, chủ lò Nguyễn Văn Sang sau một hồi do dự đã đồng ý nhận tôi vào làm. Công việc không mấy nhẹ nhàng, lấy hết sức bình sinh tôi quay được năm rổ rồi ngồi thở dốc, người ướt đẫm mồ hôi. Chị Nguyễn Thị Hà, vợ anh Sang, đưa tôi bình nước, sẵn khát tôi tu một hơi dài đến nửa chai. Chị bảo: “Ban đầu ai cũng rứa cả, làm một thời gian thì quen. Mà nhìn chú trắng trẻo, thư sinh thế này đi mần phu than chi cho cực cái thân”. Quệt vội giọt mồ hôi, với ánh mắt buồn buồn tôi bảo: “Quê mình ngoài kia mấy năm ni cũng thất bát lắm, dân đổ xô vào Sài Gòn, Đồng Nai kiếm việc làm. Em nghe thằng bạn nói vùng ni cần thợ lò nên tạt vào làm thử, nếu được thì ở lại làm luôn còn không thì bắt xe Nam tiến chớ biết đi mô nữa”. Nhắc đến quê, chị Hà ứa nước mắt. Chị người Thanh Chương, lấy chồng rồi dắt díu nhau vào đây gần cả chục năm nhưng chưa một lần được về thăm quê. Đồng tiền vợ chồng chị làm ra chỉ đủ chi tiêu, không dư dả gì. Nói là chủ nhưng thực ra vợ chồng chị cũng chẳng khác thợ là bao, hai vợ chồng phải làm việc quần quật suốt ngày, tiền kiếm được cũng chia đều như anh em. Trong cái khốn khó, tình người của những kẻ tha phương nơi đất khách quê người ấm áp biết bao, cảm giác lạ lẫm trong tôi bỗng dưng tan biến tự lúc nào...
Căn hầm lộ thiên sâu hơn 30m, bên dưới tối om Căn hầm lộ thiên rộng chừng 1,2m, sâu đến 30 - 40m, đứng trên nhìn xuống tối om chẳng thấy gì, thợ cứ theo quán tính khi nào dây giật là kéo tời. Lò đông thì gần chục người, còn lò nhỏ như tôi đang đứng chỉ có 4 người: 2 thợ, 1 tời và 1 đẩy xe rùa. Khoảng 1 giờ đồng hồ, thợ này lên để thợ khác xuống thay, họ luân phiên thay đổi cho nhau để chống ngạt, đề phòng những bất trắc xảy ra. Mỗi lần chui lên mặt mũi, thân thể người thợ lem luốc, đen thui như bị vẽ bùa, chỉ trừ đôi mắt và hàm răng là còn nhìn thấy được. Họ thở dốc mệt nhọc, ánh mắt hằn nỗi gian truân của kiếp phu than. Quay một hồi tay tôi rã rời, đỏ ửng, tụ thành những cục máu. Nhưng để chứng minh câu nói “ngoài quê nhà em cũng làm ruộng” tôi không dám than vãn một lời, vẫn hì hục đưa lên những rổ than đầy mồ hôi, nước mắt. Tôi thở hắt ra rồi hỏi chị Hà: “Khi nào thì em được xuống lò làm hả chị? Em muốn thử coi ra làm răng. Em lặn cừ lắm, nỏ sợ bí hơi chết ngạt mô”. Chị Hà nhìn tôi cười khanh khách: “Lính mới mà cũng hăng đấy chớ, nếu thích thì chú mi hỏi anh Sang coi. Đúng là tuổi trẻ “ngựa non háu đá”! Nhìn làn khói bay vất vưởng tỏa ra từ những que nhang đang cháy gần hết bên miệng hầm, tôi biết rằng số phận của những con người nơi đây như ngọn đèn treo trước gió, có thể bị “thần núi” tước đoạt lúc nào không hay. Đã bao nhiêu vụ tai nạn sập hầm xảy ra, những mạng người vĩnh viễn nằm sâu dưới hàng trăm thước đất nhưng vì cuộc mưu sinh, họ vẫn sẵn sàng chấp nhận đánh đổi tất cả. Thắp một que nhang, tôi lầm rầm cầu khấn mong được thần núi, vong hồn của những người oan khuất che chở rồi nắm sợi dây chui tọt xuống hầm.
Chị Hà oằn mình xúc những mẻ “vàng đen” Căn hầm tối thui, ánh đèn leo lét hắt lên không đủ sáng, mò mẫm mãi tôi mới chạm được đáy. Dụng cụ dưới hầm khá đơn giản: xà beng, cuốc chim, thúng hoặc thau con để hốt than, ngọn đèn tự chế mù mờ. Ở độ sâu này người ta chưa dùng bình khí thở ôxy, mà có khi cũng chả khi nào dùng. Nước xung quanh vách rỉ rả, nhớp nháp, tôi quờ quạng nện những nhát cuốc vào vách, tiếng va đập âm thanh dội vào thành tai nghe nặng trịch. Làm dưới hầm không chỉ thiếu ánh sáng, hít hơi độc của khí lưu huỳnh, khí carbure (cục làm sáng do Trung Quốc sản xuất dùng trong hầm lò) mà còn nỗi sợ kinh hoàng là “đất mỏi”. Sau những trận mưa dài ngày, sự đứt gãy đột ngột của tầng đất dưới sự tác động của con người thì những căn hầm được chèn chống đơn sơ này có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nếu không có kinh nghiệm để nghe đất “chuyển” thì rất dễ bỏ mạng dưới chín tầng đất lạnh lẽo. Vừa cuốc vừa thở, trong đầu tôi không khỏi rùng mình nghĩ đến cảnh tượng đó. Tai tôi ù lên như bị vật gì phang mạnh vào mỗi khi nhát cuốc chạm thành. Khi đào xuống, nếu gặp vỉa than tới đâu thì cứ đào tới đó, ăn ngang, ăn dọc bất kể phía nào, đào sâu đến lúc nào không có khí thở nữa thì chuyển sang vỉa khác. Chính vì vậy nhiều lúc chạm hầm bạn bên cạnh mà chẳng hay, tình cảm thì thương lượng anh em, còn không cũng xảy ra xô xát, đánh lộn vì ai cũng cho mình đúng. Trong chuyện phân chia đúng sai này, chính quyền cũng đành bó tay vì dưới lòng đất lấy đâu ra ranh giới mà xử lí. Được chừng hai mẻ tôi trèo lên chứ chẳng dám ở dưới lâu. Leo lên mặt đất, một hồi lâu tôi mới lấy lại cân bằng, chị Hà bảo: “Nhìn cậu như rứa mà cũng khá đấy! Kinh nghiệm ở đây nỏ ai dạy hay học mô cả, làm nhiều thì biết thôi”. Mặt trời dần lặn sau ngọn núi, chiếu xuống dòng sông Vu Gia màu mỡ gà vàng rực lung linh, huyền ảo. Không biết những người phu than cả cuộc đời có một giây phút nào được thảnh thơi để ngắm nhìn vẻ đẹp huyền diệu này không hay cả cuộc đời cơ cực chỉ biết đến than đen? Chiều tàn cũng là lúc phu than xuống núi, mặt người nào người nấy phờ phạc, đen nhẻm. Trong đoàn người ấy, tôi thấy cả những mái đầu hai ba thứ tóc, chân tay không vững, những đứa trẻ đang còn tuổi cắp sách tới trường. Dừng lại một lúc bên lò chúng tôi, người đàn ông râu ria bờm xờm đi cuối đoàn hất hàm hỏi chủ lò: “Lính mới hả? Trông cũng khá đấy chứ! Nhưng làm ở đây là phải kiên nhẫn, học cách thoát hiểm nhanh chứ lơ ngơ là bỏ mạng như chơi đấy”. Nói xong ông cười khà khà rồi chỉ vào đứa trẻ bên cạnh: “17 tuổi, quê ngoài chú mi đấy. Vào đây là phải bầm dập vài tháng rồi chân tay mới cứng cáp lên được”. Thằng bé nhìn tôi cười tủm tỉm như hiểu sự vất vả, cực nhọc của một “lính mới”.
Nhân có “lính mới” cộng với không khí lạnh u buồn của núi rừng, anh Sang lôi trong kệ ra chai rượu ngâm bìm bịp rồi bảo anh em quây tròn làm vài ly. Anh bảo: “Dù nghèo đói nhưng anh em sống phải có cái tình, cái nghĩa. Sống chết có nhau, chén rượu nhạt này anh mời chú”. Tôi sượng sùng đỡ lấy ly mà cổ họng nghẹn đắng, người ta thật từ đáy lòng sao mình nỡ từ chối? Uống hớp rượu, hơi nóng từ miệng xuống cổ rồi lan ra từng ngóc ngách trong cơ thể. Người ta nói rượu bìm bịp ngâm càng lâu uống càng bổ nhưng nơi rừng núi ẩm thấp này, muỗi, vắt, rắn rít nhiều như trấu, rồi sốt rét, bệnh tật luôn chực chờ đánh quỵ phu than. Chén rượu làm tôi ấm lại, cái vị tanh nồng của thịt da bìm bịp vẫn đọng nơi đầu lưỡi thoang thoảng. Không nỡ dối lòng, tôi thú nhận với mọi người mục đích vào đây. Nghe tôi nói ra, mọi người cũng chẳng ngạc nhiên là bao. Họ bảo: “Nhìn thì biết chắc không phải dân lao động đầu trần chân đất. Phu than chẳng ai trắng trẻo, thư sinh như thế, cái kiểu ăn nói cũng chẳng phải của dân cu li bỗ bã như chúng tôi, đích thực là làm nghề khác lên đây chơi thôi”. Chén rượu uống vào sưởi ấm căn phòng lạnh, mọi người ngồi sát bên nhau nói chuyện tỉ tê, lâu lâu ngước nhìn bầu trời xám đục như cầu khấn ngày mai đừng có mưa, nếu mưa lại phải đóng cửa hầm hay liều mình kiếm cơm trong lòng đất dễ “mỏi” với bao hiểm họa rình rập. Trong câu chuyện nơi căn lều dưới chân núi Ngọc Kinh, họ kể về cuộc đời họ như một định mệnh mà đã đôi lần “thần chết”... từ chối! Bao nhiêu mạng người ra đi, mang theo cả ước mơ và tuổi thanh xuân phơi phới, nhưng cũng có người chết dần chết mòn với mỏ than này, họ không chết vì hầm sập, đá đè nhưng chết vì hao mòn sức lực. “Tử thần” từ chối nhưng rồi chính họ vẫn chết vì miếng cơm manh áo. Anh Sang bảo: “Lúc mới nhìn biết chú chẳng phải thợ lò, nhưng lâu không gặp người cùng quê nên cho chú ở lại nói chuyện một đêm cho đỡ nhớ nhà”. Tôi bảo phải đi công tác suốt, lâu lâu mới ghé quê. Nghề làm báo như con hạc nay đây mai đó, bốn phương là nhà. Nhưng với tôi cái “lâu lâu” ấy cũng chừng dăm tháng, chứ với họ đến cả chục năm, nhớ quê héo hắt cả ruột gan. Dân Nghệ An nơi mỏ than Ngọc Kinh so với địa phương khác thì đông, nhưng không ăn nhằm gì so với dân Thanh Hoá. Họ vào từng tốp, đăng ký có, mà làm chui cũng có. Mấy cái lò mà hồi chiều tôi thấy ở gần chân núi đều của người Thanh Hoá, số phận dạt trôi, xô đẩy những con người cùng khổ đến với mảnh đất “vàng đen” khắc nghiệt này.
Khai thác than tại mỏ Ngọc Kinh gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Vu Gia Tuy nhiên than ngày càng hiếm, nằm rải rác, không phù hợp với kiểu khai thác máy móc hiện đại, cộng với làm ăn thua lỗ nên xí nghiệp này đã giải thể. Mãi đến năm 2001, UBND tỉnh Quảng Nam mới quyết định giao 11,96ha đất khu vực mỏ Ngọc Kinh cho Cty TNHH Hoàng Phúc, cho phép Cty này được khai thác, tận thu than tại đây. Rồi Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đại Hồng đã thông qua việc cho phép HTX nông nghiệp của địa phương tham gia khai thác, thu mua. Từ đó, lệnh cấm gần như được bãi bỏ, dân làm than thổ phỉ khắp nơi đổ về khai thác, bất chấp cái chết rình rập. Anh Hồ Văn Thân, người Tĩnh Gia, Thanh Hóa, trầm ngâm nói: “Vẫn biết là đất đá vùi xác khi nào không hay nhưng làm than lụi thì đòi hỏi gì hơn. Kiếm được dăm bảy chục ngàn qua ngày là sướng rồi”. Mỗi lò trung bình ngày khai thác được vài mét khối, tất cả đều được các đầu nậu mua nóng khi mới lên khỏi lò, một số thì bán cho các doanh nghiệp đã đăng ký với giá bèo bọt. Chị Nguyễn Thị Hà, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa, phân trần: “Họ cho chúng tôi khai thác trên diện tích được tỉnh giao nên than thu được phải bán lại cho họ. Nhưng cực quá anh ạ, tính ra họ bán ra ngoài gấp ba, bốn lần giá như thế”. Khai thác than thổ phỉ cực khổ, nguy hiểm đã đành, nhưng khai thác có phép cũng chẳng khác là bao. Không bảo hộ lao động, bình thở ôxy, đèn chuyên dụng hay một công cụ an toàn lao động nào khác. Những mỏ than nằm lưng chùng núi có khi sâu đến 50 -70m nhưng phu than chỉ dựa vào phương thức khai thác thủ công là chính, theo phương châm “đào đến đâu chống đến đó”. Về vấn đề chống nạn khai thác than “thổ phỉ”, ông Nguyễn Văn Cảm - Phó chủ tịch UBND xã Đại Hồng - cho hay: “Tôi mới lên nhận chức nên cũng không rõ lắm. Cái này do huyện quản lý, xã chỉ phối hợp kiểm tra mỗi khi có lệnh thôi”. Còn an toàn lao động cho công nhân lò, ông Cảm khẳng định: Ngày trước thì có sập hầm thật nhưng giờ thì hết rồi. Người ta chèn chống chắc lắm, không đảm bảo an toàn thì tuyệt đối không được khai thác. Không biết ông phó chủ tịch có hay thị sát mỏ than không, nhưng cái kiểu “an toàn” như ông nói cần phải xem lại. Phương thức khai thác thủ công “đào đến đâu chống đến đó”, xuống hầm sâu cả hàng chục mét, không một dụng cụ bảo hộ lao động thì cũng được cho là “an toàn”? Mỗi năm xã có hàng chục văn bản cấm khai thác chui nhưng rồi đâu lại vào đấy, than thổ phỉ vẫn ngang nhiên hoạt động. Vì miếng cơm manh áo, hàng ngày họ đành “treo” sinh mạng mình bên miệng... tử thần! Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Chí Công – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam - cho hay: “Theo chủ trương của tỉnh thì sắp tới sẽ không cấp phép cho nhiều đơn vị, công ty khai thác than như trước mà chỉ cấp cho một vài công ty có tiềm lực về kinh tế, khoa học công nghệ nhằm tránh tình trạng tranh giành, mất an toàn lao động trên mỏ than Ngọc Kinh”.
Vết tích của một vụ sập hầm
|