Món hàng “Made in Vietnam” nổi tiếng nhất là thứ “bê tông” cốt tre Tom Cannon là một trong những giáo sư xuất sắc về chuyên ngành Phát triển Chiến lược của trường đại học Liverpool (Anh Quốc), giám đốc điều hành của công ty Ideopolis International Ltd. Ông từng làm cố vấn cho nhiều chính phủ của nhiều quốc gia và cố vấn cao cấp của trên 30 tập đoàn xuyên quốc gia lớn. Trong lần viếng thăm Việt Nam vào đầu Tháng Tám vừa qua, Giáo Sư Cannon đã “phát biểu” với VN Express: “Nhật Bản có Panasonic hay Sony, Hàn Quốc nổi tiếng vì Daewoo và Samsung. Nhưng nói đến Việt Nam, người ta không nhớ ra bất cứ thương hiệu nào”.
Không văn minh tiến bộ như Nhật Bản, Ðại Hàn sản xuất xe hơi, TV, điện thoại thì Việt Nam cũng phát triển được công nghệ làm nước mắm, tôm khô, bánh tráng… ““xuất khẩu”” qua đến Cali. Từ thời mở cửa, có giao thương đến nay, người Việt về thăm quê hương, khi trở lại Mỹ cũng đã “bê” theo nhiêu thứ hàng “độc” “Made in Vietnam” (theo nghĩa là vừa quý hiếm, vừa có thể “độc” chết người). Chúng ta thấy Việt Nam sản xuất nhiều món hàng lạ. Ngoài các món mít, xoài, thơm, chuối… phơi khô, bắp, ổi, chùm ruột, mãng cầu, vú sữa… đông lạnh, chúng ta thấy dân ta rất nhiều sáng kiến hái ra tiền rất độc đáo, như mướp đắng xắt nhỏ phơi khô, cá cơm rang và nhất là món cơm cháy, nghe nói là nhà sản xuất đi gom mua cơm thừa ở các nhà hàng ăn về tẩy màu, trộn gia vị, sấy khô, đóng bao bì để xuất cảng. Rồi bao nhiêu thứ trà, như trà đinh, trà đắng, trà xanh, trà nhàu, trà rong biển, trà gừng, trà hà thủ ô… Tất cả các con, cây, lá, mọi vật chung quanh đều có thể pha chế, vô bao bì dưới cái mác “Made in Vietnam”, không thiếu độc tố để chi viện cho ba triệu núm ruột ở xa đang nhớ món ăn quê hương. Chỉ thiếu có thứ lá sắn (khoai mì) mà báo Nhân Dân Hà Nội sau Tháng Tư 1975 đã viết bài nghiên cứu “ba ký lá sắn bằng một ký thịt bò” là chưa sấy khô, đóng gói ““xuất khẩu”” mà thôi.
Thật ra Tom Cannon phải biết đến món hàng “Made in Vietnam” nổi tiếng nhất là thứ “bê tông” cốt tre, chưa có một quốc gia nào trên thế giới theo kịp về mẫu mã, chất lượng, có thể tiết kiệm cho quốc gia hàng chục tỷ đồng trong các công tác xây dựng từ cầu cống đến nhà cửa.
Nhưng đó chỉ là những món hàng “xuất khẩu” nhỏ, theo đúng quốc sách thì hiện nay món hàng “xuất khẩu” lớn nhất của Việt Nam là phụ nữ, một món trời cho không cần phải nuôi như cá ba sa, trồng như cây cà phê hay vỗ béo như gà vịt để xuất cảng. Trong một cuộc hội thảo do Thời Báo Kinh Tế Việt Nam và Hội Phụ Nữ Việt Nam tổ chức ngày 18 Tháng Sáu 2006 đã đề cập đến việc cần xây dựng “thương hiệu” cho phụ nữ Việt Nam, nghĩa là một thứ “Marque Deposé” trong tiếng Pháp hay “Trade Mark” trong tiếng Anh, tên của món hàng “Made in Vietnam” bán ra thị trường. Phụ nữ được bán ra thì phụ nữ cũng cần có thương hiệu. Cuộc hội thảo cho biết, lịch sử Việt Nam không thiếu những hình ảnh phụ nữ tuyệt đẹp để làm biểu tượng, đó là Âu Cơ, Tiên Dung Công Chúa, Huyền Trân hay tệ lắm thì cũng là những nhân vật tưởng tượng như “Võ Thị Sáu”, “Cô gái Bến Tre”, “Bà Mẹ Bàn Cờ” thời chống Mỹ. Vậy thì hội phụ nữ và chính phủ Việt Nam sẽ chọn logo nào đây cho món hàng tươi xuất cảng hàng năm, rất đắt giá và cũng làm người Việt khắp năm châu phải cúi mặt hổ thẹn.
Cù lao Tân Lộc nằm giữa sông Hậu thuộc huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ từ lâu đã có tên gọi khác là “đảo Ðài Loan”, tổng số chỉ có 33,000 dân mà đã “xuất cảng” được 1,500 cô gái Ðài Loan, ngày nay lại chuyển hướng sang Ðại Hàn. Hội Phụ Nữ tỉnh Cần Thơ kết toán chỉ từ đầu năm 1995 đến Tháng Sáu 2003, tỉnh đã có 9,000 phụ nữ ghi tên kết hôn với người nước ngoài, trong đó có 6,000 sang Ðài Loan. Trong thời gian này tính chung cả nước có khoảng 60,000 cô gái từ 18 đến 25 tuổi đã được nhà nước đưa đi xuất ngoại (nhà nước không có chính sách, ai dám công khai kết hôn, cho lên máy bay). Ông Gow Wei Chiou, đại diện Ðài Loan ở Hà Nội, đã xác nhận trong 10 năm trở lại đây, đã có 100,000 gái Việt được “gả hay bán” sang nước ông. Theo một con số do Hội Liên Hiệp Phụ Nữ đưa ra, khoảng thời gian này cũng có chừng 28,000 cô đi Hàn Quốc.
Thời giá ““xuất khẩu”” gái Việt ra ngoại quốc hiện nay chừng $6,000 đô la, tuy vậy, qua bọn con buôn, trong đó có nhà nước Cộng Sản cấu kết với bọn môi giới để đưa “hàng” phụ nữ ra nước ngoài, đồng tiền buôn thịt đến tay gia đình chỉ còn khoảng vài trăm đô la, vì họ hy vọng, con gái khi sang được đất khách, sẽ tìm cách làm việc để gởi tiền về, đó mới là nguồn lợi chính thức và lâu dài. Số tiền $6,000 sẽ vào tay một mạng dịch vụ chằng chịt có cả công an, xã ấp như tiền huê hồng ma cô, giấy chứng nhận của chính quyền địa phương, học ngoại ngữ, khám sức khỏe, phí tổn đám cưới, tiền di chuyển…
Tại Ðài Loan, tờ Trung Hoa Thời Báo đã thẳng thắn đả kích việc quảng cáo bán gái Việt trên đất Ðài Loan như “cô dâu Việt gái $18,000 (tiền Ðài Loan). Bảo đảm gái trinh, nếu không trả tiền lại” – “người chưa vợ, chết vợ hay tật nguyền đều có thể lấy vợ Việt”. Tại Singapore, Hội Phụ Nữ nước này cũng bất bình công khai lên tiếng khi có cảnh ba cô gái Việt Nam được trưng bày trong thương xá Golden Mile Complex. Ở Malaysia hàng chục thiếu nữ Việt Nam được những người Mã môi giới đưa sang Malaysia được đưa ra trưng bày tại các quán cà phê để đàn ông nước này đến xem mắt. Một chính khách nước này, ông Michael Chong đã lên án tệ nạn ấy, và nói gia đình các cô gái, thường là nghèo, đã nhận từ 20,000 đến 30,000 ringgit (5,600 đến 8,500 đôla) tùy theo nhan sắc của họ. Các nhóm hoạt động vì nữ quyền ở Malaysia tỏ ra bất bình trước các việc đã xảy ra. Maria Chin Abdullah, đứng đầu một nhóm hoạt động vì phụ nữ, nói với tờ báo Star, như chửi vào mặt nhà cầm quyền Việt Nam: “Hành vi này chỉ có thể xem là hình thức nô lệ tình dục được tiến hành trong một khuôn khổ pháp lý giả tạo”.
Trong khi đó chính phủ Việt Nam câm miệng làm ngơ trước cảnh nhục nhã, khốn cùng của phụ nữ Việt Nam vì chính họ chủ trương phụ nữ Việt Nam là một món hàng cần “xuất khẩu” cũng như một thương hiệu để mời mọc khách du lịch đến Việt Nam. “Con gái Việt Nam đẹp lắm!”, đó là lời quảng cáo của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết.
Trên đây chỉ là những món hàng được gởi đi theo con đường chính thức có hộ chiếu do các cơ quan công an cấp. Khi một món hàng cầu cao hơn cung, qua ngõ nhà nước thuế má nặng nề thì sinh ra tệ nạn buôn lậu. Những món hàng phụ nữ này thường xuyên được chuyển lậu ra ngoại quốc qua nhiều ngã như biên giới Trung Quốc hay Kampuchea. Năm 2008, cả nước phát hiện 375 vụ buôn bán, phụ nữ, trẻ em, với hơn 700 đối tượng, lừa bán hơn 900 nạn nhân. Tình hình buôn bán phụ nữ trẻ em ra nước ngoài rất quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, có tổ chức. Chúng ta đã nghe nói nhiều đến chuyện phụ nữ Việt Nam qua ngã Móng Cáy gã bán lậu cho Tàu hay đưa trẻ em sang làm đĩ ở Kampuchea.
Hiện nay, không có con số chính thức Hà Nội đã “xuất khẩu” bao nhiêu gái Việt ra nước ngoài… hiện tượng đã quá rõ ràng nhưng chính phủ vẫn tránh né hay vờ vịt không biết đến. Ngày nay nói đến đặc sản “Việt Nam”, người ta nghĩ gì, phải chăng là những điều dối trá, cùng với món hàng phụ nữ rẻ nhất thế giới. Thương hiệu danh tiếng “Ôm – Made in Vietnam” quả là độc đáo, không lẫn với ai, không có bất cứ đất nước nào sánh kịp. Từ “Bia Ôm”, “tàn dư của Mỹ Ngụy” năm xưa, với đầu óc sáng tạo, ngày nay trên đất xã hội chủ nghĩa có hàng trăm “mặt hàng” ôm mới lạ như karaoke ôm, hớt tóc ôm, ngủ trưa ôm…
Nếu không có sự tẩy chay, phản đối của cộng đồng người Việt ở quốc ngoại, thì gánh hát quảng cáo thương hiệu gái “Duyên Dáng Việt Nam” sẽ làm những cuộc lưu diễn bất tận ở nước ngoài để trình bày sản phẩm “Made in Vietnam” này.
|