Home Đời Sống Tài Liệu Báo cáo tín dụng: Những từ chuyên môn

Báo cáo tín dụng: Những từ chuyên môn PDF Print E-mail
Tác Giả: Eric Trần   
Chúa Nhật, 03 Tháng 1 Năm 2010 21:53

Báo cáo tín dụng, tức Credit Report, là một văn bản liệt kê tất cả những sinh hoạt vay mượn, cho thấy cái lý lịch tài chánh cá nhân của chúng ta như thế nào. Một cách khách quan, nó trình bày cả điều tốt lẫn điều xấu. Nhìn vào đó, chúng ta và những người đang muốn tìm hiểu về chúng ta sẽ có được một cái nhìn khá trung thực.

Tiếp theo bài lần trước, chúng ta sẽ nói về những chi tiết trong phần Account History. Cái phần này chứa đựng những chi tiết quan trọng nhất được nạp vào hệ thống đánh giá, và từ đó cho chúng ta một bậc điểm, gọi là Credit Score. Tuy nhiên, thành thực mà nói, với người đọc bình thường thì phần này khá... “boring,” lại thêm nhiều tiếng chuyên môn. Ðể cho đầy đủ, chúng ta vẫn phải lược qua một lần trước khi có thể chuyển sang một phần khác thực tế hơn: Làm sao để nâng điểm tín dụng?

Account History

 

Ðập vào mắt chúng ta trước hết trong phần Account History là những ô tròn hoặc ô vuông, đây là biên bản vắn tắt ghi nhận về tình hình trả nợ của chúng ta trong 24 tháng qua. Mỗi lần trả tiền đúng hạn được mô tả bằng một ô màu xanh lá cây (green) với chữ OK đầy hãnh diện ở giữa.

Các chi tiết khác trong Account History gồm có:

Cái account do riêng mình đứng tên hay đứng tên chung với một người khác.

-Mức tối đa chủ nợ có thể cho mình mượn được là bao nhiêu (Credit line).

-Mình đã từng nợ lên tới con số cao nhất là bao nhiêu.

-Hiện nay còn nợ bao nhiêu.

-Mỗi một tháng phải trả tối thiểu là bao nhiêu để giữ uy tín và mặt mũi trên thị trường.

-Tình trạng Account giờ ra sao: Còn hoạt động hay đã đóng, có còn tiếp tục trả nợ không.

 
 Trong sổ bìa đen (public records) sẽ ghi lại
các phán quyết pháp lý về các món nợ.

-Tình hình trả nợ ra sao: Ðều đặn? Trễ vài ngày? Trễ vài tháng?...

-Tiếng Anh được sử dụng trong phần này thường rất đơn giản. Chẳng cần phải tốt nghiệp đại học mới hiểu được họ đánh giá chúng ta như thế nào khi nói: Never pays late (không bao giờ trả trễ), hoặc 30 days late (quá hạn 30 ngày chưa thấy trả tiền); Các Credit Bureau lại có thể họ lại dùng một hệ thống mã số, từ 1 tới 9. Ý nghĩa của mã số như thế nào đều được định nghĩa rõ ràng để người đọc cầm báo cáo là sẽ hiểu ngay tình trạng account này được đánh giá thế nào. Chẳng hạn, mã số R1 hoặc L1 là trước nay trả tiền đều đặn.

Sau đây là một số tiếng chuyên môn được dùng để “lột trần” lý lịch tài chánh của chúng ta:

-Charged off hoặc Default: Chủ nợ bó tay, không thể đòi được nữa, coi như hủy bỏ món nợ. Gặp trường hợp này, họ sẽ đưa ra một công ty chuyên đòi nợ bên ngoài, lấy được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cái chữ Collection ở đây mới thực sự là đen tối cho uy tín vay mượn của chúng ta.

-Past Due: Trễ hạn trả tiền.

-High Balance: Số tiền nợ lên đến mức cao nhất là bao nhiêu. Chẳng hạn, nếu là trương mục vay tiền mua nhà (Mortgage Account), thì số tiền nợ vào ngày đầu tiên là cao nhất, và nhỏ dần theo thời gian với tiền trả hàng tháng.

-Terms: Thời hạn trả nợ do 2 bên thỏa thuận từ ban đầu. Thí dụ: Món nợ nhà (Mortgage) sẽ được trả trong 30 năm; Món nợ xe (car loan) sẽ được trả trong 5 năm...

-Limit: Là giới hạn cao nhất về số tiền mình có thể mượn được của chủ nợ. Từ ngữ này chỉ áp dụng cho các trương mục thẻ tín dụng (Credit Card Account). Chẳng hạn, limit của cái thẻ Visa Card do ngân hàng Chase cấp cho tôi là $15,000, tức mức nợ tối đa tôi có thể mượn được của họ.

-Payment: Ðây là số tiền tối thiểu mình phải trả hàng tháng cho chủ nợ.

-Opened: Ngày bắt đầu mở trương mục.

-Reported: Ngày cuối cùng văn phòng tổng hợp tín dụng nhận được báo cáo.

-Responsibility: Phần này cho biết ai là người trách nhiệm với account này. Có nghĩa là, đây là cái account riêng của bạn (individual), hoặc chung với người khác (joint), hay chỉ là người có tên dùng thẻ (authorized user) mà không chịu trách nhiệm trả tiền là người khác.

-Late Payments: Tóm tắt những lần trả trễ, 30 ngày, 60 ngày hay 90 ngày trong vòng 7 năm qua.

-Remarks: Ghi chú thêm, nếu có về tình trạng account.

Collection Account

Ðây là những trương mục trễ hạn trả tiền quá lâu, đã được chuyển sang bộ phận chuyên môn đòi tiền trong cùng một nhà băng (Internal Collection), hoặc một công ty bên ngoài (collection) hoặc một văn phòng luật sư (attorney). Do món nợ bị di chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác, các bạn sẽ thấy mình bị báo cáo nhiều lần về cùng một món nợ. Trong trường hợp như vậy thì chỉ có một hồ sơ được ghi là hoạt động, các hồ sơ kia coi như đã đóng cả. Một hồ sơ đòi nợ (collection) được trình bày như sau:

-Creditor Name: Chủ nợ - tên công ty được chính thức giao phó nhiệm vụ đòi nợ.

-Account Number: Số căn cước trương mục trong hồ sơ của công ty mới. Số căn cước này khác với số căn cước của trương mục nguyên thủy.

-Original Creditor: Tên chủ nợ nguyên thủy là nơi bạn khởi sự nợ tiền. Tuy nhiên, nếu đó là một công ty y tế, như một bệnh viện hoặc văn phòng bác sĩ, thì tên này không được công khai hóa để bảo toàn lý lịch y tế cá nhân của bạn.

Public Records (Sổ Bìa Ðen)

Cái tên Public Records (hồ sơ công cộng) nghe có vẻ lịch sự. Nhưng phải biết, đây là cái sổ bìa đen, phần đen tối nhất trong lý lịch tín dụng của một người. Phần này phải trống trơn, tức là không tì vết gì cả. Bằng không, bất cứ một báo cáo gì xuất hiện trong phần này cũng là một vấn đề lớn, có liên quan đến pháp lý, như báo cáo phá sản, án tòa buộc phải trả nợ, hoặc bị cầm cố vì thiếu thuế nhà nước... Những vết đen này dìm uy tín chúng ta xuống đất đen, khó có thể làm gì để tẩy xóa được, ngoài thời gian.

Sau đây là những từ ngữ được dùng trong phần Public Records của một báo cáo tín dụng:

-Bankruptcy: Ðã từng khai phá sản để được trút bỏ tất cả hoặc một phần nợ nần.

-Tax Lien: Tiền thuế còn thiếu của nhà nước liên bang, tiểu bang hoặc thành phố.

-Legal Item: Án lệnh buộc phải bồi thường tiền bạc cho người khác.

-Marital Item: Bổn phận tài chánh đối với người phối ngẫu cũ, hoặc con cái sau một cuộc ly thân hay ly dị.

-Financial Counseling: Hồ sơ những lần tham vấn để tìm một lối thoát về tài chánh.

-Financial Statement: Bị cầm cố tài sản để trả nợ.

-Foreclosure: Bị ngân hàng xiết nhà vì không trả nợ Mortgage hàng tháng.

-Garnishment: Quyết định của tòa án cho phép chủ nợ trừ thẳng vào lương của con nợ để trừ nợ.

Trên đây là những trường hợp được ghi nhận vào Sổ Bìa Ðen. Ðối với đa số chúng ta, phần này thường là trống trơn. Chỉ bị 1 hoặc 2 trường hợp đã là bi đát. Bị 3, 4 “cú” ghi ở đây thì đúng là... số con rệp!

Nhưng dù thế nào chăng nữa, cuộc đời có thể “chấm xuống hàng,” nhưng không bao giờ là “chấm hết,” là “un point final.” Chúng ta luôn luôn có nhiều cơ hội để vươn lên. Ông Trời cũng muốn nhắc nhở về điều đó, nên cứ 365 ngày lại cho chúng ta một Tân Niên. Thật là hân hạnh cho Eric được nói chuyện với các bạn hôm nay: Xin chúc mọi người nhiều nghị lực để nắm bắt các vận hội trong năm mới.