Múa phá quàn, hấp dẫn mà bi thương |
Tác Giả: Cát Tường | |||
Chúa Nhật, 13 Tháng 12 Năm 2009 10:03 | |||
Trong đám tang chú tôi, ông sui của chú đã “múa hát” hết sức bi thương trước linh cữu. Ðám tang của anh tôi cũng có một người mặt mày bặm trợn, trang phục dữ dằn múa đao, múa lửa với những câu hát nghe đến nao lòng. Người ta nói đó là múa “phá quàn.” Ông Năm Lùng ở Ninh Kiều, Cân Thơ múa đao trước linh sàng. (Hình: Cát Tường) Ông Ðược múa đuốc phá quàn ở Cái Tắc (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). (Hình: Cát Tường) Ông Hai Ðịa múa phá quàn ở Ðịnh Thủy, Cần Thơ. (Hình: Cát Tường)
Ông Phan Minh Hùng, người múa phá quàn, cho biết múa phá quàn theo phong tục Tàu, như sau: Người cha mất để lại nhiều của cải. Các cô con gái thương cha muốn quàn thật lâu. Các con trai muốn chôn cất cho xong để đỡ mệt mỏi, nhất là được trở lại làm ăn sớm. Họ cãi nhau. Con trai lên núi mướn lâu la tới cướp quan tài đưa đi, con gái tìm nhà sư đến ngăn cản. Họ giằng co cho đến lúc vì bọn lâu la đông quá nên quan tài được đưa ra khỏi nhà. Lại có thuyết cho rằng đánh phá quàn nhằm giữ thi hài người quá cố với thế lực quỷ dữ để họ sớm đi đầu thai... Trong đám tang chú tôi hồi khoảng 20 năm trước ở thị trấn Cầu Kè (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), ông sui chú tôi mặc đồ bình thường, tay cầm đuốc vừa múa vừa hát những câu đầy cảm xúc về tình nghĩa “đệ huynh” giữa ông và chú tôi nay đã đứt đoạn, mỗi người một ngả. Vừa múa vừa hát, đôi lúc ông ngậm một ngụm dầu lửa phun vèo qua ngọn đuốc, tạo thành đám mây lửa đẹp mắt trong không gian. Trong đám tang anh tôi, đầu năm ngoái, người múa phá quàn - ông Phan Minh Hùng - mặc giáp tướng võ hẳn hoi: bộ đồ đen viền sọc trắng, mũ đen viền đỏ, đi hài, trông rất oai vệ với bộ râu quai nón nơi cằm... Hết múa đao, ông múa đuốc cùng những câu hát theo kiểu hát bội, ai nghe cũng xót xa lòng dạ. Tới khu vực 2 phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, hỏi Năm Lùng (tên thường gọi ông Phan Minh Hùng), ai cũng nói, “Thằng đó múa phá quàn số một ở chợ Cần Thơ. Ðó là một người đàn ông 51 tuổi, tướng tá liền lạc, to cao và vui tính. Trong ngôi nhà tường khang trang, ông bộc bạch gần hết cõi lòng về cái nghề độc đáo này. Hồi thanh niên (23, 24 tuổi), trong khi đi làm mướn ở Trà Ếch (quận Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), Năm Lùng thấy ông Tư Nhiều (vốn là kép hát bội) múa phá quàn quá “siêu” trong một lễ tang. Coi ông Tư Nhiều múa phá quàn nhiều lần, Năm Lùng đâm mê, vậy là “bái sư” xin học. Trong vòng 2 tháng, ông Tư Nhiều đã truyền dạy hết “sở trường” của mình cho “đồ đệ” Năm Lùng song song với việc cho đi diễn kèm các đám tang để “nâng cao tay nghề.” Năm Lùng nói: Hát phá quàn mỗi người có một “văn”, lấy “văn” hát bội làm chuẩn. Ðầu tiên là phải thuộc “văn” mẫu. Hồi mới đi đám, thuộc “văn” quên “bộ”, mà thuộc “bộ” lại quên “văn”. Lúc đó nhiều khi diễn lọng cọng, vì “khớp”. Về sau, khi đã nhuần nhuyễn “bộ” và “văn”, không sợ “khán giả” nữa thì phải “sáng tác” “văn” để bài hát phù hợp với hoàn cảnh tang gia. “Văn” gồm: Thái Thượng Lão Quân và Phật Bà Quan Âm, nghĩa là theo hát bội. Múa phá quàn lấy giọng, bài hát, điệu múa hát bội làm chuẩn. Hát không có nhạc (nhạc lễ) khỏe hơn hát có nhạc. Hát có nhạc phải biết theo cho đúng nhịp, hễ nhạc vần Bắc thì vô. “Văn” phá quàn “vô”: “Dịch giả nhập cửu cửu linh san phát hành/Thừa phụng mạng...” rồi cầm khăn ấn Bà Quan Âm đi vòng vòng: “Từ bi xuất hiện bái Quan Âm (hơi Quảng)/Nhứt thiết thanh sơn bái đầu lâm/Thất bảo đài chung chốn công lạc/Tần du thế giới thỏa vô cùng.../ Như ta đây thần đương kim võ tử/Dường tích sử khai môn (“Xưng danh dữ dữ cho người ta sợ”, ông Hùng cười “phụ chú”)/Thần nhứt danh Khương tướng...” Còn “văn” di quan thì: “Như ta đây chí sơn đà kiếm tứ/Mang danh hiệu chủ trại Dạ Xoa/Hằng ngày ta luyện tập lâu la/Thừa phong sắc nhơn quan thị giả/Hỏi tầm sư quê quán nơi đâu/Tên họ ông là gì/Có chuyện chi cần ta gấp gấp...” Sau khi khám quan tài không thấy gì nghi ngại, khóc kể (lớp Nam), cúng 3 tuần rượu, đập nồi đất, kêu: “Cả tiếng kêu chư tướng (Ðạo tì “dạ” rân)/Trên có hàng long hỗ trợ/Dưới có mãng xà nưng đỡ quan tài/Vậy anh em chúng ta cùng nhau đưa đón quan tài/Phò linh cữu lên đường thượng lộ.” Nhóm đạo tì đồng loạt “Dạ” ran rồi xúm nhau khiêng quan tài đi. Năm Lùng cười tiếp: “Trong tất cả các đám tang, tôi không diễn trò ‘phun lửa’ vì sợ cháy bộ râu, vì không gian đám tang ở thành thị chật hẹp! Một “sô” diễn mất khoảng 25 phút.” “Nếu có hai người diễn hai vai thì mất chừng 40 phút.” Ông Hai Ðịa - một người múa phá quàn ở xã Ðịnh Thủy, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre - cho biết thêm: “Hai vai gồm: một vai quan văn, một vai quan võ. Phá quàng vai quan văn. Di quan vai quan võ. Hai người diễn sẽ khiến buổi múa phá quàn hấp dẫn với nhiều động tác lôi cuốn và các bài hát đối đáp sinh động.” Khi quan võ cướp được quan tài rồi sẽ hát kể, lớp Nam: “Tôi thấy trên quan tài đèn cầy chiếu rạng/Trước linh sàng nghi ngút khói nhang/Mười ba nén hương vàng nguyện trước vong linh/Cầu cho vong hồn...)” Ông Hai Ðịa tâm sự: “Nếu được gia chủ ‘bồi dưỡng’, tối thiểu là 200 ngàn đồng, chúng tôi diễn càng hăng.” “Múa phá quàn có nhạc lễ sẽ hay hơn, vì người diễn được dàn nhạc phụ trợ bớt ‘cô đơn’, hăng máu, không biết mắc cỡ”, ông Năm Lùng phân tích. Riêng bản thân mình, ông Năm Lùng bộc bạch: “Lâu lâu tôi mới có một ‘chầu’ múa phá quàn. Hễ nơi nào có đám tang, họ liên hệ với đội mai táng và có yêu cầu thì mình có miếng ăn.” Múa phá quàn hiếm người biết múa đã đành, lại còn ít được tang chủ biết để mời phục vụ tang lễ. Ðiều này có lỗi của các đội mai táng và cả ông Năm Lùng vì họ đã không biết phối hợp nhịp nhàng để “tiếp thị” với tang chủ. Nhìn chung, đám tang có múa phá quàn vừa giáo dục con người biết giữ niềm hiếu đễ, vừa giữ được bản sắc văn hóa tâm linh, vừa hấp dẫn mà bi thương, lại vừa ít tốn tiền (khoảng 200 ngàn đồng/sô), hay hơn thuê dàn nhạc tây tốn khoảng 5 triệu đồng, “rườm rà” kèn trống. Ông Hai Ðịa là dân làm ruộng. Mỗi khi địa phương có người quá cố là người ta nhờ đội mai táng kêu ông. Còn ông Năm Lùng trước kia chạy xe lôi, nay thì làm bất cứ công việc gì, “bởi đâu có ai chết liên tục, mà đâu phải đám ma nào người ta cũng biết kêu mình, để mình sống thuần bằng nghề này!”, rồi ông than: “Ở Cần Thơ kiếm một người múa phá quàn ‘cặp’ đỏ con mắt không có.” Ông cho biết ở quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) trước đây có ông Bảy Thới là một người múa phá quàn nổi tiếng. Ông thủ diễn vai tướng văn đã giỏi mà vai tướng võ càng tinh diệu hơn. Nhưng vì tuổi già sức yếu ông đã giải nghệ từ lâu rồi. Ở Rạch Gòi (xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) gần Cần Thơ, có 2 bà làm nghề này, đều xuất thân đào hát bội. Tại Xóm Chài (phường Hưng Lợi, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) có cô Sáu Mi múa quan văn hay. Cô vốn là đội viên một đội lân. Nhưng đàn bà làm sao múa với ông Năm Lùng được! Vì vậy, ông Năm Lùng đã cố công tìm người truyền nghề để múa cặp với mình cho xôm tụ. Ông đã truyền dạy múa phá quàn cho khá nhiều người nhưng không ai trụ được, một phần vì họ không có khiếu, phần nữa vì là một nghề “khó ăn” nên họ làm được một thời gian thì “cuốn giáp quy hàng!”
|