CÂY NHÀ LÁ VƯỜN là một quyển sách dày trên 500 trang bao gồm những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, tác giả Võ Quang Yến đã tìm tòi nghiên cứu viết thành bài trong khỏang thời gian từ 1995 đến 2007, và đến năm 2008 những bài viết nầy đã được gom lại xuất bản thành sách.
Tác giả Võ Quang Yến hiện đang hưu trí tại Paris. Năm 1962 ông tốt nghiệp Tiến sĩ khoa học ngành Hóa hữu cơ tại Đại học Sorbonne – Paris. Trong khỏang thời gian từ 1962 đến 1994 ông làm việc tại CNRS Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp. Ông đã tham gia giảng dạy tại ENSCP Trường Quốc gia Cao Đẳng Hóa học Paris. Đến năm 1994 ông về hưu với chức vụ giám đốc nghiên cứu. Ngòai ”Cây Nhà Lá Vườn” ông còn cho xuất bản 8 quyển sách với các đề tài thuôc nhiều lãnh vực khác nhau, chuyên môn như Vũ Trụ và Khoa Học, Giáo Dục Tính Phái… hoặc trong cái ngẫu nhiên của nguồn tình ươm đầy đất Thần Kinh biểu hiện trong Gửi Thương Về Huế, Tượng Đài Sông Hương, Sông Hương Ngòai Biên Giới… Nội dung và Thư Mục của sách cho thấy một loạt những bài viết phong phú về dược thảo mộc. Tác gỉa đã đi sâu vào các phân tích họat chất có tính dược liệu, đề cập đến những khảo cứu về mặt sinh học, và sự hòan thành một dược phẩm cùng tác dụng tuyệt hảo của nó đối với cơ thể như sức khỏe, nguồn bệnh, những ảnh hưởng đóng vai trò chính yếu trong đời sống của chúng ta. Ông đã cho thấy một số dược thảo khi chưa được chế biến tiềm ẩn một khối lượng chất thuốc và cả độc chất. Những bài viết với tính cách chuyên nghiệp lại không thể hiện sự khó khăn gặp phải trong việc sử dụng thuật ngữ Tiếng Việt, mà một người đã sống và làm việc tại Paris chỉ quen dùng Tiếng Pháp đến năm mươi năm như ông, là một ưu điểm đáng qúy trọng, cũng như cho thấy được sự kiện ông đã bỏ nhiều công sức trong việc thực hiện những bài viết đó. Sách trình bày bằng một lối viết gãy gọn và linh hoat trong các đề tài chuyên môn đươc ông hài hòa lồng trong nguồn sử, gốc tích, chuyện cổ. Khi đề cập đến các loài dược thảo và giá trị của nó cùng những phân tích sinh hóa, ông đã nêu dẫn các tài liệu tham khảo ”không những bằng tên tác giả, tên tờ báo, mà còn nêu dẫn số báo, trang báo và ngay cả tựa đề bài báo để độc gỉa có được một khái niệm rõ ràng”. Trong lời mở đầu của quyển sách (theo ông cho biết, đã bị nhà xuất bản cắt xén) ông tâm tình như sau: ”Nếu đi thẳng vào khoa học, kê khai thành phần cấu tạo cây lá rồi bước qua tính chất dược liệu, ứng dụng thuốc men sợ rằng sẽ được xem như là một danh mục, một lọai Ca-ta-lô, thì ai mà chịu mó tới. Tìm kiếm mãi đọan vào đầu, tôi đạt đến những chuyện cổ tích, lịch sử mà tôi tin là hấp dẫn, sử dụng như ly nước giúp nuốt trôi viên thuốc cứng, đồng thời góp phần vào ngành dân tộc thảo mộc học…” Trên 500 trang sách của quyển CÂY NHÀ LÁ VƯỜN bạn sẽ bất ngờ biết đến những chất liệu qúy giá tột bực qua các bài triển khai về chất thuốc trong cây, trái, hạt, hoa, lá thiên nhiên như các bài viết về Xòai Cát Xòai Tượng, Đu Đủ, Dưa Hấu, Khế, Măng Cụt, Cỏ Xương Bồ bên bờ Sông Hương, Sầu Đâu, Hoa Cau Vườn Trầu, Vông Vang, Yến Sào, Giáng Châu, Đỗ Quyên, Quế Thanh, Ngải, Hương Trầm… cùng những độc tính của Thuốc Lá qua sự hủy họai của nó, và rất nhiều những thảo dược kỳ diệu trị được nhiều chứng bệnh nan y, cũng như có một số những dược thảo thần kỳ thiên nhiên nằm ngay trong tầm tay của chúng ta giúp người đàn ông tăng cường năng lực trong đời sống tình cảm, giúp người đàn bà ”trẻ mãi không già” nhờ dược chất tuyệt vời chống lão hoá trong các lòai cây trái đó. Cây GINKGO là một trong những nguồn thuốc thiên nhiên đáng chú ý nhất. Cách đây không lâu khi tình cờ đọc về đặc tính kỳ dị của lọai cây nầy, về tác dụng thần kỳ của lá và hạt Ginkgo ảnh hưởng thế nào trên và trong cơ thể chúng ta, tôi đã lấy làm thích thú và do đó đã nổi tính hiếu kỳ muốn được ngắm nhìn một cây Ginkgo bằng chính mắt mình. Tìm đọc thêm các tài liệu trên sách báo, tôi biết được ở Vườn Luxembourg tại Paris có gốc Ginkgo rất lớn. Tôi thầm tiếc đã từng đến Paris hầu như hằng năm, dạo chơi trong Vườn Luxembourg bao nhiêu lần mà không biết để ngắm nhìn thân cổ thụ Ginkgo to lớn tại đó. Ginkgo đặc biệt vì nó là một lọai cây đầy huyền tích và những tác dụng dược liệu thần kỳ của nó. CÂY NHÀ LÁ VƯỜN đã cho người đọc những học hỏi rất giá trị. Trong phần cuối của quyển sách nầy bạn sẽ đọc được một bài rất hay về cây Ginkgo. Qua 14 trang sách, từ trang 477 đến trang 490, tác giả Võ Quang Yến đã viết về nguồn gốc và những đặc tính thảo dược của lòai Ginkgo, với những điểm thật thu hút như: ”Vết ấn lá cây Ginkgo được tìm ra trong đá có 270 triệu năm tuổi. Cách đây khỏang 7 triệu năm Ginkgo không còn thấy ở Châu Mỹ và 5 triệu năm sau đến lượt Châu Âu cũng mất tích nó. Ginkgo là cây độc nhất tồn tại từ thưở xa xưa, là dây liên lạc nối hiện tại với quá khứ trong hàng vạn lòai cây. Từ thời Nhà Hán (206 tCN – 220 sCN) quả hạt cây đã được dùng làm thức ăn và được ghi chép vào sách Thần Nông Bản Thảo Kinh. Bên Nhật Bản quả được dùng trong các buổi trà đạo, làm bánh kẹo và được biết qua sách từ 1492. Cây Ginkgo được tôn vinh là kho tàng quốc gia vì sống lâu đời, không hề bị môi trường ô nhiễm chi phối, lại vẫn còn tồn tại tươi tốt sau quả bom nguyên tử ở Hiroshima, ngày nay cây còn được xem như một cổ thụ thần thọai, hoang đường. Châu Âu biết được Ginkgo nhờ ông bác sĩ kiêm nhà thảo mộc người Đức Engelbert Kaempfer (1651-1716). Nguồn gốc cây Ginkgo do danh từ Tiếng Tàu Yin Hsing, ta phiên âm Ngân Hạnh. Người Nhật phiên âm Gin Kyo. Có thể ông Kaempfer chép lầm chữ y ra chữ g, hay do vì ở vùng Lempo quê ông miền Bắc nước Đức người ta không phân biệt được y và g, hoặc do ông viết không rõ nên xảy ra sự lầm lẫn biến Ginkyo thành Ginkgo. Sách vở Tàu từ lâu đã bàn đến các vị thuốc trong cây Ginkgo, giúp tiêu hóa, giải rượu, tăng cường năng lực tính phái, ổn định tinh dịch, có khả năng chống ung thư, độc trùng. Nó là thành phần các liều thuốc chữa bệnh tim, phổi, viêm phế quản… Nói chung tính chất cốt yếu của Ginkgo là chống oxy hóa, được dùng trong cuộc trị liệu chứng Alzheimer” Một sự tích khám phá tinh trùng cây Ginkgo được ghi chú trong sách khá đẹp như sau: ”Ông Sakugoro Hirase (1856-1925) Cán sự Thực vật học ở Phân khoa Khoa học, Viện Đại học Hòang gia Tokyo, tự học kỹ thuật nuôi trồng. Từ năm 1894 ông khảo cứu thời gian thụ trái và cấu tạo phôi thai cây Ginkgo. Khảo sát nõan tâm qua kính hiển vi, ông thấy được một cấu trúc tỏa tia đặc biệt, hai nõan cơ thực vật (archgonia) trong tiền phôi nhũ (endosperme), sau đó những tiêm mao rung động: ông đã khám phá ra những tinh trùng (1896) cây Ginkgo…Ở Tokyo thời kỳ thụ phấn nằm giữa tháng 4 và tháng 5, còn thời kỳ thụ tinh thì giữa tháng 9 và tháng 10…Khám phá đã được tặng thưởng Giải Viện Hàn Lâm Hòang Gia Tokyo vào năm 1912…” Đi vào CÂY NHÀ LÁ VƯỜN bạn sẽ du hành trong một thế giới dược thảo đầy tính thần kỳ nhưng không huyền bí vì phần lớn các dược thảo nầy nằm ngay trong tầm tay, rất sát với đời sống hằng ngày của chúng ta, và ta thấy rõ được những vị thuốc rất hữu ích và thực dụng cho cơ thể, cho cuộc sống. Với những lọai cây, hoa, lá, hột hay trái khi biết đến khả năng của nó bạn sẽ tự sử dụng được để giúp cho chính mình ngăn ngừa được rất nhiều mầm bệnh và chống được những bệnh họan hiểm nguy cũng như làm tăng thêm sức lực, sức khỏe và điều kiện sống, sẽ làm cho những tiếp xúc thường nhật của chúng ta được tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Mùa hạ năm nay trong dịp đến viếng Đảo Hoa Mainau, một hòn đảo thơ mộng của ngàn hoa và thảo mộc, bên dòng nước trong xanh bát ngát của Hồ Bodensse Đức Quốc, tôi ngẫu nhiên được đứng dưới một gốc cổ thụ Ginkgo, và tôi thật sự quá bàng hòang. Sau đó, tôi đã tình cờ mua được một gốc Ginkgo nho nhỏ. Mỗi sáng khi ngồi uống cà phê bên các chậu cây, tôi đặc biệt ngắm nhìn cây Ginkgo của mình, vì qua những mổ xẻ của tác giả Võ Quang Yến với những đặc dụng của cây và tính chất thần thọai trong sách khi ông viết về cây Ginkgo đã làm cho tôi càng yêu qúy cây ”thần dược” Ginkgo bé nhỏ ẻo lã của tôi hơn.
|