Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Thiên đàng và địa ngục

Thiên đàng và địa ngục PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phuong   
Thứ Ba, 15 Tháng 11 Năm 2011 22:23

“Bọn chúng ta hèn như bầy thỏ đế
Khổ đau chia, khi sung sướng một mình
Lúc lửa đỏ bèn cao bay xa chạy
Còn nhớ gì nghĩa huynh đệ chi binh!” (HP)

(Viết cho những hội cứu trợ thương binh)

Nhà văn Ba Tây, Paolo Coelho có một câu chuyện kể được xếp hạng là một trong những câu chuyện hay, đại khái như sau:
Một người đàn ông đang rong ruổi trên một con đường cùng hai con vật bạn đường thân yêu là một con ngựa và một con chó. Chẳng may họ bị sét đánh và cả ba đều qua đời, tuy vậy người đàn ông không biết mình đã chết, linh hồn của người và vật vẫn tiếp tục con đường của mình đi. Con đường dài và gian nan, người và vật phải qua bao nhiêu ngọn đồi dưới cơn nắng cháy da, họ đổ mồ hôi nhễ nhại và vô cùng khát nước. Vừa qua khỏi một ngọn đồi, trên một triền núi, người lữ hành trong thấy một lâu đài tráng lệ, bèn đến gõ cửa. Ông nói với người gác cổng:
- Thưa ông, cho phép tôi hỏi, lâu đài đẹp đẽ này gọi là gì?
- Ông không biết đó thôi. Nơi này gọi là Thiên Ðàng.
Trong hoàn cảnh của người và vật bấy giờ, Thiên Ðàng hay Ðịa Ngục đối với họ không là gì cả, họ chỉ cần nước:
- Chúng tôi hoàn toàn kiệt sức và cần nước uống, tôi có thể vào đây để xin nước uống được không.
- Vào đây, ông muốn uống bao nhiêu nước cũng được, và muốn gì cũng có.
Người gác cổng mở cửa cho người lữ khách bước vào nhưng khi hai con vật bạn đường của ông tiến lên, người gác cổng ngăn chúng lại:
- Chỉ mình ông thôi, hai con vật này không được vào đây.
Nghe vậy người lữ khách đứng sững lại. Mặc dầu khát khô cổ họng, ông không thể uống nước một mình. Ông cám ơn người gác cổng và mệt mỏi kéo hai con vật rời khỏi lâu đài.
 
 Họ lại đi qua mấy ngọn đồi cát, gần như kiệt lực, cuối cùng thấy một chiếc cổng đã cũ nát, dẫn vào một con đường có bóng mát và trồng đầy hoa. Tiếng động của họ đánh thức một ông già đang nằm ngủ dưới gốc cây. Người lữ khách lên tiếng:
- Chào ông, chúng tôi quá khát nước, hai con vật này cũng vậy.
- Có một con suối sau tảng đá kia, ông muốn uống bao nhiêu cũng được.
Sau khi đã no nê với những ngụm nước mát, họ trở lại con đường gặp ông già để cám ơn. Ông già nói:
- Không có gì, chừng nào thấy khát thì quý vị cứ trở lại đây!
- Ðây là đâu? Thưa ông?
- Ðây là Thiên Ðàng!
Người lữ khách ngạc nhiên:
- Ðằng kia người ta cũng nhận đó là Thiên Ðàng. Mình có thể nào ngăn chận một sự lạm danh như thế này không?
- Không cách nào cả ông ạ! Thật ra họ cũng chấp nhận một đặc ân lớn cho những ai có thể bỏ được bạn bè tốt nhất của mình, đều ở lại đó hết!

Ðừng bao giờ bỏ bạn bè của chúng ta, những người bạn chân thật đã cho chúng ta sự yêu thương và đồng hành. Ðừng bao giờ bỏ rơi họ, đừng bao giờ! Trên đời này có một người bạn là được một ân huệ. “Có được một người bạn là được một món quà. Giữ gìn và không bỏ bạn đạo đức. Ðược làm bạn của một người bạn là một vinh dự”.
Vậy mà chúng ta ra đi vào cổng “Thiên Ðàng” uống nước một mình, để lại biết bao nhiêu người gọi là “chiến hữu”, là “đồng ngũ”, là “huynh đệ chi binh”- danh xưng đó còn cao hơn cả tình bạn bè- mơ một ngụm nước giữa cơn khát cháy khô cổ họng. Tháng 4-1975, chúng ta đã có bao nhiêu anh hùng liệt sĩ hy sinh cho tròn danh tiết, như người hạm trưởng không bỏ con tàu lúc lâm nguy. Dần dà chúng ta còn tìm ra không biết bao nhiêu con người dũng cảm khí phách như Nguyễn Ðình Chi tự sát tại nhiệm sở, như Nguyễn Văn Long nổ phát súng vào đầu giữa công trường trong ngày Saigon thất thủ, như Nguyễn Hoàng Ân lao máy bay xuống biển không để lọt vào tay giặc khi phải bỏ miền Trung, như những người lính vô danh choàng tay chụm đầu chia nhau những mảnh đạn trên bãi biển Tư Hiền hay ở ngã ba Ông Tạ trên đường rút quân. Không phải ai cũng hành động được như họ. Họ không nỡ bỏ nhau, họ không thể bỏ bạn bè.

Nhưng chúng ta bỏ lại quá nhiều chiến hữu sau lưng. Nhiều người mất xác trong trại tù. Nhiều người chết ngoài biển Ðông. Chúng ta ra đi quá lành lặn, nhiều người còn đem theo của cải tích lũy từ máu xương của những người bạn đường cùng đi với chúng ta trong hai mươi năm. Chúng ta để lại hàng nghìn, hàng nghìn cô nhi quả phụ thương binh trong vùng đất địch. Ba mươi sáu năm nay, chúng ta đã thấy có vị tướng “công thành” nào nhớ đến “vạn cốt khô,” làm lấy một hành động có ý nghĩa cho những người “bạn đường” năm cũ đang giữa cơn đói khát nhục nhằn chưa? Kể cả một buổi lễ tưởng niệm, cầu siêu cho những người lính thuộc quyền ở lại chiến đấu anh dũng và chết oan khuất cho cấp chỉ huy lên máy bay lành lặn ra đi, cũng không thấy bóng dáng người tư lệnh năm xưa. Họ như “kẻ chăn chiên quay đầu chạy, bỏ bầy chiên lại cho lũ sói rừng!” Nhiều người đã trở về trận địa cũ năm xưa, không phải để tìm lại những chiến hữu ngày tháng cũ mà để bắt tay với kẻ thù hay đi tìm lạc thú, xát muối thêm vào vết thương của người ở lại.
Và chúng ta đang vào một nơi gọi là Thiên Ðàng để được sung sướng một mình. Những người lương thiện khi bỏ bạn bè, dù đang được no ấm, cũng có cảm tưởng mình đang ở địa ngục.

Thiên đàng như vậy phải chăng là nơi chúng ta có bạn bè và không bao giờ bỏ bằng hữu.