Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Người Hàn Quốc (1)

Người Hàn Quốc (1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc   
Thứ Tư, 12 Tháng 10 Năm 2011 05:28

Tôi cho cách cúi đầu của người Đại Hàn là vừa phải. Chỉ đứng thẳng và nghiêng người một chút về phía trước

 


Để đến Hàn Quốc, tôi phải bay từ Melbourne đến Sydney bằng hãng Qantas và ở phi trường Sydney, chuyển sang hãng máy bay Asiana. Bởi vậy, tôi đến cửa chuyến bay Asiana khá sớm, khoảng gần một tiếng trước giờ lên máy bay. Tôi ngạc nhiên thấy cả trăm người đang đứng sắp hàng rồng rắn trước cửa. Nhìn kỹ: hầu hết là người Đại Hàn. Trong khi đó, một số người Tây phương, ít thôi, khoảng vài ba chục, vẫn ngồi lặng lẽ trên các dãy ghế chờ. Tôi xem lại đồng hồ, biết chắc chắn còn sớm, bèn ngồi xuống ghế. Trong lúc chờ, cứ tò mò nhìn những người Đại Hàn đứng sắp hàng. Tôi đi máy bay khá nhiều. Hiếm khi thấy hành khách sốt sắng đứng sắp hàng sớm như vậy. Thường, họ ngồi trên ghế; nếu hết ghế thì ngồi bệt dưới sàn; hoặc đọc sách, đọc báo, mở laptop ra đọc hoặc viết cái gì đó, hoặc chỉ ngủ gà ngủ gật. Mãi đến lúc nhân viên hàng không thông báo giờ lên máy bay, mọi người mới rục rịch đứng dậy, sắp hàng, rồi từng người đi qua cửa. Không ai nôn nóng hay chen lấn vào máy bay sớm. Cũng chẳng để làm gì cả. Ghế ngồi đã được sắp xếp sẵn. Không ai giành của ai được. Nếu có giành, người ta chỉ giành chỗ để hành lý. Nhưng điều đó thường chỉ xảy ra đối với những người mang hành lý nhiều. Thực ra, dù nhiều mấy thì cũng có giới hạn theo quy định. Bởi vậy, cuối cùng, hầu như ai cũng có chỗ để cất hành lý. Nói một cách tóm tắt: Không có lý do gì để giành nhau lên máy bay sớm cả.

Hiện tượng sắp hàng rồng rắn rất sớm trước giờ lên máy bay, tôi cũng lại thấy trên chuyến bay từ Seoul về lại Úc đúng một tuần sau đó. Tôi cũng đến sớm. Và cũng lại thấy cả một hàng người sắp hàng trước cửa vào khoang máy bay. Tất cả đều là người Đại Hàn.

Ở cả hai lần, tôi đều ngồi nhìn và cố lý giải tại sao họ lại nôn nóng như vậy. Mà, thật ra, trên nét mặt cũng như trong dáng điệu của họ không hề lộ ra vẻ gì nôn nóng cả. Tất cả đều đứng yên, lặng lẽ, nhẫn nhục và rất có kỷ luật. Họ không chen lấn. Cũng không chuyện trò hay cười nói ồn ào. Họ chỉ đứng trong hàng; cái hàng càng lúc càng dằng dặc và ngoằn ngoèo. Trong khi các hành khách Tây phương thì vẫn ngồi trên ghế ung dung đọc sách báo hoặc lim dim ngủ.

Tôi có cảm tưởng việc sắp hàng quá sớm như vậy cho thấy một chút về tinh thần cạnh tranh của người Đại Hàn. Họ muốn lên máy bay sớm. Sớm để làm gì? Không cần biết. Chỉ biết là nên lên sớm. Vậy thôi. Tâm lý ấy cũng thường thấy ở một số nước châu Á khác. Nhưng trong khi một số người châu Á khác, để cạnh tranh, trong những trường hợp như thế, người ta thường chen lấn. Ở đây, với người Đại Hàn, lại không. Họ sắp hàng rất trật tự. Và vì trật tự nên toát ra vẻ gì như nhẫn nhục và chịu đựng.

Ba nét trong tính cách: cạnh tranh, nhẫn nhục và kỷ luật đó, tôi cũng thấy rất rõ trong suốt một tuần ở Seoul. Nói chung, ở Đại Hàn, từ chính phủ đến giới đại học, dường như nung nấu rất nhiều tham vọng. Chính phủ thì muốn Hàn Quốc biến thành rồng, thành hổ, phát triển và giàu có hơn hẳn các nước khác. Giới đại học thì âm thầm nuôi tham vọng đóng vai trò lãnh đạo các nước đang phát triển, nằm ngoài hai trung tâm chính là châu Âu và châu Mỹ. Họ có nhiều chương trình để thu hút và tập hợp các tinh hoa từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Họ thường xuyên mời giới trí thức cũng như giới văn nghệ sĩ từ các khu vực ấy đến Hàn Quốc giao lưu; trong đó có cả giới cầm bút Việt Nam (như Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, v.v…). Một số học giả đang vận động thành lập một tạp chí nghiên cứu về văn hóa mang một cái tên rất có ý nghĩa: “Tricontinental Culture Review” (Tạp chí văn hóa Tam lục địa). “Tam” (tri-) là để loại trừ hai lục địa Tây phương đang dẫn đầu thế giới.

Thế nhưng, mặc dù nhiều tham vọng như vậy, trong đời sống hàng ngày, người Đại Hàn, nói chung, vẫn có nét gì rất hiền lành và nhẫn nhục. Ở Seoul, đi trên đường phố, trên các phương tiện giao thông công cộng, trong khuôn viên đại học, vào quán ăn hay tiệm cà phê hay kể cả các nơi uống bia, hiếm khi nghe tiếng cười nói ồn ào. Trong một tuần ở Seoul, những lúc tôi nghe ồn ào nhất là ở những địa điểm du lịch, lúc có một đoàn du khách Trung Quốc đi ngang qua. Từ xa, nghe tiếng cười, tiếng nói, tiếng cãi ầm ĩ, đoán là người Trung Quốc. Đến gần: đúng phóc. Người Đại Hàn, ngược lại, thường khá lặng lẽ.

Nhưng sự hiền lành và nhẫn nhục của người Đại Hàn thể hiện rõ nhất là ở cách chào. Phải nói là họ rất lễ phép. Có nhiều dân tộc khác cũng lễ phép. Nhưng lễ phép đến mức đầy tính nghi thức như người Nhật thì tôi không thích lắm. Ngay việc cúi đầu cũng có nhiều kiểu và nhiều mức độ tùy theo những hoàn cảnh khác nhau. Có cái gì như máy móc. Cách vái của người Thái Lan tôi cũng không thích lắm. Nó gợi lên cảm giác tội nghiệp. Tôi cho cách cúi đầu của người Đại Hàn là vừa phải. Chỉ đứng thẳng và nghiêng người một chút về phía trước. Ở đâu, tôi cũng thấy thấy cách chào như vậy. Ở các trung tâm thương mại, vì lý do câu khách và chiều khách, đã đành. Ở tất cả những nơi khác, cũng đều vậy. Trong trường, chào nhau, người ta cũng cúi đầu một chút. Ngoài đường, chào nhau, người ta cũng cúi đầu một chút.

Một lần, ngồi uống cà phê, tôi lặng lẽ quan sát một người đàn ông phát báo miễn phí cho người qua đường. Gặp ai, ông ta cũng nghiêng mình chào. Người nhận báo cũng nghiêng mình chào. Có một cô gái, còn khá trẻ, đi ngang qua, có vẻ hối hả, không nhận tờ báo, nhưng cũng cúi mình chào, rồi đi thẳng. Cái việc không lấy báo, hối hả và cúi đầu chào ấy để lại trong tôi một ấn tượng rất mạnh.

Trong bữa tiệc chia tay kết thúc hội nghị về văn học do trường Korea University khoản đãi vào tối Thứ Sáu 30 tháng 9, khi nghe một giáo sư văn học, cao niên và nghe nói là rất nổi tiếng người Đại Hàn than thở về sự băng hoại về văn hóa của thế hệ trẻ, tôi có kể cho ông nghe về chuyện đó cũng như về cảm nghĩ của tôi. Ông rất ngạc nhiên và thích thú. Suốt buổi tối, từ tiệm ăn đến quán bia, ông cứ quấn quít bên tôi, hỏi về những điều tôi nhìn thấy trong xã hội Hàn Quốc.

Cuối cùng, lúc chia tay, ông cầm tay tôi, nói: “Nghe anh nói, tôi thấy vui và lạc quan về đất nước chúng tôi hơn một chút. Chứ bình thường, nói thật, tôi buồn lắm, anh ạ. Không có gì như ngày xưa cả!”

Tôi rất hiểu tâm lý của những người lớn tuổi như thế. “Không có gì như ngày xưa cả!”