Cô Tuyết PDF Print E-mail
Tác Giả: Trịnh Hội   
Thứ Ba, 13 Tháng 9 Năm 2011 13:20

Điều ấn tượng nhất về cô mà tôi vẫn còn nhớ là đi đâu cô cũng mặc áo dài.

Hình minh họa

Mỗi ngày cô đi làm, cô mặc áo dài.

Cô vào trại cấm thăm các em bé tỵ nạn cô cũng mặc áo dài.

Thậm chí đi họp hay tham dự những buổi tiệc quan trọng, linh đình nhất ở Hồng Kông – mà cái này thì hầu như lúc nào cô cũng phải đi – cô cũng mặc áo dài. Tay mang bóp, đầu búi tóc cao, mười lần như một, trời nóng cũng như trời lạnh – chỉ có khác là khi trời lạnh thì cô mặc thêm một cái áo ấm bên ngoài.
 
Thử hỏi nếu bạn là tôi, ở cái tuổi 21 vừa vỡ lòng dễ xao xuyến ấy, thì bạn có bị chinh phục không?
 
Hỏi đã là trả lời bạn hỉ.
 
Khác với bà luật sư Pam Baker, cô Tuyết Nguyệt Markbreiter, không phải là người sôi nổi. Khi đi trên đường, chân cô không nhún nhảy như Pam. Miệng cô không phì phào điếu thuốc hiệu Dunhill. Cô cũng không có những cái nhướng mày điệu bộ, tiếng cười sảng khoái, khàn đục cố hữu của Pam mà cho đến bây giờ, gần 10 năm đã trôi qua kể từ ngày Pam mất nhưng tôi vẫn không thể nào quên được.
 
Cô và Pam chỉ giống nhau ở một điểm duy nhất - nhưng nó cũng là điểm lớn nhất, theo tôi nghĩ - đó là lòng thương yêu vô bờ bến dành cho những kẻ khốn cùng trong xã hội. Đặc biệt là những người Việt Nam.
 
Tôi còn nhớ lần đầu tiên Pam dắt tôi lên văn phòng của cô ở Tsim Sha Tsui bên khu Kowloon để Pam bàn một số chuyện liên quan đến văn phòng của Pam vừa được thành lập để giúp đỡ đồng bào tỵ nạn Việt nam lúc ấy đang ở thời điểm gay cấn nhất. Có hơn 100 ngàn người tỵ nạn bị nhốt trong những nhà tù khắc nghiệt nhất ở Hồng Kông mà không có bất cứ một văn phòng luật sư nào chịu đứng ra giúp đỡ.
 
Sau này, lúc thành lập xong và mãi cho đến năm 2001 khi Pam phải trở về Anh để chữa bệnh, văn phòng đành phải đóng cửa, Pam Baker and Company là công ty luật sư miễn phí đầu tiên và duy nhất ở Hồng Kông chuyên giúp đỡ người tỵ nạn Việt Nam.
 
Sau năm 1997 khi Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc, văn phòng Pam còn bắt tay vào một công việc khác đó là tranh đấu để giúp đỡ cho những trẻ em ở Đại Lục được sang Hồng Kông đoàn tụ với gia đình (Vì thế chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng người Trung Quốc họ sẽ thèm để tâm đến những quyền lợi chính đáng của chúng ta. Vì người của họ mà họ còn quyết đoán, xử tệ không thèm đếm xỉa gì đến luật pháp thì nhằm nhò gì ba cái thứ lẻ tẻ ở bên xứ Nam Việt!)
 
Nhưng thôi. Đấy lại là một chuyện khác.
 
Trở lại câu chuyện hôm nay của tôi về cô Tuyết. Tôi cho các bạn biết điều này, nếu cô biết được, tôi nghĩ chắc có lẽ là cô sẽ không vui. Vì cô chưa bao giờ muốn cho nhiều người biết về những gì cô đã và đang làm.
 
Nhưng nói phải có sách, mách phải có chứng. Nếu tôi muốn viết về một người nào đó, về một vấn đề nào đó, tư cũng như công, thiết tưởng điều cần thiết nhất mà tôi phải làm là… viết thật, nói thật. Cảm xúc cũng phải là cảm xúc thật của mình. Chứ không phải là của cộng đồng hay của một cá nhân nào đó.
 
Có thể sẽ có người không đồng ý. Cũng có thể có người cho rằng điều đầu tiên và cần nhất là phải biết viết sao cho hay, chọn chữ cho đúng, chọn đề cho hợp.
 
Nhưng tôi có phải là nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn hay nhà thơ Xuân Diệu đâu mà biết chọn chữ. Nhiều khi ngồi thừ người mà chẳng rặn ra được đến một câu. Thôi thì xin quí vị hỷ xả, châm chước cho.
 
Ồ! Tôi lại lạc đề nữa rồi. Xin lỗi quí độc giả nha.
 
Các bạn có biết không? Trong suốt 5 năm kể từ ngày văn phòng Pam thành lập vào năm 1992 cho đến năm 1997 khi công việc tỵ nạn dần lắng đọng sau khi các trại tỵ nạn bị đồng loạt đóng cửa, cô Tuyết là người đã trả tiền mướn văn phòng cho Pam tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác. Cô cũng là người đã hết lòng ủng hộ những công việc khác Pam làm, những chi phí khác mà Pam và những luật sư khác không cáng đáng nổi trong công việc hàng ngày.
 
Và cho tôi xin nói thêm, số tiền này không phải là nhỏ. Vì ở Hồng Kông tiền mướn nhà, mướn văn phòng rất đắt - năm, bảy ngàn đô một tháng là chuyện bình thường.
 
Dĩ nhiên cô làm được điều này vì cô là một người rất thành công. Cô vừa là chủ bút vừa là nhà xuất bản cho tạp chí danh tiếng chuyên về đồ cổ châu Á là Arts of Asia mà cô và chồng cô, ông Stephen Markbreiter, đồng sáng lập năm 1970.

Nếu có dịp, những độc giả nào yêu mến bộ môn nghệ thuật này nên tìm đọc ít nhất là một phiên bản vì nó rất có giá trị, được trình bày hoàn hảo và những hình ảnh của các báu vật trên khắp châu Á – các bạn sẽ không thể không mê được.
 
Nhưng sở hữu các báu vật như thế lại là một chuyện rất khó thực hiện - ít nhất ra là cũng đối với những anh thuộc dòng dõi Trịnh chổm như tôi!
 
Đối với tôi, tôi nghĩ giữa cô và tôi còn có một tình cảm sâu đậm hơn. Vì thứ nhất, cô là người Nam. Cô nghĩ thế nào thì cô nói y như vậy. Ngay cả đối với những vấn đề được cho là nhạy cảm, không nên nói ra. Cô không thích ai, chưa kịp hỏi, cô đã cho biết trước.
 
Thứ hai, tuy cô thuộc thế hệ còn… già hơn cả ba mẹ tôi nhưng cô lại rất phóng khoáng, rất cởi mở, thân thiện. Cô xem tôi như là một trong những thằng con trai thích đi ta bà của cô, những lúc đi chung tay cô luôn vòng vào tay tôi để cùng nhau rảo bước, vừa đi vừa mải mê bàn chuyện thiên hạ - để chồng cô mà cô thường âu yếm gọi là “Anh Stephen” lúc nào cũng phải đi sau một vài bước làm tôi nhiều khi thấy cũng hơi ngại. Lần nào sang Hồng Kông gặp cô, cô cũng bảo là để cô lo cho tôi nơi ăn chỗ ở mặc dù cô biết lâu nay tôi đã quá quen với việc ăn bụi, ở bờ.
 
Điều thứ ba mà trong lòng tôi luôn có một sự cảm phục, thương mến dành cho riêng cô là lòng nhân hậu ở nơi cô.
 
Thật ra cô không phải là người giàu nhất mà tôi biết. Nhưng cô là một trong những người hào phóng nhất mà tôi đã có dịp gần gũi suốt gần hai thập niên qua.

Tôi vẫn còn nhớ những năm tháng đầu tiên khi tôi sang Hồng Kông để làm việc với Pam, năm nào trước Tết cô cũng đưa tiền cho tôi đi mua đồ chơi về cho các em bé ở trong trại. Cô bảo người lớn họ còn có sự lựa chọn, còn đối với các em thì hoàn toàn không. Vì vậy mình làm được cái gì cho các em cảm thấy vui sướng, hạnh phúc, dù chỉ là trong một khoảnh khắc thôi, thì mình cũng nên làm.
 
Tôi vẫn còn nhớ đôi mắt thoáng buồn bỗng rực sáng của một em bé gái trong trại giam Nei Kwu Chau khi em nhận được con gấu trắng nhồi bông của cô nhân dịp xuân về, cách đây gần 20 năm về trước.
 
Và đấy cũng là những gì tôi nhớ nhất, đôi mắt ấy, chiếc áo dài ấy, mỗi khi tôi nghĩ về cô.