Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Ồn ào lau nhau là người Việt

Ồn ào lau nhau là người Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạ Phong Tần   
Chúa Nhật, 11 Tháng 9 Năm 2011 12:38

Nhưng để độc chiếm danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất ồn ào” thì “nhà nước ta” mới vô địch, không cư dân Việt Nam nào đủ khả năng cạnh tranh với “nhà nước ta”

 Người Việt nếu chỉ ra ngoài một mình thì nhìn rất nhu mì, lịch sự, nhưng nếu họ là người quen, bạn bè, người nhà... cùng đi với nhau ra ngoài, thì dễ dàng “thành một cái chợ” mà không cần phải có thêm “con vịt” nào cả.

Cách đây mấy năm, tôi đi khám sức khỏe để thi lấy giấy phép lái xe máy. Cùng chờ nhận kết quả ở phòng ngoài Trung tâm Y tế thị xã Bạc Liêu có rất nhiều bạn trẻ nam có nữ có cũng đi khám sức khỏe làm hồ sơ thi giấy phép lái xe như tôi, có nghĩa là những bạn ấy không phải đến Trung tâm Y tế để khám chữa bệnh, các bạn ấy được Trung tâm chứng nhận rất đầy đủ sức khỏe là đằng khác. Nhưng theo sự quan sát của tôi thì hình như các bạn trẻ ấy đều bị dị tật ở chân. Bước chân các bạn ấy luôn kéo lê mệt mỏi, đè nghiến, nặng nề xiết xuống những đôi giày, dép cao gót cứng ngắc, miết mạnh xuống nền gạch bông, chúng phát ra những tiếng kêu lẹt xẹt lẹt xẹt, cóc cóc cọc cọc, rồi kịt kịt két két... váng hết cả tai cả đầu. Trong khi đó, ngay trên bức tường trước mặt, tấm bảng nội quy sơn trắng đỏ to đùng dòng chữ “đi nhẹ, nói khẽ” nhưng hình như chẳng mấy người chịu đọc. Tôi đang rất mạnh khỏe, minh mẫn mà phải ngồi chịu trận nghe những âm thanh ấy tra tấn lỗ tai một hồi muốn lùng bùng, lên máu luôn, thì những người bệnh thật sự đến đây khám chữa bệnh, sức khỏe yếu, cần được nghỉ ngơi với bầu không khí yên tĩnh họ sẽ khó chịu đến mức nào khi phải thưởng thức bất đắc dĩ “bản nhạc giày dép” kia?

Tôi không muốn nhắc đến chuyện “dế” lên vọng cổ cả trăm chữ hay “gào” lên đủ thứ âm thanh trong phòng họp, trong hội nghị, trong phòng học cũng không ngoại lệ. Đây là đề tài thuộc thể loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng không nói thì quý vị phải hiểu là “có” chớ không phải nói là “không có” những tiếng kêu lạc lõng, hợm hĩnh này. Ngoài tiếng “dế” kêu, trên bục diễn giả nói cứ nói, ở hàng ghế người dự thính bên dưới lúc nào cũng phát ra những tiếng rì rầm, rì rào suốt buổi.

Nghe nói học sinh Việt Nam thích nói chuyện trong giờ học nhất so với học sinh nước ngoài. Tôi bây giờ lớn tuổi rồi, không ngồi học chung với các cháu học sinh phổ thông nữa. Tuy nhiên, tôi thường gặp các cháu ở ngoài đường, ở nhà người quen, ở nơi công cộng... và tôi nhận thấy rằng các cháu nói to đã thành thói quen. Bất cứ chuyện gì, các cháu cũng thi nhau “mở volume” đại đại (may mắn chưa đến cực đại) để nói. Khái niệm “nói vừa đủ nghe” với các cháu có vẻ hoàn toàn xa lạ.

Tháng trước, buổi tối tôi đang ngồi trong một quán miến phở bình dân trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh, Sài Gòn). Giá tiền bình dân nhưng nếu hên vào quán lúc ít khách thì cũng được vào ngồi phòng kín có máy lạnh hẳn hoi ở gian trong mà không phải trả thêm tiền đồng nào. Ngồi chưa nóng chỗ đã thấy hai nữ bốn nam trẻ trung xinh xắn ào vào phòng lạnh kéo ghế ngồi. Cả sáu bạn trẻ tuổi chừng 18-20, ăn mặc rất mốt. Nữ, mặt phấn son lấp lánh, váy ngắn trên nửa đùi, áo vai trần, tóc kéo thẳng đuột nhuộm “hai lai” vàng tím. Nam, tóc râu bắp, áo bó quần đáy thụng gần xuống đầu gối. Họ vừa gọi món ăn, vừa bày ra bàn vài tờ giấy. Có lẽ tôi sẽ coi họ như những thực khách khác bước vào quán ăn này, không buồn để ý đến sự có mặt của họ nếu như tôi không phải đang ngồi trong phòng kín máy lạnh, nơi mà tất cả âm thanh dù “mở vừa đủ nghe” cũng trở nên vang dội. Những người trong nhóm tranh nhau “tường thuật trực tiếp” việc họ vừa từ một cuộc thi hát (tên gì không rõ) trở về. Một bạn nam cầm tờ giấy xướng giọng bài hát lên rõ to, còn bạn nam khác đứng hẳn lên “biểu diễn” lại động tác mà bạn ấy lấy làm đắc ý, rồi tất cả cùng cười ầm ĩ, ra chiều thích thú lắm. Cả nhóm cười nói tự nhiên ào ào cứ như đây không phải là quán ăn mà là nhà riêng của các bạn ấy vậy. Suốt 30 phút, tôi đành tự an ủi mình rằng đang xem kịch không mất tiền.

Trong một nhà vệ sinh công cộng, tôi vừa bước vào đã nghe tiếng các bà, các cô cười nói oang oang rất “dzui dzẻ”. Đừng tưởng cái nhà vệ sinh ấy rất sạch sẽ, thơm tho như các nhà vệ sinh trong khách sạn sang trọng ở nước ngoài nên người ta vào đó mới “dzui dzẻ”, thoải mái mà lầm. Nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam, dù ngay trung tâm Sài Gòn, diện tích vẫn rất chi là “khiêm tốn”, nhỏ bé, thiếu ánh sáng, thiếu nước sạch, thiếu cả không khí sạch để thở. Tôi vừa bước vào phải nín thở mong “giải quyết nhu cầu” thật nhanh chóng để thoát khỏi nơi ấy thì những chị em kia vẫn cứ cười nói vô tư, trêu đùa lẫn nhau khi đi vệ sinh. Tôi thầm nghĩ chắc những người này đi cùng với nhau đây. Quả thật, tôi ra ngoài chú ý nhìn theo thì thấy họ cùng nhau bước lên một chiếc xe lớn loại 52 chỗ ngồi, chắc hẳn đây là đoàn tham quan gì đó.
Dường như đã qua rồi cái thời “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” của cụ Nguyễn Du, hay cái mộc mạc “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên...”, người Việt trẻ thời nay tỏ tình ồn ào và chia tay náo động. Thời gian gần đây, trên mạng không ít lần loan tải thông tin các vụ tỏ tình ầm ĩ như phim hành động. Chuyện tỏ tình náo động này không chỉ “độc quyền” của nam giới mà các cô bé cũng không kém phần “cạnh tranh quyết liệt”, khiến cho các anh chàng “yếu bóng vía” mà lỡ bị cô gái “tỏ tình” phải “bỏ của chạy lấy người”. Còn chia tay rồi bươi móc tật xấu của nhau phơi bày lên mặt báo, lên trang mạng cá nhân thì các “nghệ sĩ nhà ta” là “số dzách”.

Nhưng để độc chiếm danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất ồn ào” thì “nhà nước ta” mới vô địch, không cư dân Việt Nam nào đủ khả năng cạnh tranh với “nhà nước ta”. Hồi năm 2008, Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt nói có một câu ngắn ngủn nhưng bị cả hệ thống 700 tờ báo, đài của “nhà nước ta” cắt xén câu nói, chửi bới toàn quốc suốt ngày suốt đêm. Thậm chí có “người lớn đáng kính” còn mạo danh “nhi đồng” viết lên báo Nhi Đồng phê phán ông Ngô Quang Kiệt, nhưng đọc lên là biết “mạo danh” liền, vì không giáo dân nào lại có kiểu ăn nói với Đức Cha của họ như thế.

Mới đây, sau phiên xử ông Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội, ông Giáo sư Ngô Bảo Châu viết trên blog cá nhân có một câu: “Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ”, “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”; thì tờ báo “còn đảng còn mình” tuôn ra một bài “dài như trâu đái” của tác giả Quý Thanh để phê phán, “dạy dỗ” ông Giáo sư Châu kịch liệt. Nghe giới làm báo “lề phải” đồn rằng tay Quý Thanh nọ thực chất là một vị “tai to mặt lớn” trong ngành Tuyên giáo của “đảng ta”.

Một bạn đọc giấu tên nhận xét: “Người Việt mình bây giờ ồn ào nhưng không sâu sắc, ngay trong giới trí thức, nhiều lúc muốn đem một việc bức xúc liên quan đến chuyện quốc gia ra nói để giải tỏa thì lập tức có người gạt phăng: “Mày đổi chủ đề đi! Nói chuyện zui zẻ... chứ toàn nói gì giông giông như đồ khùng!”. Thực ra bây giờ người Việt mình vừa có cái ồn ào vô bổ, vừa có cái im lặng hèn nhát”.