Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Ngôn Ngữ Loài Vật

Ngôn Ngữ Loài Vật PDF Print E-mail
Tác Giả: Huệ Trân   
Thứ Hai, 22 Tháng 8 Năm 2011 19:57

    
Dù loài người không nghe, không hiểu được tiếng nói của loài vật,

nhưng chắc cũng không thể phủ nhận là mỗi loài đều có ngôn ngữ riêng của chúng.


Ai cũng có lúc từng nhìn thấy trên bầu trời trong xanh, bất chợt một đàn chim đông đảo bay tới, mà từng đôi cánh vỗ nhịp nhàng theo đội hình tuyệt hảo như các nghệ sỹ phải tập luyện nhiều lần trước khi trình diễn. Đàn chim không chủ ý trình diễn cho ai xem nên chắc chúng không cần tập luyện. Vậy mà chúng bay rất có thứ tự, lớp lang. Do đâu vậy, nếu không phải là chúng bảo nhau bằng ngôn ngữ riêng? Chẳng hạn “Hướng tây nam, hình vòng cung nhé”. Đoán thế.

Loài kiến, loài ong thì còn rõ rệt hơn. Kiếm được thức ăn ở đâu, kiến gọi nhau, đi từng đàn, không hối hả, không chen lấn. Có ai thấy kiến chạy bao giờ chưa? Xã hội ong thì vượt bực. Ong thợ cả trăm con vo ve mà tuyệt đối theo lệnh ong chúa, chăm chỉ xây tổ, tạo mật, đâu ra đó. Chúng phải có ngôn ngữ, bảo nhau và tương kính nhau mới có một xã hội lý tưởng như thế chứ!

Rồi chó, mèo, voi, ngựa, thú trên núi, thú trong rừng …. hình như loài nào cũng có ngôn ngữ riêng bảo nhau để sống trật tự, thương yêu và hòa thuận.
Đời chẳng có chi tuyệt đối nên cũng có khi bất đồng chứ! Hai con chim có lúc mổ nhau, hai con sóc có lúc rượt nhau, hai con chó có khi gầm gừ, nhưng rõ ràng, khi bất đồng là chúng “nói thẳng, nói thật”. Hỗn hào với nhau thì “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, xong rồi thôi! Chúng đều biết rõ, sự không bằng lòng nhau ở việc ấy, lúc ấy, không hề phải dối trá quanh co, bầy mưu lập kế, ném đá dấu tay gì cả!

Cũng có khi loài vật cố truyền đạt ngôn ngữ của chúng tới loài người. Chẳng hạn như chuyện bầy chó hoang cứu được một hài nhi bị mẹ bỏ trong đống bùn. Tin từ làng Bihar hẻo lánh, thuộc quận Samastipur bên Ấn Độ. Một sáng sớm, dân làng bị đánh thức bởi bầy chó hoang chạy lăng xăng và cùng sủa inh ỏi. Khi thấy người, chúng chạy về hướng một ụ đất ở ngoài đồng, vừa chạy vừa ngoái cổ lại như có ý bảo người chạy theo. Dân làng ra tới ụ đất thì thấy ba con chó khác đang đứng đó, vẫn đang vừa cào đất nhè nhẹ, vừa sủa. Tới gần, dân làng thấy một trẻ sơ sinh đỏ hỏn, quấn sơ sài trong miếng vải, còn đang thoi thóp thở. Em bé đã bị mẹ cố tình chôn dưới bùn, vừa được bầy chó hoang bới lên và chạy vào làng báo cho người biết!

Bầy chó phải có ngôn ngữ bảo nhau để cùng hoàn tất hành động từ bi đó chứ! Chắc chắn phải thế!
Loài trên bờ như vậy, loài dưới nước thì sao?

Hàng năm, có khoảng 30 con cá voi bị mắc cạn tại bãi biển Mahia. Thường thì khi tai nạn xảy ra, dân địa phương phải tiêm thuốc giết chúng vì lý do nhân đạo, bởi cá voi lớn quá, kẹt trong hốc đá hay khúc vịnh hẹp sẽ rất đau đớn rồi chết dần, người không biết làm sao giúp chúng trở lại biển. Nhưng một lần, hai con cá voi mắc cạn, tại góc biển phía đông North Island.  Cư dân quanh đó gọi nhau, cố gắng đẩy chúng ra biển nhưng chúng lúng túng với cồn cát chắn phía trước và vách đá chênh vênh ven bờ, cứ đẩy ra chúng lại dạt vào. Gần hai tiếng đồng hồ như thế, người và cá đều tuyệt vọng, mệt đừ thì bỗng một con Bottlenose Dolphin xuất hiện. Loại cá này thường bơi theo những người tắm biển mà ta hay gọi là cá heo mỏ dài. Lập tức, hai con cá voi phát ra âm thanh và con cá heo đáp lại. Càng lúc âm thanh càng ồn ào, dường như chúng gọi nhau, rồi kể lể sự tình, bàn bạc cách cứu nhau. Sau đó, chưa đầy mười phút từ lúc cá heo xuất hiện, cư dân tại bãi biển Mahia đã sửng sốt chứng kiến con cá heo hướng dẫn hai cá voi mắc cạn ra khỏi cồn cát một cách nhẹ nhàng, an toàn.

Gần đây, thảm họa sóng thần tại tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, ghi lại biết bao câu chuyện cảm động, can trường của tình thương, đã thể hiện giữa ranh giới sống, chết, trong đó có câu chuyện con chó không bỏ bạn, đã lấy nước mắt biết bao người đọc, trên khắp toàn cầu.

Một nhóm phóng viên, đến nơi hoang tàn sau thảm họa sóng thần để thâu lại những hình ảnh trung thực nhất. Họ bất ngờ thấy một con chó lông trắng, đốm đen. Con chó trông bơ phờ, mệt mỏi! Làm sao nó có thể sống sót sau cơn sóng thần? Nhóm phóng viên tới gần thì nó run rẩy, sợ hãi, nhưng ngay khi ấy, mọi người nhận ra, bên cạnh nó còn một con chó khác, nằm bất động! Con chó đốm đen, tuy sợ hãi, nhưng nó nhìn người, rồi âu yếm đặt một chân lên mình bạn, khẽ gừ gừ như hỏi han. Rõ ràng nó tỏ rõ quyết tâm bảo vệ bạn, không bỏ bạn, dù trong tình cảnh tuyệt vọng cho cả hai. Lập tức, con chó đang nằm bất động, khẽ cựa quậy. Nhóm người làm phim sửng sốt và vui mừng khi biết nó còn sống. Ngay khi ấy, con chó đốm đen linh cảm người có thể cứu giúp nên nó nhìn mọi người, rồi lại nhìn bạn nó, và cố gắng sủa lên mấy tiếng yếu ớt, như ngỏ lời cầu cứu.
Tất cả những diễn tiến cảm động và kỳ diệu này đều được nhóm phóng viên ghi lại qua ống kính và phóng lên mạng lưới toàn cầu. Thông tin được họ cập nhật thật nhanh sau đó, là hai con chó đã được tiếp cứu và đang được chăm sóc tại một trại thú y gần nhất.

Một người xem hình ảnh và bài tường thuật ngắn về câu chuyện cảm động này, đã gửi ngay lời chia xẻ như sau: “Trung thành là từ đúng nhất để miêu tả về loài chó. Chúng xứng đáng với danh hiệu là bạn tốt nhất của loài người.”
Ngôn ngữ của loài vật, chắc chắn thuộc loại “có sao nói vậy người ơi”. Chúng ta có thể tin như thế khi nhìn vào đời sống đơn thuần của chúng. Đói ăn. Khát uống. Mệt nghỉ. Sống đơn giản như thế thì cần chi dối trá.
Ngôn ngữ loài người rườm rà, đời sống loài người rắc rối, xã hội loài người phức tạp nên mới có câu: “Nghe vậy, thấy vậy, mà không phải vậy!” từ đấy, mới nẩy sanh ra bao nghi ngờ, đố kỵ, tỵ hiềm, đầu mối của oán thù và sân hận! Tất nhiên, bên những rườm rà, rắc rối, phức tạp này, vẫn có biết bao tình người thể hiện, để đời còn ý nghĩa của hoa trong rác, sen trong bùn!

Đã lâu, mới được có buổi chiều tĩnh lặng nơi Tào-Khê tịnh thất, pha cho mình một bình trà, và nhất định làm điều tuyệt diệu nhất là “làm thinh”.
Uống trà và làm thinh đã đưa tôi vào thế giới kỳ diệu của loài vật như thế này, để thấy rằng, đời còn đáng sống lắm chứ!
Đúng thế. Đôi lúc, cần nhìn đời sống đơn thuần của loài vật để thăng hoa đời sống phức tạp loài người!
Bất giác, lại nhớ lời chia xẻ đầy thiền vị của Hòa Thượng Quảng Thanh trong những ngày An Cư tại chùa Bảo Quang. Nhìn đàn kiến lặng lẽ bò dài theo bờ tường chánh điện, Thầy nói: “ Kiến thiền hành về nghe kinh đó. Chúng bảo nhau, các sư cô ở đâu về, tụng kinh hay quá, chúng ta phải lên tận nơi mà nghe cho rõ”.
Thử lắng tâm xem, biết đâu ta cũng nghe được như Thầy, vì chắc chắn, loài vật nào cũng có ngôn ngữ riêng của chúng.

Ai dám bảo ngôn ngữ này cần văn chương hoa mỹ mới thể hiện được TÌNH THƯƠNG và DŨNG CẢM?