Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Hận thù chồng chất, cách mạng trào dâng

Hận thù chồng chất, cách mạng trào dâng PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Quế Lâm   
Thứ Sáu, 29 Tháng 7 Năm 2011 19:50

Bài viết này liên quan đến vận mạng dân tộc trong thời điểm lịch sử quan trọng hiện nay.

 Kính Xin Quý Thân Hữu cư ngụ khắp nơi trên Thế Giới đóng góp ý kiến :liên quan đến vận mạng Dân Tộc VN trong thời điểm lịch sử quan trọng hiện nay.

 

 Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong ngày Chúa Nhật lần thứ 7 (17/7/2011) tại Hà Nội, đã bị công an đàn áp thô bạo, gây bàng hoàng, xúc động lẫn phẩn nộ cho cả thế giới. Video clip do một người biểu tình quay được hình ảnh một thanh niên tham gia biểu tình bị 4 công an nắm chặt hai tay, hai chân ném lên xe buýt đang chờ sẳn để hốt những người biểu tình khỏi hiện trường. Một công an khác từ trên xe bước xuống và đạp liên tục vào mặt thanh niên này. Đó là anh Nguyễn Chí Đức, một công nhân viên cũng là một cựu chiến binh, đảng viên CS.

  
Đồng bào không ngớt bình luận cách hành xử dã man của Công an nhân dân đối với những người yêu nước. Họ nhận định, cái đạp này sẽ là cái đạp lịch sử, đạp mạnh vào hàng triệu trái tim yêu nước, đánh thức và báo động mối họa “thù trong giặc ngoài” ngày càng lộ rõ. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho đó là cái đạp xuất phát từ lòng căm thù người dân. Chỉ có lòng căm thù sâu sắc lắm thì người ta mới dám đạp vào mặt người dân như thế! Còn nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng khi giặc TQ tràn qua xâm lược Biển Đông, nhân dân yêu nước biểu tình, lại bị công an tên Minh bốn lần đạp vào mặt người yêu nước. Công an nhân dân “đã đạp thẳng vào mặt  nhân dân tổ quốc”.

   
Qua sự việc trên, tác giả Song Chi báo động “Chúng ta chắc chắn sẽ mất nước” vì nhiều lý do, nhưng thực ra “Chúng ta đã mất nước từ lâu, từ trong sự lệ thuộc về tư tưởng, khi sao chép của TQ từ mô hình thể chế chính trị kinh tế...cho đến cách ứng xử với nhân dân, học theo, làm theo từ cải cách ruộng đất, đánh tư sản mại bản cho đến mẫu trang phục quân đội. Từ trong sự lệ thuộc về kinh tế ngày càng nặng nề, mà lệ thuộc kinh tế tất yếu đưa đến sự lệ thuộc về chính trị, lệ thuộc về văn hóa, lệ thuộc về tinh thần”.

  
Ba năm trước, TT George W. Bush đã hứa với TT Nguyễn Tấn Dũng là HK ủng hộ VN bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nay HK đã trở lại và tuyên bố sẽ duy trì sự hiện diện lâu dài ở Biển Đông để bảo vệ các đồng minh từng hợp tác với Mỹ chống CS. Trong khi giới lãnh đạo cao cấp CSVN lại chủ trương hòa bình và hợp tác toàn diện với TQ để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, dựa trên những thỏa thuận ở cấp cao. Đó có phải là công hàm của TT Phạm Văn Đồng gởi TT Chu Ân Lai năm 1958 và phương châm 16 chữ giữa Tổng Bí Thư Đỗ Mười và TBT Giang Trạch Dân hồi đầu thập niên 1990 hay không?

   
Tác giả Song Chi khẳng định “Chúng ta chắc chắn sẽ mất nước bởi ngay những người dân, kể cả tầng lớp trí thức nhân sĩ, dù đã hiểu ra cái họa mất nước là từ phương Bắc, nhưng vẫn chưa nhìn ra hoặc chưa dám thừa nhận gốc rể của cái họa mất nước chính từ những kẻ bán nước đang ngồi trên đầu trên cổ dân tộc, từ sự lựa chọn con đường đi mà họ đang dẫn dắc cả dân tộc phải theo. Nếu chỉ kêu gọi đảng sửa đổi, cải cách mà không dám nghĩ đến chuyện phải thay đổi luôn cái đảng ấy, cả mô hình thể chế này”.
 
    Là một người Quốc gia ly hương, tôi nhận thấy hoạt cảnh xảy ra tại Hà Nội ngày Chúa Nhật 17/7 vừa qua, đã phản ảnh rõ nét những gì mà những người lãnh đạo Đảng CSVN đã tuyên truyền và nhồi nhét vào đầu óc đồng bào từ 5, 7 thập niên qua. Đó là đấu tranh giai cấp: tạo sự hận thù trong nội bộ dân tộc, hận thù giữa đồng bào cùng chung huyết thống. Đó là lòng yêu nước và thù hận đối với bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Đó là nền chuyên chính của chế độ cộng sản.

  
Khi vừa được thành lập, Đảng CSVN đã đề ra khẩu hiệu: “Trí, phú, địa, hào - Cào tận gốc, trốc tận rể”. Đó là thời điểm 1930-1931, các thành phần trên, theo quan điểm của người CS là kẻ thù của giai cấp vô sản, của dân tộc. Vì lẽ, họ chỉ đứng trên lập trường thuần tuý quốc gia với tinh thần dân tộc hẹp hòi, chỉ đấu tranh cho quyền lợi giai cấp tư sản và tiểu tư sản của họ mà thôi. Trái lại, giai cấp công nhân VN đứng trên lập trường Quốc tế vô sản, dựa vào Quốc tế CS để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Vì thế Cộng sản phải tiêu diệt những người Quốc gia và Đảng CSVN phải gắn liền với Đảng CS Liên Xô và Đảng CSTQ.
   Ngày nay TQ đã trở thành cường quốc kinh tế và lộ nguyên hình là một tên đế quốc xâm lược khi vẽ ra bản đồ hình lưởi bò chiếm trọn 80% Biển Đông. Họ dựa vào công hàm của TT Phạm Văn Đồng năm 1958, khẳng định toàn bộ Biển Đông của VN, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ không thể tranh cãi của TQ. Còn người dân VN, với truyền thống yêu nước sẳn có, lại được Đảng CS cổ vũ “quyết tử để tổ quốc quyết sinh” chống lại mọi kẻ thù xâm lược. Nên họ đã xuống đường biểu tình chống TQ. Nhưng trở ngại lớn là vì lập trường quốc tế vô sản, mối bang giao giữa VN với TQ được thể hiện bằng phương châm 16 chữ: hòa bình hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng về tương lai. Do đó, Đảng CSVN phải xử dụng bạo lực của nền chuyên chính vô sản để trấn áp người dân yêu nước, biểu tình chống ngoại xâm để bảo vệ Đảng, bảo vệ Quốc tế vô sản.

   
Trong chiến tranh trước đây, những người CS gọi chính quyền của người Quốc gia là “ngụy quyền”, tay sai của thực dân đế quốc Pháp Mỹ. Còn giờ đây, chính quyền CSVN chủ trương hòa bình và hợp tác toàn diện với kẻ thù xâm lược phương Bắc, lại đàn áp những người yêu nước, có phải là “Hán ngụy” hay không?  Cái đạp của đại úy Công an tên Minh chính là cái đạp vào mặt chính quyền “mãi quốc cầu vinh”!

 
  Trí, phú, địa, hào đối với CS phải “cào tận gốc, trốc tận rể”. Nhưng đất nước đã thống nhất 36 năm qua, với đặc quyền đặc lợi, một số đảng viên CS đã trở thành giai cấp trí, phú, địa, hào, trong chế độ mới. Đại đa số thành phần này, đặc biệt thuộc diện giàu có (phú hộ), đất đai nhiều (địa chủ) và viên chức nhà nước (hào) vì quyền lợi cá nhân, sợ bị “cào trốc tận gốc rể” nên im hơi lặng tiếng trước họa mất nước. Trong khi giới trẻ có thể gọi là trí thức, vì họ ý thức được sự sống còn của đất nước, nên can đảm xuống đường biểu tình. Cái đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức, cũng chính là cái đạp của bạo lực chuyên chính vào mặt giai cấp công nhân và Đảng CS.

  
Giới trí thức trẻ nặng lòng với sự hưng vong của đất nước, tất nhiên họ cũng quan tâm đến hạnh phúc đồng bào. Họ đã hy sinh xương máu cho đất nước, nhưng đại đa số đồng bào vẫn còn nghèo khó như ngày xưa. Theo lẽ công bằng, những thành phần tư bản mới, điền sản nhiều, quyền thế rộng, nên san sẻ đều cho toàn thẻ dân tộc, để xây dựng một xã hội mới bình đảng công chính. Đó mới thực sự là cuộc Cách mạng mà đồng bào mong đợi từ năm 1945 đến ngày nay.
    Trong mấy thập niên qua, CS đã gây hận thù với người Quốc gia, các đảng phái, các tôn giáo và nay gây thêm hận thù với giai cấp mới của chế độ CS. Hận thù chồng chất, thời cơ thuận lợi hiện nay càng giúp khí thế cách mạng trào dâng và bùng nổ để cứu nguy Tổ quốc. Giới trẻ hăng hái đi biểu tình, mong được đón nhận những cú đạp lịch sử để tự hào đã góp phần trong bước ngoặc lớn của dân tộc trước khi lật sang trang mới. Có thể vì đó, sau cú đạp lịch sử, số người tham gia biểu tình gia tăng đông đảo, trên 2000 người trong ngày Chúa Nhật 24/7/2011.

   
Trong cuộc biểu tình này, tên tuổi những chiến sĩ Hải Quân VNCH hy sinh tại Hoàng Sa được giương cao tại thủ đô Hà Nội. Và cũng lần đầu tiên, những người CS mới biết được năm 1951 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Quốc gia Việt Nam -ông Trần Văn Hữu đã minh chứng chủ quyền của VN trên hai quần đảo Hoàng Sa và Hoàng Sa, không có quốc gia nào lên tiếng phản đối.

   
Nhân đây, người viết xin ghi lại những dòng cuối trong bài viết của Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhân ngày 30/4 năm nay (2011): “Muốn hàn gắn vết thương chiến tranh và tạo điều kiện cho việc hòa hợp, hòa giải dân tộc thì người chiến thắng thường nên tỏ ra hào hiệp. Ít nhất thì cũng nên mở cửa cho tương lai bằng xét lại quá khứ -chứ không phải khép kín- một cách trung thực và công bằng. Không có công bằng khó có thể có một xã hội dân chủ và hài hòa”.

   
Ông Long đã viết một bài phản bác lại bài báo đăng trong tờ báo Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc VN, với tựa đề “Kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-2011): Đóng góp của ‘thành phần thứ ba’ cho ngày chiến thắng”. Trong bài báo này, báo ĐĐK lập luận rằng: “chính quyền Sàigòn đã sụp đổ sau quyết định đầu hàng của ông Dương Văn Minh, cho nên không còn điều kiện thành lập một chính phủ liên hiệp gồm “ba thành phần” như HĐ Paris đã qui định. Không có một chính phủ liên hiệp thì không có “thành phần thứ ba”. Không có “thành phần thứ ba” thì không có chuyện cái thành phần không được hình thành này đóng vai trò hòa giải, hòa hợp dân tộc”.

   
Chính quyền Dương Văn Minh ra đời chiều ngày 28/4/1975 bao gồm các nhân vật thuộc thành phần thứ ba, chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc để chấm dứt chiến tranh. Chính quyền này đã bị CS dùng bạo lực buộc phải đầu hàng. Tiếp theo các tổ chức khác như MTGPMN và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa MN đều bị giải tán. Cuộc chiến VN kết thúc vào ngày 30/4/1975, CS đã “chiến thắng” những người MN yêu chuộng hòa bình, chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc. Liên hiệp với các thành phần của dân tộc thì không thể liên hiệp được với CS quốc tế, nên phải buộc họ đầu hàng!
   
    Là một người Quốc gia, tôi không tán đồng chủ trương cách mạng bạo lực của CS. Một cuộc cách mạng ôn hòa đưa đất nước hội nhập vào trào lưu dân chủ tự do của thời đại, là con đường thích hợp, thể hiện sự chấm dứt mối hận thù trong nội bộ dân tộc. Một cuộc cách mạng giúp đất nước tiến tới thể chế dân chủ đa nguyên, trong đó đảng chính trị nào được nhân dân hậu thuẫn sẽ giành được chính quyền, phục vụ đất nước, phục vụ xã hội, chớ không phải để lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội.

   
Mối ưu tư của cá nhân tôi từ bấy lâu nay là mối hận thù dân tộc. Đó là đầu mối dẫn đưa đất nước vào tình trạng chậm tiến, suy đồi. Đó cũng là ưu tư của một chiến sĩ Quốc gia lão thành: cố Giáo sư Lê Tấn Lợi (1924-1993). Năm 1972, khi HK mở ra giai đoạn hòa bình, hợp tác với LX và TC để chấm dứt chiến tranh VN, ông đã phác họa kế hoạch mang tên“VN trên đường phát triển” nằm trong đề án “Cộng đồng Kinh tế Thái Bình Dương”. Đề án này đã được quốc tế thực hiện từ hơn hai thập niên trước. Đầu năm 1993, sau khi tôi đã viết xong quyển nghiên cứu lịch sử về chiến tranh VN, ông đã tâm sự với tôi: “Em may mắn hơn anh, thực hiện được hoài bão. Còn anh, đã khóc cho quê hương bằng máu tim và máu óc, chảy dài trong mấy ngàn trang bản thảo đang nằm im trong tủ sách ngậm ngùi. Người xưa từng viết: “ngô dự bất thành, vọng ư ngô tử”. Việc ta làm không thành thì kỳ vọng vào thế hệ con cháu. Vậy em hãy chọn vài bản thảo nào mình ưa thích và tùy nghi khai thác, rải thêm vài sỏi đá lót đường về Quê Mẹ, góp phần xoa dịu vết tang thương”.

   
Ông còn trao cho tôi bài viết cuối cùng, tựa đề “18 năm uất hận: Thử tìm huyền cơ đoan chỉnh Việt Nam”. Ngày 16/4/1993 ông qua đời, bài viết được gởi đến Việt Luận phổ biến trong số báo ngày 07/5/1993. Ông nhận định đại cuộc quang phục VN đã thuận với Thiên thời và Địa lợi, chỉ còn Nhân hòa là yếu tố quyết định. Nếu người VN trong và ngoài nước lãnh phần trách nhiệm, đoan chỉnh lại vấn đề “chia rẻ và đoàn kết” thì đại cuộc quang phục quê hương nhất định phải thành công.

   
Theo ông, “từ ngàn xưa chúng ta vẫn theo phương châm: ‘Thuận thiên dã tồn, nghịch thiêng dã vong’. Thuận thiên, nghĩa là tuân theo qui luật của vũ trụ, trong đó ba yếu tố hội nhập Nhân, tạo sự đoàn kết Nhân hòa là: Cảm thông (Compassion), Công bằng (Justice) và Trung chánh (Loyalty). Sở dĩ đất nước suy vi, điêu tàn vì trong mấy mươi năm qua chúng ta đã nghịch thiên. Thay vì áp dụng ba yếu tố trên để hội nhập Nhân, chúng ta lại bị ba căn bịnh: Xung khắc (Conflict), Đầu cơ (Speculation) và Yểm tài (Elimination) làm phân hóa Nhân, khiến dân tộc bị chia rẻ.

   
Như vậy muốn xây dựng một tổ chức đoàn kết, phải dựa vào ba điểm căn bản về nhân sự: cảm thông, công bằng và trung chánh. Đó là chất xi măng hàn gắn chúng ta vào với nhau, củng cố thực lực người Việt ở hải ngoại, khả dĩ đối tác chính trị với Cộng sản cầm quyền đang tìm đường vượt thoát cảnh sa lầy. Ngần ấy sẽ xây nền tảng vững chắc để chúng ta có sức mạnh góp phần kiến hiệu vào việc đoan chỉnh tình hình thê thảm của quê hương. Nếu ngoài miệng vẫn nói đoàn kết mà sau lưng cứ chủ trương chia rẻ thì làm sao việc lớn thành tựu được
”.
  
    Từ 1993 đến nay, vừa tròn 18 năm, việc đoan chỉnh VN vẫn dậm chân tại chỗ như thời quá khứ, dù thời cơ thuận lợi luôn đến với VN. Hận thù phát xuất từ đảng Cộng sản. Một khi chế độ CS không còn nữa, thì dân tộc hết mọi hận thù, dân chủ tự do và nhân quyền được tôn trọng, đất nước mới thực sự độc lập. Vì  thế, người Quốc gia phải chiến đấu chống CS. Từ 1945 đến nay, họ luôn nói đến đoàn kết vì ý thức rằng sở dĩ họ thất bại là do thiếu đoàn kết, nhưng họ không bao giờ chịu đoàn kết.

  
Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, bịnh xung khắc đã chia rẻ dân tộc khiến đất nước trở thành đấu trường đấu trường của cuộc xung đột giữa Thế giới Tự do và Quốc tế Cộng sản. Năm 1945, hai phe Quốc Cộng họp tác để bảo vệ nền độc lập quốc gia thì sự xung khắc của người Quốc gia như nhận xét của nhân chứng lịch sử Nguyễn Mạnh Côn: “Những lãnh tụ quốc gia trong cùng một mặt trận mà không bao giờ thành thật với nhau, đã nhiều lần làm cho cả mặt trận điên đảo” (Nguyễn Kiên Trung, Đem tâm tình viết lịch sử, NXB Nguyễn Đình Vượng, Sàigòn, Tr.70) Một tác giả Tây phương từng nghiên cứu về tình hình VN hồi năm 1945 đã nhận xét: “Các đảng phái quốc gia thì yếu kém, bất lực lại có truyền thống hục hặc với nhau” (Robert Sprey, War In the Shadow: Vol II, Doubleday & Co, NY, 1975, P.677) Hậu quả người Quốc gia bị loại, để CS độc quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến.

   
Trong chế độ Cộng hòa, sự xung khắc giữa những người quốc gia đã làm suy yếu miền Nam, do đó HK phải trực tiếp can thiệp và kết thúc bằng một hiệp định hòa bình dựa trên cơ sở hòa giải dân tộc cũng bất thành. Cuối cùng phần đất tự do ở MN lọt vào tay CS.
 
Thời cơ thuận lợi của người CS.
    Hai tuần sau khi chiếm được MN, khối ASEAN trong phiên họp thường niên tại Kuala Lumpur hồi giữa tháng 5/1975 đã bày tỏ ý muốn thiết lập bang giao với VN. Phi Luật Tân dù có truyền thống thân HK lâu đời song TT Marcos cũng vận động để quốc gia ông gia nhập các nước không liên kết, từ bỏ những liên hệ mật thiết với HK. Trong thông cáo chung ngày 24/7/1975, TT Marcos và Thủ tướng Thái Lan Kulrit Pramoj minh định rõ là các căn cứ quân sự của nước ngoài trú đóng trong khu vực chỉ là tạm thời và khối SEATO (Liên Phòng ĐNÁ) sẽ giải tán. Vùng đất chiến lược này lại được Nhật dự trù một ngân khoản 1600 triệu đôla giúp 3 nước Đông Dương và 5 nước ASEAN xây dựng khu vực thịnh vượng chung ĐNÁ. Sau đó, Nhật hứa sẽ dành thêm 5 tỉ đôla cho kế hoạch phát triển khu vực ĐNÁ phồn vinh.

  
Tại Đại hội đồng LHQ, với sự bảo trợ của 105 quốc gia hội viên, VN được gia nhập LHQ. VN còn gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Một ngân khoản cho vay mượn đầu tiên 35 triệu đôla được IMF dành cho VN, trong khi đó Ngân hàng Thế giới (WB) xúc tiến kế hoạch giúp VN phát triển kinh tế thời hậu chiến. Thừa kế chỗ trống của VNCH, Hà Nội còn là hội viên của Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB)
 
Gây thêm hận thù với MNVN, phản bội TC   
    Trong bối cảnh thuận lợi đó, nhân dân hai miền Nam Bắc sẽ dồn nổ lực vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh do HK tài trợ trên 5 tỉ đôla. VN sẽ thực hiện việc hòa giải dân tộc, thi hành chính sách không liên kết nhằm thêm bạn bớt thù trong giai đoạn đất nước hoàn toàn độc lập. Nhưng rất tiếc, CSVN vẫn tiếp tục con đường chống Mỹ và còn phản bội TC. Họ không những xé bỏ HĐ Paris 1973 bội ước với kẻ thù mà còn phản bội nhân dân MN, phản bội tổ chức do họ dựng lên là Mặt trận GPMN và Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMN. Họ quên đi lời hứa tôn trọng quyền tự quyết thiêng liêng của nhân dân MN. Trái lại họ còn áp đặt chế độ độc tài của kẻ chiến thắng, đày ải và bần cùng hóa nhân dân MN.

    
Kỹ sư Trương Như Tảng, Ủy viên TƯ/MTGPMN và là Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa Lâm thời MN đã bày tỏ sự bất mãn khi CS chiến thắng MN: “Hàng trăm ngàn người của quân đội và chính phủ Sàigòn đã bị bắt giam vào các trại cải tạo. Hàng triệu thường dân đang sinh sống ở Sàigòn và nhiều nơi khác tại MN bị cưỡng bức phải bỏ nhà cửa, tài sản để đi về các vùng kinh tế xa xôi hẻo lánh, một quyền lực sắt thép bao trùm khắp nước VN”.

   
Tháng 12/1976, CSVN triệu tập Đại hội Đảng lần thứ IV. Họ cho rằng “Từ nay không còn tên đế quốc nào dám đụng đến VN nữa. Đất nước VN đã nhiều lần độc lập thống nhất nhưng không bền vững vì chưa có giai cấp công nhân lãnh đạo, chưa có xã hội chủ nghĩa”. Những người thừa kế ông HCM thực hiện mục tiêu kế tiếp: cưỡng ép MN đi ngay vào con đường xã hội chủ nghĩa, chấm dứt ảnh hưởng tư bản vào nền kinh tế MN, nắm trọn mọi tư liệu sản xuất nhằm kiểm soát đời sống nhân dân. Hậu quả là người dân MN bị đói khổ, dù nơi đây từng là vựa lúc nhất nhì thế giới.

    
Đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình viếng thăm HK và bình thường hóa bang giao với Mỹ, để thực hiện kế hoạch hiện đại hóa TQ. Ngay sau đó, ông ta ra lịnh tấn công VN với giọng trịch thượng: “dạy VN một bài học”. Việc này xảy ra khi chữ ký của Brezhnev trong Hiệp ước hữu nghị hợp tác Xô Việt chưa ráo mực. Nhưng CSVN vẫn coi “Liên Xô là chỗ dựa vững chắc nhất trong cuộc đấu tranh chống đế quốc (Mỹ) và bọn phản động” (Bắc Kinh). Họ thừa nhận “sự giúp đỡ quí báu của LX là điều kiện không thể thiếu được để tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa” (Học Viện Quan hệ Quốc tế, Thắng lợi có tính thời đại và cuộc đấu tranh trên mặt trận đối ngoại của nhân dân ta, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, Tr.55)
 
Thái độ của người Việt tự do ở hải ngoại:   
    Trong thập niên 1980, CSVN bị sa lầy vì cuộc chiến ở Cam Bốt, cuối cùng phải chịu rút quân về nước, để LHQ tìm một giải pháp chính trị cho Cam Bốt. Lúc bấy giờ người Việt ở hải ngoại ngày càng đông đảo nhờ làn sóng thuyền nhân. Cuộc chiến đang diễn ra ở Cam Bốt và vấn nạn thuyền nhân xuất phát từ việc Hà Nội đã vi phạm HĐ Paris 1973. Do đó Giáo sư Vũ Quốc Thúc và Ủy ban Luật gia VN đặt lại vấn đề trở lại HĐ Paris 1973 để giải quyết các vấn đề nan giải của các nước Đông Dương. Công việc bất thành, vì sự hiện diện của cựu TT Nguyễn Văn Thiệu ở hậu trường. Ông Thiệu đã từng cực lực lên án HK phản bội, bán đứng MN cho CS qua HĐ Paris 1973.  

   
Lúc bấy giờ Hànội và HK cũng đang thương thuyết để giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh. Vấn đề tù cải tạo, được thương thảo từ 1982, mãi đến tháng 7/1989 mới đạt được kết quả: các đợt HO bắt đầu rời VN. Kế đến là vấn đề Cam Bốt được giải quyết xong với HĐ Paris 1991 và cuối cùng là vấn tù binh và người Mỹ còn mất tích (MIA/POW) Chính Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đích thân mở cửa căn hầm bí mật nằm dưới BTL/Quân đội Nhân dân VN ăn thông đến lăng HCM tại khu cột cờ Hànội, để hai nghị sĩ John Kerry và Bob Smith tìm kiếm vết tích giam giữ tù binh trong thời chiến tranh. Đến tháng 5/1995, Hànội trao cho Mỹ một hồ sơ đặc biệt 187 trang trong 116 tài liệu báo cáo các chi tiết về MIA/POW. Tài liệu này, được Mỹ cho là đầy đủ nhất từ trước đến nay. Sau đó, Hànội lại chuyển cho dân biểu Bill Richardson 100 tài liệu khác nữa. Mỹ cho rằng việc hợp tác như thế rất thỏa đáng và hài lòng. Vì vậy, TT Clinton đã công bố cho bình thường hóa bang giao toàn diện vào ngày 11/7/1995.

  
Cuộc mặc cả bang giao kéo dài 20 năm, cả hai bên Mỹ và CSVN chỉ đòi thực hiện những điều khoản nào có lợi cho họ mà thôi. Trong khi những điều khoản đáp ứng trọn vẹn nguyện vọng của nhân dân VN về dân chủ tự do, về quyền tự quyết… không bao giờ được đề cập đến, vì không có sự đóng góp của người Việt Tự do hải ngoại. Họ không góp phần, vì đã hiểu HĐ Paris 1973 là sự thông đồng của Mỹ để bán đứng MN tự do cho TC.

   
Ngoài sự hận thù người bạn đồng minh HK, người Việt tự do ở hải ngoại còn thù hận với những người cùng chung cảnh ngộ lưu vong và cùng có trách nhiệm với đồng bào trong nước. Nhiều người lợi dụng chuyện cũ, đả kích những kẻ cựu thù để thỏa mãn lòng thù hận cá nhân, phe đảng hoặc vì tham vọng chính trị. Hận thù đố kỵ làm họ lãng quên nghĩa vụ đoàn kết. Nếu họ họp thành một khối vững mạnh, được uy thế lớn đối với chính quyền Mỹ, dĩ nhiên CSVN phải lắng nghe ý kiến của họ. Họ ủng hộ đồng bào trong nước đòi CS từ bỏ độc quyền cai trị, xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp 1992, thực thi dân chủ, tôn trọng tự do và nhân quyền của người dân. Trái lại tuy cùng mục tiêu chung, song vì mãi lo “chống bạn hơn chống thù” nên lực lượng ngày càng phân tán. Đó là biểu hiện của tình trạng chia rẻ cố hữu.
 
Quyết định tai hại của CSVN hồi đầu thập niên 1990
   Trong một hội nghị chuyên đề về an ninh, Mai Chí Thọ bộ trưởng Bộ Công an nhận định người Việt ở hải ngoại “không có gì đáng lo, chỉ khi nào bọn chúng chỉ có một tổ chức duy nhất thì mới đáng sợ”. Không có đối thủ, CSVN vẫn vững tâm, dù khối CS Đông Âu tan rả, LX sụp đổ. Họ quay về thần phục Bắc Kinh theo tinh thần Quốc tế vô sản, tôn TC làm minh chủ để tiếp tục con đường chống Đế quốc Mỹ. Đây là một sai lầm lớn vì TQ đã hợp tác với Mỹ để hạ thủ LX và xây dựng nền kinh tế thị trường, một hình thức kinh tế tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng CS.

   
Nền kinh tế thị trường do Đặng Tiểu Bình phác họa giúp kinh tế TQ phát triển nhanh chóng…Nhưng phải lệ thuộc nhiều vào HK, vì nước Mỹ là khách hàng lớn nhất và cũng là con nợ lớn nhất của TQ. Con nợ rất quỷ quyệt, nhất cử nhất động đều làm cho chủ nợ lo sợ, chẳng hạn như HK hạ giá đồng mỹ kim hoặc bán vũ khí cho Đài Loan, TT Obama tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, việc Mỹ hợp tác với Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ Trung, hoặc cuộc chiến ở Afghanistan kết thúc, liệu nhóm Taliban có chĩa mũi vào Tân Cương hay không? Tất cả đều làm cho TQ mất ăn mất ngũ.

    
Còn CSVN thì lệ thuộc vào TQ, khi họ đã đút đầu vào chiếc vòng kim cô của TQ, qua phương châm 16 chữ do Giang Trạch Dân đặt ra trong mối bang giao mới giữa VN với TQ. Có lẽ vì thế, mà tổng thống Pháp Francois Mitterand đến thăm VN hồi đầu tháng 2/1993. Đây là lãnh tụ Tây phương cao cấp nhất chính thức công du VN kể từ khi cuộc chiến VN phát khởi hồi giữa thập niên 1960.

   
Đề cập đến mục đích của chuyến công du này, ông Mitterand cho biết cách đây ba năm khi chế độ Hà Nội bị khối CS ngưng viện trợ, các lãnh tụ CSVN đã quay sang cầu cứu Pháp. Do đó “tôi sang đây không những để kết toán một chương sử cũ mà cũng bắt đầu một chương sử mới…” Ông hứa sẽ thúc giục TT Bill Clinton rút lại biện pháp cấm vận đối với VN, nó đã lỗi thời khi chiến tranh lạnh đã kết thúc. Ông sẽ can thiệp với Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển Á châu, để các cơ quan tài chánh này có biện pháp giúp thêm vốn cho VN. Về phần Pháp, ông hứa sẽ tăng số tiền viện trợ từ 36 triệu lên 72 triệu đôla, tìm cách chuyển nhượng một số kỹ thuật tân tiến cho VN, đồng thời hai chính phủ còn ký kết 7 hợp đồng thương mại và thỏa hiệp hợp tác trên nhiều lãnh vực.

    
Trong diễn văn đáp từ tại dạ tiệc do Lê Đức Anh khoản đãi, TT Mitterand nói nhiều đến xu hướng chung của thời đại hiện nay -thời hậu chiến tranh lạnh- để khuyến cáo các lãnh tụ CSVN từ bỏ con đường cực đoan bảo thủ. Ông nói “Thế giới lưỡng cực không còn nữa, chiến tranh lạnh đã kết thúc. Lá cờ tự do từng bị chôn vùi ở nhiều nơi suốt bao năm qua đã tung bay trở lại ở nhiều vòm trời”. Ông nói tiếp: “Ngày nay quyền con người phải được chính quyền các nơi tôn trọng là bởi vì -cũng như anh em song sinh với nó là phát triển kinh tế- nó trở nên một đòi hỏi chung của cả nhân loại”.   Ông nói thẳng với giới lãnh đạo Hà Nội là “cởi trói kinh tế mà không cởi trói chính trị là không được, chỉ ôm ấp một ảo tưởng mà thôi”.

    
Hành động của TT Mitterand để cảnh tỉnh sự mù quáng quá độ của giới lãnh đạo CSVN. Là một người ngoại quốc, lại là nguyên thủ của một trong bảy cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới…song vì tương lai nhân dân VN ông Mitterand dẹp bỏ tự ái quốc gia, ông nhân danh Pháp Quốc can đảm thừa nhận sự lầm lỡ của chính quyền Paris trong cuộc chiến Việt Pháp trước đây. Ông đến Điện Biên Phủ -nơi được coi là chứng tích thất bại của Pháp, để kết toán một chương sử cũ, bắt đầu một chương sử mới. Chẳng lẽ những người lãnh đạo CSVN lại vì quyền lợi riêng tư ích kỷ không dám dứt bỏ chương sử cũ. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, thế giới lưỡng cực không còn nữa thì tìm chỗ dựa ở Bắc Kinh để làm gì? Chỉ làm hại dân tộc VN, để đồng bào tiếp tục đắm chìm trong cảnh nghèo nàn lạc hậu do sự lãnh đạo của mình.
 
   Nhìn lại cung cách đối xử của Bắc Kinh với Hà Nội trong hai thập niên qua, cho thấy cách hành xử của họ cũng giống y những gì mà tài liệu “Sự thật về quan hệ VN-TQ trong 30 năm qua” công bố hồi năm 1979 đã ghi ở trang 109: “Phía Trung Quốc vẫn giữ thái độ nước lớn trong cuộc đàm phán về những vấn đề thuộc quan hệ giữa hai nước, vẫn ngang nhiên đe dọa cho Việt Nam một bài học”. Điển hình là hai Hiệp ước về biên giới trên bộ và trên biển ký kết hồi cuối năm 1999 và 2000, trong đó TQ đã giành được nhiều đất nhiều biển so với với hiệp ước biên giới mà Pháp nhân danh VN đã ký với triều đình Mãn Thanh năm 1887.
 
Thời cơ thuận lợi cho Dân tộc lại xuất hiện
   Dựa vào mối thân hữu trong tinh thần quốc tế vô sản được thể hiện qua những thỏa thuận giữa lãnh đạo CS hai nước trong Công hàm 1958 của TT Phạm Văn Đồng và sự hợp tác toàn diện giữa CSVN và CSTQ… Bắc Kinh tuyên bố toàn bộ Biển Đông của VN bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của TQ, không thể tranh cãi được. Rồi đây, sự “hợp tác toàn diện” Việt Trung sẽ phát triển dần theo thời gian để phù hợp với khẩu hiệu của Karl Marx “vô sản các nước đoàn kết lại”, VN và TQ sẽ trở thành một, sống chung trong tinh thần hòa bình hữu nghị, ổn định, lâu dài.

 
  Đây là một vấn nạn lớn của VN…Nhưng đối với HK, đó là một vấn đề nhỏ. Ba năm trước, TT George W. Bush đã tuyên bố ngắn gọn với TT Nguyễn Tấn Dũng là HK ủng hộ VN bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Có thể nói, trong suốt thế kỷ vùa qua cho đến ngày nay, chỉ có HK là quốc gia duy nhất có mối bang giao quốc tế sâu rộng và nhờ vào sức mạnh quân sự…Họ có thể đối thoại và thỏa hiệp với tất cả các nước để giải quyết vấn đề an ninh và hòa bình cho thế giới.

   
Hai năm trước, khi trở lại ĐNÁ, Ngoại trưởng HK –bà Hillary Clinton cũng tuyên bố một câu ngắn gọn: “Tôi muốn gởi một thông điệp rõ ràng là Hoa Kỳ đã trở lại”.Sau đó, các chiến hạm lớn nhỏ, kể cả những Hàng không mẫu hạm hiện đại, xuất hiện đều đặn trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Và hai tuần trước đây, khi vừa đặt chân đến Bắc Kinh, Đô đốc Mike Mullen TMT/Liên quân HK chỉ cần nêu ra lý do: vì các liên hệ lâu đời của Mỹ đối với Châu Á. Nay tình hình Biển Đông căng thẳng, HK trở lại và sẽ duy trì sự hiện diện lâu dàì ở đây.

   
Hơn hai thập niên trước, HK từng ủng hộ Gorbachev khiến cuộc đảo chính của nhóm cực đoan bảo thủ trong Đảng CSLX bị thất bại. Sau đó được sự ủng hộ của HK, TT Yelsin lại chiến thắng nhóm bảo thủ ở Quốc hội, để công cuộc canh tân cải cách của ông sớm thành tựu.

 
   Đối với VN, ngày 23/4/1975 TT Gerald Ford đã tuyên bố “Vai trò của Mỹ tại VN kể như đã chấm dứt, Mỹ sẽ không trở lại một cuộc chiến mà riêng đối với Mỹ đã coi là xong rồi”. Nhưng vì sự hy sinh của những đứa con của HK đã chiến đấu vì tự do cho VN, ngày 11/7/1995, TT Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa bang giao với VN.  Ông nói: “Tôi rằng việc bình thường hóa và tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa người Mỹ và người Việt Nam sẽ thúc đẩy sự nghiệp tự do ở VN như đã từng diễn ra ở Đông Âu và Liên Xô trước đây. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc lôi cuốn người VN vào mặt trận kinh tế rộng lớn của cuộc cải cách kinh tế và mặt trận rộng lớn của cải cách dân chủ sẽ giúp tôn vinh sự hy sinh của những người đã chiến đấu vì tự do ở Việt Nam”.

  
Giờ đây sự sống còn của Dân tộc còn nằm trong tầm tay của Đảng CSVN và Quốc Hội khóa 13 đang nhóm họp tại Ba Đình. Sự can thiệp của HK mà quý vị thường gọi là “tên đế quốc đầu sỏ tư bản” là vì tự do và hạnh phúc của nhân dân VN. Khi chấm dứt sự can dự, HK sẳn sàng giúp VN trên 5 tỉ đô la (thời điểm 1973) để VN hàn gắn vết thương chiến tranh. Đó là truyền thống nhân đạo của Mỹ, không phân biệt bạn hay thù. Họ đã giúp Đức, Ý và Nhật -đã bại trận trong Thế chiến II. Và chỉ 30 năm sau, ba nước này trở thành những cường quốc kinh tế, ngang hàng với các nước đã từng đánh bại họ là Anh, Pháp và Gia Nã Đại. Đó là Nhóm bảy quốc gia có nền kinh tế giàu mạnh nhất thế giới từ thập niên 1970. Người Mỹ cũng đề nghị giúp LX sau Thế chiến II, nhưng Stalin từ chối, để LX thực hiện chủ trương tiêu diệt Đế quốc Mỹ. Hậu quả như mọi người đã thấy: LX và cả khối CS Đông Âu sụp đổ.
 
Hoài bão của người viết
   Ước mơ tột cùng của tôi là toàn dân được tự do hạnh phúc, tôi muốn gióng lên tiếng chuông thức tỉnh để đồng bào thấy rằng quá khứ thật đau buồn nên cần phải sớm xóa đi, tương lai vô cùng rạng rỡ đang chờ đón chúng ta. Thế giới lưỡng cực đã cáo chung từ lâu, tôi ao ước những tàn dư của nó đã tác hại vào đất nước cũng phải vĩnh viễn mất đi. Điều tôi mong muốn là sự đại thức tỉnh của Đảng CSVN, nhờ đó sẽ có những Gorbachev, Yelsin ở VN để tạo một hội nghị Diên Hồng thứ hai, bao gồm những thành phần yêu nước chân chính, được nhân dân tuyển chọn qua các cuộc tổng tuyển cử tự do.

  
Hội nghị Diên Hồng lần trước vào đời Trần để đoàn kết toàn dân bảo vệ đất nước. Hội nghị Diên Hồng lần này sẽ đoàn kết Bắc Trung Nam, hòa đồng các tôn giáo, gắn bó đồng bào trong nước với hải ngoại, không phân biệt giữa những người từng chiến đấu cho đất nước dù trước kia đứng bên này hay bên kia chiến tuyến vì cả hai đều là kẻ bại trận đối với đồng bào. Tinh thần đoàn kết mới giữa những người quyết tâm tận hiến tài năng trí tuệ cho quốc gia dân tộc đặt trên căn bản: cảm thông, công bằng và trung chánh –thay thế ba căn bịnh đã từng suy yếu quốc gia, chia rẻ dân tộc là xung khắc, đầu cơ và yểm tài.

  
Trong tinh thần đó, chúng tôi kêu gọi Đảng CSVN hãy đi bước đầu, thể hiện thành tâm thiện chí bằng cách sửa đổi Hiến pháp, từ bỏ quyền độc tôn lãnh đạo của Đảng CS, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân, hợp tác với các lực lượng chính trị đấu tranh cho dân chủ tự do và nhân quyền, thành lập một chính quyền chuyển tiếp thực sự hòa giải dân tộc, đứng ra tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do để phác họa một hiến pháp mới cho đất nước trong giai đoạn mới. Đó là con đường duy nhất để đích thân nhân dân chôn vùi cái chủ nghĩa đã mang đến cho họ biết bao là tai ương từ mấy chục năm nay. Quốc hội tương lai, thể hiện tinh thần tinh thần đại đoàn kết để toàn dân hiệp lực xây dựng một nước Việt Nam cực thịnh vào thập niên thứ hai của thế kỷ này. Hoài bão trên đã được ghi trong lời cuối của tác giả đề ngày 30/12/1993, (tr. 963-970) trong tác phẩm Việt Nam Thắng và Bại.