Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Thư gởi Ông Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh

Thư gởi Ông Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Quốc Súy   
Thứ Tư, 02 Tháng 3 Năm 2011 22:02

California ngày 27, tháng 12 năm 2010,

 

Kính gởi      : Ông Chánh Án Tòa Án  Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh              

                
Đề mục       : Cây bồ đề và cây si mọc  trên hàng rào phía sau Pháp Đình.

Kính thưa Ông Chánh Án,

Tôi là một cựu thẩm phán trước  năm 1975 hiện đang sống xa Tổ Quốc; Trong chuyến thăm quê hương vừa qua, khi tìm lại những kỷ niệm xưa nơi Pháp Đình Saigon, tôi vô cùng sửng sốt và thích thú khi  thấy trên hàng rào xây phía sau Pháp Đình, trên đường Nguyễn Trung Trực có hai cây mọc tự nhiên, một cây bồ đề và một cây xi.Trong tinh thần duy tâm của tôi thì đây thật sự là   một điều đáng mừng cho nền Công Lý Việt Nam, xin ông  Chánh án kiên nhẫn đọc hết lá thư này với lời dẫn giải nằm ngoài luận lý pháp luật mà hằng ngày ông thường đọc.

 Trong lịch sử Phật giáo thì Đức Phật chứng ngộ dưới gốc cây “Bồ Đề”, mà chứng ngộ là sự hiểu biết chân thực của các pháp (sự vật); Kinh Phật gọi là “chứng ngộ giáo pháp hay sự thực”. Chính vì vậy mà Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định: “Đoạn Kinh nào ngược lại khoa học thì chắc chắn không phải là Phật pháp”.

          Thân tự bồ đề thụ,         (thân người giống như cây bồ đề)
          Tâm như minh kính đài, (tâm như đài gương sáng)
          Thời thời cần phất thức,  (từng giờ từng giờ phải quét sạch)
          Dật sử nhạ trần ai .          (Đừng để bụi nhơ dính vào)

                     Luận Sư Thần Tú.

Như vậy bồ đề là xác thực, mà cấu trúc của các điều kiện cấu thành tội trạng của  luật hình  cần dựa trên sự xác thực, nhưng không phải tội trạng nào cũng hiển nhiên vì vậy ông tòa xét xử còn theo thâm tín, niềm tín sâu kín hẳn nhiên đòi hỏi suy luận đầy xác tín.

Năm 1955, lần đầu tiên Tổng Thống Ấn Độ thăm Việt Nam có tặng Bác Hồ một cây bồ đề, cây bồ đề lịch sử này hiện còn sống trong khu Lăng Bác. Cây bồ đề nhỏ sau Pháp đình là cây tự mọc, theo cách nhìn duy tâm của tôi là xuất phát từ cõi vô sắc, hay rõ hơn là lời sấm truyền tốt đẹp cho công lý Việt Nam sắp có cơ hội phát triển tốt đẹp. Đến đây tôi muốn đưa ra vài thí dụ lịch sử xuất phát từ khẩu thuyết dân gian có liên quan đến Pháp đình Sài gòn:

Thí dụ 1:   Vào những năm 1960 đến 1963, một câu ca dao được truyền tụng:

          Công lý một chiều,
          Tòa án vào cổng hậu.

Theo nghĩa đen, đường Công- lý (trước cửa Pháp đình) là con đường lưu thông chạy một chiều; cũng vào thời gian ấy vì tính cách an ninh của dinh Tổng Thống ngay cạnh tòa án, nên cửa vào cho công chúng không phải là cổng chính trên đường Công lý mà vào bằng cửa sau (cửa hậu) trên đường Nguyễn Trung Trực. Nhưng nghĩa bóng thì rõ ràng là “công lý một chiều và tòa án đi cổng hậu”.

Thí dụ 2: Sau năm 1975, câu ca dao truyền tụng:

          Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công- lý,
          Đồng Khởi vùng lên mất Tự do
.

Theo nghĩa đen tên đường Công lý được đặt tên  trước năm 1975 sau ngày 30 tháng tư, được đổi thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tự do trước 1975 sau được đổi thành đường Đồng khởi và nghĩa bóng thì tự bản chất câu ca dao đã gỉải thích rõ ràng.

Nếu hỏi tác giả hai câu ca dao trên là ai? Thì cũng giống như câu hỏi là ai đã trồng cây bồ đề và cây xi sau Pháp đình? 

Theo triết học Hoa Nghiêm, “các pháp vô phân biệt, vô sai biệt”, nghĩa là pháp  hữu vi cũng không khác pháp vô vi. Vậy thì hai câu ca dao có bản thể  hữu vi, cũng chẳng khác nguyên ủy hiện tượng xuất hiện hai cây bồ đề và cây xi.

Theo triết học Mạnh Tử: “Ý dân là ý trời”, thì câu hai câu ca dao có phải là ý dân và hai cây tự mọc đằng sau Pháp đình là ý trời hay không? Với triết học Kinh Dịch “thiên nhân tương dữ”, trời và người cùng hòa hợp; hiện tượng trời đất cũng dính liền vơi con người.
                                                    
Cây xi có biểu tượng  gì trong Kinh Phật và trong quan niệm dân gian?

Theo Phật Pháp tam độc là « tham, sân, si », si còn có tên khác là ‘vô minh’ trong thập nhị nhân duyên, nghĩa là ngu dốt, thiếu hiểu biết. Nhưng néu nghĩ rằng  chặt cây xi đi, ngu dốt sẽ biến mất thì hòan tòan  sai lầm. Kinh Phật nói rõ: Bồ đề tâm (giác ngộ) hiển lộ thì vô minh sẽ tự biến đi. Vì vậy cây xi bên cạnh cây bồ đề mới nói rõ  xác tín của các pháp.

Trong quan niệm dân gian “trồng cây xi” hay “bám rễ xi” có nghĩa là bám sâu , kết chặt không chịu xa lìa. Tôi chợt nhớ đến câu ghi trong sách Mạnh Tử: “Dân chi sở hiếu, hiếu chi! Dân chi sở ố, ố chi! Thử chi vị dân chi phụ mẫu”. Nhưng tiếc thay người làm quan từ rất xa xưa thường quên hai vế đầu mà chỉ nhớ câu “dân chi phụ mẫu”, cứ tưởng rằng làm quan xử án trước công đường là cha mẹ dân, muốn nói gì, làm gì là tòan quyền tự do của mình. Quan niệm bám rễ xi ấy cần phải bứng khỏi pháp đình, vậy cây xi hiện thực cần phải tồn tại để nhắc nhở tinh thần cổ hủ bám rễ từ tâm thức tự cao tự đại của người ngồi xét xử  cần phải rỡ bỏ.

“Thẩm phán xét xử theo lương tâm và pháp luật”, nhưng lương tâm ở đây cũng là phàm tâm hay tâm con người, nghĩa là còn nằm trong phạm trù đối đaĩ của nhị biên. Trong cảm nhận về con tâm theo triết học Đông phương thì “thiên lý tại nhân tâm”, trong con tâm có ngàn lý lẽ; cảm nhận này cũng giống tư tưởng của Descartes: “Le coeur a sa raison que la raison ne le sait pas”.  Vậy chữ lương tâm của luật, chữ nhân tâm đông phương hay chữ “le coeur” Descartes cũng không khác với chữ tâm thức trong Pháp Phật,  khi con tâm  có tỳ  ố thì là “si” mà khi  vị công lý  là “giác ngộ tối thượng bồ đề tâm”. Đẹp thay  cây bồ đề và cây xi thiên định tự mọc bên Pháp Đình Saigon , để hằng ngày nhắc nhở chư vị thẩm phán!

Đến đây tôi thiết nghĩ đã tạm đủ cho lời nói chân tình của tôi cùng ông Chánh Án. Tôi ước mong lần sau khi về thăm quê hương tôi được nhìn thấy cây bồ đề và cây xi được vun bón nẩy nở lớn mạnh, cũng giống như nền Công Lý và Công Đạo Việt Nam .

Trân trọng kính chào ông Chánh Án.

Nguyễn Quốc Súy

 _________________________________


Los Angeles ngày Nguyên Đán năm Tân Mão,

( February 03,2011)

Kính gởi : Ông Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh,

Kính thưa Ông Chánh Án,

Lá thư trên tôi đã gởi đi cách đây hơn một tháng, nếu Ông Chánh Án đã nhận được thì xin coi đây chỉ là bản sao. Trong lá thư trước tôi đã ghi email của tôi, nhưng vì không có truyền thống “confirmation letter” trong nền Tư pháp hiện hành của Việt Nam, thêm vào đó hệ thống thư tín vào thời điểm này không đủ xác tín cho tôi tin rằng lá thư đầu tiên đã đến tay ông Chánh Án.

Chiều  qua ngày tất niên năm Canh Dần,  khi đi lễ, tôi chợt nghe tiếng chuông chùa ngân vang trong lời  Kinh Đại Hồng Chung: …“Thượng chúc Phật nhật tăng huy, Pháp Luân thường chuyển, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc” (Trên cầu Phật đạo ngày càng tỏa sáng, Phật pháp truyền bá sâu rông, mưa thuận gió hòa, nước thái  dân  an,  thế giới hòa bình, chúng sinh an vui). Tôi chợt liên tưởng đến tiếng chuông Pháp Đình thường vang lên trong phiên xử rồi liên tưởng đến cây Bồ Đề và Công Lý…Tôi mong rằng tiếng chuông Công lý không phải là tiếng chuông Trịnh Công Sơn nghe trong “Kinh Chiều”: “Chiều lại chiều nghe đại bác thúc hồi chuông, câu Kinh Chiều…”. Tiếng chuông Trịnh Công Sơn của thời chiến đã đi vào quá khứ, tiếng chuông Pháp Đình thời Pháp thuộc cũng đã xa xăm…Nhưng tiếng chuông pháp đình của các vị thẩm phán chính trực thì cũng chỉ như một dù trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, luôn luôn vang động dư âm lời tuyên thệ khi nhậm chức: “…xét xử theo lương tâm và pháp luật”.

Tiếng chuông thu không trong buổi chiều tà thực sự là vô ký (không phải thiện, cũng chẳng phải ác), người nghe chuông, nghe kinh tự cảm nhận. Nhưng tiếng đại bác dù có quyện vào tiếng chuông chăng nữa luôn luôn tạo ra ác nghiệp…Với tiếng chuông pháp đình, thiện nghiệp hay ác nghiệp quay vào chính tâm thức của kẻ  gióng  chuông đúng như hình ảnh của cây bồ đề hay cây xi…

Trân trọng kính chào và thân chúc Ông Chánh Án thân tâm an lạc trong suốt Tân Niên Tân Mão.

Nguyễn Quốc Súy (75 tuổi)