Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Ăn Học, Học Ăn

Ăn Học, Học Ăn PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Thập   
Thứ Hai, 28 Tháng 2 Năm 2011 08:43

Ăn coi nồi ngồi coi hướng

Những ngày đầu năm, cùng với lời cầu chúc “khang an hạnh phúc”, bạn bè cũng thường gởi kèm cho tôi những lời khuyên thực tế. Ở cái tuổi đang bắt đầu “trượt” xuống bên kia sườn đồi của cuộc sống, tôi nhận thấy hầu như quyết tâm đầu năm nào của tôi cũng đều xoay quanh vấn đề sức khỏe. Tựu trung, phải sống như thế nào để được “trường thọ”, phải ăn uống như thế nào để được khỏe mạnh và nhứt là không trở thành gánh nặng cho người thân: đó là tâm niệm đầu năm của tôi.

Trong số những khuôn vàng thước ngọc về việc chăm sóc sức khỏe, tôi đặc biệt chú ý đến bản “Cẩm nang sống năm 2011” mà một ông bạn cùng một “mail đàn” (forum online) đã gởi đến cho tôi nhân dịp chúc Tết. Bản cẩm nang gồm 39 điều tâm niệm bao gồm mọi lãnh vực của cuộc sống từ thể xác đến tâm linh và xã hội. Dường như sức khỏe được xem là quan trọng nhứt, cho nên những lời khuyên về việc ăn uống được đặt lên hàng đầu của bản cẩm nang. Tôi thấy thật dễ nhớ: “một là uống thật nhiều nước, hai là ăn sáng giống như vua, ăn trưa giống như ông hoàng và ăn tối giống như kẻ ăn xin, ba là ăn nhiều thức ăn từ trên cây và ăn ít thức ăn được chế tạo trong nhà máy.”  Đây là 3 “câu kinh” mà tôi đã cố gắng “tụng” và mang ra thực hành từ bao nhiêu năm nay. Nước thì ở Úc này luôn có sẵn và lại trong lành nữa. Sáng nào lúc thức dậy, tôi cũng cố gắng “tu” nguyên một lít. Lúc đầu thấy khó chịu. Nhưng bây giờ, tôi có cảm tưởng như mình chưa sống trọn vẹn một ngày nếu không bắt đầu bằng “nghi thức” này. Còn chuyện “ăn sáng như vua, ăn trưa như ông hoàng và ăn tối như ăn mày” thì tôi thấy cũng chẳng khó khăn gì. Riêng việc ăn hoa quả hái từ trên cây thì một người “nhà quê” như tôi lúc nào cũng chủ trương “trồng lấy” mà ăn, mùa nào ăn thức đó; vừa tiết kiệm lại vừa có được cây trái được bón bằng “phân hữu cơ” thời thượng của người Úc!

Thêm vào “cẩm nang sống năm 2011” trên đây, tạp chí Reader’s  Digest, ấn bản Úc Châu, số ra tháng giêng vừa qua, cũng có một bài viết củng cố quyết tâm đầu năm của tôi. Với tựa đề “Những luật lệ mới về thực phẩm cho năm 2011”, nhà dinh dưỡng học Michael Pollan đã trình bày một số nguyên tắc về ăn uống mà tôi xin được tóm lược như sau:

Nguyên tắc đầu tiên của ông là phải ăn thực phẩm, chứ không phải các hóa chất giống thực phẩm. Tác giả nói rằng mỗi năm có đến 17.000 sản phẩm mới được trình làng trong các siêu thị trên khắp thế giới. Nhưng theo ông, hầu hết các sản phẩm này không đáng được gọi là thực phẩm, mà chỉ là những hóa chất giống thực phẩm. Đây là những sản phẩm đã được chế biến và gồm hầu hết những thành phần mà không một người bình thường nào muốn giữ trong tủ đồ ăn.

Nguyên tắc thứ hai mà tác giả đề nghị là “hãy ăn những thức ăn nào có thể bị hư”. Nghe như có vẻ nghịch lý, nhưng tác giả giải thích rằng thức ăn càng được chế biến thì càng được tinh lọc khỏi các loại nấm, vi khuẩn cho nên cũng càng đánh mất phẩm chất dinh dưỡng của nó. Theo tác giả, thức ăn thực sự phải là thức ăn sống (alive). Như vậy nó cũng có một giai đoạn tươi tốt rồi tiến dần đến chỗ bị hư thối. Không thể “trơ gan cùng tuế nguyệt” được.

Nguyên tắc thứ ba được tác giả Pollan nhấn mạnh là hãy “tránh những thức ăn có chứa đựng hơn 5 thành tố”. Theo nhà dinh dưỡng học này, thức ăn càng có nhiều thành tố là thức ăn càng được chế biến và như vậy càng đánh mất giá trị dinh dưỡng của nó.

Nhưng quan trọng hơn cả trong các nguyên tắc được đề nghị là “nên ăn nhiều hoa quả, nhứt là rau cỏ”. Các nhà khoa học có thể không đồng ý với nhau về bậc thang giá trị của các thức ăn chống oxit hóa, của các thức ăn có chứa chất xơ hay Omega 3. Nhưng tất cả đều cho rằng đây là những thức ăn tốt. Hơn nữa, khi ăn rau quả, chúng ta sẽ không phải tốn nhiều công sức để đốt  năng lượng.

Về rau quả, tác giả cũng khuyên chúng ta nên ăn các loại rau quả có nhiều màu sắc khác nhau. Màu sắc của rau quả phản ảnh những đặc tính chống Oxit hóa khác nhau của từng loại.

Cũng về cây trái, tác giả viết rằng trong thiên nhiên, đường hầu như luôn luôn được chứa đựng cùng một lúc với chất xơ là thành phần làm cho thức ăn được tiêu hóa chậm lại và cho chúng ta cái cảm giác được no trước khi chúng ta “ngốn” vào quá nhiều năng lượng. Do đó, tác giả khuyên chúng ta nên ăn trái cây hơn uống nước ép từ trái cây.

Ngày xưa, chỉ có người giàu mới thích ăn gạo trắng. Ngày nay, phép dinh dưỡng lại bảo chúng ta rằng “gạo càng trắng thì ta càng mau chết”. Tác giả khuyên chúng ta nên ăn cơm và bánh làm từ gạo lức bởi vì trong tình trạng này, thức ăn chứa đựng nhiều chất sơ, sinh tố B cũng như nhiều chất béo lành mạnh.

Cuối cùng, tôi nghĩ đây có lẽ là nguyên tắc quan trọng nhứt trong dinh dưỡng học: “Hãy ngừng ăn trước khi đầy bụng”. Người Nhựt bản thường trích dẫn nguyên tắc “hara hachi bu”, theo đó chỉ nên ăn đến 80 phần trăm khả năng chứa đựng của bao tử. Truyền thống Ayurvedic bên Ấn độ khuyên dân chúng ăn đến khoảng 75 phần trăm sức chứa của bao tử. Người Trung hoa thì lại bảo chúng ta phải dừng lại khi bụng đã đầy đến 70 phần trăm. Riêng tiên tri Mahomet có nói rằng một cái bụng đầy là một cái bụng chỉ chứa một phần ba thức ăn, một phần ba chất lỏng và một phần ba không khí, nói cách khác, nghĩa là một phần ba bụng trống.

Những nguyên tắc về dinh dưỡng trên đây xem ra không phải là những khám phá mới. Tôi đã từng được đọc ở đâu đó và cũng đã từng mang ra thực hành. Đầu năm và nhứt là đầu năm trong giai đoạn xế chiều của cuộc đời này, tôi bỗng “ngộ” ra một điều là chuyện “ăn uống”, ai cũng cho là “ngon ăn”, vậy mà rốt cục, so với những môn học khác, nó lại là cái môn “khó nuốt” nhứt. Người Việt nam nào cũng biết rằng bài học cơ bản, đầu tiên vẫn là “học ăn”: học ăn rồi mới tới học nói học gói học mở…Ông bà chúng ta ngày xưa chẳng có chút kiến thức nào về dinh dưỡng học và ngay cả về vệ sinh thường thức. Cho tới cái tuổi sắp có trí khôn, tôi vẫn có thể nhớ như in hình ảnh mẹ tôi nhai cơm mớm cho cô em gái út của tôi. Chắc chắn, cái miệng nhai trầu của mẹ tôi cũng đã từng nghiền nát thức ăn để mớm cho tôi. Hình ảnh bà “già trầu” mớm cơm cho con ăn cũng đẹp chẳng kém gì hình ảnh của con chim cánh cụt cố gắng chắt mót những giọt sữa còn sót lại trong cơ thể để trao cho đứa con vừa thoát ra khỏi vỏ hay hình ảnh của gà mẹ, chim mẹ xẻ từng hạt thóc ra cho đàn con của mình. Học ăn là như thế. Ăn, như thế, cũng có nghĩa là chia sẻ một phần sự sống của mình cho người khác.

Bài học ấy lại càng được làm sáng tỏ hơn khi ông bà chúng ta dạy “ăn coi nồi ngồi coi hướng”. Tựu trung, thái độ nhân bản nhứt khi ngồi vào bàn ăn chính là phải ý thức về sự hiện diện của người ngồi đồng bàn với mình. Ăn là ăn cùng, ăn với người khác.

Lúc tôi còn nhỏ, gia đình tôi không thuộc thành phần khá giả hay quanh năm ngày tháng có của ăn của để. Nhưng nhờ một bà mẹ biết vun vén, chắt chiu cho nên tôi có cái may mắn được gởi vào học trong một dòng tu Công giáo. So với lũ trẻ chăn trâu trong làng, tôi được xem là người có “ăn học” (đúng theo nghĩa đen), nghĩa là vừa được ăn uống tuy không ngon nhưng đầy đủ vừa có được chút “chữ nghĩa”. Suốt thời gian “tu học” này, tôi nhận thấy chuyện “học ăn” vẫn là một trong những điều cam go nhứt. Trong lớp, chúng tôi ganh nhau từng điểm học đã đành, trên sân cỏ chúng tôi cũng sống chết với nhau trong từng đường banh cú sút. Nhưng ở vào cái tuổi mới lớn, dành ăn là chuyện thường. Mỗi bàn ăn trong nhà cơm thường có 4 chỗ, các món ăn được chia phần cho 4 người. Vậy mà nhiều bữa, vừa ngồi xuống, có thằng “mất dạy” đã dành lấy hai phần ăn. Vậy là một thằng trong 4 đứa đành trơ mỏ ngậm miệng ăn cơm với nước mắm. Có khi, thua một bữa cá độ bóng tròn hay bóng chuyền, phần tráng miệng hay ngay cả phần ăn chính cũng thuộc về kẻ chiến thắng. Vậy mà nó chẳng “ăn coi nồi ngồi coi hướng” gì cả. Mặc cho ánh mắt “van xin” của kẻ chiến bại, nó vẫn cứ an nhiên tự tại “chén” trọn phần dành cho kẻ chiến thắng.

Suốt thời trung học, tôi thấy “học ăn” vẫn là môn khó nhứt. Tuần nào, trong giờ học về phép lịch sự, chúng tôi cũng được nhắc nhở rằng ngồi trên bàn ăn không nên chống cùi chỏ trên bàn, miệng đang nhai không được nói cũng không được nhai “nhóp nhép”…Mấy cái phép lặt vặt ấy thì tôi thấy dễ nhớ và cũng dễ thực hành. Nhưng cái chuyện “ăn coi nồi ngồi coi hướng” thì quả là gay go. Nó gay go là bởi chạm đến con người của mình. Tư cách con người thường dễ lộ ra trên bàn ăn. Ích kỷ hay vị tha, tôn trọng hay bất kính, nhường nhịn hay ăn thua đủ, tự chế hay gây hấn…thường được biểu lộ khi có miếng vào miếng ra hay nhứt là khi rượu vào lời ra. Do đó, cho tới giờ này, sau bao nhiêu năm được cho “ăn học” đầy đủ, với không biết bao nhiêu kiến thức được tiếp thu trong trường đời, qua không biết bao nhiêu tiếp xúc và va chạm, tôi vẫn còn chưa bao giờ “tốt nghiệp” ở cái trường học làm người trong đó môn “học ăn” là điều cơ bản nhứt.

Với tôi, chỉ khi nào thấy mình hoàn toàn biết sống vị tha, lúc đó tôi mới dám tự nhận mình đã thực sự đã “học ăn”. Bao lâu miếng ăn vẫn còn là miếng tồi tàn, khiến tôi có thể nhắm mắt làm ngơ trước cái đói, nỗi khổ đau của người đồng loại để ôm chặt lấy “hầu bao” của mình và ung dung ngồi thưởng thức của ngon vật lạ trên bàn ăn, thì cho dù có là người được “ăn học”, tôi vẫn chưa phải là người đã “học ăn”. Là một tín hữu Kitô, tôi thường suy niệm về bài dụ ngôn “người nghèo Lazaro” trong sách Tin mừng theo thánh Luca. Với tôi, đây là một trong những trang đẹp nhứt trong các sách Tin mừng. Nếu người môn đệ của Chúa Giêsu thực thi lời dạy của Ngài qua câu chuyện này thì họ đã sống cái cốt lõi của Đạo. Chuyện kể về một người giàu có ngày ngày yến tiệt linh đình. Ngay trước cổng nhà người giàu, có một người nghèo, ghẻ chóc đầy mình, thèm được ăn những mảnh vụn từ bàn ăn của ông rơi xuống. Nhưng mặc cho chó có đến liếm vào người hành khất, người phú hộ vẫn ăn uống như thể không hề có sự hiện diện của một người nghèo ngay trước cổng nhà mình. Thế rồi cả hai đều chết, người nghèo được siêu thoát, người giàu bị trầm luân…Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu muốn nhắn gởi cho các môn đệ của Ngài rằng nếu người giàu có bị trầm luân là bởi ông đã có cuộc sống “ác đức” và hành vi ác đức của ông chính là sống dửng dưng trước nỗi khổ đau của người đồng loại.

Thời gian gần đây, tôi thường suy nghĩ về điều này sau khi theo dõi bài phóng sự của phóng viên Alastair Leithhead của đài BBC (x. Việt Luận Tết tân mão 2011). Ký giả này ghi lại một số hình ảnh về cuộc sống ăn chơi của giới tư bản đỏ tại Việt nam như những chiếc xe hơi đắt tiền, những chiếc xe mô tô Harley mà một thành viên của câu lạc bộ chơi xe nói rằng “không có nơi nào khác trên thế giới có nhiều xe sang” như ở Việt nam. Nhưng điều được phóng viên Leithhead chú ý nhứt chính là tô phở giá 35 Mỹ kim tại Hà nội. Trong tiệm phở, một thực khách thú nhận với phóng viên Leithhead rằng “ông vừa ăn món phở đặc biệt của nhà hàng và gần như cảm thấy có lỗi khi nói với phóng viên này rằng ông làm việc cho chính phủ”. Thì ra ở Việt nam vẫn còn có những “quan chức” có một lương tâm còn một ít răng để “cắn rứt”. Phóng viên Leithhead còn nhìn thấy một Ủy viên Trung ương Đảng bước nhanh ra khỏi cửa và chui vào một chiếc Mercedes. Liệu khi ăn tô phở giá 35 Mỹ kim, các quan chức này có còn biết xốn xang hay xấu hổ không?

Không rõ ai đó đã nói: trong một đất nước nghèo nàn, mình được ăn sung mặc sướng là một điều đáng xấu hổ.

Ăn là một “chuyện thường ngày ở huyện” mà ai cũng phải có cho đến mãn đời. Còn sống thì còn phải ăn. Cho nên chuyện “học ăn” của tôi cơ hồ không có ngày “ra trường”. Nhưng ít ra, trong lúc này tôi cũng cố gắng tránh cái cảnh ăn rồi sinh bịnh hay ăn rồi lại thấy xốn xang, áy náy.

Ngồi ăn bữa cơm đạm bạc một mình mà vẫn thấy ngon miệng, vẫn thấy gần gũi với những người cùng khổ cũng có thể gọi là một nghệ thuật ăn.