Obama: Những bài học kỳ thị chủng tộc của tôi |
Tác Giả: Barack Obama | |||||||
Thứ Ba, 15 Tháng 2 Năm 2011 08:47 | |||||||
Năm lớp bảy, thằng bé đầu tiên gọi tôi là con chồn khoang
Barack Obama chỉ mới hai tuổi khi người bố gốc châu Phi của ông chia tay với mẹ ông. Lớn lên ở Hawaii với mẹ và ông bà ngoại gốc da trắng, ông kể lại những kinh nghiệm đã giúp xác định ông là thanh niên Mỹ da đen. Tôi cố gắng tự nuôi dạy mình trở nên một người da đen ở Hoa Kỳ, và ngoại trừ màu da, không ai ở chung quanh tôi biết chính xác ý nghĩa của việc này. TV, phim ảnh, radio là những chỗ có thể bắt đầu. Văn hóa phổ thông[1] được đánh dấu để phân biệt bằng màu sắc, nói cho cùng, đây là trung tâm trưng bày tất cả hình ảnh mà người ta có thể bắt chước dáng đi, cách nói, bước chân hay cách trang phục. Tôi không thể cất giọng hát như Marvin Gaye[2], nhưng tôi có thể học tất cả các bước khiêu vũ của Soul Train.[3] Tôi không thể biểu diễn lắp ráp súng như Shaft hay Superfly, nhưng chắc chắn tôi có thể chửi thề ngon lành như Richard Pryor.[4] Và tôi có thể chơi bóng rổ, với sự mê đắm luôn luôn to lớn hơn tài năng nhỏ bé của tôi. Quả bóng rổ, quà Giáng sinh của bố tôi (người bố đến thăm khi Obama lên mười) đến vào lúc đội bóng rổ của trường đại học Hawaii được xếp vào hàng quốc gia nhờ tài năng của đội viên, tất cả đều là người da đen, khởi đầu là năm đội viên trường đã được chở[5] đến từ lục địa. Mùa xuân năm ấy bà tôi đưa tôi đi xem một trong những trận đấu của họ, và tôi đã ngắm các đội viên này tập dượt trước khi vào trận, tuy họ vẫn còn là những cậu bé nhưng với tôi họ có vẻ tự tin đĩnh đạc của những người chiến sĩ, liếc mắt vượt lên trên đầu của khán giả hâm mộ để nheo mắt với các cô gái đứng ngắm ngoài lề, thong thả vờn bóng, nhồi bóng hay nhảy lên thật cao và ném bóng thành hình vòng cung đẹp mắt, cho đến có tiếng còi và những người đang ở giữa sân nhảy lên và đội viên tham gia cuộc chiến căng thẳng gay go. Tôi quyết định tham gia thế giới ấy và bắt đầu chơi ở một sân chơi ở gần chung cư của ông bà tôi. Năm tôi bắt đầu vào Trung học cấp hai (14 tuổi trở lên) tôi chơi cho đội bóng Punahous và có thể đến chơi ở các sân bóng rổ của trường đại học, nơi đó có một số rất ít người da đen, có thể đếm trên các đầu ngón tay, đa số là chuột của phòng thể thao[6] hay những người đã nổi tiếng một thời, ở họ tôi học được một thái độ không liên hệ gì đến bóng rổ. Đó là, bạn được kính trọng là do kết quả bạn làm nên chứ không thể dựa vào thế lực của bố. Đó là, bạn không để cho ai lén nhìn thấy những cảm xúc – như đau đớn hay lo sợ – mà bạn không muốn cho họ thấy. Vợ tôi đang đảo mắt không tán thành kia kìa. Vợ tôi lớn lên với một người anh (hay em) trai chơi bóng rổ nổi tiếng và mỗi khi cô ấy muốn chấm dứt cuộc thảo luận cô thường nói là cô thích nhìn thấy con trai của mình chơi đàn cello hơn. Dĩ nhiên là cô ấy nói đúng; tôi là cái thí dụ sống của bức biếm họa về thanh niên da đen, chính đó cũng là bức biếm họa tiêu biểu bản chất kiêu hãnh của đàn ông Mỹ. Ít nhất trên sân bóng rổ tôi có thể tìm thấy một hình thức cộng đồng có đời sống tâm hồn của riêng nó. Đó là nơi tôi có những người bạn da trắng thân nhất, trên vùng đất mà màu da đen không phải là kém lợi thế. Và đó là nơi tôi gặp Ray và những người bạn da đen khác cùng trạc tuổi với tôi đã dần dần về ở trên đảo, những thiếu niên mà sự mù mờ lẫn lộn và bất mãn của họ cũng giúp tôi nhận dạng sự lẫn lộn và bất mãn của chính tôi. “Đó là cách mà người da trắng sẽ đối với bạn,” một người trong bọn sẽ nói khi không có ai ở gần chúng tôi. Mọi người cùng cười và tôi sẽ hồi tưởng lại những lần tôi bị người ta khinh thị: năm lớp bảy, thằng bé đầu tiên gọi tôi là con chồn khoang[7]; và những giọt nước mắt ngạc nhiên của nó (“Tại sao mày làm thế chứ?” khi tôi đấm nó chảy máu mũi. Người đánh tennis chuyên môn đã bảo tôi đừng đụng vào thời khóa biểu liệt kê các cuộc tranh tài gắn trên bảng thông tin bởi vì màu da của tôi có thể làm thấm đen tờ giấy; và nụ cười trên đôi môi mỏng dính cùng khuôn mặt đỏ kè của ông ta – “Cậu không chịu được lời nói đùa hay sao?” – khi tôi đe dọa sẽ báo cáo lời ông nói. Đó là cách người da trắng sẽ đối xử với bạn. Nhưng đó không chỉ là những chuyện độc ác; tôi biết rằng người da đen cũng đôi khi cay nghiệt và còn nhiều chuyện khác. Đó là một loại kiêu ngạo đặc biệt, một sự kém tế nhị của những người mà bình thường họ rất sáng suốt đã làm cho chúng ta phải bật cười cay đắng. Có vẻ như thể người da trắng đã không biết là họ đã ác độc. Hay ít nhất họ tin là những lời dè bỉu của họ dành cho bạn là xứng đáng. Người da trắng. Ban đầu chữ này có vẻ ngượng nghịu trong miệng tôi; tôi có cái cảm giác của một người ngoại quốc vấp váp với một câu khó phát âm. Đôi khi tôi nói chuyện với Ray người da trắng thế này hay người da trắng thế nọ, bất thình lình tôi nhớ đến nụ cười của mẹ tôi và lời tôi nói bỗng trở nên kỳ cục và giả dối. Hoặc là tôi đang giúp bà tôi lau chén đĩa sau khi ăn tối,Toot (bà ngoại của Obama) đi vào và nói bà sẽ đi ngủ, và cũng những chữ ấy – người da trắng – sẽ chớp sáng trong đầu tôi như những bảng hiệu bằng huỳnh quang sáng rực và tôi bất thình lình trở nên im lặng, như thể tôi muốn giữ bí mật.
Sau đó còn lại một mình, tôi cố gắng gỡ rối những ý nghĩ khó chịu này. Rõ ràng là có một số người da trắng có thể được nằm ngoài cái nhóm tổng quát mà chúng tôi không tin cậy: Ray luôn luôn bảo tôi là ông bà của tôi rất tốt. Cái chữ trắng đơn giản chỉ là một cách nói tắt với Ray, tôi quyết định, là danh xưng cho cái mà mẹ tôi gọi là người kỳ thị. Và mặc dù tôi nhận biết cái nguy hiểm trong cách dùng từ của Ray – Ray nhấn mạnh với tôi là chúng tôi sẽ không bao giờ nói về người da trắng như cách chúng tôi định nghĩa người da trắng trước mặt những người da trắng mà không biết chắc chắn là chúng tôi muốn nói gì; hoặc không biết là chúng tôi sẽ phải trả một cái giá nào đó. Nhưng như vậy có đúng không? Vẫn còn có một giá phải trả hay sao? Và đó là phần phức tạp nhất mà tôi và Ray dường như không bao giờ có thể cùng đồng ý. Có những lúc tôi lắng nghe Ray nói với một cô gái tóc vàng anh mới quen về cuộc sống khắc nghiệt trên đường phố Los Angeles, hay nghe anh giải thích về những vết sẹo của chính sách kỳ thị chủng tộc với những nhà giáo trẻ hăng hái, tôi thề là bên dưới vẻ đạo mạo Ray đang nháy mắt với tôi, cho tôi được tham dự chuyện phỉnh phờ đám da trắng. Cơn phẫn nộ của chúng tôi với thế giới người da trắng không cần có đối tượng, Ray dường như bảo với tôi, không cần sự xác nhận khách quan; nó có thể hiện ra và biến đi theo ý thích của chúng tôi. Đôi khi, sau mỗi lần hắn trình diễn trước đám da trắng, tôi lại tự chất vấn mình về khuynh hướng của hắn, nếu không phải là sự thành thật của hắn ta. Chúng tôi không đang sống ở miền Nam thời Jim Crow,[8] tôi nhắc cho hắn ta nhớ. Chúng tôi không bị bẳt phải ở trong những khu chung cư ở Harlem hay Bronx. Chúng tôi đang ở Hawaii. Chúng tôi nói bất cứ chuyện gì chúng tôi thích, ăn bất cứ nơi nào chúng tôi thích; chúng tôi ngồi phía trước trên xe buýt.[9] Không có một người bạn da trắng nào của chúng tôi, những người như Jeff hay Scott trong đội bóng rổ, đối xử với chúng tôi khác biệt hơn cách họ đối xử với nhau. Họ quí mến chúng tôi và chúng tôi cũng quí mến họ. Dường như phân nửa số người trong bọn họ cũng muốn làm dân da đen – hay ít ra muốn được như Đốc tờ J.[10]. A, đúng vậy, Ray nhìn nhận. Có lẽ chúng ta có thể dẹp vị trí của thằng-đen-khó-chịu qua một bên. Để dành cho khi nào chúng ta thật sự cần dùng. Và Ray lắc đầu. Thái độ, hả? Anh chỉ nên phát biểu ý kiến của riêng anh. Có một ngày mùa xuân, Ray và tôi gặp nhau sau khi tan học và bắt đầu đi về hướng băng đá vòng quanh cây đa trong khuôn viên trường Punahou. Những băng đá này được đặt tên là Băng Đá cho học sinh lớp cao nhất nhưng nói chung đây là nơi gặp nhau của nhóm học sinh nổi tiếng, được yêu chuộng trong trường, thành viên của các nhóm thể thao, và các cô trong đội khiêu vũ ủng hộ các nhóm thể thao và nhóm học sinh thích tiệc tùng, những người làm đám đông phấn khởi, người tham dự, những người đang đợi người yêu đang chen lấn chiếm chỗ ở những bậc thang của khuôn viên. Một trong những học sinh đang học năm cuối, một anh chàng vạm vỡ giữ vị trí hậu vệ tên Kurt, đang hiện diện ở đấy, và anh ta hét to ngay lập tức khi anh ta nhìn thấy chúng tôi. “Này, Ray! Đại ca của tui! Mạnh giỏi?”[11] Ray đi đến và vỗ vào lòng bàn tay lật ngửa của Kurt.[12] Nhưng khi Kurt muốn lập lại cử chỉ đó với tôi, tôi xua tay từ chối. “Hắn mắc chứng gì thế?” Tôi nghe Kurt hỏi Ray lúc tôi bỏ đi. Vài phút sau, Ray bắt kịp tôi và hỏi tôi có chuyện gì không vừa ý. “Người ta đang chế nhạo mình,” Tôi nói. “Mày nói cái gì thế?” Mặt của Ray bỗng chiếu sáng với cơn giận dữ. “Này,” Ray nói, “Tao chỉ cố gắng hòa hợp, biết không? Cũng như tao thấy mày cố gắng hòa hợp, nói chuyện với thầy cô khi mày cần họ giúp mày. Cái kiểu của ‘Vâng, thưa cô Hợm, em thấy quyển sách này rất thu hút, nếu em có thêm được một ngày để viết bài, thì em sẽ hôn cái mông trắng hếu của cô’. Đây là thế giới của họ, đúng không? Họ làm chủ thế giới này và chúng ta ở trong đó. Thế thì cút mẹ nó đi cho khỏi mặt tao.” Hôm sau, cơn nóng giận trong lúc cãi vả của chúng tôi nguôi ngoai, Ray đề nghị tôi mời Jeff và Scott đến buổi tiệc ở nhà hắn cuối tuần hôm ấy. Tôi ngập ngừng một lúc – chúng tôi chưa hề mang bạn da trắng đến tiệc của người da đen – nhưng Ray cứ nằng nặc đòi, và tôi không tìm thấy lý do chính đáng để phản đối. Jeff và Scott cũng cảm thấy thế; cả hai đều đồng ý đến dự nếu tôi sẵn sàng lái xe đưa đón. Vì thế tối thứ Bảy ấy, sau trận đấu bóng rổ, cả ba chúng tôi cùng chất lên chiếc xe Ford Granada cũ của bà tôi chạy xập xình đến Schofield Baracks, chừng 30 dặm ngoài thành phố. Khi chúng tôi đến, buổi tiệc đã bắt đầu từ lâu, và chúng tôi len lỏi đến chỗ tìm nước uống. Sự hiện diện của Jeff và Scott dường như chẳng gây phiền toái cho ai; Ray giới thiệu họ, cả hai trò chuyện với mọi người, mời vài cô gái ra sàn khiêu vũ. Nhưng tôi có thể thấy khung cảnh đã bất ngờ làm hai người bạn của tôi hơi sợ. Cả hai mỉm cười thường xuyên. Cả hai ngồi nép qua một góc riêng. Chừng một giờ sau hai người hỏi tôi có thể đưa họ về không. “Chuyện gì thế?” Ray hét át tiếng nhạc khi tôi đến bảo Ray tôi đưa các bạn về. Trong xe, Jeff quàng vai tôi, trông anh ta vừa có vẻ mặc cảm tội lỗi vừa có vẻ nhẹ nhõm. “Bạn biết không,” anh nói, “chuyện này dạy tôi một bài học. Tôi có thể hiểu được anh và Ray chắc là phải khó chịu lắm, khi tham dự những buổi tiệc trong trường chỉ có hai người là người da đen.” Tôi khỉnh mũi. “Ừ, Đúng vậy,” Có phần nào trong tôi muốn đấm cho hắn một cái. Chúng tôi hướng về phố, trong im lặng, trí óc tôi bắt đầu ôn lại những lời nói của Kurt ngày hôm ấy, tất cả những gì chúng tôi đã từng thảo luận trước đây, và những diễn biến dẫn đến đêm ấy. Và đến lúc tôi thả hai người bạn của tôi xuống, tôi bắt đầu thấy một bản đồ mới của thế giới, một cái bản đồ đơn giản vô cùng nhưng những điều nó ám chỉ có thể làm người ta ngạt thở. Chúng ta luôn luôn chơi trên sân của người da trắng, Ray đã nói với tôi, theo luật lệ của người da trắng. Bất cứ điều gì ông da trắng quyết định làm, đó là quyết định của ông ta chứ không phải của anh, và bởi vì cái quyền lực căn bản mà ông ta có để kềm chế anh, bởi vì nó đã dẫn trước và sống lâu hơn những động cơ thúc đẩy và khuynh hướng cá nhân của ông ta, bất cứ sự phân biệt nào giữa người da trắng tốt và người da trắng xấu không còn mấy quan trọng. Thật ra, bạn cũng không thể biết chắc tất cả những thứ mà bạn cho là biểu hiện của tính chất đen nguyên thủy của bạn – bản tính khôi hài, âm nhạc, cái vỗ vai thân mật của người anh em đồng chủng – đã được chính bạn tự do chọn lựa. Ở mức độ tốt đẹp nhất, những điều kể trên là chỗ trú ẩn; ở mức độ xấu xa nhất, đó là cái bẫy. Theo lối lý luận quanh quẩn này, chỉ có một điều bạn có thể chọn là của chính bạn là sự triệt thoái vào trong cái vòng phẫn nộ được xiết dần và xiết dần, cho đến lúc khái niệm da đen chỉ có nghĩa là kiến thức về chính sự bất lực của bạn, sự thất bại của riêng bạn. Và cái mỉa mai cuối cùng: liệu bạn có nên từ chối sự thất bại này và trút nó lên đầu của những người giam giữ bạn, vì trong trường hợp này họ cũng có một cái tên cho hành động mà họ cho là đổ tội này, cái tên có thể cho bạn vào tròng một cách hiệu quả: Đa Nghi. Quân phiệt. Bạo động. Mọi đen. Nguồn: Obama: my lessons in racism (The Sunday Times, September 6, 2007) Chú thích: [1] Pop culture hay popular culture bao gồm tất cả những bộ môn như nghệ thuật, thời trang, phim ảnh, TV, nói chung những bộ môn có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội và được chấp nhận bởi tập thể đa số. Trong khuôn khổ bài này xin tạm dùng chữ văn hóa phổ thông dù biết là không thể diễn tả hết ý. [2] Marvin Gaye (1939-1984) ca sĩ kiêm nhạc sĩ, xử dụng pianist và trống, nổi tiếng thời 60 với nhạc woo-dop và là ca sĩ đơn ca có số băng nhạc bán chạy với những bài hát như The Prince of Motown và The Prince of Soul. [3] Một chương trình âm nhạc và khiêu vũ trên TV rất nổi tiếng kéo dài 35 năm, bắt đầu từ năm 1970 chuyên trình diễn âm nhạc thể loại blue, soul, và hip hop. [4] Richard Pryor (1940-2005) nhà văn kiêm diễn viên Mỹ, chuyên về hài kịch. [5] Ở đây tác giả dùng chữ ship làm gợi nhớ đến người nô lệ được chở đến các quốc gia khác bằng tàu. [6] Gym rats dùng để chỉ những người luôn luôn có mặt ở phòng thể thao [7] Một cách nói tắt của chữ racoon là một động vật đuôi dài, lông xám gần mắt có khoang đen [8] Đạo luật của Jim Crow (1876 – 1965) bắt buộc người da trắng và người da đen không được dùng chung những công trình công cộng. [9] Trước kia người da đen bị bắt ngồi các băng ghế sau trên xe buýt, nhường chỗ cho người da trắng. Năm 1955 Rosa Park phản đối việc này và từ đó nảy sinh một cuộc biểu tình rất lớn đòi quyền bình đẳng. [10] Julius Irving, người chơi bóng rổ nổi tiếng đã mang về cho đội của ông ba lần giải bóng rổ thế giới. Ông được mệnh danh Dr. J vì ông đã biểu diễn phương pháp chơi rất chính xác [11] Trong câu này Obama đã dùng cách phát âm của người da đen. [12] Một cách chào người da đen thường hay dùng. Barack Obama
|