Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Tình yêu như một cách khám phá ra người khác

Tình yêu như một cách khám phá ra người khác PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc   
Thứ Tư, 09 Tháng 2 Năm 2011 21:02

Nhờ tình yêu mà con người khám phá ra chính bản thân mình. Tình yêu còn giúp con người khám phá ra người khác nữa .

 

Lời tác giả: Khoảng năm 1989 hay 1990 gì đó, tôi có viết một loạt bài về đề tài tình yêu trong thơ Việt Nam, trong đó, tôi nhấn mạnh đến hai luận điểm chính: một, trong văn học, tình yêu là khám phá mới; hai, trong cuộc đời, tình yêu giúp chúng ta khám phá ra (a) bản thân mình; (b) người khác; và (c) thiên nhiên. Loạt bài này đăng trên tạp chí Quê Mẹ ở Paris đã lâu. Nay, tôi xin sửa lại chút ít, đăng thành bốn kỳ, như một món quà nhẹ nhàng trong những ngày Tết. - Nguyễn Hưng Quốc

 
Nhờ tình yêu mà một đứa bé hồn nhiên, lúc nào cũng hiếu động, cũng ồn ào, đã trở thành một kẻ hướng nội, thích tách riêng ra khỏi đám đông, thích ngồi một mình để mơ mộng, để lắng nghe những cảm xúc đang xôn xao trong tâm hồn của mình. Nhờ tình yêu mà con người khám phá ra chính bản thân mình như một thực thể hết sức riêng tư. Tuy nhiên, tình yêu không phải chỉ có ý nghĩa như thế. Tình yêu còn giúp con người khám phá ra người khác nữa kìa. Nói đến đây, tự dưng nhớ đến mấy câu thơ của Đinh Hùng:

Khi mới nhớn, tuổi mười lăm mười bảy
Làm học trò, mắt sáng với môi tươi
Ta bước lên, chân vẫn dạo bên người
Ngoài cặp sách, trần ai xem cũng nhẹ.

Đọc câu "Ngoài cặp sách, trần ai xem cũng nhẹ", chúng ta không nên lầm với thái độ khinh bạc ngạo nghễ của Cao Bá Quát ngày nào. Thật ra, đứa học trò ở đây chả có ngông cuồng gì đâu. Nó chỉ vô tâm thôi. Đi học, nó chỉ biết sách vở. Ngoài ra, nó coi như...pha. Ngay cả người đi bên cạnh nó, cô bạn học cùng lớp, nó cũng hững hờ, không hề để ý.

Thì đứa bé nào mà lại chẳng như thế? Tuổi thơ thường vô tâm. Thế giới trẻ thơ là một thế giới khép kín, ở đó, nó là vua. Nó có niềm vui của nó và nó tự cảm thấy đầy đủ với chính nó. Nó coi nó là trung tâm mà mọi người chung quanh đều có nhiệm vụ chiều chuộng, săn sóc. Tuổi thơ không coi người khác là hiện hữu độc lập và đồng đẳng. Nó định nghĩa người khác tuỳ theo những gì người ấy mang lại: bố mẹ là những kẻ nuôi nó; bạn bè là những người cùng chơi với nó. Tất cả những người ở ngoài, xa lạ và xa xôi, đều là những nhân ảnh mờ mờ, vô nghĩa.

Không có ý niệm đầy đủ về người khác, trẻ em thường thờ ơ trước vẻ đẹp của người khác, điều mà Đỗ Huy Nhiệm, một nhà thơ trong phong trào Thơ Mới thời 1930-45, sau này tiếc nuối:

Tôi nhớ trưa hè trời nắng gắt
Bạn cùng tôi tắm dưới hồ sen
Thân ngà lồ lộ bên hoa lả
Cảnh đẹp mà tôi chửa biết nhìn.

Điều đó hoàn toàn thay đổi khi người ta biết yêu. Huy Cận viết:

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư.

Có thể nói dấu hiệu đầu tiên của tình yêu là "đứng ngẩn" và "trông vời". Trong cuốn Áo tiểu thư, nhà văn Duyên Anh cũng có viết về kỷ niệm những chiều đứng trước cổng trường chờ người yêu một cách rất thơ mộng:

"Những người đang đứng dưới những gốc cây trước và gần ngôi trường con gái đều là những người tuổi vừa lớn, vừa biết "đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư". Họ đứng đó. Khói thuốc vàng ngón tay. Hồn thả trong mộng, mộng lẩn vào thơ. Họ ngớ ngẩn, khù khờ, lố bịch, chẳng ra cái thể thống gì cả. Bởi vì, họ vừa lớn. Họ đem sự ngớ ngẩn, lố bịch vào tình yêu, tình yêu rất thơ và rất buồn cười. Tôi thương họ, tôi yêu thương tuổi trẻ biết mộng mơ. Thiếu mộng mơ, tuổi trẻ sẽ tàn nhẫn lắm. Gốc cây kia, tôi đã đứng. Chẳng có gì làm cho tôi phải xấu hổ. Niềm vui nhẹ nhàng và nỗi buồn man mác. Tình yêu học trò là tình yêu phù du, là những cơn mưa bóng mây, là một kỷ niệm buồn cười đáng ghi nhớ".

Mà đâu phải chỉ có những thanh niên mới lớn, mới bắt đầu biết yêu mới biết "đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư". Cả những người đã trưởng thành cũng còn niềm say mê ngắm nghía người khác phái như thế. Trong cuốn Lại thư gửi bạn, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1979, nhà văn Võ Phiến nhắc bạn bè nhớ lại những ngày tháng êm đẹp trên quê hương cũ, nơi họ thường gặp gỡ để nhậu nhẹt và để dõi mắt nhìn theo những tà áo tiểu thư phấp phới:

“Bạn hãy nhớ lại những buổi chiều chúng ta ngồi ở Kim Sơn, ở quán Cái Chùa, ở những bàn nhậu bên lề đường Lê Lợi, vừa nhâm nhi vừa... rửa mắt. Chúng ta quấy nhiễu, nhảm nhiều chứ. Và những khi hoặc bát phố Lê Lợi hoặc có dịp lượn vào chợ, chen vô rạp hát, vào những nơi có lắm bóng hồng: bấy giờ ngay đến những đấng trượng phu tuổi tác, mấy ai tránh khỏi mắt la mày lém, thì thầm khúc khích với nhau?”

Những bậc trượng phu còn thế; những người mới bắt đầu yêu lại càng hơn thế nữa. Hãy nhớ lại bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp mà xem. Đó là một bài thơ hay, hơn nữa, đã từng được phổ nhạc nên chắc nhiều người biết. Bài thơ tả lại cảnh một cô gái 15 tuổi theo bố mẹ đi chùa Hương lễ Phật. Trên đường đi, cô gặp một thư sinh mà theo cô là có "tướng mạo" trông rất "phi thường", với lưng cao dài và trán rộng. Không những vậy, chàng lại biết làm thơ, viết chữ đẹp và ngâm thơ hay đến độ bố của cô gái nghe xong tắm tắc khen ngợi lia lịa, còn cô gái thì lặng người đi vì "ngẩn ngơ". Do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi cô gái 15 tuổi mà khôn sớm ấy đã cảm thấy yêu mê yêu mệt chàng thư sinh hầu như ngay tức khắc. Cô còn thầm cầu nguyện:

Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Trời Phật
Sao cho em lấy chàng.

Nhưng dấu hiệu đầu tiên mà chúng ta có thể dựa vào đó để bắt quả tang tình yêu của cô gái chính là ý thức của cô về sự hiện diện của chàng thư sinh. Từ khi gặp và cảm mến chàng thư sinh, trên đường đi lên chùa Hương lễ Phật, hầu như không lúc nào hình ảnh của chàng thư sinh không xuất hiện trong tâm hồn cô gái. Lúc nào cô cũng nghĩ về chàng. Ngay cả khi cô gái đang đi phía trước, cô chừng như có thể thấy cả cái nhìn, cái nghĩ và cái cảm của chàng thư sinh ở phía sau lưng của cô:

Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu.

Chàng thư sinh trở thành một ám ảnh đối với cô gái, khiến nàng mê man, say đắm:

Làn gió thổi hây hây
Em nghe tà áo bay
Em tìm hơi chàng thở
Chàng ơi, chàng có hay?

Cô gái trong thơ Nguyễn Nhược Pháp “tìm hơi chàng thở", còn chàng trai trong thơ Xuân Diệu thì tìm kiếm một nụ cười của người đẹp để thoả lòng khao khát:

Bữa trước, riêng hai dưới nắng đào
Nhìn tôi, cô muốn hỏi vì sao?
Khi tôi đến kiếm trên môi đẹp
Một thoáng cười yêu thoả khát khao.

Yêu, như thế, có nghĩa là một sự phát hiện ra người khác, là không ngớt bị ám ảnh bởi người khác. Trong ý nghĩa ấy, Nguyễn Bính viết bài Hoa cỏ may, chỉ có hai câu, rất ngắn và cũng rất dễ thương:

Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em.

Nguyễn Bính làm hoa cỏ may để bám vào áo người đẹp dù sao cũng còn đỡ hơn là Xuân Diệu đem tất cả tâm tình của mình trút vào từng bước chân của những cô gái xa lạ mới thoáng gặp ngoài đường:

Tôi trải yêu đương dưới gót giày
Ôm chừng bóng lạ giữa mê say
Lòng buồn lững thững vương sau áo
Bước đẹp mà sao khéo toả dây.

Nếu trong bài trước, chúng ta đã đi đến nhận định cho là tình yêu đã giúp con người khám phá ra chính mình như một cá nhân với một thân xác và một tâm hồn riêng tư, thì ở đây, chúng ta cũng có thể nói thêm, cái cá nhân mà tình yêu giúp ta khám phá ra được ấy tuy hết sức riêng tư nhưng lại không phải là một cái gì tự tại, tự nó đầy đủ cho chính nó. Cá nhân ấy chỉ mới là một nửa. Trong tình yêu, cái một nửa ấy phải đi tìm một nửa khác thì mới trọn vẹn. Chính vì thế, khi người yêu ra đi, Hàn Mặc Tử đau đớn nhận thấy:

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.

Trước Hàn Mặc Tử khá lâu, lúc xa Thúc Sinh, Thuý Kiều cũng thấy mọi thứ đều chỉ còn một nửa, ngay cả vầng trăng trên cao:

Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.

Mượn ý tưởng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, sau này có lúc Chế Lan Viên viết, tương tự:

Cái rét đầu mùa, cái rét xa em
Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa
Một nửa cho em, ở vùng cuối bể
Một nửa cho mình, ở phía không em.

Có thể nói yêu không phải chỉ là phát hiện ra người khác, mà còn là phát hiện ra tầm quan trọng không thể thay thế được của người khác trong cuộc đời mình. Nhiều nhà thơ vẫn thường nói là chỉ cần vắng bóng một người cả thế giới này sẽ trở thành hoang vắng ngay tức khắc. Khi xa người tình, nhà thơ Hoàng Cầm thấy cả cuộc đời biến thành một giọt nước mắt. Ông viết trong một bài thơ tuyệt đẹp:

Cả Thái Bình Dương là giọt lệ
Một người đi biệt một hành tinh
Cả dãy Trường Sơn là dấu phảy
Ngắt dòng thơ quằn quại u minh.

Lần khác, trong bài "Thua một không", Hoàng Cầm ví tình yêu như một trận bóng đá. Trong đó, khi hai người yêu xa nhau, vì bất cứ một lý do nào đó, cũng đều giống với cảnh thua trận, thua một-không:

Còi ly tan xé cuộc này
Phố xa một bóng ôm đầy số không
Trằng rằm vẫn sáng bên sông
Bốn phương mây vẫn một vòng đơn côi
Phòng anh vẫn thiếu một người
Một đều gắng mãi vẫn ngồi một thân
Một vầng trăng xế tần ngần
Một người sao lạc một lần ấy thôi
Lắm loài súng sính sinh đôi
Nòi tình thui thủi một đời một-không.

Một lần khác nữa, Hoàng Cầm ví tình yêu như một án tù chung thân giữa người này và người khác. Có điều đó là một án tù tự nguyện, cả hai người bị kết án đều sung sướng được gắn bó với nhau mãi mãi, trọn đời:

Em khoá chặt hồn anh bằng nước mắt
Anh khoá vòng không số, ngực em trần
Ô! Sao hai đứa cùng mơ ước
Làm lứa tù ngồi chịu án chung thân.

Nói một cách tóm tắt, tình yêu không những giúp loài người khám phá ra chính bản thân họ mà còn giúp họ nhận ra họ chỉ là một nửa. Họ cần một nửa khác để thành người trọn vẹn. Tình yêu biến thành cuộc đuổi mắt mải miết giữa nửa này với nửa kia. Hạnh phúc sẽ tràn trề khi hai nửa hoàn quyện vào nhau thành một. Ngược lại, sẽ là một bất hạnh tột cùng khi nửa kia biến mất hay xa khuất vời vợi để một nửa này cứ mãi mãi cô đơn.