Sinh Lão Bệnh Tử |
Tác Giả: Chu Thập | |||
Chúa Nhật, 09 Tháng 1 Năm 2011 04:23 | |||
Cái cảm giác “trống rỗng” của người bước đi trong lòng chế độ cộng sản đôi khi cũng đến với tôi mỗi độ Giáng Sinh về. Năm 1954, nhà thơ Trần Dần có làm bài thơ với tựa đề “Nhất định thắng”. Trong bài thơ dài khiến tác giả bị đấu tố này, có lẽ nhiều người chỉ còn nhớ mấy câu: “Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.” Cái cảm giác “trống rỗng” của người bước đi trong lòng chế độ cộng sản đôi khi cũng đến với tôi mỗi độ Giáng Sinh về. Nhìn phố phường trong những ngày chuẩn bị Giáng Sinh, tôi cũng thường thấy nổi lên một màu đỏ: màu đỏ của bộ áo thùng thìng của ông già Noel, màu đỏ của lá trạng nguyên mà giữa cao độ của mùa hè xứ Úc người ta vẫn có thể “ép” ra cho bằng được, màu đỏ của những gói quà Giáng sinh, màu đỏ của đủ mọi thứ bóng đèn giăng mắc khắp nơi. Xen với màu đỏ ấy là những thứ phụ tùng không thể thiếu của mùa Giáng sinh như ánh sao lạ, cây thông, những chú nai kéo chiếc xe trượt tuyết của ông già Noel. Và dĩ nhiên, giữa những màu sắc sặc sỡ của mùa Giáng Sinh, làm sao không thể không nhắc tới nhạc Giáng Sinh. Nhưng tuyệt nhiên, đi giữa phố phường đô hội trong mùa Giáng Sinh, tôi lại thấy thiếu một điều mà lẽ ra không thể thiếu: thiếu nhân vật chính của ngày lễ. Có ngày Giáng Sinh nhưng xem ra không có người Giáng Sinh. Có Ngày sinh, nhưng không thấy có người được sinh ra. Mỗi lần ra phố hay ngay cả nhìn vào những trang hoàng của một số gia đình trong xóm tôi, tôi cố gắng tìm hình ảnh của một Hài Nhi Giêsu, nhưng xem ra ánh đèn điện có lẽ chưa đủ sáng để tôi nhận ra Ngài hoặc bóng dáng của ông già Noel, của những con nai khổng lồ đã che khuất hình bóng nhỏ bé của Ngài chăng. Tôi bỗng nhớ lại lá thơ của một cậu bé viết cho Hài Nhi Giêsu với nội dung đại khái như sau: “Chúc mừng Giáng Sinh Hài nhi Giêsu. Ngài là người may mắn nhứt, vì được sinh ra trong Ngày Giáng Sinh.” (!!) Biết đâu đối với nhiều người, Giáng sinh chỉ còn là một ngày sinh của một nhân vật mà chẳng còn ai biết đến tên tuổi. Nhưng muốn hay không, Noel 2010 vẫn mãi mãi là ngày sinh thứ 2010 của Ngài. Cột mốc thời gian ấy, dù có gọi là Công nguyên hay như thế nào đi nữa, vẫn hàm ý rằng cách đây trên dưới 2000 năm, Ngài đã chào đời. Ngài là một nhân vật lịch sử chứ không phải là huyền thoại. Tin nhận Ngài hay không là chuyện của niềm tin, nhưng ai cũng phải nhìn nhận rằng hai ngàn năm lịch sử của nhân loại đã mang đậm dấu ấn của Ngài và mãi mãi nhân loại sẽ không bao giờ có thể loại bỏ Ngài ra khỏi lịch sử của mình. Tuyên xưng Ngài hay không là niềm xác tín riêng của từng cá nhân, nhưng khó có thể chối cãi được rằng giáo huấn và cuộc đời của Ngài đã làm thay đổi cục diện thế giới và đặc biệt mang lại một cái nhìn mới về phẩm giá con người. Nếu Ngài đã không sinh ra thì thế giới ngày nay có lẽ đã chẳng bao giờ đạt được ý niệm về phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. Ngài sinh ra là để nói rằng mỗi một người sinh ra trên cõi đời này đều có một nhân vị độc nhứt vô nhị và bất khả di nhượng. Với Ngài, được chào đời, được sống là quyền nền tảng nhứt trong mọi quyền của con người. Giàu sang hay nghèo hèn, xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay đần độn, khỏe mạnh hay yếu đau, lành lặn hay khuyết tật, bình thường hay dị dạng…mỗi người đều có một phẩm giá độc nhứt vô nhị mà người khác không thể có hay thay thế được. Đó là sứ điệp của mùa Giáng Sinh mà tôi khó có thể tìm thấy giữa những huyên náo của phố phường. May cho tôi là vẫn còn có những nơi thờ phượng để tôi có thể lắng nghe được sứ điệp ấy. Trong một bài thuyết giảng mà tôi nghe được cách đây không lâu tại một nhà thờ ở vùng St Ives, Bắc Sydney, vị linh mục mở đầu bằng một loạt những than phiền xoay quanh những điều tệ hại của thế giới ngày nay. Đại loại người ta nói rằng thế giới ngày nay không tốt hơn thế giới ngày xưa. Nhưng có một em bé lại khẳng định một cách chắc nịch rằng từ 6 năm nay, thế giới đã trở nên tốt hơn thế giới ngày xưa. Được hỏi lý do, em trả lời: “Thế giới hôm nay tốt hơn bởi vì có tôi.” Với tôi, câu nói của em bé này đã tóm lược toàn bộ sứ điệp của mùa Giáng Sinh mà năm nào tôi cũng muốn lắng nghe và hâm nóng lại. “Thế giới hôm nay tốt hơn bởi vì có tôi”, mặc dù tôi chỉ là một kẻ vô danh trong hơn 6 tỷ người đang có mặt trên trái đất này. Tôi sinh ra, đó là điều tốt cho tôi và cũng tốt cho hơn 6 tỷ người khác đang quay quần chung quanh tôi. Dù sao, trái đất này vẫn còn rộng và có đủ một chỗ cho tôi cũng như hàng hà sa số những người sẽ đến sau tôi. Theo bản “thế vì khai sinh” do cha tôi lập, tôi chào đời trong tháng 12. Từ ngày bỏ nước ra đi, học được điều hay của người Tây phương, tôi cũng biết mừng ngày sinh của mình. Tôi nghĩ rằng ngoài ngày Tết là ngày sinh chung của mọi người Việt nam, ngày sinh của bất cứ ai cũng cần phải được cử hành. Với tôi, ngày sinh đáng được “mừng” hơn thi đậu, được thăng quan tiến chức hay đạt được một chiến thắng trong bất cứ lãnh vực nào, bởi vì cử hành ngày sinh của một ai đó là nói với người đó “Cám ơn bạn vì bạn là bạn. Cám ơn bạn vì bạn đã chào đời. Cám ơn bạn vì đã cùng tôi sát cánh bên nhau trên hành tinh này.” Cử hành một ngày sinh là tôn vinh sự sống và vui mừng vì sự sống. Trong ngày sinh của ai đó, chúng ta không chúc mừng: “Chúc mừng bạn vì những thành tựu bạn đã đạt được”. Chúng ta chỉ nên nói: “Cám ơn bạn vì bạn đã sinh ra và đang sống giữa chúng tôi.” Trong ngày sinh, chúng ta tôn vinh hiện tại. Chúng ta không than phiền vì những bất hạnh đã xảy ra trong quá khứ hay lo lắng cho những gì sẽ đến trong tương lại. Trái lại, chúng ta chỉ muốn nâng đỡ và nói với người mừng sinh nhựt: “Chúng tôi yêu thương bạn.” (x.Henri J.M Nouwen, Here and Now, Living in the Spirit trg 5) Tôi rất thích một bài thơ mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã sáng tác sau lần “đỡ đẻ” đầu tiên của ông tại bệnh viện Từ Dũ, Sài Gòn hồi năm 1965, khi ông vừa mới ra trường. Lòng lâng lâng vì lần đầu tiên được hoàn thành nhiệm vụ cao cả là giúp cho mẹ tròn con vuông, viên bác sĩ trẻ liền viết ở phía sau phần bệnh án lá thư gởi cho em bé sơ sinh như sau: “Khi em cất tiếng khóc chào đời Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc Trong cùng một cảnh ngộ nghe em!
Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu Nói là để ngừa đau mắt Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen
Khi anh cắt rún cho em Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé Vì từ nay em đã phải cô đơn Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ
Em là gái là trai anh chẳng quan tâm Nhưng khi em biết thẹn thùng Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm Khi tình yêu tìm đến!
Anh đã không quên buộc etiquette vào tay em Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu
Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang Với những danh từ dao to búa lớn Để bịp lừa để đổ máu đó em…
Thôi trân trọng chào em Mời em nhập cuộc Chúng mình cùng chung Số phận… Con người” (Đỗ Hồng Ngọc, Cành Mai Sân Trước, nxb Văn hóa Thông tin, Sài gòn 2004, trg 363- 364) Ngày nay, trên khắp thế giới và ngay trên chính quê hương tôi, từng phút từng giây, có biết bao nhiêu thơ nhi không những không được may mắn nhận được một “lời chào” từ một lương y hay ngay chính từ người mẹ đã cưu mang mình, mà còn bị tước đoạt quyền cơ bản nhứt là quyền được “chào đời”. Đối với những thơ nhi hẩm hiu ấy, thế giới bao la tuyệt vời này trở nên hoàn toàn vô nghĩa: thế giới sẽ mãi mãi là “hư vô” đối với những người không được “chào đời”. Đứa bé đã được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giúp “chào đời” giờ này đã là một người “đứng tuổi” nếu không làm ông làm bà thì cũng đã trải qua những cuộc bể dâu. Dù có bị dằn xóc giữa sóng cả ba đào của cuộc sống, đứa bé ấy vẫn nhận ra rằng được chào đời và “nhập cuộc cùng chung số phận con người” với bao nhiêu người khác là một diễm phúc và vinh dự. Được sinh ra quả là một Hồng ân lớn nhất của đời người. May mắn hơn cho chúng ta, Hồng ân này không chỉ xảy ra một lần trong đời người mà với bản năng hướng tới Chân, Thiện, Mỹ, mỗi người trong chúng ta luôn được mời gọi để“tái sinh”ngay trong đời sống này. Sống là tái sinh. Nhà hiền triết Hy lạp nào đó có lẽ đã muốn ám chỉ đến sự “tái sinh”không ngừng ấy của kiếp người khi ông nói rằng “không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Khoa học hẳn cũng muốn củng cố cái ý tưởng ấy khi nói với chúng ta rằng trong một chu kỳ nào đó, con người chúng ta thay da đổi thịt không ngừng. Cũng như loài rắn hay tôm cua phải lột da lột vỏ để lớn thêm, xét về mặt thể lý, để tồn tại và “trưởng thành” con người cũng phải không ngừng “thay da đổi thịt”. Tái sinh trong thân xác đã đành, chúng ta cũng luôn tái sinh trong hoàn cảnh sống. Không cần phải thay đổi căn tính như trường hợp phải làm nhân chứng trong một vụ án có thể gây nguy hại cho tính mạng, một cuộc vượt biên, một tai nạn thảm khốc cũng đủ để biến chúng ta thành một con người khác. Sâu xa hơn, bất cứ một sự hoán cải nội tâm nào cũng là một cuộc “tái sinh”. Kitô giáo không ngừng kêu gọi con người “hoán cải” để mặc lấy “con người mới”. Với Phật giáo thì chỉ cần buông dao bỏ kiếm xuống, con người cũng đã thành “phật”. Khi được sinh ra, chúng ta không biết gì hết về giá trị của việc “chào đời”, không có chọn lựa, không được quyền quyết định. Nói theo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”. Nhưng với “tái sinh”, ngoại trừ những hoàn cảnh khách quan đưa đẩy, đa phần đều do sự chọn lựa, sự mong muốn và quyết tâm của mỗi người. Và điều tuyệt vời của “tái sinh” là nó có thể diễn ra vào bất cứ thời điểm nào của đời người. Không bao giờ là quá trễ để “tái sinh”. Điều quan trọng là người muốn “tái sinh” có đủ nghị lực và quyết tâm hay không. Và cả chúng ta nữa, liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn, độ lượng và yêu thương để giúp đỡ và khích lệ họ hay không. Đây là lời mời gọi vẫn thường trở lại với tôi mỗi độ Giáng Sinh về. Tôi vừa mừng “ngày sinh” của tôi. Có lẽ tôi cũng đã tới cái tuổi của cụ Tiên Điền để đủ “trải qua một cuộc bể dâu” và “đau đớn lòng” vì những gì mình đã thấy trong cuộc đời này. Đời là thế. Đã mang tiếng khóc khi “chào đời” thì làm sao tránh khỏi bị đời “đón chào” bằng vô vàn khổ đau. Nhưng ngoái cổ nhìn lại cuộc đời dâu bể ấy, tôi vẫn nhận ra không biết bao nhiêu ân phúc mà cuộc đời đã dành cho tôi để chỉ biết nhủ thầm rằng “đời vẫn mãi mãi đáng sống”. “Phải trả giá quá nhiều để được “làm người” một cách sung mãn đến độ quá ít người nhận thấy hay có đủ can đảm để trả giá…Phải dùng cả hai tay để vừa từ bỏ sự an toàn vừa dám liều sống. Một tay để ôm lấy thế giới như một người yêu. Một tay để đón nhận đau khổ như một điều kiện sống. Một tay để đếm nghi ngờ và bóng tối như cái giá để hiểu biết. Một tay để có một ý chí sắt đá trong nghịch cảnh, nhưng vẫn luôn chấp nhận mọi hậu quả của sống và chết.” (Morris L. West, trong “Shoes of the Fisheman”) Lời “chúc mừng Giáng Sinh” mà tôi muốn tự dành cho mình mỗi năm chính là quyết tâm mãi mãi “tái sinh” để mỗi ngày có một “đời sống mới”, hết mình trong thân phận con người.Để dù có phải quằn quại trong kiếp người đầy khổ đau, tôi vẫn cố gắng “chào đời” bằng nụ cười hân hoan, trân trọng đón nhận mọi tốt đẹp từ mọi phía và trao tặng lại, và trên hết, luôn tin tưởng và bằng lòng với chính con người đầy dẫy khuyết điểm và bất toàn của mình.
|