Về chuyện “trong sáng hóa” tiếng Việt:Từ “xưởng đẻ” quá “hoành tráng” tới “ấn tượng’! |
Tác Giả: Lê Tấn Lộc | ||||
Thứ Hai, 27 Tháng 12 Năm 2010 21:17 | ||||
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng (TCS, Gia tài của mẹ)
Tình thật tôi không dám lạm bàn về chuyện chữ nghĩa tiếng Việt trong thời buổi nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, trong cũng như ngoài nước. Bởi lẽ đụng tới đề tài nầy, ngoài việc dễ “va chạm” như chuyện tôn giáo, từ thiện, chính trị -y như rằng đang “khiêu vũ trên trứng”- còn có nguy cơ người viết mất tự chủ, dễ đưa tới khuynh hướng khó chế ngự: cường điệu! Hơn nữa tôi tự nhận không đủ khả năng tranh luận về chuyện ngôn ngữ, một đề tài đòi hỏi nhiều hiểu biết sâu rộng về ngữ học. Cho nên tôi chỉ cho phép mình trình bày cảm tưởng thô thiển nhưng vô cùng nhức nhối trước hiện trạng sử dụng bung thùa, hổ lốn các “từ” Việt ngữ, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975… -0-0-0- Không phải đợi tới khi được đọc bài Từ “chiến hữu” đến “nhiệm trưởng” của Thuận Văn trên Việt Luận (số 2513, ngày 26.11.2010) tôi mới cảm thấy “khó ở” trong người. Từ những ngày đầu quân Bắc phương tràn ngập miền Nam VN, tôi đã “ú ớ” trước “ba giòng thác kách mệnh” tuôn chảy hằng hà sa số “từ” hoang dã vô cùng bí hiểm, thoạt nghe như tiếng khọt khẹt khác hẳn cách phát âm nhân tính, không cách chi người dân Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống có thể hiểu nổi! Vận nước nổi trôi, tù đày, đoạn đành dứt áo ra đi, vượt trùng dương tìm đất sống trên xứ người, ray rứt không nguôi về một “quê hương” buộc phải “ruồng bỏ”, những tưởng dân Việt tị nạn không còn bị mớ “từ” kách mệnh quấy rầy nữa…Nào ngờ, “ba giòng thác” oan nghiệt ấy vẫn len lỏi mưu toan nhận chìm ngôn ngữ bình thường, thông dụng trước 75 của đồng bào miền Nam xa xứ, tái định cư trên vùng đất hải ngoại tự do: Những tên lửa, ùn tắt, khẩn trương, quan hệ, tham quan, phản ánh, hoành tráng, ấn tượng, nhân dân, liệt sĩ, quá độ, thành phố, v.v… nhan nhản trên một số báo ngoài nước: các báo nầy không cần viết các “từ” quái lạ trên trong dấu ngoặt kép, mà “thư giản” sử dụng chúng “tự nhiên như người Hà Nội”!… Vài cây bút hải ngoại còn “xơi” luôn cụm từ “hoa xuyên tuyết” của tay “anh hùng” một thời hùng hổ “khí thế” “tiến lên” xông xáo “tiếp quản” dinh Độc Lập ngày 30.4.75! Vài nhà văn “nhớn” trên vùng đất tị nạn CS còn hí hửng “cóp-pi” mấy “cụm” từ quái gỡ “nắm bắt con chữ”, “chùm ảnh” của các “đại” văn (công) sĩ XHCN, rồi hiu hiu tự đắc “ta” đã làm mới ngôn ngữ! Ô hô, con chữ! Xáo trộn văn chương với chữa đẻ chăng? Chả nhẽ các “đấng” văn sĩ phe ta muốn kiêm luôn nghề bác sĩ sản khoa? Cơ hồ như Bắc Bộ Phủ đã dàn trải thành công hệ thống truyền thông kiểu “Tần Thủy Hoàng” -chữ của Thuận Văn dùng- trên khắp các vùng đất định cư của dân Việt tị nạn cộng sản! Chợt nhớ trong lần họp mặt thân mật cách đây không lâu, một anh bạn khoa bảng thắc mắc hỏi người viết: -Chúng ta có nên dạy con em mình tiếng Việt mà người trong nước đang dùng để chúng không cảm thấy lạc lõng không giống ai khi giao tiếp với người dân nội địa chăng? Tôi đã phản ứng khá mạnh: -Anh nghĩ rằng trước 75 chúng ta không đủ danh từ thanh nhã để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày hay sao mà anh muốn con em chúng ta học thứ tiếng Việt bị kéo trở lui về thời kỳ đồ đá: xưởng đẻ thay vì nhà hộ sinh; chỗ ỉa, chỗ đái thay vì nhà vệ sinh; khẩn trương thay vì nhanh lên; hoành tráng thay vì nguy nga đồ sộ; ấn tượng thay vì lôi cuốn sự chú ý, bắt mắt, gây chấn động; thành phố thay vì Sài Gòn, ùn tắt thay vì lưu thông ối động, tắt nghẽn, hay giản dị, kẹt xe, v.v…? Ùn tắt? Nghe như nhái tiếng nói bằng tiếng kêu (onomatopée)! Chưa kể khẩn trương thường đi kèm tình trạng (état d’urgence), quá độ (excès) thường đi đôi với ăn uống, chơi bời! Sao không dùng quá trình hay tiến trình? Tại sao phải phản ánh mà không là báo cáo, phúc trình? Tại sao quan hệ -có thể gây ngộ nhận quan hệ trai gái- mà không là tiếp xúc? “Đại trà” là cái quái gì nhỉ? Máy truyền tin không giản đi hơn điện đài sao? Cực chuẩn chi cho cầu kỳ, vô bổ khi chỉ cần nói: đúng tiêu chuẩn? Tại sao phải tham quan mà không thăm viếng cho đỡ…lắt léo, như muốn đố vui để…chọc? Tử sĩ không tượng hình hơn liệt sĩ sao? Muốn ngụ ý (oanh) liệt sĩ, nhưng coi chừng bị hiểu nhầm (thân bại danh) liệt sĩ hay (rũ) liệt sĩ đấy!Tại sao không nói dân chúng hay người dân cho giản tiện, cho dễ hiểu mà lại cắc cớ xài chi “từ” nhân dân nặng mùi mị dân, sặc mùi đấu tố? *** Lần đầu tôi mới nghe nói quái “từ” công hàm độc thân được sử dụng rộng rãi trên “động” địa Chuột Túi, nơi thường xuất hiện nhiều “hiện tượng” khá độc đáo trong tập thể người Việt di dân. Không rõ có phải “cụm” từ quá “hoành tráng” nầy được chuyển từ “cái nôi của loài người” sang “ấn tượng” tới đỉnh thấp của các “đấng” cổ võ “giao lưu văn hóa” tại hải ngoại chăng. Nếu không, đành phải thừa nhận bệnh “đỉnh cao…đầy óc sáng tạo của nhân dân ta” quả có “khả năng” truyền nhiễm, xâm nhập! Ô hay! Chả nhẽ có thứ công hàm phi độc thân (công-hàm-có-gia-đình)? Hết cỡ nói! Thứ đến, thêm một “sáng tạo” khá kêu: Trưởng nhiệm! Tuy nhiên danh xưng kiểu mới nầy còn có chỗ châm chước, dù hơi “kiểu cọ”; đôi khi còn ẩn chứa cái tật muốn “nói khác” thiên hạ, chứng tỏ mình độc đáo hơn dân tầm thường! Nếu thêm chữ sở (Trưởng nhiệm sở), còn miễn cưỡng chấp nhận dù không chính xác lắm. Bởi vì nhiệm sở là nơi mình phục vụ (hành chánh) -trong nhà binh là đơn vị. Cho nên danh xưng đơn vị trưởng trong quân đội rất đích xác. Bên hành chánh, trưởng cơ quan xác nghĩa hơn. Dĩ nhiên, tùy trách nhiệm và quyền hạn, bên hành chánh chúng ta có Tổng Giám đốc, Giám đốc, Chánh sự vụ, Chủ sự, Trưởng ty, v.v…Bên quân đội: Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn, Quân Binh chủng, Chỉ huy trưởng, Tham Mưu trưởng, Liên Đoàn trưởng, Biệt Đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Đại đội trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng…Trước 75 nào ai xài danh xưng “Trưởng nhiệm” bao giờ! Có chăng, như Thuận Văn kể, là: Trưởng đoàn (như Trưởng đoàn xây dựng nông thôn), Trưởng đài (như Trưởng đài kiểm báo), Chủ tịch, Hội trưởng, v.v…. Ngoài ra còn có Trưởng ban (soạn thảo kế hoạch, chẳng hạn) Trưởng khối (huấn luyện, thí dụ), Niên trưởng (ngọai giao đoàn), Nhạc trưởng, v.v…Tuyệt nhiên làm gì có…trưởng nhiệm! Tự nhiên tôi muốn phì cười, liên tưởng tới sự lung túng của những ai tự xưng “trưởng nhiệm” bị thiên hạ chất vấn theo đề nghị của Thuận Văn. Nếu là tôi, tôi sẽ nêu nghi vấn: Chẳng lẽ trưởng nhiệm là…trách nhiệm…trưởng? Thừa! Đứng đầu một cơ quan ai chẳng thấy mình có bổn phận và trách nhiệm? Và có lẽ tôi sẽ giải thích với những ai thắc mắc về danh xưng nầy như sau: Trưởng nhiệm là Trưởng nhiệm…ý! Tùy sở thích, tự do muốn chọn Trưởng gì thì xin cứ tự nhiên…trưởng “vô tư”! Không bắt buộc (facultatif) đâu! Cho vui, cho “xôm tụ” vậy mà! “Khí thế” cụi tí ti, cho le lói cuộc đời trong lứa tuổi trổ… đồi mồi! Cưỡng chiếm miền Nam VN xong, CSBV chỉ bắt đầu gọi người Việt lưu vong là Việt kiều sau khi đã ra rả cả chục năm chửi rủa họ là “bọn phản quốc, đĩ điếm, ma cô theo chân đế quốc Mỹ phản động chạy ra nước ngoài liếm chút bơ thừa, sữa cặn”! Cho nên không thể phủ nhận “từ” Việt kiều là “sáng tác” độc quyền của nhà cầm quyền Hà Nội -vua nói dóc và lật lọng- sau khi khám phá bọn “phản động” nầy có “khả năng” làm “con bò sữa-hải ngoại” cho chúng! CSBV cũng biết “thấy sang bắt quàng làm họ” lắm chứ! Ít ra lúc khởi đầu chiến dịch vuốt ve “khúc ruột ngàn dặm”: Láo khét trơ trẻn đến phát lợm giọng! Đồng ý với bạn Thuận Văn, chữ Việt kiều dùng chỉ định người Việt hải ngoại là “thiếu chính xác”. Thế nhưng, tôi nghĩ Hà Nội có dụng ý rõ rệt khi gọi người Việt hải ngoại về thăm viếng quê hương là…Việt kiều: Y như Hoa kiều, Ấn kiều (trước 75),…“ở đậu, ngụ, tạm trú”, làm ăn, sinh sống tại VN mà “không có quốc tịch VN”. Tuy nhiên, cho dù người Việt hải ngọai về thăm thú quê hương ít nhiều cũng cảm thấy mình như “du-khách-nước-ngoài-du-lịch-du-ngoạn-du-hí-du-thực-trên-quê-cha-đất-tổ”, vẫn có hiễm nguy họ “bị” Hà Nội ngang nhiên coi như công dân của CHXHVN, chả cần biết họ mang bất cứ quốc tịch nào trên thế giới. Do đó họ vẫn có thể bị bắt giữ, tống giam, hạ ngục như thường! Luật pháp CHXHCN “ưu việt” thế đấy quí “Việt kiều” ạ! Quí vị chớ nên quên lời khuyên trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư: “Các em hãy lấy đó làm gương mà giữ mình”! Chớ vội hí hửng “vinh qui về làng” mà sụp hầm “cải tạo” mút mùa lệ thủy lúc nào không hay đấy! *** Đến đây, tôi xin mạn phép góp ý với bạn Thuận Văn về “từ” chiến hữu: Tôi chỉ được biết có chuyện lời qua tiếng lại giữa một độc giả và báo Việt Luận qua bài viết của bạn, phổ biến bản sao lá thư viết tay của vị độc giả nầy lên tiếng phản đối lần thứ ba VL sử dụng từ ngữ “chiến hữu” không thích hợp. Cũng như bạn, tôi không được đọc nội dung 2 lá thư trước của vị độc giả góp ý kiến với Chủ nhiệm VL. Thế nhưng tôi có thể đoán nội vụ nổ ra do một vài bản tin hay bài viết trên VL có dùng danh xưng chiến hữu cho các thành viên trong băng đảng mafia bên Úc. Tôi có đọc các bản tin và bài viết nầy. Và thú thật tôi có “giật mình”, lo ngại sẽ có phản ứng bất lợi. Quả nhiên! Quả thật, không phải đợi đến khi ra nước ngoài, danh từ “chiến hữu” mới được các cựu quân nhân QLVNCH “đòi độc quyền từ ‘chiến hữu’ cho tập thể của mình”, như Thuận Văn đã nhận định rồi quy chụp “vị độc giả nầy đã hành xử có khác nào Tần Thủy Hoàng thuở nọ?”. (Thuận Văn đề cập tới chuyện vua Tần độc chiếm danh xưng “trẫm”, chỉ có nghĩa là “tôi” thôi). Thật ra chữ “chiến hữu” đã được sử dụng rất phổ biến trong QLVNCH trước 75. Nhật lệnh đầu năm của vị Tổng Tham Mưu Trưởng gửi toàn quân, bao giờ cũng mở đầu như sau: Tướng lãnh! Sĩ quan! Hạ sĩ quan! Binh sĩ! Chiến hữu các cấp! Do đó, có thể nói danh từ “chiến hữu” đã như một từ có tính chất định chế (institutionnel), chuyên biệt (spécifique): Chiến hữu là bạn cùng chiến đấu. Nhưng ý niệm nầy chỉ hiển lộ trung thực ý nghĩa cốt yếu của nó khi ta cùng chiến đấu trong quân ngũ, trên chiến trường để bảo vệ một lý tưởng. Cho nên, tôi tưởng cần so với tiếng “frères d’armes” mới thấu đáo cốt lõi của từ “chiến hữu”: sát cánh bên nhau cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ bờ cõi quê hương. Vì vậy, gắn danh xưng nầy cho các thành viên trong băng đảng trộm cướp, sách nhiễu mafia, dù vô tình hay cố ý, là thóa mạ những người hy sinh xương máu phục vụ một lý tưởng cao cả. Chiến hữu chống địch quân, cho dù có gây chết chóc cũng chẳng thể bị kết án là…sát nhân như các tội phạm mafia! Hãy thử lên một bản tin: Tên mafia X và các “đồng chí” của hắn đã bị lực lượng cảnh sát tóm gọn. Rồi gửi về VN xem phản ứng của nhà đương cuộc ra sao! Chắc chắn người thảo bản tin nầy về thăm quê nhà, nếu không bị cấm cửa cũng sẽ được công an mời “làm việc”, rồi rước vô trại “cải tạo” nằm gở lịch chờ kách mệnh khoan hồng cho đi chuyến tầu suốt! Thật tình, tôi có đọc các bản tin trong nước qua các báo hải ngoại trích đăng nguyên xi: Họ viết: tên chủ chốt băng đảng và “các chiến hữu của hắn” đã bị vây bắt! Họ có dụng ý nhục mạ QLVNCH hay chăng thì chỉ có họ, hơn ai hết, biết rõ thôi. Ta chỉ phỏng đoán, rồi lên tiếng phản đối trên báo chí hải ngoại. Còn họ, họ vẫn tiếp tục chỉ đạo các báo trong nước xài từ “chiến hữu” theo ý đồ của đảng ta nhằm châm chích bọn phản động ngụy ở nước ngoài! Thế thì Hà Nội hay anh chị em tị nạn CS đã hành sử như “Tần Thủy Hoàng ra lệnh chỉ một mình (chúng) ÔNG…” độc quyền lãnh đạo “nhân dân ta” vậy bạn Thuận Văn? Dĩ nhiên, tập thể cựu quân nhân QLVNCH phản ứng là điều có thể chờ đợi xảy ra. Và họ cũng biết rõ chẳng bao giờ CSBV bỏ qua cơ hội lăng nhục tập thể của họ. Vụ xô ngã pho tượng “Thương tiếc” và đập phá Nghĩa trang Quân đội vẫn còn đó! Thế nhưng, với báo chí ngoài nước thì họ góp ý yêu cầu điều chỉnh. Ba lá thư của vị độc giả kể trên dẫu sao cũng vẫn còn trong vòng đối xử ôn hoà với nhau, giữa những người Việt tị nạn CS… Theo tôi, người viết bản tin hay viết phóng sự cho VL có thể sơ ý xài chữ không đúng, do dịch bản tin viết bằng Anh hay Pháp ngữ. Hoặc không để ý đúng mức ý nghĩa của hai chữ “chiến hữu”. Tôi xin đan cử một thí dụ: Dịch le mafiaso Z et ses acolytes…Theo Pháp Việt Tân tự điển của Thanh Nghị, Acolyte= tay chân, thuộc hạ, đồng đảng…Như vậy, đúng ra nên dịch thế nầy mới chính xác: Tên mafia XYZ và đồng bọn của hắn. Không thể nào dịch “kiểu cọ” hay theo cách châm chọc hạ nhục của CSBV: Tên mafia Z và các chiến hữu của hắn! Dịch như thế có vẻ cưỡng bức danh từ, râu ông nầy cấm cằm bà kia quá đi thôi! Tôi nghĩ rằng sử dụng “chiến hữu” với các băng đảng cướp của giết người (nếu không có ác ý châm biếm, tầm thường hóa, thô tục hóa ý nghĩa cao quí của danh từ nầy; hoặc ẩn chứa ý hướng xấu muốn “trù đập”, “hạ giá” tập thể những chiến binh trên thế giới, chứ không riêng gì nước Việt Nam, vốn rất xứng đáng gọi nhau là…chiến hữu) thì rõ ràng xài chữ không đúng “tiêu chí ngôn ngữ” -chữ của Thuận Văn. Lý luận danh từ “chiến hữu” hoàn toàn có chỗ đứng hợp lý trong đám “anh chị” mafia là lý luận hơi…cường điệu đấy! *** Tôi có cảm tưởng Thuận Văn hình như để ý tới yếu tố về chiết tự (khía cạnh kỹ thuật) nhiều hơn chú tâm tới chiều kích tình cảm của ngôn ngữ, có thể ảnh hưởng trên người đọc (yếu tố tâm lý). Tôi nghĩ rằng có rất nhiều từ ngữ gắn liền với lịch sử khi chúng được sử dụng. Trong số nầy, hai chữ “đồng chí” và “chiến hữu” chiếm một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Do đó, chúng ta nên cẩn trọng khi phải dùng đến chúng. Ngoài ra, các nhóm chữ di cư, tranh đấu, xách động, xuống đường, di tản, giải phóng, cách mạng khoan hồng, cải tạo, di tản, vượt biên, ngụy quân, ngụy quyền, phản động, v.v…không thể không gây âm hưởng tình cảm -“hồ hởi” hay “uất ức”- tùy từng tập thể nghe hay đọc chúng,. Tôi hy vọng Thuận Văn không phủ nhận bình diện “thực tế” nầy trong ngôn ngữ hằng ngày hay khi viết văn… Bởi các lẽ trên, tôi nghĩ rằng khó có thể đồng quan điểm với nhận định sau đây của Thuận Văn: “ (…) đố kỵ với ‘tiếng cộng sản’, chúng ta kỳ thị với chính tiếng Việt của chúng ta, những từ ngữ mà chúng ta tưởng là… ‘tiếng cộng sản’. Thí dụ những từ như ‘phản ảnh’, ‘thời quá độ’…”. Cho dù có “nhận ra rằng đây chính là tiếng Việt, tiếng Việt đã được Phan Khôi và Nguyễn Văn Vĩnh sử dụng từ thời nào, đã được Thanh Nghị và Lê Văn Đức ghi nhận trong các bộ tự điển xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1952 và1971” đi nữa, ý nghĩa nguyên thủy của chúng cũng đã bị CSBV bóp méo, vo tròn, “sáng tạo” theo cách riêng của Biện chứng pháp duy vật của các đồ đệ Mác-Lê. Chính Thuận Văn cũng thừa nhận như vậy! Ngoài ra, tôi thấy hình như Thuận Văn chưa cảm thông đúng mức với những tang thương, u uất, bi phẫn, nhục nhằn mà anh chị em chúng ta đã “kinh qua” với người anh em “phía bên kia” -những người tự xưng là… “giải phóng quân”- qua chính sách bưng bích, bế môn tỏa cảng, biến đất nước thành nhà tù vĩ đại giam giữ những kẻ bị giải phóng trong vòng rào kẽm gai của những “khám-tối-biệt-giam-địa-ngục-trần-gian-cải tạo” trên nội địa, và qua sách lược tống những “công dân hạng nhì” ra khơi làm mồi cho cá mập, vô hình trung biến đại dương thành hố chôn tập thể hơn nửa triệu con dân Việt Nam! Hãy thử một lần nhớ lại một thời chúng ta là công dân hạng nhì của CHXHCNVN để thấm thấu cơn phẫn nộ của những nạn nhận từng bị CSBV trù đập chí cốt! “Ai bán nước, ai giữ nước khi người ta gọi bác của tôi, ba tôi và anh tôi là “giặc”! Trước giờ vẫn nghe câu “Thắng làm vua, thua làm giặc” và “Kẻ thắng viết nên lịch sử”, nhưng chưa từng thấm thía nó như lúc này! Ngày còn cắp sách đến trường, mỗi thứ hai đứng chào dưới cờ tổ quốc, gào lên cùng lũ bạn “…cờ in máu chiến thắng” mà không biết rằng lá cờ ấy cũng có thấm máu của người thân mình, những dòng máu bị rẻ khinh, không được thừa nhận! Ngày đó ngây thơ đến mức nằm trong phòng đọc bài học lịch sử oang oang, không ngừng mắng chửi “ngụy”, “tay sai”, mà không nhớ rằng ba mình từng khoác áo lính của Việt Nam Cộng Hòa! Khi người ta dạy cho tôi phỉ báng những người lính “ngụy”, coi khinh họ như nhưng kẻ không có lương tâm, những kẻ bán rẻ tổ quốc, những con người máu lạnh, giết người không gớm tay. Thì tôi, đã thấy những người lính sa cơ ấy rất hiền lành, là những người cha, người chồng mẫu mực, những người nông dân không ngại vất vả ngoài đồng. Thì tôi, thấy trong ánh mắt họ một nỗi đau bất lực vì không bảo vệ được tổ quốc của mình! Thì tôi, thấy họ loay hoay tìm cho gia đình mình một con đường tươi sáng khác để đi. Họ không ngồi đó và khóc cho một quá khứ tươi đẹp đã mất, đã bị cướp mất! Tôi đã thấy họ dạy con họ yêu tổ quốc, yêu cội nguồn, và trân trọng tình thân! (xin đừng đánh đồng như cái cách người ta đang giả vờ tự lừa dối nhau, tổ quốc không bao giờ nên hiểu là “người chiến thắng”, và “người chiến thắng” cũng không phải là tổ quốc, nếu như hôm nay tôi nói tôi chẳng có chút cảm tình nào đối với “người chiến thắng” thì không có nghĩa là tôi không yêu đất nước của tôi). Tôi đã thấy họ tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi đất khách, nhưng cái nhìn của họ vẫn hướng về nơi này một cách khắc khoải. Bởi lẽ, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp họ đã bị đẩy đi xa quá xa nơi họ được sinh ra và lớn lên, nơi còn có những người thân còn ở lại! Họ có thể trở về, nhưng họ sẽ không trở về, tôi biết thế, không phải vì họ chê cố hương nghèo khó! Khi người ta nói họ là những kẻ “vong quốc”, tôi sẽ lắc đầu bảo rằng không phải, họ là những người “vọng quốc” (luôn luôn hoài vọng về tổ quốc của mình). Khi người ta bảo rằng họ ở bên kia bờ biển đang tìm mọi cách phá hoại an ninh quốc gia, thì tôi lại tin rằng, họ đã bày tỏ một nỗi thất vọng khôn xiết về cách “trị quốc” của “kẻ thắng”, họ đang bày tỏ niềm xót thương với những số phận đang ngày ngày tìm đến nhau trong niềm an ủi và hi vọng, dù là nhỏ nhoi. Họ đang cất lên tiếng nói giúp những những người mà họ nghĩ rằng “thấp cổ bé họng”. Không có triều đại nào vĩnh viễn, thì sao cứ mãi lừa mị nhau về cái gọi là “muôn năm”? Khi người ta gọi bác tôi, ba tôi và anh tôi là “giặc” thì tôi vẫn cứ tự hào về họ, những người đàn ông Việt Nam đúng nghĩa! Khi người ta gọi họ là “ngụy” thì tôi vẫn vô cùng kính trọng và yêu thương họ! Bản chất không nằm ở tên gọi và lịch sử cũng không thuộc về kẻ chiến thắng! Tôi sẽ ngẩng cao đầu vì là cháu, con và em của họ!” *** Do yếu tố địa dư, môi trường và hoàn cảnh sinh sống, cùng một chủng tộc, người dân cùng một huyết thống vẫn có ngôn ngữ địa phương khác biệt, coi như đặc tính chuyên biệt của từng vùng trên cùng một lãnh thổ, rất dễ nhận ra khi họ nói chuyện. Không những cách phát âm mà ngay cả các từ ngữ dùng cũng rất dị biệt. Tuy nhiên, năm 1954 với làn sóng di cư từ miền Bắc vào miền Nam, người dân di cư dễ dàng và nhanh chóng hòa nhập với dân miền Nam và miền Trung. Cả ba miền đều trộn lẫn được một số lớn danh từ trước đó chỉ thông dụng ở các miền liên hệ. không có va chạm. không có áp đặt, kiểu “tiếng miền của tôi là…nhất”! Sau 75, sự hài hòa đó không xảy ra, mà người dân khắp nước dần dà chỉ dùng những tiếng “lạ kỳ” của XNCN miền Bắc. Cho nên, có thể nói là “giải phóng quân” đã giải phóng các từ ngữ thông dụng của người dân Việt từ vĩ tuyến 17 trở xuống với phương thức “tẩy não” tiệm tiến: nhồi sọ hằng ngày, hằng giờ, hằng phút qua các loa phóng thanh loan thông báo “chỉ thị” của phường khóm! -0-0-0- Và xin vui lòng đừng gán cung cách “độc quyền” sử dụng hay áp đặt ngôn ngữ “đồng phục” sắt máu kiểu “độc tài chuyên chính” trên đầu tập thể người Việt di dân, kẻo phải mang tiếng là biện luận… cường điệu!
|