Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Cám ơn tuổi già

Cám ơn tuổi già PDF Print E-mail
Tác Giả: Hồ Văn Trai   
Chúa Nhật, 01 Tháng 8 Năm 2010 12:49

    * Cám ơn tuổi già đã cho tôi nhiều cơ hội nhìn lại quãng đời đã qua của mình,

cơ hội hiếm hoi khi tôi còn đang độ thanh xuân hay khi đã vào tuổi tráng niên.

 

    * Tôi còn nhớ năm tôi học lớp cuối trung học, giáo sư dạy Triết có dẫn một nhận xét của một nhà tâm lý phương Tây, đại ý: Trẻ thơ sống cho hiện tại, thanh niên sống cho tương lai và tuổi già sống cho quá khứ. Xét đại thể quả đúng như vậy và thế là khi bước qua ngưỡng bảy mươi, tôi thường sống lại dĩ vãng; những hoài niệm xa xưa thường tái hiện trong tâm thức của tôi.

    * Nhớ lại chuyện đã qua, mình thấy hối tiếc nhiều hơn hài lòng. Ở đây xin phép các bạn nói rõ điều này: tôi vốn không phải (và hiện nay cũng thế) là một người hay tự dằn vặt mình, cho nên thấy hối tiếc là vì những việc làm cũ của tôi quả thực đáng tiếc. Giá mà nếu có thể sống lại những khoảnh khắc đó tôi sẽ hành xử một cách thích hợp để tránh gây những phiền muộn, những đau khổ, những thất vọng, những đắng cay và nhiều những gì nữa cho các người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò, hàng xóm... nói chung cho những người có quan hệ gần xa, nhiều ít với tôi. Bây giờ nhớ lại rồi hối hận và chua xót bùi ngùi. Có thể tình cảm hối hận (repentir), đối với một số người, biến thành nổi khổ đau day dứt (remords) và tác động tiêu cực đến đời sống tâm lý của họ. Tuy nhiên đối một số người khác thì hối hận hay ân hận kết hợp với lòng sám hối sẽ giúp cho tâm hồn được thăng hoa, từ đó ta thương người hơn, bao dung hơn, sẵn lòng hơn làm tất cả những gì đem lại phúc lạc cho mọi người.

    * Ta còn tiếc rẻ vì một số ước mơ và hoài bão thời trẻ đến nay vẫn còn là ước mơ. Tiếc rồi tự vấn và tự trách: sao ta lại xây lâu đài (có khi không phải chỉ có một) trên bãi cát? Sao không dựng một căn nhà nho nhỏ trong khi tiếp tục tìm kiếm một nền đá hay nền đất vững chải, chắc chắn hơn? Tự trách nhưng không buồn vì dù sao ta cũng đã thực hiện được một phần những gì mình ấp ủ. Và nói thật lòng, khi nhớ lại và tiếc rẻ cùng lúc ta cảm thấy ít nhiều tự hào vì mình có một tâm hồn biết bay cao , bay xa thay vì bị cuốn hút vào những cái là đà trên mặt đất.

    * Tuổi già giúp tôi thấm thía hơn câu nói của người xưa: “Si jeunesse savait, si veillesse pouvait” (nếu tuổi trẻ biết, nếu tuổi già có thể hay có sức). Tuổi trẻ thừa sức, dư nhiệt tình, nhiều táo bạo nhưng lại bị hạn chế về tri thức, về kinh nghiệm; bồng bột sôi nổi nên thiếu thận trọng cho nên dễ có những quyết định và hành động hoặc thiếu sót hoặc sai lầm. Tuổi già sức không còn là bao, ý chí bị thời gian mài mòn vì vậy dù có ý tưởng hay, kế hoạch tốt nhưng tự thân khó thực hiện được điều mình muốn. Thấm thía rồi ước mong: mong sao các bạn trẻ trước khi làm một điều gì nên tìm cách bổ túc những gì mình còn thiếu để có thể thành công như mong đợi.

    * Về già thỉnh thoảng trong tâm trí lại xuất hiện câu thơ của Lý Bạch “Xử thế nhược đại mộng, hồ vi lao kỳ sinh tôi” (Xem đời như giấc mộng lớn, làm chi cho khổ cuộc đời mình). May mà thời trẻ ý tưởng này không có chỗ đứng trong tôi. Nhưng nay mình đã già rồi, ngẫm lại có phần tâm đắc với nhà thơ. Cuốn phim cuộc đời diễn ra nhanh như một giấc mộng: mới ngày nào đó... mới ngày nào đó... mà bây giờ..... Tâm đắc một phần, không đồng tình với phần còn lại. Sinh ra rồi lớn lên ta mắc bao nhiêu nợ, mang bao nhiêu ơn. Ơn ông bà cha mẹ, ơn thầy cô bạn hữu và của bao nhiêu người nữa. Nợ miếng cơm manh áo, nợ những phương tiện sinh hoạt hàng ngày và bao nhiêu thứ nợ khác. Như vậy thì làm sao không lao tâm lao lực để đền đáp một phần ơn nghĩa, để trả được phần nào hay phần nấy món nợ thế nhân.

    Nhưng rồi suy ngẫm sâu hơn lại thấy nhà thơ cũng có lý phần nào: làm việc cật lực nhưng vẫn giữ được nhịp sống quân bình, thái độ sống thong dong, tránh trở thành một người tù khổ sai của tiền tài, danh vọng, phải chăng đó là gợi ý của nhà thơ khi thốt lên “hồ vi lao kỳ sinh’?

    * Ông bà ta có câu ‘Đa thọ đa nhục” (càng sống lâu càng chịu nhiều nỗi nhục) Đúng và không đúng.

    Đúng khi mình chỉ sống cho mình và trở nên vô liêm sĩ khi dùng mọi cách (nếu không nói là thủ đoạn) nhằm thỏa mãn những nhu cầu cá nhân kể cả những nhu cầu không chính đáng. Phản ứng của những người thân, bè bạn xa gần, láng giềng hàng xóm...tất nhiên không thuận lợi: từ việc lánh xa đến thái độ khinh rẻ, đó là chưa nói đến những lời lẻ, hành vi xúc phạm nhân phẩm (nếu may ra còn được chút ít) của mình.

    Không đúng nếu ta nhận thức được rằng sống thêm được ngày nào (miễn là không bệnh tật cả tâm lẫn sinh lý) là tạo thêm cơ hội cho những người từng chịu ơn ta mà trước hết là con cháu trong nhà được thêm thời gian đền đáp công ơn trời biển của ông bà cha mẹ. Tôi từng gặp nhiều người con, người cháu thường ray rứt khi đã có điều kiện để báo đáp công cha nghĩa mẹ một cách tốt hơn thì song thân lại khuất núi lâu rồi.

    Tuổi thọ kéo dài, ta có thêm thời gian để trả tiếp những món nợ ân tình ta đã nhận suốt quảng đời qua.

    Lại nữa ta há quên sao cái quý nhất của tuổi già chính là những bài học được đúc kết từ vô vàn kinh nghiệm về thất bại cũng như thành công trong cuộc sống. Tuổi trẻ biết ơn tuổi già xiết bao khi được tiếp nhận và ứng dụng những bài học ngàn vàng ấy.

    Thêm vào đó là một nếp sống thanh đạm, giản dị, hòa ái với mọi người (như phong cách sống của cụ Nguyễn Khuyến lúc về hưu).

    Một tuổi già như vậy sao thể gọi là ‘đa thọ đa nhục” được.

    * Có người sẽ nói với tôi; sao lại cám ơn tuổi già khi nó mang lại cho ta nào mắt mờ, tai điếc, đi đứng khó khăn, ăn chẳng mấy khi ngon, ngủ ít khi được thẳng giấc và bao nhiêu thứ phiền toái khác?

    Quả đúng là tuổi già so với tuổi trẻ có quá nhiều bất lợi khiến cho chất lượng cuộc sống giảm sút đi rất nhiều. Nhưng suy cho cùng thì đó là hậu quả tất nhiên của một loạt nguyên nhân mà nguyên nhân chính là toàn bộ những hành động và cách sống đã qua của ta. Trái đắng hôm nay là kết quả của việc ta đã trồng cây giống xấu.

    Cho nên ta vẫn phải cám ơn tuổi già vì nó giúp ta cảm nhận được một cách đầy đủ những lệch lạc, khiếm khuyết tâm sinh lý của mình để từ đó ta điều chỉnh, bổ khuyết sinh hoạt bản thân thông qua các liệu pháp thể lý, sinh lý và tâm lý. Được như vậy ta có thể mong sống thọ và sống vui.

    * Kết thúc bài này tôi xin kể câu chuyện sau đây:

    Cụ ông đã ngoài 80. Cụ bà vừa mới qua đời. Cụ ông rời ngôi nhà cũ để đến một Viện Dưỡng Lão. Một cậu nhân viên phục vụ đón ông cụ từ ngoài cổng và đưa cụ lên phòng. Khi đi thông qua tiền sảnh, cậu ngập ngừng nói;

    -“Thưa cụ, căn phòng dành cho cụ có phần xuống cấp, tiện nghi không được đầy đủ, xin cụ thông cảm cho vì ở đây không còn phòng nào nữa.

    - Ồ! Không sao đâu mà! Trước khi đến đây tôi đã hình dung căn phòng tôi sắp ở rất đẹp, dễ nhìn, ấm áp, thân thiện và là nơi lý tưởng để tôi sống nốt cuộc đời còn lại của mình”.

    Bước vào phòng, trong khi cậu nhân viên tỏ ra áy náy thì ông cụ nhìn ngắm khắp nơi với vẻ rạng rỡ hài lòng.

    Cậu nhân viên lại hỏi;

    “Thưa cụ, cụ bằng lòng với căn phòng này? Nếu quả như thế thì cụ thực không giống với nhiều ông cụ, bà cụ khác. Sao lại như vậy thưa cụ?

    - Ừm, có gì đâu! Từ lâu rồi tôi sống rất đạm bạc, các nhu cầu được giảm thiểu tối đa. Đối với tôi, căn phòng nào cũng được huống gì là căn phòng này vì trong thâm tâm tôi đã nghĩ đây chính là căn phòng tốt nhất đối với tôi”.

    Ông cụ đã đem tấm lòng rộng mở, giản dị, tin yêu và biết ơn đối xử với cuộc đời.

    Một lần nữa, tôi xin cám ơn tuổi già và cám ơn ông cụ./.

    Những ngày cuối năm 2006
    Hồ Văn Trai
http://www.oldcotta ge.net/