Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Dấu chấm hỏi giữa cuộc đời

Dấu chấm hỏi giữa cuộc đời PDF Print E-mail
Tác Giả: Lm Phạm Quang OP   
Thứ Tư, 21 Tháng 7 Năm 2010 14:10

Cũng được sinh ra trong cuộc đời với thân phận con người, cũng như bao trẻ thơ khác khao khát sự yêu thương vỗ về, nhưng sao cuộc đời lại quá bất công với những mảnh đời bất hạnh.

“Cha ơi, cha là ai? Mẹ ơi, mẹ là ai?
Cha ơi, cha ở đâu? Mẹ ơi, mẹ ở đâu?”

 
Những câu hỏi không lời đáp vang vọng trong đêm thâu cứ xoáy mãi vào tâm trí khi tôi tình cờ nghe được khúc hát này trong dịp đến thăm một trại trẻ mồ côi ở khá xa trung tâm thành phố. Không gian như ngưng đọng, thời gian như ngừng trôi, mọi người tĩnh lặng trong khoảnh khắc, những giọt nước mắt ứ đọng chực trào dâng trong tiếng hát thổn thức ngân vang của một người mẹ trẻ tình nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho những mảnh đời bất hạnh – “những dấu chấm hỏi đập giữa cuộc đời”.

Cũng được sinh ra trong cuộc đời với thân phận con người, cũng như bao trẻ thơ khác khao khát sự yêu thương vỗ về, nhưng sao cuộc đời lại quá bất công với những mảnh đời bất hạnh. Những điều tưởng chừng như tất yếu, giản đơn: có cha, có mẹ, bi bô từng tiếng “ba”, “mẹ”,… lại trở nên quá xa vời, chỉ thoáng ẩn hiện trong giấc mơ nồng say của biết bao trẻ mồ côi. Chúng chỉ đến
trong màn đêm băng giá rồi vụt tắt sau thực tại hiện tồn. “Giá như giấc mơ ấy kéo dài mãi mãi! Giá như em cố ngủ thêm chút nữa để được mẹ ôm vào lòng! …” – hàng loạt lời tâm sự chân thành khiến tim tôi nhói đau. Giúp các em tìm lời giải đáp hợp lý ư? động viên, khích lệ ư? tặng món quà vật chất ư? … trong khi “những dấu chấm hỏi” chỉ cần có cha, có mẹ.
 
“Đêm khuya bên hè vắng, đứa bé mồ côi đang nằm co ro”. Từng dòng xe vội vã lao nhanh trên đường phố hoa lệ, từng dòng người qua lại cười nói vui vẻ, nhưng không ai chú ý đến em bởi lẽ em không “đụng chạm” đến họ và họ cũng chẳng ảnh hưởng đến em. “Mưa rơi ôi lạnh quá, gió buốt từng cơn con nằm bơ vơ, nằm mơ một mái nhà có mẹ và có cha”. Mắt em ngấn lệ vì sung sướng, hạnh phúc sau một giấc mơ đẹp, hay vì nuối tiếc hình bóng mẹ cha, hay vì cô đơn, mặc cảm cho thân phận hẩm hiu của chính mình? Cánh cửa sắt hé mở, tiếng chó sủa dữ tợn, đôi vợ chồng cùng hai cô con gái đáng yêu trong trang phục rất thể thao đang chuẩn bị rời nhà cho giờ tập thể dục buổi sáng. Hai chị em chợt tỉnh giấc. Mặc dù còn ngái ngủ nhưng chúng vẫn lặng lẽ nắm tay nhau ra đi trước khi nhận được những ánh mắt dè biểu, khinh miệt.

Các em hãy tin rằng trong cuộc sống nhộn nhịp, bon chen này còn không ít  tấm lòng nhân ái luôn hướng về những giá trị cao quý của đời người, luôn cảm thông, thấu hiểu và sẵn sàng sẻ chia nỗi đau cùng những kiếp người lầm than, bất hạnh. Âm điệu da diết, chầm chậm tấu vang cùng hàng loạt “nghi vấn từ” trong bài hát “Dấu chấm hỏi” đang dẫn đưa người nghe vào thế giới tuổi thơ không phải với tình cha nghĩa mẹ, với câu chuyện cổ tích, với bướm hoa đua sắc, ... mà với bao nỗi cay đắng, xót xa theo thời gian năm tháng trở nên quá sức trên bóng dáng gầy bé, yếu mềm. Chắc hẳn bất cứ ai dù chỉ còn chút ít tình người thì không khỏi tư lự, lắng đọng và suy ngẫm cho người, cho đời, cho ta và cho cả những số phận kém may mắn ấy.

“Tại sao sinh em trong cuộc đời mà sao không cho em tình người
Tại sao em lang thang lạc loài em nào có tội gì đâu”

Những giai điệu nhẹ nhàng bỗng vút cao trong tiết tấu nhanh, gấp như nỗi niềm trẻ thơ chẳng thể kiềm chế, chẳng biết bày tỏ cùng ai, chẳng biết trách cứ tội lỗi vì đâu nhưng hỏi chỉ để hỏi mà không cần đáp trả, hỏi để tìm kiếm sự thanh thản, hỏi để mong chờ một phép màu diệu kỳ … Không cần những ngôn từ sáo rỗng giả tạo, mà chỉ với tiếng lòng thản thốt: cha ơi - mẹ ơi, tiếng nấc nghẹn ngào trong đêm, trái tim người nhạc sĩ đang đồng điệu trong khúc ca du dương thổi hồn người, tình đời ấm áp vào từng “dáng em nằm co ro trên phố vắng”.

Gặp gỡ các em trong trại trẻ mồ côi, chứng kiến không ít những mảnh đời cơ nhỡ trong xã hội, lắng nghe “Dấu chấm hỏi” của nhạc sĩ Thế Hiển khiến tôi bồi hồi nhớ lại câu chuyện kể “Cô bé bán diêm” ngày nào của bà: ”cô bé đốt từng que diêm, từng que diêm, … mãi cho đến que diêm cuối cùng với hy vọng mong manh được gặp lại bà ngoại thân yêu. Và rồi cô bé ra đi trong thanh thản, bình an cùng hình dáng ngoại khuất dần trên thiên đường”. Lẽ nào những hài nhi ấy, những con người vô tội nhỏ bé ấy lại phải chịu chung một cảnh ngộ như thế! Chúng mãi sống trong trăn trở, tủi nhục, lo từng miếng cơm manh áo che thân với ước mong thầm kín một ngày nào đó được trở về trong vòng tay âu yếm, chở che của người cha, người mẹ. Liệu ước mơ ấy có trở thành hiện thực? Lời giải đáp cũng chính là dấu chấm hỏi đặt giữa cuộc đời cho tất cả chúng ta.
 
Nhìn bạn bè đồng trang lứa được ăn ngon, mặc đẹp, được đến trường học hành, được hưởng thụ đầy đủ tiện nghi cuộc sống, chắc hẳn các em không khỏi khóc thầm: ”Tuổi thơ em không một mái nhà, tuổi thơ em không được đến trường, tuổi thơ em bơ vơ đầu đường xin từng hạt cơm rơi, xin từng hạt cơm rơi”. Trách ông trời, trách mẹ, trách cha, trách số phận mình bất hạnh, hay trách tình người bạc bẽo, … ? Em chẳng thể biết cuộc đời mình bắt đầu từ đâu và sẽ đi về đâu, chỉ biết rằng một điều gì đó luôn âm thầm quặn đau trong lồng ngực nhỏ bé này. Bình minh đã ló dạng, em tiếp tục mưu sinh, để lại sau lưng tất cả những dư âm đã qua.

Giá như những “mảnh vỡ” ấy được ghép lại với nhau, được “trang hoàng tô điểm” thêm thì sẽ tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ trong cuộc sống sinh động hôm nay. Điều “giá như” chỉ trở thành hiện thực khi con người biết quan tâm tới nhau, biết yêu thương nhau hơn, biết sống vì mình và vì cả người khác. Thực tế cuộc sống chứng minh rằng không ít những trẻ em lang thang, bất hạnh mồ côi đã vươn lên bằng nghị lực, niềm tin của chính mình cùng với sự yêu thương, dìu dắt của bao vòng tay nhân ái. Sự thành đạt của các em xứng đáng được trân trọng, ngợi ca và đó lại là những dấu chấm hỏi tiếp tục được đặt ra trong cuộc đời để tất cả mọi người cùng băn khoăn, tự hỏi, tự trả lời.

Mong sao thế giới hôm nay và mai sau bằng hành động thiết thực của mình có thể làm giảm bớt những câu hỏi thương tâm: ”Cha ơi, cha là ai? Mẹ ơi, mẹ là ai? Cha ơi, cha ở đâu? Mẹ ơi, mẹ ở đâu? …”.