Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Phán Đoán Sự Việc

Phán Đoán Sự Việc PDF Print E-mail
Tác Giả: Đạo trưởng Ngọc Huệ Chơn   
Thứ Năm, 08 Tháng 7 Năm 2010 10:29

Thế nên, không phải tại nơi sự vật xảy đến cho ta, nó làm cho ta vui mừng hay giận dữ, mà chắc chắn là tại sự phán đoán của ta nó làm cho ta vui mừng hay giận dữ mà thôi.

 
Người đời thường tưởng rằng:họa phước đều do từ ngoài mà đến với chúng ta. Vì phán đoán như thế mà ta thường hay sợ:

- Nếu quả thật nghèo là cái khổ mà giàu là cái sướng thì những người nghèo như Nhan-Hồi, Socrate, đều là khổ hết sao?

- Còn những bực phú-hữu tứ-phương như Tần-Thủy-Hoàng, Napoléon đều là hạng người sướng nhứt trên đời hay sao?

- Cũng như có người bảo rằng: “Con là nợ, Vợ oan-gia”. Tại sao đối với Socrate có bà vợ rất hung dữ mà ông lại cho là cái phước lớn nhứt đối với ông? Bởi vì nhờ bà vợ ông mà ông điêu-luyện được cái tánh nhẫn-nại và thản nhiên đối với sự vật trên đời.

- Nếu như, những cái mà thiên-hạ đồng cho là họa, như:“Bần tiện,  bịnh tử", những cái đó có đi lạc vào nhà của các bậc đại-hiền như Trang-Tử hay Epitète thì cũng không làm gì cho bậc ấy nao lòng”. Sở dĩ đời đã gây ra bao nhiêu phiền não cho mình, chẳng ngoài những sự nhỏ mọn không đâu.

Nếu ai ai cũng biết thản nhiên đối với sự vật, bình tâm mà suy xét cho kỹ thì sẽ thấy trăm việc đều do mình thì chín mươi chín việc không đáng cho ta bận lòng chút nào cả.

Làm cho con người phiền muộn, không phải là tự ở sự vật, chính là ở cái cách phán đoán về sự vật của con người: Ví như cái chết, nếu cái chết là đáng sợ thì ông Socrate làm sao dám bưng chén thuốc độc mà uống? Nhưng đáng sợ là sự phán đoán rằng cái chết có đáng sợ hay không. Vậy thì, khi ta buồn bực, bối-rối, phiền-não, ta đừng trách ai, chỉ trách ta, nghĩa là trách cái nhận định của ta mà thôi. Ta nên nhớ rằng:

”Người làm nhục mình không phải là kẻ chửi mình, đánh mình, mà do tự nơi mình phán đoán cho rằng nó làm nhục mình.

 Có kẻ nào làm cho mình giận dữ thì phải biết rằng chính sự phán đoán của mình nó làm cho mình giận dữ đó..."

Chúng ta suy nghĩ kỹ, sự vật trên đời như mảnh gương trong, nếu mình nhìn vào đó mà cười, thì trả cái cười lại cho mình, còn nếu mình khóc thì nó cũng trả cái khóc lại cho mình.

Người đánh ta, ta giận là tại sao? Có phải tại người hay tại ta làm cho ta giận?

Có người sẽ nói: “Vì người ta đánh tôi nên tôi giận. Nhưng nếu ta biết người đánh ta là người mất trí, người hèn hạ, ta có còn giận người ấy nữa không? Chắc hẳn là không, nếu ta biết suy xét.

 Trái lại, nếu người đánh ta là người tĩnh-táo, đầy đủ trí thức,thì ắt là ta không khỏi phải nổi cơn giận dữ.

Thế cho nên, cũng thì một sự việc xảy đến cho ta, mà khi thì ta điềm tĩnh như thường, khi thì ta lại bực tức nóng giận. Đó là tại nơi đâu? Có phải là tại nơi sự phán đoán của ta chăng.

Mạnh-Tử có nói rằng: ”Ở đời, đối với người mà gặp phải kẻ dữ với mình bằng một cách ngang ngược, thì nên coi đó như là mình đi trong bụi bậm mà vướng phải gai góc. Vậy thì, chỉ nên thong thả đứng lại lần lượt chẩm rải gở hết gai góc. Gai góc kia có biết gì mà nóng giận?  Chỉ có cách xử được như thế thì tâm mình sẽ yên lặng, phiền não sẽ không bận rộn ta và bao nhiêu oán hận cũng tiêu tan. 

Những sự ngang-ngược phạm đến ta, ta nên coi đó như là chiếc xe lở đâm nhầm ta, như cơn gió dữ tạt vào người ta. Như vậy có gì đáng buồn đáng giận?

Cách đối xử với người vợ hung dử của ông Socrate, ông cũng hành động như thế:

Một khi kia, có người bạn đến rủ ông đi sớm. Bà vợ ông la-lối gầm hét om-sòm. Ông vẫn thản nhiên.

 Khi ông bước ra đi, bà đứng trên lầu đổ trút thau nước dơ lên đầu ông. Các bạn ông tỏ vẻ bất bình phản đối. Riêng ông thì  ông cười và bảo rằng: " Nầy các bạn ơi!Có gì lạ đâu! Hễ trời hết gầm thét vì sấm sét thì tiếp theo là một trận mưa to”. Ông thản nhiên trở vô nhà thay áo khác.

Một lần khác, ông mời bạn bè đến dùng cơm tại nhà, không biết có việc gì giận dữ mà bà bưng cả mâm đồ ăn của ông (thường thì ông chỉ rau cải) quăng cả ra ngoài cửa sổ. Ông vẫn tươi cười và bảo với các bạn ông rằng:"Thì có gì, bả muốn cho anh em mình ra ngoài sân ngồi ăn cho mát mẻ ”. Quá sức tức tối, bà bèn vác chổi ra sân quơ luôn các đồ ăn mà ông đang lượm để sắp vô mâm. Các bạn ông giận đỏ mặt, tính muốn gây sự với bà nhưng ông biết trước đã nắm tay các ông bạn lại và ôn-tồn bảo: "Ví dụ anh em ta đang ngồi ăn, rủi bị một con gà mái nhảy xổ vào làm văng cả bát dỉa,các anh có đi gây sự với nó không?”

Nếu một người nào khác gặp phải những trường hợp nầy chắc chắn là đã mất sự điềm tĩnh rồi vậy.

Thế nên, không phải tại nơi sự vật xảy đến cho ta, nó làm cho ta vui mừng hay giận dữ, mà chắc chắn là tại sự phán đoán của ta nó làm cho ta vui mừng hay giận dữ mà thôi.

(Trích trong bài "Thanh lọc cuộc đời" của Đạo trưởng NGỌC HUỆ CHƠN)