Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Làm Con Phải Hiếu

Làm Con Phải Hiếu PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Nghệ   
Thứ Ba, 06 Tháng 7 Năm 2010 16:06

Hiếu là phải lo cho cha mẹ một cách đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, không thể thiếu một trong hai. Nếu thiếu một trong hai sẽ bị lên án

 
Trong lá thư của Giám mục Bá Đa lộc gởi cho Letondal đề ngày 17-08-1789, ông kể chuyện Hoàng tử Cảnh sau khi theo ông sang Pháp trở về nước, đã né tránh không chịu lạy cúng trước bàn thờ tổ tiên, đã làm cho Nguyễn Ánh tức giận ngạc nhiên vì sao tôn giáo này có thể dung túng cho tín đồ quên hết ông bà tổ tiên làm vậy(?)

Không một dân tộc nào, không tôn giáo nào dạy con người bất kính với tổ tiên. Mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo đều có nghi thức riêng để biểu lộ lòng hiếu kính đối với tổ tiên. Hiếu kính đích thực không phải ở chỗ khi cha mẹ chết rồi tổ chức cúng tế với mâm cao cỗ đầy, mà ở chỗ khi cha mẹ còn sống phải “sự phụ mẫu năng kiệt kỳ lực” (đem hết sức mình thờ cha mẹ - trích Luận ngữ: Học nhi)

Thầy Tăng tử  nói: “Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ hạ năng dưỡng” (hiếu có ba bậc : bậc đại hiếu là  làm tôn vinh cha mẹ, bậc thứ là không làm nhục đến cha mẹ, bậc dưới cùng là có thể nuôi được cha mẹ - Lễ ký:Tế nghĩa). Sách Mạnh tử trong thiên Vạn Chương ghi: “Hiếu tử chi chí, mạc đại hồ tôn thân” (chỗ chí hiếu của người con, không chi lớn bằng làm cho cha mẹ được tôn trọng). Làm cho cha mẹ được tôn trọng là như thế nào? Là phải: “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu” (gây dựng thân mình, đem thi hành cái đạo ra. Rõ tiếng về đời sau để cho vinh hiển cha mẹ- sách Hiếu kinh). Hai cấp bậc đầu tuy khó mà dễ, cấp bậc sau tuy dễ nhưng lại khó thực hiện một cách trọn vẹn. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ đề cập đến bậc dưới cùng là: nuôi cha mẹ.

Thầy Tử Du (một cao đồ của Khổng tử, họ Ngôn tên Yển) biết nuôi cha mẹ mà chẳng biết kính nên Khổng tử nói với ông: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính, hà dĩ biệt hồ?” (Đời nay, hễ thấy ai nuôi được cha mẹ thì người ta khen là người có hiếu. Nhưng, những thú như chó ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nuôi cha mẹ chẳng kính trọng thì có khác gì nuôi súc vật đâu? –Luận ngữ: Vi chính). Hiếu kính chính là thước đo việc con cái nuôi dưỡng cha mẹ vậy!

Tục ngữ có câu: “Bé cậy cha, già cậy con”. Khi cha mẹ già yếu con cái phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ. Ấy vậy mà, có nhiều gia đình nạnh nhau hoặc suy bì hơn thiệt với nhau. Chuyện kể rằng: ngày xửa ngày xưa, có gia đình nọ có bốn người con tất cả đều yên bề gia thất nhưng còn cha già. Vì tị nạnh nhau chẳng người nào chịu nuôi hẳn cha già! Cuối cùng, họ thống nhất với nhau mỗi người nuôi cha già trong ba tháng và trước khi chuyển giao cho nhau phải đem cha già ra cân, nếu sụt cân so với lúc nhận thì người sau sẽ không nhận. Có một anh nuôi cha già một cách thơ bơ thất bất nên biết khi chuyển giao sẽ không đủ ký nên đã giở trò ma giáo lấy một miếng chì giấu trong mình cha già cho đủ ký. Bởi thế mới có câu: “Con cái pha chì cho cha mẹ” (pha có nghĩa là trộn lẫn vào).  Hoặc chuyện mỗi gia đình nuôi cha mẹ trong một tháng, nhưng lại ngặt vì: tháng thì ba mươi ngày, lại có tháng ba mươi mốt ngày, nên tháng có ngày thứ ba mươi mốt cha mẹ phải ra đứng ngoài đường. Đúng là:

“Cha mẹ  nuôi con biển hồ lai láng,

Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”

hoặc 

“Một mẹ nuôi nổi mười con;

Mười con nuôi không nổi một mẹ”

Chỉ mới ở cấp độ thấp nhất là nuôi dưỡng cha mẹ mà đã tính tháng tính ngày, còn như đòi hỏi ở cấp độ sau đây sẽ được bao nhiêu người thực hiện đúng ý nghĩa của nó? Thầy Tử Hạ (cao đồ của Khổng tử, họ Bốc tên Thương) hay phụ giúp đãi đằng cha mẹ nhưng hay tỏ sắc giận nên Khổng tử khuyên: “Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kỳ lao; hữu tử , tự, tiên sanh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ?” (điều khó nhất là nuôi dưỡng cha mẹ, con cái có giữ được nét mặt vui vẻ mãi không? Có việc gì con cái làm thay cho cha mẹ, có gì ngon cho cha mẹ ăn, đây chắc gì là đã có hiếu? – Luận ngữ : Vi chính). Trong lúc phụng dưỡng cha mẹ cho dù gia đình nghèo khổ, ăn uống đạm bạc nhưng luôn luôn giữ được nét mặt vui vẻ trước cha mẹ là đã thực hiện đạo hiếu rồi. Giữ được nét mặt hòa vui luôn mãi trong lúc phụng dưỡng cha mẹ quả là điều khó thực hiện lắm thay! Hiểu được điều ấy nên nhiều người anh em sống ở xa, thỉnh thoảng về quê thăm cha mẹ vài hôm, thấy người anh em đang trực tiếp phụng dưỡng cha mẹ có một vài thái độ, cử chỉ không hợp lễ với cha mẹ, họ đã cảm thông và động viên người anh em đó cố gắng sống tốt hơn nữa, chứ không hề lên mặt trách mắng…

 Người con hiếu thảo thực sự là: “Sự phụ mẫu năng kiệt kỳ lực” (phải đem hết sức mình thờ cha mẹ), lúc “sanh sự chi dĩ lễ, tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ” (cha mẹ lúc còn sống phải đối xử theo lễ, khi chết phải theo lễ mà táng, theo lễ mà cúng tế - Luận ngữ :Vi chính).

Người xưa nói: “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên” (trong trăm đức hạnh của đời người, hiếu thảo là đứng hàng đầu). Sách Đức Huấn ca của Thiên Chúa giáo đã đề cao sự hiếu thảo, vì hiếu thảo có kèm theo lời chúc phúc: “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình sẽ được vui mừng trong con cái. Khi cầu xin, người ấy sẽ được nhận lời. Ai thảo kính cha mẹ sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi; chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng chớ đành khinh dễ người. Vì của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính của ngươi”.

Hiếu là phải lo cho cha mẹ một cách đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, không thể thiếu một trong hai. Nếu thiếu một trong hai sẽ bị lên án (xin xem Mác cô 7 , 10 – 13).

Phận làm con, ngoài việc nuôi dưỡng cha mẹ, chúng ta còn phải luôn cầu nguyện cho các ngài:

“ Đêm đêm con thắp đèn trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con”