Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Mùa hè thực sự ở đâu?

Mùa hè thực sự ở đâu? PDF Print E-mail
Tác Giả: Sài Gòn Cô Nương   
Thứ Hai, 05 Tháng 7 Năm 2010 09:03

Mùa Hè theo đúng định nghĩa là mùa của tuổi học trò, mùa hoa phượng nở, là mùa xuống biển, lên núi dưỡng sức, là về quê nội, quê ngoại thả diều,

 hái hoa bắt bướm nghỉ ngơi sau chín tháng trời đánh vật với chữ nghĩa.

 
 Những chuyến du ngoạn thăm sông nước miền Tây như chợ nổi Phong Ðiền,
Cần Thơ, đối với trẻ em nghèo thành phố là nhu cầu xa xỉ. (Hình: Dân Huỳnh)

Nhưng đó chỉ là “lý thuyết”, là chuyện ngày xưa bởi vì trước kia, trong gia đình chỉ có đàn ông đi làm, phụ nữ ở nhà nội trợ nên bà mẹ có thời giờ trông con. Còn bây giờ, hầu hết gia đình đều đi làm cả hai vợ chồng và ở thành phố thường là tiểu gia đình. Không có ông bà, cha mẹ trông nom nên nghỉ Hè, con cái không thể ở nhà một mình.

Thật ra vẫn nghỉ Hè một chút, những gia đình khá giả có thể cho con cái một chuyến du lịch ngoại quốc các nước láng giềng: Thái Lan, Trung Quốc, Singapore... hoặc trong nước tới Ðà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc... về thăm quê hoặc theo các cơ quan tổ chức cho nhân viên và gia đình đi chơi. Dù sao đó cũng chỉ là những tour du lịch ngắn ngày và vẫn còn cả một thời gian dài nghỉ Hè trước mắt.

Hồi đó, học sinh thường đổ ra hẻm, ra vỉa hè chơi đá banh, tạt lon... nhưng nay những khoảng đất trống bị thu hẹp bởi hàng quán, các trò chơi cũ kỹ không còn được ưa chuộng và bên ngoài cánh cửa gia đình chứa đầy bất trắc: ma túy, cờ bạc, kể cả bắt cóc... Cuộc sống đô thị nhiều thay đổi, các gia đình có khuynh hướng ngày càng khép kín. Căn nhà dù hẹp cách mấy vẫn gói gọn sinh hoạt của trẻ con trong đó. Phụ huynh đi làm bận tối mắt tối mũi nên không có nhiều thời gian đưa con đi tiệm sách hay công viên, ngồi đó canh, đợi con chơi xong chở về.

Nhưng để con ở nhà một mình không yên tâm. Việc thanh thiếu niên nghiện Net đã trở thành tình trạng báo động. Trẻ ngồi lâu trước máy vi tính dễ bị cận thị, béo phì, lười hoạt động, dễ bị lôi cuốn vào các cuộc chát vô bổ, các trang web đen, nhất là nghiện game online.

Nhiều vụ án trộm cắp, đâm chém xảy ra, nhiều game thủ trẻ tuổi bị hủy hoại cả sức khỏe lẫn tinh thần vì đó. Các tiệm Net trong ngày Hè tràn ngập học sinh ngồi suốt ngày đêm. Phụ huynh lo xa đều phải tìm cách cách ly con em khỏi sự cám dỗ của game. Ngoài game còn có đua xe, rủ nhau tắm ao, tắm sông... đều đáng sợ cả. Các quận ven đô, ngay cả quận 1, với mật độ kênh rạch chằng chịt thu hút nhiều trẻ em. Nước kênh rạch thường ô nhiễm nặng, khi triều lên nước xoáy mạnh, không kể trẻ em thích nhảy cầu rất nguy hiểm. Hè năm nào cũng có trẻ em té ao, té giếng chết.

Một vài trại Hè được tổ chức thu hút phần nào học sinh, một số trại huấn luyện kỹ năng sống như quân đội với học phí cao ngất dành cho cậu ấm, cô chiêu học cách xếp mùng mền, dọn chén đĩa... trại Hè ở tu viện dạy tĩnh tâm và thực hành nếp sinh hoạt kỷ cương, còn lại hầu hết không biết làm gì cho hết thời gian. Một bà mẹ ở nhà làm nội trợ giữ chân con bằng cách thuê phim cho con xem. Xem phim hoạt họa hoài quá nhàm nên đứa bé xem chung với người lớn các cuốn phim ca nhạc ướt át, phim tình cảm ủy mị, kiếm hiệp đánh đấm, phim bộ Hàn Quốc, Trung Quốc mấy chục tập...

Tốt hơn hết nên đẩy trẻ con vào các lớp năng khiếu để học bất cứ thứ gì: Học đàn, học hát, học võ, học đánh cờ... Một lớp chỉ kéo dài từ một tiếng đến một tiếng rưỡi quá ngắn. Vì thế trong một buổi, học sinh thường học hai lớp. Hết lớp cắm hoa qua lớp đánh cầu, xong lớp hội họa, sang lớp giao tiếp... Học sao cho hết một buổi sáng hay nguyên buổi chiều, trọn buổi tối ngày chẵn hay ngày lẻ, thuận tiện cho phụ huynh đưa đón đầu và cuối buổi. Các câu lạc bộ ngày Hè tung ra rất nhiều lớp học khác nhau.

Không phải ai cũng có tiền cho con cái học lớp năng khiếu vì ngoài tiền học còn nhiều chi phí chung quanh. Học võ tốn tiền mua võ phục, học nhạc mua cây đàn để thực tập ở nhà, học gia chánh mua nguyên liệu... nên đa số phụ huynh tìm lớp cho con học thêm chương trình giáo khoa vừa củng cố kiến thức vững chắc, vừa bảo đảm không thua kém con người ta. Vì thế Mùa Hè vẫn được coi là học kỳ III, nối tiếp hai học kỳ của niên học chính thức.

Trẻ con chỉ nghỉ Hè ở nhà độ ba, bốn ngày là phụ huynh đã nháo nhào tìm nơi gởi học. Việc học Hè dành cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học. Trẻ mẫu giáo được đẩy tới các nhà trẻ tư nhân trong xóm nhưng không phải chỗ nào cũng có sẵn nhà trẻ tư nhân, nhất là sau vài vụ trẻ tử vong do các cô bảo mẫu tư nhân bất cẩn hoặc trẻ bị đối xử tệ, thì trước nhu cầu bức bách gửi trẻ, các nhà trẻ và trường mẫu giáo công mới làm lễ bế mạc, chưa kịp nghỉ Hè đã tiếp tục mở cửa để đón các bé đi học Hè.

Học sinh tiểu học cũng thế, được tống ngay vào lớp học Hè của chính giáo viên cũ mở ra. Mặc dù nhà nước cấm giáo viên dạy trước chương trình sách giáo khoa nhưng trong thực tế, các học sinh đều học trước. Phụ huynh đều chung ý nghĩ học trước như vậy để học sinh “chắc” hơn nhưng quả là chương trình giáo khoa rất nặng nề, ôm đồm, nếu không học thêm, học trước thì học sinh với học lực trung bình rất dễ bị đuối.

Học sinh trung học do đã phân môn nên đi học thêm hầu như tất cả các môn. Quan trọng nhất là Văn và Toán không thể lơ là, ngoại ngữ là môn nam phụ lão ấu đều phải theo đuổi suốt đời cho tới lý, hóa, sinh... đều phải ghi danh không thiếu môn nào. Lớp này tan ra, bổ nhào sang lớp khác ngay. Riêng nhiều học sinh lớp 11 học gấp rút đến hết Hè xong chương trình lớp 12, dành thời gian còn lại trong niên học để luyện thi đại học. Rất nhiều bàn cãi trong việc nên hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học vì mất quá nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc tổ chức mà kết quả vô ích.

Học sinh bình thường còn phải học như vậy huống hồ luyện thi.

Nghỉ Hè tiếng là ba tháng 6, 7, 8 nhưng tháng 8 học sinh đã phải lai rai vào trường. Ðầu tháng 7 là mùa thi nên học sinh cuối cấp: lớp 6, lớp 9 và lớp 12 học miệt mài cho thi cử: Thì vào cấp II, vào cấp III, thi tốt nghiệp trung học, thi đại học. Ðầu Hè nóng bức là tháng học sinh nhốt mình trong những lò luyện thi đầy căng thẳng.

Học sinh lớp 5 thi chuyển cấp, tùy theo số điểm cao hay thấp mà được phân vào trường nào theo hộ khẩu.

Học sinh lớp 9 ghi lựa chọn vào ba trường theo thứ tự ưu tiên nhất, nhì, ba. Tùy số điểm thi cao thấp để vào trường tốt hay không. Ðó là cả một cuộc thi đấu cân não của sĩ tử và gia đình trong việc chọn trường vì nếu chọn không chính xác, thì nhiều trường hợp không vào được trường nào cả, có mòi lọt ra trường tư một cách oan uổng.

Học sinh lớp 12 thi sáu môn để tốt nghiệp trung học. Mọi năm chỉ thi một môn học bài, hễ thi Sử thì không thi Ðịa, có Ðịa thì miễn Sử. Nhưng năm nay đề thi cả hai môn Sử Ðịa khiến học sinh phờ phạc học đâu quên đó. Thi tốt nghiệp xong chưa biết kết quả đã vùi đầu học thi đại học. Các trung tâm luyện thi quảng cáo khắp nơi nở rộ như nấm sau cơn mưa. Ðể được luyện ở những trung tâm nổi tiếng thì từ sáng đến tối, học sinh học Văn ở nhà cô chủ nhiệm quận 1, học Toán ở nhà ông thầy quận 8 từng đoạt giải nhất Toán toàn quốc trước kia, môn Vật Lý ở trung tâm Phú Nhuận, môn Hóa học nhóm ở nhà người bạn thuộc cư xá Phú Lâm... Học đến mức khi bỏ quyển vở cuối cùng trong ngày xuống là đầu óc đặc sệt, mụ mẫm vì chữ nghĩa lùng bùng đầy tràn, người mệt rã rời nằm xuống ngủ mê ngay.

Ðể đáp ứng nhu cầu học Hè của học sinh và cả kiếm thêm thu nhập thì giáo viên buộc phải mở lớp Hè.

Cô Liên ở lầu 3 chung cư mở lớp dạy Hè tại nhà: một lớp Bốn, một lớp Sáu. Theo kế hoạch thì Hè bắt đầu từ mồng Một tháng 6 đến hết tháng 8. Các lớp hè tư gia tại chung cư của cô rủ nhau đồng loạt mở cùng ngày. Hôm trước chung cư còn yên ắng, sang hôm sau cả chung cư ồn ào, tưng bừng như ngày... khai trường. Thầy Tứ lầu 2 có ba lớp, cô Na tầng trệt một lớp... Ăn theo lớp Hè, các gia đình xung quanh mở cửa bán yaourt, bánh ngọt, bán snack... học sinh chạy nô đùa dọc các hành lang nhộn nhạo vui như cái chợ. Có mấy phụ huynh bận việc chưa đến đón con kịp, kêu điện thoại nhờ cô pha mì gói cho chúng ăn, thậm chí ngả lưng nghỉ một chút. Những lớp học tư nhân này giống như một kiểu giữ em cho phụ huynh, học hành được chữ nào hay chữ đó. Học được bao nhiêu thì tốt, còn không cũng là chỗ an toàn giữ cho chúng không chạy chơi lăng quăng.

Ðó là Hè của học sinh thành phố. Ở miền quê nghèo, Hè của trẻ em là phụ người lớn. Người lớn làm việc gì, trẻ con làm việc đó, cũng ruộng vườn, cũng chăn nuôi... Một số em vào các cơ sở sản xuất địa phương làm việc lãnh lương hẳn hoi dù luật nghiêm cấm sử dụng nhân công nhỏ tuổi. Cứ đến Hè, lượng trẻ em bán vé số ở Saigon tăng vọt. Ðó là công việc không cần chuyên môn mà chỉ cần sức khỏe đi bộ nhiều nên không những trẻ em nghèo thành phố mà cả các tỉnh cũng đổ về. Không thể nói đơn thuần đó là công việc đơn giản vì có rất nhiều nguy hiểm rình rập đối với em nhỏ kiếm ăn một mình ngoài đường. Dù sao, sau kỳ Hè lam lũ, em kiếm thêm được một ít phụ giúp gia đình hoặc chuẩn bị cho niên học mới.

Cho nên hỏi tới đa số trẻ em bây giờ không biết thực sự Mùa Hè ở đâu.