Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Đoạn trường ‘Thẻ Xanh’

Đoạn trường ‘Thẻ Xanh’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Ngọc Cư   
Thứ Sáu, 02 Tháng 7 Năm 2010 04:41

* Lấy nhau 17 năm, chồng vẫn không được thẻ xanh

* Có 2 con vẫn bị nghi ngờ lấy nhau giả

Ông Inderjit Singh, 45 tuổi, từ Ấn Ðộ vào Mỹ bất hợp pháp năm 1992 , sau đó, năm 1993, kết hôn với bà Shari Fieldman, 51 tuổi, công dân Hoa Kỳ. Ông nộp đơn xin thẻ xanh (quy chế thường trú) theo điều khoản 245 (i) của đạo luật Legalization (hết hạn từ ngày 31 tháng 4, 2001, nghĩa là kể từ ngày 1 tháng 5, 2001, người vào Mỹ bất hợp pháp không có cách nào xin thẻ xanh được nữa, cho dù kết hôn với công dân Hoa Kỳ).

Ông nộp đơn, rồi tái nộp đơn cả thẩy 3 lần nhưng vẫn bị Sở Di Trú bác đơn. Năm ngoái ông nhờ một luật sư nộp đơn nữa nhưng Sở Di Trú từ chối phỏng vấn vì cho rằng đây là cuộc hôn giả dùng để xin thẻ xanh. Lý do hai người đã trả lời các câu hỏi của Sở Di Trú không thống nhất như khi hỏi bà vợ mặc áo cưới màu gì, sau đám cưới hai người ăn ở đâu, tiền thuê nhà mỗi tháng bao nhiêu, trong trương mục ngân hàng có bao nhiêu...

Ông Singh đã tốn hết $20,000 tiền lệ phí và tiền luật sư mà vẫn là cư dân bất hợp pháp. Có rất nhiều khả năng ông sẽ bị trục xuất.

Vụ thứ hai là một cặp vợ chồng ở Oregon, ông chồng là người Algeria vào Mỹ hợp pháp và kết hôn với một công dân Hoa Kỳ, mặc dù đã 2 con với nhau, họ cũng phải mất 4 năm trời, đeo đuổi tới hai lần lên tòa liên bang mới xin được thẻ xanh cho chồng.

 
Thẻ xanh (Permanent Resident Card). (Hình: AFP/Getty Images) 

Trên đây mới chỉ là hai vụ điển hình của hàng trăm ngàn hồ sơ xin thẻ xanh qua hôn nhân. Năm ngoái có 20,507 hồ sơ tức 7.2% bị bác, trong đó chỉ có 506 hồ sơ bị khám phá là giả mạo, phần còn lại là do người phối ngẫu không có mặt trong cuộc phỏng vấn hoặc hai người trả lời không giống nhau khi được phỏng vấn.

Từ hai vụ việc trên ta rút ra được bài học gì? Thứ nhất đừng bao giờ dùng hôn nhân giả để xin thẻ xanh. Hai người không chung sống với nhau như vợ chồng thì khó trả lời khớp nhau về các câu hỏi của Sở Di Trú. Thứ hai là thẻ xanh tạm (conditional resident) chỉ có giá trị 2 năm, trong vòng 3 tháng trước khi thẻ này hết hạn lại phải nộp đơn I-751 để xin thẻ xanh thường trú (to remove condition, gỡ bỏ điều kiện về chung sống như vợ chồng đủ 2 năm) và nếu không phải là vợ chồng thực thì khó mà qua khỏi cuộc phỏng vấn xin thẻ thường trú.

Một số không nhỏ tin rằng họ có thể qua mặt được người phỏng vấn mà không biết rằng khi nghi ngờ Sở Di Trú sẽ cho điều tra trước khi phỏng vấn. Như vụ Oregon nói ở trên, hồ sơ điều tra lên cả trăm trang.

Bây giờ nói về hôn nhân thật mà bị hàm oan. Lý do bị bác đơn là hai người trả lời bất nhất do thiếu sửa soạn kỹ. Nên nhớ trách nhiệm chứng minh cuộc hôn nhân có thực thuộc về các đương đơn. Sở Di Trú không có nhiệm vụ phải chứng minh cuộc hôn nhân đó giả hay thực. Khi nghi ngờ thì Sở Di Trú sẽ phỏng vấn riêng từng người và thu băng cuộc phỏng vấn để so sánh các câu trả lời. Sở Di Trú cũng có thể cho điều tra như xét nhà để xem hai người có ở với nhau không hoặc dò hỏi hàng xóm, manager của apartment nơi mình cư ngụ.

Không ai có thể đoán được người phỏng vấn sẽ đặt những câu hỏi gì, nhưng chắc chắn các câu hỏi không ngoài mục đích điều tra quan hệ vợ chồng là thực hay giả. Nếu người phỏng vấn tin rằng hôn nhân này chỉ có mục đích lấy thẻ xanh cho người phối ngẫu, dựa trên lời khai của hai người trong cuộc phỏng vấn, thì sẽ gửi thư báo ý định từ chối (Intent to deny), Sở Di Trú sẽ cho biết các lý do đơn bị từ chối và đương đơn có cơ hội khiếu nại quyết định của Sở Di Trú (appeal the decision). Ðến đây thì cần một luật sư chuyên về di trú giúp đỡ. Thủ tục khiếu kiện rất phức tạp và kéo dài có khi tới ba bốn năm.

Người ở nước ngoài xin vào Mỹ qua hôn nhân cũng gian nan không kém. Phỏng vấn tại sứ quán rất căng. Người phỏng vấn sẽ đặt các câu hỏi nhiều khi ra ngoài tiên liệu của mình. Chẳng hạn như chồng chị có các sở thích gì, bạn bè tên gì, xe hiệu gì, hai người gặp nhau mấy lần, quen nhau được bao lâu, ngỏ lời cầu hôn lúc nào, qua điện thoại hay lúc gặp mặt, chị có nhận lời ngay không, tại sao làm đám cưới mà không làm đám hỏi như phong tục Việt Nam. Các câu khác như, anh ấy có mấy con với vợ trước, các con tên gì , mấy tuổi, học trường nào, tại sao anh ấy ly dị với vợ cũ, thành phố nơi anh ấy ở như thế nào, có gì đặc biệt, tại sao mỗi lần về VN anh ấy chỉ ở có một hai tuần rồi đi, chị có thân nhân ruột thịt ỏ Mỹ không.

Nhiều khi quyết định của sứ quán rất độc đoán như “những tấm hình này chứng tỏ hai người chỉ ở với nhau một hai ngày.” Làm sao nhìn tấm hình mà biết được hai người ở với nhau mấy ngày. Tuy vậy sứ quán cũng cho ta cơ hội trả lời những luận cứ từ chối visa. Nếu sứ quán vẫn không hài lòng với thư giãi bày của mình thì họ sẽ trả hồ sơ về Sở Di Trú gốc (nơi mình nộp đơn bảo lãnh I-130). Nơi đây sẽ duyệt lại hồ sơ với các kết luận của sứ quán và gửi thư cho mình thời hạn 30 ngày để phản bác các luận cứ của sứ quán.

Nếu mình thuyết phục được Sở Di Trú rằng hôn nhân này là thực sự và không có mục đích luồn lách luật Di Trú để vào Mỹ thì họ sẽ gửi hồ sơ trở lại sứ quán và yêu cầu nơi đây xét lại quyết định cũ. Thời gian chờ hồ sơ được tái xét có khi kéo dài cả một hai năm nên nhiều người nóng nẩy mà bỏ cuộc. Ðừng nghĩ đơn giản rằng mình làm thật thì không sợ bị từ chối. Người thật, việc thật là một chuyện, chứng minh được với sứ quán rằng mối quan hệ là 100% thật lại là chuyện khác. Không ai có thể bảo đảm với ta rằng hễ mình lấy vợ lấy chồng thật là sứ quán phải tin. Khi càng có nhiều trường hợp gian dối thì sứ quán càng đa nghi và những người lấy vợ lấy chồng thật trở thành nạn nhân của các hôn nhân giả. Một con sâu đủ làm rầu nồi canh, huống hồ hàng ngàn con sâu trong nồi canh thì nồi canh như thế nào ai cũng rõ.

Muốn lấy được một người vợ/chồng ở nước ngoài thật khó hơn lên rừng tìm trầm. Nội làm được cái hôn thú ở Việt Nam cũng toát mồ hôi hột và đôla rồi. Không biết điều “đầu tiên” thì nằm vạ nằm vật cả tháng trời cũng chưa rờ được tờ hôn thú. Các quan ở Sở Tư Pháp bắt được thóp “mất Job” của Việt kiều nên hét bao nhiêu nạn nhân cũng phải chi.

Có đi qua đoạn trường này mới biết gian nan của con đường thẻ xanh qua hôn nhân.