Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Giới trẻ với ngày 30/4

Giới trẻ với ngày 30/4 PDF Print E-mail
Tác Giả: Khánh An, phóng viên RFA   
Thứ Hai, 26 Tháng 4 Năm 2010 21:21

Ngày 30 tháng 4 có thể là một kỷ niệm buồn hay vui.

Còn giới trẻ, những người đa số được sinh ra sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì nghĩ gì về ngày này.


AFP PHOTO Các nữ sinh trung học tại Hội An, Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi câu chuyện “Giới trẻ với ngày 30/4” với các bạn trẻ đại diện cho thế hệ 7X, 8X và 9X là Diệu ở Đức, Hoàng ở Pháp, Thìn và Thảo ở Hà Nội và Phương Anh từ Sài Gòn.

Vì sao nước mình nghèo?
Trong chương trình lần trước, câu chuyện của chúng ta đang dừng lại ở ý kiến của Hoàng như sau:

“Khi hỏi tại sao đất nước mình nghèo vậy thì rất nhiều người, mà thậm chí em thấy lãnh đạo của mình cũng nói  là Việt Nam trải qua chiến tranh lâu quá.Bạn Hoàng

Hoàng: Khi nói về đất nước mình, hỏi tại sao đất nước mình nghèo vậy thì rất nhiều người, mà thậm chí em thấy lãnh đạo của mình cũng nói vậy, là Việt Nam trải qua chiến tranh lâu quá, bị chiến tranh tàn phá dữ quá, nhưng chưa bao giờ mà em nghe nói rằng thế mạnh của Việt Nam là chúng tôi đã có hơn 30 năm hòa bình. Trong khi nếu chị ở bên Đức thì chị biết rất rõ là Đức mới chỉ thống nhất từ năm 1989 thôi, nếu họ than như mình thì họ phải than gấp mười lần như vậy.

Mà điều em vừa nói, cái thói quen đó em nhớ là em đã được học ngay trong trường học, những bài lịch sử vẫn nói cho học sinh mình như thế. Hồi trước lúc học thì em không nghĩ, nhưng nếu bây giờ được phép đặt câu hỏi lại, em sẽ đặt câu hỏi với giáo viên em là: "Cô cần bao nhiêu năm nữa hoặc thầy cần bao nhiêu năm nữa để không nói là đất nước Việt Nam bị tàn phá vì chiến tranh nặng nề?". Em sẽ đặt câu hỏi đó và em tin rằng đó là câu hỏi rất khó chịu.

Khánh An: Hoàng có nhắc đến một so sánh thì chị Diệu là người đã ở Đức một thời gian, mặc dù hai xã hội đó hoàn toàn khác nhau nhưng chia sẻ điểm chung là sự chia rẽ Nam - Bắc và sau đó thống nhất, thì mời chị Diệu chia sẻ một chút xíu kinh nghiệm của chị khi ở bên Đức.

 Những người bán hàng rong tại Hà Nội, ảnh chụp năm 2008. AFP PHOTO.

Diệu: Ừ, mà nó cũng gắn với ý Hoàng vừa nói đó. Câu hỏi đó, những bài học lịch sử mà Hoàng đã học thì mình cũng được học y như vậy đó Hoàng ơi.

Mình nghĩ đó là một lối nói lấp đi sự thực mà nếu nói toạc móng heo ra thì chẳng phải mình bị chiến tranh tàn phá nhiều quá mà là vì lãnh đạo, tức là đường hướng của mình, nó quá tệ.

Bây giờ so sánh mình với Đức, bên Đức thì Đông và Tây khi bức tường Đông-Tây bị sụp đổ, tức là thống nhất đất nước, thì lối hành xử, hướng giải quyết vấn đề ở bên này hoàn toàn khác với Việt Nam.

Lúc nãy, Hoàng có nhắc tới là có rất nhiều người của Miền Nam VN bị đi cải tạo hay nói trắng ra là đi tù. Những thế hệ đó, những con người xuất sắc đó mà mình gặp bên này rất nhiều, họ đã bỏ Việt Nam ra đi, những cái đầu đó, những con tim đó, những con người xuất sắc đó vì không chịu nổi cái trại cải tạo và bỏ đi thì thật là đáng tiếc cho Việt Nam, vì nếu họ được ở lại và được cống hiến thì công cuộc xây dựng nước Việt Nam mình đã tuyệt vời hơn nhiều.

Điều đó cho thấy là ở bên Đức như vậy đó, tức là sau khi bức tường sụp đổ thì không có ai ở bên Đông Đức phải đi "học tập cải tạo" cả. Nó là một sự đi lên, còn như của mình như hồi nãy mình nói là đi lùi.

Bên Đức, sau khi bức tường sụp đổ thì đồng tiền bên Tây Đức có giá trị giống như đồng đôla, còn đồng tiền bên Đông Đức giống như một đồng VN, vậy mà người ta đổi một đồng VN lấy một đôla. Tức là bây giờ các bạn thử tưởng tượng coi, giả sử như Thìn đi làm một tháng được 2 triệu đồng VN và sau biến cố giải phóng hoặc thống nhất thì Thìn đi làm một tháng được lãnh 2 triệu đôla…

Khánh An: Thì không phải đi làm nữa!

Diệu: Thì nó giống giống như vậy đó. Rồi cho tới bây giờ nữa, tức là những người như mình hiện giờ cũng đang đi làm ở Đức, nó có một cái một chế độ nữa nằm trong chính sách cho toàn đất nước, gọi là tương trợ cho vùng Đông Đức, tức là mình đi làm thì mình phải đóng thuế 10% thu nhập của mình và 10% đó đổ qua Đông Đức để tái thiết và xây dựng lại Đông Đức. Cho nên bây giờ, chỉ sau một thời gian ngắn, khi mình đến thăm những thành phố bên Đông Đức, chợ, siêu thị, đường sá này nọ đã được nâng cấp lên khá đồng đều với bên Tây Đức. Đó, mình thấy cái khác nhau là nằm trong chính sách lãnh đạo, trong bước đi của hai đất nước là hoàn toàn khác nhau như vậy.

Niềm vui – nỗi buồn

“Em không phải là người Miền Nam nên em không tưởng tượng được rằng khi đánh đổ được cái đấy thì người Miền Nam lại chịu khổ đến như vậy.Bạn Thìn

Khánh An: Từ nãy giờ các bạn ở tại Việt Nam, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những chính sách và sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay, các bạn nghĩ như thế nào về những nhận xét vừa rồi của hai anh chị đại diện cho thế hệ 7X và 8X tại Đức và Pháp?

Thìn: Thực ra, ý kiến của các anh chị thì em cũng nghe nhưng mà thực sự bây giờ em mới được nghe trực tiếp những người ở Việt Nam nói về ngày 30 tháng 4, còn trước kia em chỉ nghe những người lớn người ta bàn luận về ngày 30 tháng 4, cũng không phải ai cũng đồng tình với ngày đấy và người ta cũng không đồng tình cái xã hội ở Miền Bắc này. Nhưng mà thực sự bây giờ, người Miền Bắc giống như em thì em rất tự hào về ngày 30 tháng 4 bởi vì ngày đấy mình đánh đuổi được hết sự đô hộ của nước khác.

Nhưng em không phải là người Miền Nam nên em không tưởng tượng được rằng khi đánh đổ được cái đấy thì người Miền Nam lại chịu khổ đến như vậy. Còn mọi người nói là, em không biết nói thế nào nữa… nhưng mà thực sự cái ngày 30 tháng 4 đấy thì đối với người Miền Nam thì nó… Thôi, em xin phép em nói sau được không ạ vì em không biết nói thế nào nữa.

 Bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn hôm 30/04/1975. AFP Photo.

 Khánh An: Cảm ơn Thìn. Còn hai bạn 9X, các bạn nghĩ như thế nào?

Phương Anh: Vâng. Cũng như anh Thìn, em lần đầu tiên cũng nghe ý kiến của hai anh chị nói về ngày 30 tháng 4 như thế. Thực sự đối với em thì hơi bỡ ngỡ, bất ngờ vì... em không biết nói thế nào…

Khánh An: Những điều mà lúc nãy các bạn đã chia sẻ là cái ngày đó là ngày đáng tự hào, ngày đó là ngày giải phóng, thống nhất đất nước… thì từ trước tới giờ, đã bao giờ bạn đặt câu hỏi là những điều bạn học có đúng hay không?

Thảo: Vâng. Cũng như chị Phương Anh, em ngày xưa học lịch sử thực sự rất khó khăn. Em không biết là do cách dạy hay là do cách học của học sinh, nhưng mà....

Thìn: Chị Khánh An, để em nói về điều này được không ạ?
Khánh An: Mời Thìn.

Thìn: Thực ra thì em thấy chị bảo là đặt câu hỏi có đúng hay không đấy, đối với em, khi em nghe thấy hai anh chị nói về vấn đề ngày 30 tháng 4 ở Miền Nam thì em mới biết, chứ còn thực ra trước kia, chú em cũng là giáo viên và cũng nhiều người nói về lịch sử ở Việt Nam và họ cũng không thích về cái ngày đấy. Họ nói là nếu cứ để chính quyền Ngô Đình Diệm nắm ở đấy thì tốt.

Nhưng mà đối với học sinh ở Việt Nam để đặt được câu hỏi lịch sử đấy có đúng hay không thì học sinh Việt Nam không làm được đâu chị ạ. Họ không làm được đâu! Giống như em, họ cũng chỉ tự hào về cái truyền thống đấy là của Việt Nam thôi chứ họ không thể đặt được câu hỏi lịch sử đấy có đúng hay không, và cái giáo dục ở Việt Nam nó mị dân cực kỳ luôn nên học sinh không thể đặt được câu hỏi đấy đâu ạ.

Diệu: Xin lỗi Khánh An. Điều mà Thìn vừa mới nói ra đó: Cái giáo dục mị dân, từ đó em dùng rất chính xác. Em học triết phải không?

Mình thấy là ở Việt Nam học lịch sử phải theo cái nhìn của đảng cộng sản thôi, tức là giống như hồi xưa mình đi học, hay có câu nói vui là "em hãy miêu tả ý kiến của cô về con mèo" chẳng hạn, tức là mình chỉ được nói về con mèo theo suy nghĩ của cô giáo. Cô giáo bảo nó có đuôi là nó có đuôi và nói nó có một lỗ tai là nó có một lỗ tai.

 Ở Việt Nam mình đã được học lịch sử và nhiều thứ học khác, nhất là triết học và chính trị lung tung, nó đều theo một quan điểm thôi và mình không có được nhìn từ nhiều phía khác nhau cho nên mình chỉ nhìn thấy được cái đuôi của con voi.

Gần đây, mình thấy rất là thú vị là không chỉ riêng những phản hồi lâu nay của Miền Nam mà những người đã từng rất tự hào và đã cống hiến rất là nhiều, tức là những người ở Miền Bắc, ví dụ như vừa rồi là nhạc sĩ Tô Hải, không biết Thìn và những người ở Miền Bắc có biết không, ông đã viết một cuốn hồi ký và bày tỏ ra những suy nghĩ thật sự về cuộc chiến, về niềm tự hào là người Việt Nam, về nỗi đau xót là mình đã đi vào cuộc chiến như vậy một cách mù quáng và một cách hèn nhát. Nếu được, mấy bạn chỉ cần lên online thì sẽ đọc được và lúc đó nhờ internet mình sẽ mở rộng được hơn kiến thức của mình và những cái gì mình nhận được trong trường vốn là những cái rất một chiều và phiến diện.

Tự hào?
“Em tự hào không phải vì mình đã đánh thắng quân này hay đánh thắng quân kia mà em tự hào theo cái nghĩa rất bình dân là em thấy máu của dân Việt Nam ngừng đổ.Bạn Hoàng

Khánh An: Bây giờ sau khi nhìn về những cái quá khứ thì mình muốn nói đến chuyện hiện tại. Đối với các bạn, hiện nay các bạn tự hào về cái gì ở đất nước của mình?

Phương Anh: Em nghĩ giống như là tự hào theo tính di truyền hay sao đó.
Khánh An: Tính di truyền là như thế nào em?

Phương Anh: Giống như là, ví dụ như trong gia đình em, nếu bây giờ chị hỏi tại sao thì em cũng không biết tại sao nữa, tại vì em không sống trong thời đại đó, những cái gì em nghe kể như là dân tộc ta trải qua rất nhiều đau khổ rồi thống nhất, giống như là vượt qua khó khăn vậy đó, nên nó có tính di truyền đi xuống, cảm thấy tự hào về dân tộc mình mà không có nắm rõ được những cái gì bên sâu bên trong đó. Hôm nay nghe chị Diệu rồi anh Hoàng và anh Thìn nói thì em mới bắt đầu có một số khái niệm gì đó.

Còn bây giờ thực sự thì em quản lý cái hộp mail của ông em nên lâu lâu cũng có một số thư giống như là, nếu mà xét theo cách nhìn của, em nghĩ là của công an hay sao đó, thì nó giống như là thư "phản động" và cũng có những vấn đề mà nó làm cho thực sự là rung lạc tinh thần rất là nhiều, vì nó nói giống như là Đảng có giấu một số gì đó và chỉ đưa ra những gì đã qua chọn lọc rồi, chứ không hề đưa ra tất cả, thì những thế hệ sau này chắc là không biết được sự thật của tất cả câu chuyện đó. Nhưng đọc thư em chỉ đọc lướt qua rồi cũng không có cảm giác gì nhiều, tại vì những gì ông bà em truyền lại thì em vẫn thấy tự hào về dân tộc mình, giống như là không có thắc mắc gì về điều đó.

Khánh An: Đó là một kinh nghiệm của bạn Phương Anh. Hồi lúc nãy hình như Thìn đang muốn nói điều gì, phải không Thìn?

 Giới trẻ, sinh viên Việt Nam tại một hội chợ về tin học năm 2010. Photo courtesy of phanvien.com

Thìn: Vâng. Thực ra, em nghĩ rằng xét về chiến tranh của Việt Nam thì em nghĩ là vẫn đáng tự hào, tự hào về chiến tranh Việt Nam, tự hào về truyền thống đánh giặc của Việt Nam, tự hào rằng trên thế giới chỉ có 6 vị tướng tài thì ở Việt Nam đã có 2 vị tướng tài.

 Chúng ta phải thừa nhận về truyền thống yêu nước đánh giặc của Việt Nam. Nhưng em không thấy rằng là ngày 30 tháng 4 thì theo người dân Việt Nam nói là ngày giải phóng nhưng những người khác thì nói là một cái mốc đau thương, nhiều người phải bỏ nước, nhiều người phải đi cải tạo, nhưng mà em không nghĩ thế, em chỉ nghĩ rằng nếu xét về chiến tranh thì em nghĩ rằng nên tự hào và đáng tự hào, chỉ trách là do cái đường lối sau này của đảng ta không đúng và không lãnh đạo được nhân dân ta để xây dựng đất nước đi lên.

Khánh An: Hoàng nghĩ như thế nào về ý kiến của Thìn?

Hoàng: Sau khi nhìn về lịch sử Việt Nam em cũng tự hào. Em tự hào không phải vì mình đã đánh thắng quân này hay đánh thắng quân kia mà em tự hào theo cái nghĩa rất bình dân là em thấy máu của dân Việt Nam ngừng đổ, không cần thiết phải đổ lâu như vậy. Đó là cái lớn lắm đó chị. Bởi vì dù sao chăng nữa, giai đoạn trước 75 vẫn là một giai đoạn nồi da xáo thịt, người Việt Nam giết người Việt Nam.

Bây giờ, nghĩ gần gần một tí là ít ra, bước qua giai đoạn đó, người Việt Nam bớt giết người Việt Nam, thì cái đó cũng là một cái, nói tự hào thì hơi quá nhưng cũng là một cái rất đáng vui chứ, một bước tiến, một ngã rẽ của lịch sử Việt Nam.

Bạn Thìn thì tự hào hơn nữa vì thế giới có 6 vị tướng tài thì Việt Nam có 2 người, có nghĩa là được 1/3, em thì không để ý lắm tới thành tích đó nhưng em chỉ muốn làm sao mà, vì dân Việt Nam mình khổ quá rồi, trong lịch sử đô hộ phương Bắc mấy ngàn năm, đánh Tây đánh Tàu, nên khổ quá rồi, bây giờ họ xứng đáng phải được hưởng hòa bình, họ xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, họ xứng đáng phải được tôn trọng. Bây giờ mình có hòa bình rồi, em nghĩ không cần thiết phải đi đấu đá hay là cải tạo nhau, em thấy những cái đó là những cái làm suy yếu sức mạnh của một dân tộc.

Em thì nhìn cái gì cũng rất thực tế, những cái mà một dân tộc cần trước hết là cuộc sống hạnh phúc mà trong đó con người được hưởng những cái mà đúng ra họ phải được hưởng. Chứ còn những việc, ví dụ như bây giờ mình tiến theo một hình thái xã hội này hay một hình thái xã hội khác, thì tất cả những điều ấy nó phải đi phục vụ lại cho con người, chứ không phải con người lao ra để khẳng định một học thuyết hay là khẳng định một hình thái xã hội. Em nghĩ vậy, em nghĩ con người Việt Nam đã quá khổ rồi, bây giờ họ phải là đỉnh cao của mọi hành động, của mọi mong muốn, đó là cái cần thiết cho Việt Nam, chứ còn Việt Nam có hai người tướng hay có nửa người tướng gì đó thì đối với em điều đó không quan trọng .

Diệu: Mình định chọc Thìn tại vì Thìn nói thế giới có 6 vị tướng tài thì Việt Nam có 2 vị đó, chọc Thìn cho vui thế thôi, nhưng cũng lưu ý cái đó cũng là do ảnh hưởng của truyền thông lên trên con người mình đó Thìn.

Truyền thông, báo chí của Việt Nam và giáo dục ở Việt Nam để lại cho mình, ý thức của mình ,vô thức và tiềm thức của mình một ảnh hưởng rất sâu đậm. Tại sao báo chí Việt Nam không nhắc tới là thế giới có bao nhiêu người đã lãnh giải Nobel mà sao Việt Nam mình không có ai?