Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Sự thực về ngành y tá

Sự thực về ngành y tá PDF Print E-mail
Tác Giả: Faiza Elmasry & Minh Anh   
Thứ Ba, 20 Tháng 4 Năm 2010 21:10

Qua việc xem truyền hình và phim ảnh, nhiều người đã có được rất nhiều thông tin về nhiều nghề nghiệp khác nhau.

 Tuy vậy đó lại là mối quan tâm rất lớn của những người làm nghề y tá, vốn phần lớn không thích những gì mà Hollywood mô tả về họ. Trong câu chuyện phụ nữ kỳ này, xin mời quí vị nghe tâm sự của một số người làm nghề y tá, một nghề được rất nhiều phụ nữ lựa chọn, cùng hoạt động của một tổ chức đang tìm cách vận động để các phương tiện truyền thông mô tả chân thực hơn về nghề này.

 Hình: photos.com
Nikkie Raleigh, là một nữ y tá tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, cô nhớ lại lần đưa cháu gái mình đi xem một bộ phim trong đó có một nhân vật là nữ y tá. 

“Trong bộ phim có cảnh một bé gái đang hấp hối. Đó là một cảnh đáng buồn vậy mà người y tá lại đến nói với gia đình một cách cộc lốc “giờ thăm bệnh nhân đã hết, quí vị nên về nhà đi”. Và rồi cô ta rời khỏi phòng. Tôi tự nghĩ, “Trời ơi, liệu cháu gái tôi có nghĩ điều này xảy ra trên thực tế hay không, và liệu có phải tất cả mọi y tá đều như vậy và đó có phải là cách mà chúng tôi đối xử với bệnh nhân hay không?' Tôi cảm thấy buồn và hổ thẹn trước mặt cháu gái mình.”

Theo một đồng nghiệp của cô Raleigh, cô Niesa Ernest, thì nhiều hình ảnh mô tả về y tá trên truyền hình cũng không tốt đẹp hơn là bao.

Niesa Ernest: “Hiện có khoảng 2,9 triệu y tá và khoảng 790.000 y sĩ trên khắp nước Mỹ. Tuy vậy khi mà quí vị xem các chương trình truyền hình, quí vị có thể thấy các y sĩ làm tất cả mọi việc mà y tá thường làm. Y tá là những người lấy mẫu xét nghiệm, y tá là những người đưa bệnh nhân đi xét lấy mẫu xét nghiệm và đảm bảo rằng mọi quá trình được thực hiện một cách thích hợp. Tôi không thấy những điều đó trên truyền hình.”

Bà Diệp Phạm, người đã có 25 năm kinh nghiệm trong ngành y tá, là chủ tịch Hiệp hội Y tá Người Việt tại Mỹ có trụ sở tại California, bà cũng đang giảng dạy ngành y tá tại trường Cao đẳng Golden West ở Huntington Beach. Bà cho rằng nhiều chương trình truyền hình hay phim ảnh ở Mỹ không hiểu rõ những công việc cụ thể của người y tá mà chỉ tập trung vào y, bác sĩ. Bà Diệp nhận định rằng truyền thông có ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của mọi người về nghề nghiệp này. Vì vậy bà mong rằng các chương trình truyền hình hay các bộ của Hollywood có thể mô tả nghề y tá một cách chân thực giống như đoạn quảng cáo thương mại của Johnson & Johnson:

Diệp Phạm: “Không biết quí vị đã xem qua chưa, nhưng tôi thấy Johnson & Johnson có một đoạn phim quảng cáo rất tuyệt vời về những người y tá, bởi vì những người y tá không chỉ làm ở trong bệnh viện, mà chúng tôi còn làm nhiều điều khác nữa. Quí vị có thể làm một nhà giáo, giống như tôi, quí vị có thể làm việc ở bệnh viện trong những môi trường khác nhau. Có nhiều khía cạnh của ngành y tá mà nhiều người không biết tới, và có một số bộ phận đòi hỏi phải trải qua nhiều quá trình đào tạo ở cấp cao gọi là chuyên viên điều dưỡng mà tôi thấy vẫn chưa được giới truyền thông mô tả đúng mức.”

Một nhóm sinh viên đã sáng lập tổ chức có tên gọi Sự thực về Nghề Y tá cách nay 9 năm để khuyến khích giới truyền thông mô tả hình ảnh về y tá một cách thực tế hơn.  Năm nay tổ chức này đã công bố danh sách “Giải thưởng Thập niên” – là các giải thưởng dành cho những chương trình truyền thông mô tả tốt nhất hay tệ nhất về ngành y tá kể từ năm 2000.  Người đồng sáng lập và là Giám đốc Điều hành của Tổ chức Sự thực về Ngành Y tá, bà Sandy Summers, nói rằng show truyền hình mang tên Mercy của kênh NBC đứng đầu danh sách nhận giải. 

Sandy Summers: “Đó là một show truyền hình tuyệt vời về ngành y tá. Các y tá đóng vai trò trung tâm trong việc chăm sóc người bệnh. Họ là những người tận tình ủng hộ cho bệnh nhân, họ rất kiên trì. Họ cố gắng làm nhiều hơn yêu cầu  để bảo đảm rằng bệnh nhân của họ có được những gì họ cần  để họ có thể vượt qua được cái chết hay nếu họ không chiến thắng nổi bệnh tật thì đó sẽ là một sự ra đi thanh thản."

Bà Coleen McGuinness là người biên tập nội dung cho loạt chương trình truyền hình này.  Bà nói rằng những người viết kịch bản muốn bảo đảm rằng các nhân vật trong show có một cuộc sống thực.

Coleen McGuinness: “Chúng tôi nói chuyện với các y tá về cách giải quyết những tình huống vô cùng khó khăn của họ – quí vị biết đấy, trường hợp các bệnh nhân qua đời, ngày nào cũng phải chứng kiến những chuyện buồn lòng đó – nhưng rồi họ phải làm sao để có thể, giống như là, gác lại một bên và tiếp tục cuộc sống của mình. Đó là những gì chúng tôi muốn đưa vào show này. Tất nhiên, một điều nữa mà chúng tôi đang tìm cách thực hiện là có một số chuyên gia tư vấn cả trên thực tế lẫn trong phòng viết kịch bản – như các bác sĩ, y tá những người có thể kể cho chúng tôi những câu chuyện đời thực của họ và kể cho chúng tôi một cách chính xác những gì có thể sẽ diễn ra, để chúng tôi có thể mô tả càng chân thực càng tốt.”

Show truyền hình mang tên Y tá Jackie – Nurse Jackie cũng là một show khác mô tả hình ảnh chính xác về y tá.

Sandy Summers: “Jackie là một y tá tuyệt vời, mặc dù bản thân cô ấy có một vài khiếm khuyết, cô ấy là một người nghiện hút. Có những y tá nghiện hút, đó là thực tế mà chúng ta phải đối mặt và phải làm một điều gì đó để giải quyết vấn đề này. Vì vậy chúng ta không thể nói điều đó là không đúng thực tế, nhưng tất nhiên không phải tất cả các y tá đều nghiện hút. Show truyền hình không nhấn mạnh nhiều đến việc cô ấy nghiện hút mà nhấn mạnh đến kỹ năng cứu người của cô ấy và những biện pháp can thiệp của cô ấy đối với bệnh nhân. Cô ấy là người không sợ hãi trong việc vận động cho bệnh nhân cũng như bảo vệ họ, và cô ấy làm tất cả những gì có thể để họ được chăm sóc một cách tốt nhất, bất kể bệnh nhân mà cô ấy chăm sóc là ai."

Richie Jackson là giám đốc sản xuất. Ông nói rằng ông rất vui khi thấy tổ chức Sự thực về Nghề Y tá công nhận tính trung thực về Y tá Jackie

Richie Jackson: “Mục đích của chúng tôi khi mô tả y tá là làm sao mô tả một cách càng xác thực càng tốt. Chúng tôi khởi đầu với ý tưởng là show này nên nói về y tá, và các nhân viên y tá không phải là những người chỉ trợ giúp các bác sĩ. Những gì mà chúng tôi tìm cách mô tả là cách mà Jackie và những y tá khác xử lý những tình huống vô cùng đặc biệt, họ chỉ là những người bình thường như bao người khác và thật khó để có thể tưởng tượng về một công việc nơi mà hàng ngày ta phải chứng kiến sự sống hay cái chết."

Một số những show truyền hình bi kịch về bệnh viện được nhiều người xem là Grey's Anatomy and Private Practice của ABC và House của Fox – nằm trong danh sách show trình truyền hình Tệ nhất Thập niên. Theo bà Sandy Summers thì vấn đề là ở chỗ quan niệm của những show này đã quá lỗi thời. 

Sandy Summers: “Họ dàn dựng show nơi có khoảng 10 nhân vật là y sĩ và chẳng có nhân vật nào là y tá. Tuy nhiên nếu quí vị dự định mô tả một bệnh viện và các hoạt động chăm sóc y tế diễn ra trong bệnh viện này, thì quí vị không thể nào lột tả được toàn bộ câu chuyện về những gì xảy ra cho bệnh nhân nếu không có các nhân vật y tá chăm sóc cho bệnh nhân”

Và khi có mô tả về sự chăm sóc thì theo bà Summers, những chương trình này thường không phản ánh tới khía cạnh giáo dục và chuyên môn của những y tá ngày nay. Bà nói rằng nếu những điều này không thay đổi thì sẽ không thể thu hút được sinh viên, những người muốn theo đuổi ngành này.  

Còn bà Diệp Phạm khuyên những người muốn trở thành y tá hay nhân viên điều dưỡng thì hãy tìm hiểu thông tin từ nhiều nơi, như trên mạng Internet, còn các bạn trẻ nếu thực sự muốn biết tường tận về việc làm của các nhân viên điều dưỡng thì nên tham gia các chương trình hướng nghiệp ví dụ như chương trình dành cho học sinh trung học. Những chương trình này đôi khi kết hợp với các bệnh viện và làm việc trực tiếp với các y tá ở những khoa khác nhau, vì vậy mà những ai muốn trở thành y tá sẽ có khái niệm chính xác về ngành này.

Bà Diệp nói rằng sau 25 năm làm nghề y tá, bà vô cùng yêu thích công việc này và nếu bắt đầu lại từ đầu bà cũng sẽ chọn ngành này.