Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Rộn ràng bánh tráng chào Xuân

Rộn ràng bánh tráng chào Xuân PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài và Hình: Cat Tường / Người Việt   
Thứ Sáu, 26 Tháng 2 Năm 2010 14:45

Thăm 'làng bánh tráng' số Một miền Tây

THỐT NỐT, Cần Thơ - Mỗi năm, khi Tết đến Xuân về, các làng quê miền Nam rộn ràng sinh khí vui tươi, trong đó nổi bật nhất là... tráng bánh. Hình như xóm nào, làng nào cũng có năm ba nhà đỏ lửa bếp lò với vài ba người cặm cụi trong công việc hình thành chiếc bánh màu trắng có hình vầng trăng mười sáu. Vừa làm việc họ vừa tâm tình những câu chuyện buồn vui trong suốt năm qua, giống như khi làm công việc gói bánh tét ăn Tết.

Cô Nguyễn Thị Loan (35 tuổi, khu vực Ðông Bình, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) tất bật với công việc tráng bánh ăn Tết từ mấy ngày qua. Bên bếp gạch xây, cô nhanh tay múc bột, tráng tròn một lớp mỏng vừa trên tấm vải dầy căng tròn miệng chảo tỏa đầy hơi nước. Cô vừa giở nắp vung vừa dùng thẻ tre gỡ nhẹ một góc bánh vừa chín tới cho người ngồi đối diện cuốn vào ống nhựa tròn khá to trước khi “dán” bánh lên vỉ chờ phơi. Công việc khá nhẹ nhàng và diễn ra nhanh liên tục như trình tự được sắp xếp một cách khoa học. Cô Loan cho biết mỗi ngày cô tráng được 2 thiên (2,000) bánh, với 40 ký gạo. Lái tới tận nhà lấy giá sỉ 40,000 đồng/100 bánh. Càng gần Tết số lượng bánh tráng càng nhiều, cô phải mướn người tráng giúp, 70,000 đồng/ngày; người “chạy vỉ” (phơi bánh), 30,000 đồng-40,000 đồng/ngày. Ðể làm công việc này, cô và các cộng sự phải thức dậy từ 4 giờ khuya, làm tới 4 giờ chiều mới nghỉ. Ðó là khoảng thời gian tối ưu để có những chiếc bánh tráng dai. “Bí quyết,” vì đó thời điểm có nắng. Nắng càng tốt, bánh càng dai, ngon không chê vào đâu được. Tráng bánh là nghề nghiệp của cô từ khi còn “nhỏ híu,” hồi ở Thuận Hưng quê nhà trước khi về làm dâu xứ này.

Càng gần Tết số lượng bánh tráng càng nhiều, có người phải mướn người tráng giúp, 70,000 đồng/ngày; người “chạy vỉ” (phơi bánh), 30,000 đồng-40,000 đồng/ngày.

 Thuận Hưng là một phường của quận Thốt Nốt, nằm bên kia sông Hậu, đối diện cù lao Tân Lộc. Ðây là một làng “đại gia” sản xuất bánh tráng nổi tiếng không chỉ của Cần Thơ. Tới đây, vào lúc hửng sáng trở đi, đều thấy cảnh nhà nhà tráng bánh, bất kể là “ngày” nào trong năm. Cô Loan ước tính làng quê xưa của cô có chừng 300 nhà làm bánh tráng. Làng nghề bánh tráng bắt đầu xuất hiện tại Thuận Hưng hơn nửa thế kỷ nay, với vài ba gia đình tráng bánh ăn Tết. Về sau, nhờ bánh ngon nên danh thơm lan tỏa khắp nơi, người ta ùn ùn tới đặt hàng, làm không xuể, các nhà lân cận thấy “ham” bèn mở lò kiếm ăn. Từ đó, bánh tráng Thuận Hưng không chỉ “nở lớn” ra Long Xuyên, Châu Ðốc (An Giang), mà còn xuất theo đường tiểu ngạch sang Cambodia. Với giọng nói đầy tự hào, cô Loan kể: “Bánh tráng Thuận Hưng có 4 loại: bánh dịu, bánh xốp, bánh nem và bánh dừa. Loại nào cũng ngon hết chụi (trọi).” Rồi cô phân tích: “Bánh dịu còn gọi là bánh mặn vì nêm nhiều muối, để được lâu so với bánh xốp (còn gọi bánh lạt) ít muối. Bánh nem là loại bánh tròn nhỏ đường kính khoảng 2 tấc Tây. Loại này dùng cuốn bì, gỏi hoặc làm chả giò rất tiện. Ðặc biệt, bánh dừa rất béo bùi, vì có thêm mè và nước cốt dừa. Loại này dùng để nhai chơi những khi “buồn miệng.” Càng nhai càng “bắt ngây,” nhứt là những lúc “trà dư tửu hậu” của những ngày Tết vui vẻ, sum vầy.”

Nổi tiếng nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long có lẽ là bánh tráng Mỹ Lồng (Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre). Câu hát: “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Ðốc” vang danh từ lâu đã khẳng định điều đó. Ðây là đặc sản, niềm tự hào của người dân xứ dừa Bến Tre. Mỹ Lồng nổi danh nhất là bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, mới đặt lên lò than đã tỏa hương thơm lừng. Bánh tráng dừa có ba loại: bánh đặc biệt có sữa, trứng gà, dừa; bánh ngang chỉ có dừa không sữa; bánh sữa không dừa... Bánh tráng nem Mỹ Lồng rất được khách hàng ưa chuộng vì vừa mỏng vừa dai, vừa cuốn, cuốn không bị “lỗi” (rách). Ðến đây vào lúc đang tráng bánh, ai cũng sẽ được gia chủ niềm nở mời thưởng thức bánh vừa mới ra lò. Cuộn tròn chiếc bánh hình ống, cắn một miếng nóng hổi môi miệng. Càng nhai càng nghe hương vị những tinh bột gạo dai dai, nước cốt dừa beo béo tỏa lan khắp chân răng. Ăn hai cái bánh no khỏi ăn cơm.

Gần Tết, làng bánh tráng Phú Thành (Cù lao Mây, Trà Ôn, Vĩnh Long) “sôi” hẳn lên với khoảng 70 gia đình làm nghề. Dài hai bên lộ chính đầy những vỉ bánh phơi. Ði ngang, nghe tiếng bánh “se mình khô” trong ánh nắng nhiệt đới tưởng tiếng mưa rơi trên mái lá.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương (64 tuổi) là cư dân cố cựu ở Phú Thành, kế tục nghề tráng bánh từ ông bà ngoại bà. Ðể tráng bánh, bà Hương thường dùng bột gạo Thần Nông, nhưng dùng gạo lúa mùa cho những đơn đặt hàng đặc biệt. Gạo được xay ủ trước 2-3 bữa, để đó, tráng dần. Bà chia sẻ: “Khi xay, gạo pha lỏng với muối theo tỷ lệ hợp lý sẽ có chiếc bánh dẻo, ít bị bể và tráng mỏng như ý.” Bà Hương tráng bánh với sự góp sức của cô con dâu. Từ xứ khác về đây giúp việc má chồng, cô gái ấy đâm mê cái nghề “hừng hực hơi nóng bếp lò” luôn. Vừa đem vỉ ra lộ phơi, cô dâu bà Hương vừa phân tích: vỉ “dán” bánh làm bằng lùn giồng, không dùng lùn nước. Lùn giồng được làm thành mặt vỉ cong như vành trăng khuyết, và giữ chặt bằng hai thanh tre xiêm. Vỉ có bề ngang chừng 4,5 tấc (vừa lớn hơn chiếc bánh tráng), dài khoảng 2 thước, đủ phơi 5 bánh. Xài lâu ngày, lùn giồng “lên nước” bóng lưỡng, có màu nâu sậm, trông cứ như được làm bằng dây mây. Bà Hương tiếp lời cô dâu, nhà bà tự đương lấy vỉ. Vỉ sử dụng được 4-5 năm. Rồi bà chê vỉ làm từ lá dừa nước chỉ xài được một mùa. Nhà bà Hương có đến 120 vỉ phơi bánh bằng lùn giồng. Bánh phơi khô, cứ 100 bánh cột gọn lại bằng dây lát. Bánh cột bằng giây lát “sát” hơn, đẹp hơn và “dân dã” hơn cột bằng dây nylon.

Ông Phan Văn Hóa (54 tuổi) nhà gần bên nhà bà Hương cũng là người kế thừa nghề này từ ông bà ngoại ông. Ông thố lộ đó là cái nghề của một làng nghề có niên kỷ hàng trăm năm. Thuở đó, đây là nghề kiếm thêm “tiền chợ,” vì phần lớn dân làng sống bằng nghề làm vườn. Càng ngày, nghề làm bánh tráng Phú Thành càng được khách hàng ưa chuộng, nên thị trường mở rộng, bán trong nước và cả nước ngoài. Ðể thâm nhập thị trường ngoài nước nhiều hơn, bánh không sử dụng hóa chất làm trắng, dai, nhất là quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðạt được những tiêu chí ấy, bánh tráng Phú Thành đã đăng ký nhãn hiệu và đăng ký mã số mã vạch, tạo thuận lợi trên thương trường.

Càng gần Tết, các làng bánh tráng càng “làm không kịp thở,” “không hở tay” vì nhu cầu gấp rút. Mệt nhưng vui.

Cô gái bán bánh tráng bánh phồng dạo “ngoài tươi trong héo” với xấp bánh phồng nếp trên tay.

Cũng “mệt mà vui” là những sạp bán bánh tráng Tết, với những chồng bánh tráng cao như núi. Người mua tấp nập chen vai để có thứ bánh “quốc hồn quốc túy” đậm đà bản sắc Việt Nam dùng trong mấy ngày Tết. Nhưng bên cạnh niền vui ấy, còn có hình ảnh đáng thương của những cô gái nông thôn nghèo, thất học, “lang thang” dài theo các con đường đông khách hoặc các bến đò ngang kiếm sống qua ngày với một ít bánh tráng, bánh phồng trên tay. Cô gái bán loại “bánh Tết” này tại bến đò Trung Kiên (Thốt Nốt) vào những ngày cận Tết, nhất quyết không cho chụp ảnh, tất nhiên chẳng tiết lộ danh tánh. Cô chỉ cho biết mình bán ba loại: bánh tráng ngọt (7,000 đồng/chục), bánh mè lạt và bánh phồng nếp (10,000 đồng/chục). Cô nói bánh phồng không cần nướng trên lửa rơm mà nướng trên lửa than, lửa gas vẫn “chuồi” như thường. Hỏi một ngày bán được bao nhiêu tiền lời, cô cười e thẹn: “Ði mỏi giò sáng giờ (xế trưa) mới được mấy chục, hổng đủ bỏ bụng!” Hỏi, ăn Tết ra sao, cô buồn ra mặt: “Bữa nay còn 1 tuần nữa là Tết mà ‘bèo bọt’ vầy thì Tết mần chi cho ‘cực’!” Lời than buồn như nhát dao chém vào cuộc sống, hèn gì cô giấu kín thân thế mình!