Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Sài Gòn cuối năm, nói chuyện ‘cầm đồ’

Sài Gòn cuối năm, nói chuyện ‘cầm đồ’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Phóng sự của Văn Lang/Người Việt   
Thứ Ba, 09 Tháng 2 Năm 2010 15:28
 Ðồ cầm đi thì dễ, lấy về thì khó’

Có lẽ không đâu như ở Sài Gòn, kiếm quán nhậu, quán cà-phê và tiệm cầm đồ dễ như là... ăn gỏi!

Gần như bất cứ con đường nào của Sài Gòn cũng có tiệm cầm đồ. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Dạo quanh mấy quận ven Sài Gòn như quận 8, quận 4, quận Gò Vấp, hay mấy quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5 đều dễ dàng tìm thấy bảng hiệu của mấy tiệm cầm đồ.

Ðặc biệt nhất là quanh mấy khu chợ như chợ Bà Chiểu, thì càng dễ dàng nhìn thấy bảng tiệm cầm đồ treo cao. Hầu hết các tiệm vàng ở Sài Gòn ngoài việc kinh doanh vàng, bạc, đá quý, còn kiêm luôn dịch vụ đổi đô la và cầm đồ với những mặt hàng có giá trị cao.

Theo thống kê chính thức thì Sài Gòn có gần 3,000 tiệm cầm đồ có giấy phép kinh doanh. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì con số tiệm cầm đồ không có giấy phép kinh doanh và hoạt động theo thời vụ là khá nhiều.

Thường những tiệm không bảng hiệu này hoạt động trong các khu dân cư nghèo, dựa trên sự quen biết lẫn nhau và công việc diễn ra theo thỏa thuận miệng. Nếu có xảy ra tranh chấp “hợp đồng” thì xử theo “luật giang hồ.” Ðặc biệt là vào cao điểm của mùa cá độ đá banh như mùa World Cup 2010 sắp diễn ra, thì sẽ có không ít tay có “máu mặt” nhảy ra làm dịch vụ cầm đồ, theo kiểu cầm “tất tần tật” cho các con bạc đang máu me. Dĩ nhiên kiểu cầm đồ ăn theo dịch vụ cá độ này sẽ có một lãi suất “cắt cổ” và thường là món đồ cầm trong cơn “nóng máu” của các khổ chú sẽ sớm bay theo các chân sút của mùa World Cup.

Tiệm nào cũng quảng cáo lãi suất thấp, nhưng bước vào thì chẳng thấp tí nào. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

 Việc ghi danh vụ mở một tiệm cầm đồ ở Sài Gòn không khó, chỉ cần tới phòng kinh doanh quận (nơi chủ nhân có hộ khẩu thường trú) mua một bộ hồ sơ với giá từ 3 ngàn tới 5 ngàn đồng, điền đầy đủ thủ tục xin phép kinh doanh rồi nộp chờ Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư cấp phép (không quá 15 ngày). Chỉ cần số vốn khoảng 150 triệu đồng Việt Nam ($8,000) là người ta đã nghiễm nhiên trở thành chủ của một tiệm cầm đồ.

Nhưng với chủ tiệm cầm đồ tại gia (không giấy phép thì số tiền chỉ cần 1/5 - khoảng 30 triệu) là đã làm ăn được rồi. Còn với một tay giang hồ có máu mặt thì chỉ cần từ 3 tới 5 triệu là đủ để mở một dịch vụ cầm đồ “di động” kiêm “bảo kê” cho các hoạt động mùa World Cup.

Dịch vụ cầm đồ không xa lạ gì trong lịch sử nhân loại. Ðọc sách hoặc xem phim ta sẽ thấy cuộc đời của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ thủa hàn vi, nhất là lúc còn sinh viên đều ít nhiều phải có lần lui tới tiệm cầm đồ.

Sài Gòn ngày nay cũng vậy, đã là sinh viên (nhất là sinh viên nghèo ở tỉnh) có mấy ai tránh được sự “cám dỗ” của tiệm cầm đồ?!

Sinh viên thì 'viêm màng túi' quanh năm đâu cần phải kể tới mùa World Cup. Chỉ cần gia đình chậm gởi tiền, hoặc phải có khoản chi đột xuất thế là liếc qua một cái xem có cái gì cầm cố cho qua cơn đói lòng.

Một cậu sinh viên cho biết, bí quá thì ngay cả thẻ sinh viên cũng có thể đem cầm được. Còn với các cựu sinh viên đã tốt nghiệp trong khi chờ chạy việc thì cầm cố giấy tờ xe, hay tấm bằng tốt nghiệp cũng là một thứ cầm cố được...

Nếu như thị trường tài chánh Việt Nam sau cơn sốt những năm 2006-2007 và bây giờ đã xẹp, lãi suất ngân hàng bị khống chế ở mức không vượt quá 10.50% một năm thì với lãi suất cầm đồ là... vô tội vạ. Tuy Việt Nam có những quy định cụ thể như lãi suất không vượt quá 3% một tháng và không vượt quá 0.3% một ngày nếu thời hạn cầm đồ dưới mười ngày. Nhưng trên thực tế vì tiệm cầm đồ không ai kiểm soát dù có phép hay không có phép nên lãi suất và thời hạn hợp đồng do chủ tiệm tự ý áp đặt và người đi cầm đồ giống người đi vay nóng thường phải è cổ ra chấp nhận.

Thông thường, nhìn bảng quảng cáo trước tiệm cầm đồ luôn thất rất dễ chịu, như cầm đồ lãi suất thấp, thủ tục đơn giản dễ dàng, nhiều nơi ghi là 3% hoặc 4%, nhưng khi khách hàng đặt chân vào mấy cửa tiệm cầm đồ “dao lam” mài sẵn này mới biết mình “bé cái lầm” vì 3 hoặc 4% ở đây là lãi suất tuần chứ không phải tháng.

Như vậy lãi suất tháng có thể thành ra là từ 10 tới 15% (tùy món hàng) và cứ trả trễ một ngày thì tính thành một tuần và nếu ngày trễ thuộc tuần thứ ba thì tính tròn là một tháng. Chưa kể với những hàng “dễ vỡ” như điện thoại di động hoặc Laptop thì thời gian đáo hạn chỉ có hai tuần, mặc dù ghi là 15 ngày, nhưng tới ngày thứ 14 đã phải trả nếu trễ bị chủ tiệm bị 'thanh lý' hàng ráng chịu. Nhiều tay quen ra vô chốn cầm đồ lâu ngày mới nghiệm ra một “chân lý” đồ cầm đi thì dễ, lấy về thì khó, vì có chuộc ra rồi nó cũng vô trở lại tiệm vì đã có “huôn.”

Thêm nữa, tại Việt Nam vì sự thiếu kiểm soát do vậy cũng có những chủ tiệm mánh lới ép khách hàng như bán mất hàng của khách trước thời hạn, đánh tráo hàng... Ngược lại, thì bọn trộm cắp cũng thường dùng giấy tờ giả để đem xe mà chúng trộm cắp được mang cầm, dĩ nhiên chẳng bao giờ chúng thèm chuộc lại, đơn giản vì đem cầm xe thì được giá và dễ hơn là đem xe đi bán.

Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn,” các tiệm cầm đồ cũng có mối bán xe cho các tay buôn xe lậu mà không cần chủ xe ký tên. Do vậy, ngoài việc là nạn nhân của bọn trộm cướp, các tiệm cầm đồ cũng dễ trở thành khâu trung gian cho giới xã hội đen hoành hành...