Chuyện thiền PDF Print E-mail
Tác Giả: Doãn Quốc Sĩ   
Thứ Ba, 01 Tháng 12 Năm 2009 09:04

Vào thời Tetsugen sống, kinh Phật chỉ mới có ở Tàu mà chưa hề được ấn tống tại Nhật.

Tetsugen quyết định đi hết tỉnh này đến tỉnh khác quyên tiền để chuẩn bị in kinh Phật bằng mộc bản.
 
Sau mười năm lặn lội vất vả đi khắp nước Nhật, Tetsugen thấy rằng số tiền quyên được đã đủ. Nhưng việc cho khắc gỗ vừa sắp bắt đầu thì xảy ra vụ thiên tai nước lụt lớn, mùa màng hỏng sạch, dân chúng bị đói. Tetsugen dùng số tiền quyên góp trong mười năm qua mua gạo phát chẩn cứu dân đói.

Sau đó Tetsugen lại đi quyên lần nữa cho việc dự định ấn hành kinh Phật. Ít lâu sau số tiền quyên cũng tạm đủ như lần trước. Lần này khắp nước Nhật bị dịch thời khí. Hàng ngàn gia đình không thể sống qua ngày được nếu không được cứu trợ. Tetsugen lại đổ số tiền quyên được ra giúp đỡ đồng bào bị dịch thời khí.

Khi tai qua nạn khỏi xong xuôi Tetsugen khởi sự công cuộc lận đận đi quyên tiền lần thứ ba. Lần này ước nguyện của Tetsugen mới được thành tựu và Tetsugen nhắm mắt lìa đời, hài lòng.

Những người hiểu biết đều bảo nhau rằng kinh Phật của Tetsugen như vậy đã được ấn bản ba lần lận, những ấn bản hai lần trước tuy chẳng ai đọc được nhưng giá trị xem ra lại vượt xa lần ấn hành sau cùng.

********

Thiền sư Shichiri đang tụng Ðại tạng kinh thì một tên trộm lẻn vào, dí con dao nhọn sau lưng và hỏi tiền đâu. Shichiri đáp: ”Tiền để trong hộp phía trước kia kìa.” Ðọan tiếp tục đọc kinh. Tên trộm sắp sửa ra đi Shichiri nói: ”Để lại ta ít tiền, ta còn phải trả thuế, sớm mai người ta đã thu rồi”.
 
Tên trộm (cũng rất thiền) để lại ít tiền rồi sửa soạn bước ra khỏi cửa.

Shichiri hỏi: ”Người không biết cám ơn khi được ai tặng chút gì ư?”

Tên kẻ trộm bèn cám ơn rồi đi.

Mấy ngày sau tên trộm bị bắt. Trong lời thú tội, y có thú cả việc đến lấy tiền của Shichiri. Nhưng Shichiri khai với quan trên:

“Tôi có tặng hắn ít tiền và hắn cám ơn lại tôi. Sự thực chỉ có vậy!”

Tên trộm vẫn bị đi tù về những tội ăn trộm khác. Mãn tù,hắn tìm đến Shichiri nói:

“Xin ngài hãy nhận con làm môn đệ của ngài!”.

********

Hai nhà sư Tanzan và Ekido hôm đó đi xuống phố, đường mưa trơn lầy lội. Cả hai gặp một thiếu nữ xinh đẹp ăn mặc lụa là đương ngại ngùng không biết làm sao qua đường lầy  lội.

“ Lại đây cô, tôi sẽ giúp cô qua đường ”.

Tanzan nói  vậy rồi  bế cô trên  hai tay và mang sang đặt bên kia đường. Rồi cả hai tiếp tục đi, không nói năng gì với nhau  nửa  lời. Chiều tối, khi cả hai đã cùng trở lại thiền viện, tới lúc đó Ekido không thể nhịn được nữa, mới thốt lên:

“ Ðã xuất gia tu hành sao gần đàn bà, nhất là lại bế cô con gái đẹp như thế. Tại sao đạo hữu có thể làm như vậy cơ chứ! ”
 
“ Quý đạo hữu ơi – Tanzan ôn tồn đáp – tôi đã đặt cô gái đó xuống, ngay khi giúp cô ta qua con đường lầy lội, có ai ngờ đạo hữu vẫn còn cõng cô ta về thiền viện này.”

********

Hồi Thiền sư Ikkyu còn là một thiền sinh nhỏ tuổi, một hôm đánh vỡ chiếc chén cổ là đồ gia bảo của thầy, trong lòng lo sợ lắm. Vừa lúc đó nghe có tiếng bước chân thầy tớI, Ikkyu vội dấu những mảnh vỡ sau vạt áo.

“ Thưa thầy – Ikkyu cung kính hỏi - tại sao vạn vật lại có lúc phải hủy diệt? “

“ Hữu hình tất hữu hoại – thày đáp – đó là lẽ đương nhiên trong tạo vật. người nào, vật nào bất luận cái gì có tụ tất có ngày tán, có sinh tất có ngày diệt! “

Lúc đó Ikkyu mới chìa mấy mảnh chén vỡ ra mà rằng:

“ Thưa thày hôm nay chiếc chén của thày cũng vừa tới số bị hủy diệt mất rồi!“

********

Một chàng ngự lâm quân kiêu dũng nọ tới gặp một vị Thiền sư, hỏi:

“ Thưa Thiền sư, xin người cho hay có thực là có thiên đường và địa ngục hay không ?”

Vị Thiền sư hỏi lại:

“ Ngươi là ai vậy ?”

“ Thưa tôi là ngự lâm quân của đấng vua chí tôn.”

“ Vô lý! Nhà vua nào mà nhận ngươi làm ngự lâm quân. Ta trông nhà ngươi thực chẳng khác một tên ăn mày!”

Nghe tới đó chàng ngự lâm quân vỗ vỗ lên thanh gươm lớn đeo bên mình, đôi mắt sòng sọc.

Vị Thiền sư cười ngất:

“ Ha ha, ngươi lại đeo gươm đeo ghiếc nữa cơ à, thanh gươm cùn nhút đó cắt đứt nổi cổ ai? ”

Tới đây chàng ngự lâm quân không dằn lòng được nữa, chàng rút phắt thanh gươm ra, vung lên.

Vị Thiền sư gật gù tiếp:

“ Giờ thì ngươi đã hiểu được phân nửa câu giải đáp: ngươi đương mở cửa địa ngục!“

Người ngự lâm quân rút vội tay về, tra gươm vào vỏ và kính cẩn cúi đầu. Thiền sư tiếp:

“ Giờ thì ngươi hiểu nốt phân nửa kia của câu giải đáp: ngươi đã mở cửa thiên đàng!”
 
( Trích tác phẩm Vào Thiền của nhà văn Doãn Quốc Sỹ )