Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Ðời vắng em rồi...

Ðời vắng em rồi... PDF Print E-mail
Tác Giả: Quỳng Giao   
Thứ Năm, 15 Tháng 10 Năm 2009 20:30

Arthur Miller là kịch tác gia thuộc loại lẫy lừng nhất của nghệ thuật sân khấu Hoa Kỳ. Ông sinh năm 1915, sống rất thọ là gần 90 tuổi, và tạ thế cũng gần đây thôi, vào đầu năm 2005.

 Arhur Miller và Marylin Monroe với tập bản thảo của vở ‘A View From the Bridge’

Những người chưa quen với xã hội Hoa Kỳ thường đánh giá thấp nước Mỹ về văn hóa hay nghệ thuật nên đôi khi không thấy được vị trí rất lớn của Arthur Miller trong một lãnh vực cũng rất huy hoàng là sân khấu kịch nghệ Mỹ. Ông là ngôi sao rực rỡ của một bộ môn đầy trí não và đòi hỏi một trình độ nghệ thuật rất cao là kịch nghệ. Với người am hiểu thì Arthur Miller là một dấu mốc vĩ đại của thoại kịch Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Khi ông mất, các sân khấu tại Broadway đều ngậm ngùi tắt đèn để mặc niệm. Các diễn viên, đạo diễn và giới sản xuất đều coi như Hoa Kỳ vừa mất một ngôi sao Bắc Ðẩu. Cho đến giờ này, những người yêu chuộng kịch nghệ trên thế giới vẫn còn trầm trồ đánh giá di sản của ông với sự tiếc nuối.

Mới đây, một cuốn tiểu sử của ông vừa được học giả Christopher Bigsby cho xuất bản tại Mỹ.

Ông Bigsby không xa lạ với người nghệ sĩ siêu hạng này vì là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Arthur Miller trong một đại học Anh. Sau 25 năm thâm giao với Arthur Miller, ông đã từng phỏng vấn và được nhà soạn kịch cho tham khảo mọi bản thảo và tài liệu của mình. Vì vậy, cuốn sách đồ sộ của ông về sự nghiệp và cuộc đời Arthur Miller có thể được coi là tác phẩm trung thực và gần gũi nhất với thế giới của nhà viết kịch.

Khi tham khảo, người ta bỗng thấy ngẩn ngơ.

Gần chín mươi năm có mặt trên địa cầu này như được chia thành hai mảnh rất đều, như một vầng trăng hạ huyền. Phân nửa vằng vặc sáng là từ năm 1915 đến 1961, 46 năm của một cuộc đời chín chục. Phân nửa kia là mảng tối đen, hun hút. Cuốn sách dày 650 trang đã dành 25 trang cho nửa sau của cuộc đời người nghệ sĩ. Vì từ ngày đó, cuộc đời ấy không còn gì là đáng kể, đáng nói, đáng viết. Sự nghiệp của Arthur Miller cũng vậy. Phân nửa về sau cũng trống vắng vô vị tựa như một chiếc lò xo bị gãy.

Vết gấp ở giữa là Marilyn Monroe.

“Ðời vắng em rồi, vui với ai...” nếu có đọc thơ Vũ Hoàng Chương, có lẽ Arthur Miller cũng đã than như vậy.

Ông thuộc loại đại trí thức, sống và viết đầy trí tuệ về con người. Ông thành hôn với một nhân vật cũng thuộc loại nghệ sĩ ngoại khổ là Marilyn Monroe. Nàng bị quần chúng xem là nữ hoàng của nhục thể, một thiếu nữ rất phàm và yếu đuối về mọi mặt, một vật giải trí của loại người thấp kém. Sự thật hiển nhiên là phải khác với nhân dáng và vẻ đẹp quá hiển lộ ra ngoài. Sự thật ấy trong con người Marylin Monroe, có lẽ Arhur Miller cảm được.

Khi hai người lấy nhau vào năm 1956, sân khấu Hoa Kỳ và cả thế giới cứ như bị rung chuyển!

Một nhà soạn kịch siêu hạng và kín đáo trầm ngâm như vậy mà lại lấy một người đẹp mà anh hoa cứ phát tiết cả ra ngoài thì quả là quá lạ lùng.

Ðại đạo diễn kiêm tài tử điện ảnh Orson Welles thật ra đã nắm được tiếng sét của ái tình khi bắt gặp tia mắt mê đắm của Arhur Miller từ năm năm trước đó. Năm đó, Arhur Miller mới 35 tuổi nhưng đã ngự trên đài danh vọng với nhiều vở kịch xuất sắc trên sân khấu và nhiều giải thưởng cao quý ở trong túi. Thế rồi, trong một đêm tiếp tân tại Hollywood để vinh danh Arthur Miller, thiếu nữ 24 tuổi xuất hiện trong tấm áo quá chật cho một thân hình ngồn ngộn. Arthur Miller bị thần ái tình vật ngã dù ông đã có vợ, hai con và đang được các phụ nữ khác nhìn trộm với vẻ luyến tiếc!

Hình như nàng đã hút hết dưỡng khí ở chung quanh làm Arthur Miller như chết ngộp.

Năm năm sau, sau một cuộc hôn nhân ngắn ngủi chưa đầy 300 ngày của Marylin Monroe với tay thể tháo Joe DiMaggio, hai người mới kết hôn. Năm năm sau đó là hạnh phúc ràn rụa nước mắt và khổ ải, cho tới khi hai người lại chia tay.

Với vẻ đẹp của một thiếu nữ quá sớm thành đàn bà, thật ra Marylin Monroe là con người thông minh, tài nghệ tuyệt vời, nhưng yếu đuối về cả thế chất lẫn tâm thần. Sau khi lấy nhau, nàng bị sẩy thai và tự dày vò rồi tự an ủi bằng rượu và thuốc, trở thành một trường hợp bệnh lý về thần kinh. Trong khi ấy, Arthur Miller vẫn nín lặng, vỗ về và chịu đựng. Quà mừng ngày Valentine của ông cho Marylin Monroe là kịch bản phim “The Misfits” để vợ diễn chung với Clark Gable và Monty Clift dưới tài đạo diễn của John Huston. Phải chăng là cái điềm mà một nghệ sĩ mẫn cảm có thể thấy trước mọi người? Cuốn phim “những kẻ lạc loài” ấy là tác phẩm sau cùng của Marylin Monroe vì sau đó nàng bị khủng hoảng nặng.

Rồi hai người chia tay vào năm 1961. Ít lâu sau, Marylin Monroe từ trần trong hoàn cảnh bi thảm và mờ ám, có thể là tự tử bằng thuốc...

Kể từ khi Marylin Monroe ra khỏi cuộc đời mình, Arthur Miller lại thêm một lần nữa như bị hút hết dưỡng khí. Khi gặp Marylin Monroe, nhà soạn kịch lừng danh này đã nói như thơ, rằng đời mình chan hòa ánh sáng. Sau Marylin Monroe, có lẽ ở giữa trưa ông vẫn chỉ thấy đêm đen. Ông vẫn còn viết, nhưng hết viết như xưa. Ông vẫn còn sống, nhưng hết sống như xưa, vì thế mà hơn bốn chục năm sau cùng của cuộc đời, Arthur Miller hết còn là Arthur Miller...

Hình như hôn nhân của cặp nghệ sĩ này không có hạnh phúc.

Nhưng nếu mình ngẫm lại thì mối tình của Arthur Miller dành cho Marylin Monroe là một mối tình thật, có khi đầy não tính, rất trừu tượng, nhưng vẫn rất thật, khiến phân nửa cuộc đời còn lại của ông trở thành vô vị. Cũng là một cách ngợi ca tình yêu, mà bi thảm, trong một thế giới mà cuộc đời cũng là sân khấu và những đòi hỏi của sân khấu chính là cuộc đời thật. Nó hủy diệt mất tình yêu.