Luật Khánh Tận: Thủ Tục Khai Phá Sản |
Tác Giả: Luật Sư LyLy Nguyễn | |||
Thứ Hai, 26 Tháng 1 Năm 2009 09:44 | |||
Khi đơn xin khai phá sản (hay khánh tận) do luật sư thay mặt cho thân chủ nộp tới Tòa Khánh Tận Liên Bang tại địa phương thì toàn bộ tình trạng tài chánh của đương đơn tức thời được đặt dưới sự kiểm soát của tòa án. Rất hiếm có ngoại lệ khác, thông thường tòa lãnh trách nhiệm pháp định trong việc kiểm soát tất cả tài sản và nợ nần của người khai ngay khi nhận đơn. Nếu người ấy trả đứt nợ hoặc bán hay tẩu tán đi món tài sản nào mà không có sự đồng ý của tòa án thì vụ khai sẽ bị tòa bãi bỏ. Tòa ủy nhiệm ngay một nhân vật có danh xưng là tín viên tòa khánh tận (bankruptcy trustee) để nắm quyền điều hành tài sản của người khai. Nhiệm vụ chính của tín viên là tìm cách trả tối đa cho các chủ nợ không thế chấp. Tín viên thường là một luật sư tại địa phương hiểu biết rành rọt về các thủ tục xử khánh tận theo Chương 7 và Chương 13 nói chung và hiểu rành rọt các luật lệ liên quan khác của tòa địa phương. Tại nhiều tòa khác tín viên có thể không là một luật sư nhưng là một thương gia có kiến thức chuyên môn về tài chánh lẫn thủ tục khai khánh tận cá nhân. Vài ngày sau khi nộp đơn, người khai sẽ nhận được Phiếu Thông Báo Chỉ Ðịnh Tín Viên (Notice of Appointment of Trustee) do tòa gởi tới cho biết tên tuổi, địa chỉ và điện thoại của tín viên cùng liệt kê tất cả các giấy tờ, tài liệu về tiền bạc lẫn tài sản khác phải nộp cho vị này. Trong các vụ khai theo Chương 7 tín viên thường để ý đến số của cải gì và nợ nần của đương đơn và phân loại những tài sản miễn trừ. Nên lưu ý rằng tín viên càng lấy được nợ nhiều cho chủ nợ bao nhiêu thì càng được trả công nhiều bấy nhiêu. Khi nhận được đơn khai tín viên đọc kỹ rồi căn cứ vào đó để quyết định xem có bao nhiêu món không miễn trừ có thể cho bán đấu giá để trả nợ. Phần đông các người khai không có gì để bán thì vụ khai khánh tận được gọi là không tài sản (non-asset case) và ngược lại nếu có nhiều để bán thì vụ khai được gọi là có tài sản (asset case). Sau đó tín viên gởi phiếu thông báo cho các chủ nợ liên hệ biết người nợ đã nộp đơn khai khánh tận. Trong phiếu thông báo này tín viên sẽ hỏi chủ nợ muốn xin yêu cầu đòi nợ không. Với các vụ không tài sản tín viên thường khuyên rằng người nợ chẳng có gì để đòi được tốt hơn hết đừng nhọc công thưa kiện. Ít lâu sau tín viên sẽ lập một buổi 'họp các chủ nợ' (creditor's meeting) tại buổi đó người nợ được hỏi vài câu ngắn. Sau đó tín viên bắt đầu xác định các tài sản không miễn trừ để đấu giá bán đi trả cho các chủ nợ. Người khai phải nộp các tài sản không miễn trừ này hoặc có thể mua lại với giá rẻ hay đem các tài sản được miễn trừ có giá trị tương đương ra đổi. Nếu tài sản không miễn trừ đem bán chẳng có giá trị gì hay khó bán thì tín viên có thể bỏ qua món đó, có nghĩa là người nợ được phép giữ lại. Trong các vụ khai theo Chương 13 vai trò chính của tín viên là đứng ra nhận tiền trả của người nợ và phân phối theo tỷ lệ cho các chủ nợ. Tín viên được trả công bằng cách giữ lại từ 3% tới 10% tổng số tiền trả nhận được hàng tháng. Ngoài ra tín viên còn có nhiều quyền hành thí dụ như (1) cố vấn và trợ giúp cho người nợ lập được mức chi tiêu mới (tuy nhiên không được cố vấn những vấn đề pháp luật); (2) giúp ý kiến thay đổi bản hoạch định chi tiêu nếu cần; (3) cho tạm thời hoãn trả hay tìm cách giúp người nợ bắt kịp các kỳ trả nợ còn thiếu; (4) tham dự các cuộc định giá tài sản của người nợ, mướn chuyên viên định giá (appraiser) nếu cần. Trong nhiều trường hợp người phá sản thường nắm được trọn vẹn quyền kiểm soát tài sản của mình nếu giữ được uy tín trả nợ đều đặn không đến nỗi bị tín viên kiểm soát quá gay gắt... Dù khai phá sản dưới bất cứ chương nào người nợ cũng vẫn phải ra hầu tòa ít nhất là một lần, tuy nhiên việc ra tòa khánh tận chỉ là một thủ tục hành chánh chứ không phải là thủ tục xử thưa kiện dù rằng đôi khi hiếm hoi cũng thấy vài vụ xử. Vụ khai khánh tận bắt đầu kể từ lúc tòa nhận đơn và luật ‘tự động đình chỉ’ sẽ có ngay hiệu lực để ngăn các hành động đòi nợ của các chủ nợ. Như đã nói ở trên nếu khai theo Chương 7 thì vào khoảng 20 tới 40 ngày sau tín viên sẽ gởi thư cho các chủ nợ và cả đương đơn đến gặp nhau trong buổi 'họp chủ nợ'. Thông thường buổi họp này rất ngắn, chừng 5, 10 phút và dĩ nhiên bắt buộc có sự hiện diện của người nợ. Người này phải tuyên thệ trả lời thành thật các câu hỏi. Tín viên dựa theo lời khai trong đơn xin hỏi thêm chi tiết về các món tài sản hiện hữu cùng các món nợ đã khai. Ngoài ra tín viên còn có thể chú ý hỏi về các khoản tiền bất thường có thể thâu thập thí dụ như tiền thuế sắp được bồi hoàn nếu có, truy nguyên những khoản tiền lớn vừa trả cho thân nhân hay chủ nợ nào đó và có thể hỏi gặn nếu nghi ngờ có giấu giếm tài sản không miễn trừ có giá trị. Tín viên cũng sẽ thâu ngay các tài sản không miễn trừ đem bán đấu giá. Sau khi đã khấu trừ các phí khoản hành chánh số tiền còn lại sẽ được phân chia cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên pháp định. Sau phần hỏi của tín viên đến lượt các chủ nợ hiện diện lần lượt hỏi người nợ có muốn tái xác nhận nợ (reaffirm the debt) có nghĩa là muốn tiếp tục trả sau vụ khai phá sản kết thúc. Chủ nợ cũng có thể hỏi gặn về một vài chi tiết khai trong đơn nếu khác với chi tiết ghi trong đơn vay (credit application). Nếu phát giác có khác biệt về lời khai lương bổng, nợ nần hay những chi tiết quan trọng khác trong đơn vay thì chủ nợ có quyền kiện tội lừa đảo (fraud) để xin tòa không cho xóa nợ. Chủ nợ cũng có quyền xin tòa cho xử vô hiệu hóa quyền 'tự động đình chỉ' (Relief from Stay Hearing) nếu muốn nhất quyết theo đuổi đòi nợ cho kỳ được, thí dụ như nợ tiền vay mua nhà để xin phát mãi (foreclosure). Những năm trước đây người nợ phải có mặt trong buổi phán quyết xóa nợ (discharge hearing) nhưng sau này số người khai phá sản gia tăng quá nhiều nên ngày nay chỉ có những người chịu tiếp tục trả nợ (reaffirm a debt) mới phải ra tòa. Trong dịp này vị thẩm phán sẽ cảnh cáo nếu tiếp tục không trả đàng hoàng thì chủ nợ có quyền xiết nợ mà tòa không can thiệp được nữa. Sau đó ít lâu người khai sẽ nhận được án lệnh của tòa kết thúc vụ khai phá sản theo Chương 7. Trong án lệnh tòa chính thức cho xóa các món nợ không miễn trừ đã được chấp thuận để người khai được làm lại cuộc đời, các chủ nợ và cả tín viên không còn có quyền gì đụng tới lương bổng cùng lợi tức tương lai của người được đã được xóa nợ. Thủ tục xử theo Chương 13 cũng có buổi họp chủ nợ tương tự như Chương 7 do một vị thẩm phán hay tín viên chủ tọa để chấp thuận hay từ chối bản lịch trình trả nợ do người khai đề nghị. Ngoài ra các diễn tiền khác cũng tương tự như khai theo Chương 7 được đề cập ở trên. Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ với chi tiết điều kiện cho từng loại khai phá sản. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
|