Quyền tự do của công dân |
Tác Giả: Lê Mạnh Hùng | |||
Thứ Tư, 21 Tháng 1 Năm 2009 21:45 | |||
Người Anh vẫn tự hào rằng nước họ là đất nước đầu tiên sáng tạo ra cái mà người ta gọi là những quyền tự do của công dân. Và những quyền tự do này đã được ghi vào hiến pháp của tất cả những quốc gia tự do dân chủ trên thế giới cũng như đã được đặt thành những quyền căn bản của con người qua một công ước của Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng trong khoảng mười năm gần đây, chưa có một quốc gia dân chủ hiện đại nào mà lại nổi lên nhiều vấn đề tranh cãi về quyền tự do công dân như tại nước Anh này, từ Ðạo Luật về Quyền Con Người của năm 1998, việc thiết lập những hệ thống truyền hình CCTV tại hầu như tất cả mọi nơi công cộng, lệnh cấm ra khỏi nhà vì những hành vi làm xáo trộn xã hội (anti-social behaviour order - ASBO) cho đến đạo luật chống những tuyên truyền gây thù hận tôn giáo giới hạn quyền tự do ngôn luận v.v... Vì sao mà lại có những cuộc tranh cãi ồn ào như vậy. Một số người cho rằng nước Anh là một quốc gia dân chủ hiếm hoi còn lại mà các quyền tự do còn được coi trọng để kích động quần chúng đứng lên có những phản ứng khi chính quyền tìm cách vi phạm. Nhưng một số người khác thì lại cho rằng có lẽ vì nước Anh là một nước mà việc chính quyền dân chủ xâm phạm vào các quyền tự do của công dân vốn được truyền lại từ nhiều thế kỷ đã mất đi nhanh nhất. Và vụ mới nhất vừa xảy, việc cơ quan cảnh sát bắt giữ một dân biểu đối lập, ông Damian Green, phát ngôn nhân của đảng Bảo Thủ về những vấn đề di trú và đến khám văn phòng của ông ở ngay trong Quốc Hội đã khiến người ta e ngại rằng nước Anh hiện đang ở trong trường hợp thứ hai chứ không phải thứ nhất. Mọi việc bắt đầu với một loạt những tiết lộ giật gân trên báo chí và trước quốc hội: di dân bất hợp pháp được dùng làm nhân viên an ninh - bảo vệ cả xe hơi của thủ tướng - báo cáo mật về khả năng xảy ra một đợt tội phạm mới, thất thoát danh sách một loạt tên những kẻ phạm tội có thể trốn sang Anh mà chính phủ Hòa Lan gởi cho chính phủ Anh vv.. Những tin tức này đã làm mất mặt cho chính quyền Lao Ðộng, nhất là cho Bộ Nội Vụ nơi mà hầu hết xảy ra những chuyện bị tiết lộ này. Và điều đó đã dẫn đến việc cảnh sát được mời đến để điều tra. Thế là ngày Thứ Năm 27 tháng 11, cảnh sát đã đến lục soát nhà ông Green, dân biểu Quốc Hội, người sẽ là bộ trưởng nội vụ nếu đảng Bảo Thủ thắng cử, dù không có trát tòa cho phép, văn phòng làm việc của ông tại trụ sở Quốc Hội. Họ tịch thu các giấy tờ riêng của ông cùng những văn kiện liên lạc giữa ông và các cử tri trong hạt của ông, và giữ ông trong chín tiếng đồng hồ vì tình nghi có các tội “giúp đỡ và khuyến khích những hành động sai trái trong công vụ” và “âm mưu làm những hành vi sai trái trong công vụ” những tội danh mà theo luật hình sự của Anh có thể bị án tối đa đến tù chung thân. Nói một cách khác, ông Green bị tình nghi có những tội này là vì ông đã cho công bố những tin tức - được một viên chức trẻ tuổi trong Bộ Nội Vụ tiết lộ ra cho ông - cho thấy sự khác biệt giữa những gì mà chính phủ tuyên bố về vấn đề di dân và sự thực xảy ra. Nếu có những liên hệ đến bí mật về an ninh quốc gia cần phải được bảo vệ thì cho đến nay người ta chưa thấy phát hiện. Thế nhưng những ngôn từ được cảnh sát và chính quyền dùng trong việc này đã tạo một bầu không khí đe dọa. Theo một số nguồn tin, trong khi thẩm vấn, cảnh sát đã lên án ông Green là đã “nuôi dậy” (grooming) một điệp viên nằm vùng (mole) bên trong Bộ Nội Vụ - “grooming” là một từ ngữ trong tiếng Anh thường chỉ dùng để chỉ hành động của những tên dâm phạm đối với các trẻ vị thành niên. Trong khi đó, bênh vực hành động của cảnh sát tại Quốc Hội, bà bộ trưởng nội vụ Jacqui Smith đã than thở trước tình trạng “tiết lộ một cách có hệ thống những bí mật của chính phủ”. Không một chính phủ dân chủ nào mà không bị có những tiết lộ. Ðại đa số những tiết lộ này là những gì mà cần phải được tiết lộ cho quần chúng biết. Nếu chính phủ làm tất cả những gì mà họ nói họ sẽ làm thì chẳng có gì cần phải tiết lộ ra cả. Cho đến nay tại Anh, việc nhận và công bố những tiết lộ này không phải làm phạm luật trừ khi chúng nằm trong lãnh vực an ninh quốc gia được bảo vệ bởi đạo luật “Official Secrets Acts.” Nhưng gì bị coi là tiết lộ được đem ra làm chứng đã cho thấy chúng không phải thuộc vào loại này, và đó là lý do sau khi giữ ông Green trong chín tiếng đồng hồ cảnh sát đã phải thả ông ra mà không đưa ra một cáo buộc gì. Mặc dầu vậy, những người mà quyền lợi hoặc uy tín bị ảnh hưởng bởi những tiết lộ này thường vẫn cố tìm cách gán cho những tin tức bị tiết lộ như là có quan hệ tới an ninh quốc gia. Bảo vệ việc cảnh sát bắt giữ ông Green, bà bộ trưởng Nội Vụ tuyên bố “Với những vấn đề tế nhị mà Bộ Nội Vụ phải giải quyết - kể cả những vấn đề về An Ninh Quốc Gia - rõ ràng là phải có một trách nhiệm đưa ra những hành động ngăn chặn các tiết lộ này.” Nhưng viện cớ có một quan hệ nào đó với an ninh quốc gia để làm những hành động này thì không đủ. Và ngay cả khi có quan hệ rõ ràng đối với an ninh quốc gia nhiều khi cũng không phải là lý do để ngăn chặn những tiết lộ này. Những tin tức về việc đánh chìm chiếc tầu Belgrano của Argentina trong cuộc chiến Falkland rõ ràng là có quan hệ tới bí mật quốc phòng, nhưng khi vào năm 1984 Clive Ponting, một viên chức của Bộ Quốc Phòng Anh tiết lộ những tin tức này thì đã được tòa án xác nhận là chúng không còn là bí mật quốc phòng nữa. Tương tự như vậy, tòa án đã tha bổng Derek Pasquill, một viên chức Bộ Ngoại Giao vì đã tiết lộ vào năm 2005 những e ngại của chính phủ rằng tham gia cuộc chiến Iraq có thể làm gia tăng triển vọng khủng bố tại Anh. Thủ tướng Anh ông Gordon Brown đã nhấn mạnh rằng “không một dân biểu nào có thể đứng trên pháp luật”. Nhưng ngay chính ông Green cũng chấp nhận chuyện đó. Cảnh sát có quyền điều tra những tội phạm của các dân biểu, nhưng cảnh sát không nên can thiệp vào những tranh chấp chính trị giữa các đảng phái. Và đó chính là vấn đề. Cho đến nay mọi người đều thấy vụ ông Green không phải là một vấn đề hình sự của cảnh sát. Ông là một vấn đề chính trị đối với chính phủ. Trách nhiệm mà bà bộ trưởng nội vụ Jacqui Smith nói “trách nhiệm phải có hành động chống lại những tiết lộ” là một trách nhiệm đối với đảng cầm quyền hơn là đối với đất nước. Một trong những truyền thống cổ kính của nước Anh đã được diễn lại vào ngày 3 tháng 12 vừa qua khi Quốc Hội khai mạc khóa họp thường niên. Khi đại diện của nữ hoàng đến mời các dân biểu Hạ Viện (Viện Thứ Dân) sang Thượng Viện (Viện Quí tộc) để nghe bài diễn văn khai mạc của nữ hoàng, thì cánh cửa Hạ Viện được đóng sầm lại trước khi mở ra. Ðây là một hành động biểu tượng cho sự độc lập của Quốc Hội đối với vương triều - kỷ niệm quyết định của Hạ Viện dưới thời vua Charles đệ I không để cho cảnh sát của vua bắt giữ 6 dân biểu, một hành động mà cuối cùng dẫn đến cuộc cách mạng lật đổ vương triều Stuart và cuộc nội chiến. Nhưng hiện nay, với những thay đổi chính trị trong ba thế kỷ rưỡi vừa qua, nguy cơ đối với sự độc lập của Quốc Hội không còn là vương triều nữa mà là một chính phủ quá mạnh có thể dùng những phương tiện trong tay để chi phối mọi sự theo ý mình. Một điều đáng mừng cho dân Anh là khi vụ Damian Green này nổ ra không những chỉ các đảng đối lập như đảng Bảo Thủ và đảng Tự Do bất mãn trước hành động của cảnh sát mà cả nhiều dân biểu của đảng Lao Ðộng cầm quyền cũng bị kích động. Ðiều này cho thấy truyền thống bảo vệ tự do của nước Anh đến nay vẫn còn tồn tại.
|