Tìm hiểu thêm về vai trò chấp hành di chúc |
Tác Giả: Luật Sư LyLy Nguyễn | |||||
Chúa Nhật, 01 Tháng 8 Năm 2010 11:23 | |||||
Ðiều quan trọng là phải chắc chắn người hoặc công ty được chọn ủy thác có khả năng đảm nhiệm được trách nhiệm định trong di chúc. LTS: Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về luật bảo vệ tài sản, luật thương mại cho các công ty hoặc tiểu thương, cố vấn điều hành tài sản, bênh vực thân chủ trong những vụ rắc rối khi bị kiểm tra thuế, kế hoạch địa ốc, khai phá sản và luật gia đình. Luật Sư LyLy còn thay mặt cho thân chủ trong các vấn đề liên quan đến Thuế Lợi Tức Cá Nhân (Income Tax), Thuế Trả Nhân Công (Employment Tax), Thuế Mua Bán (Sale and Use Tax) và Thuế Tài Sản (Estate Tax), ở cả hai cấp liên bang và tiểu bang, cũng như đã nhiều lần diễn thuyết về các vấn đề giao dịch thương mại, ngân hàng, thuế và điều hành tài sản tại nước ngoài. Ngoài ra LyLy Nguyễn còn rất giàu kinh nghiệm về luật gia đình với các vụ ly dị có con nhỏ và có tranh chấp tài sản; luật khánh tận với Chương 7 hay Chương 13. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 2009 North Broadway, Santa Ana, CA 92706. Ðiện thoại: (714) 531-7080. Trong bài tìm hiểu luật pháp Hoa Kỳ vài kỳ trước, chúng tôi đã trình bày lý do tại sao cần tìm người (hoặc cơ sở) tín cẩn dưới danh nghĩa chấp hành di chúc để thay mình sau khi chết đạt ba mục tiêu quản lý gia tài, thi hành di chúc, và điều hành các tín mục.
Cũng nên nhắc lại trách nhiệm của người chấp hành (executor) chính yếu như sau: - Hướng dẫn thi hành di chúc của người quá cố để chu toàn thủ tục “giải quyết di sản” (probate) sao cho di chúc được tòa án chấp nhận hợp pháp theo luật lệ tiểu bang chống lại mọi khiếu nại, thưa kiện đòi thừa hưởng gia tài. - Thâu thập toàn bộ của cải trong gia tài để lại. - Sang chuyển di sản sang tay các người thừa hưởng. - Thanh toán mọi khoản nợ hợp pháp, nhất là các hóa đơn đòi nợ và nợ thuế. - Chạy tiền trả các nợ trên, thông thường bằng cách đem bán bớt của cải để lại. - Soạn thảo và lập tờ khai tình trạng ngân quĩ của gia tài rồi đệ trình lên tòa án. Ðiều quan trọng là phải chắc chắn người hoặc công ty được chọn ủy thác có khả năng đảm nhiệm được trách nhiệm định trong di chúc. Dĩ nhiên người để lại gia tài nên coi việc lựa chọn này tương tự như mướn người làm việc cho mình chứ không phải nhằm vào mục đích chọn thân nhân hay bạn bè mà thưởng hay phạt. Ðức tính cần có nhất của người được chọn chấp hành là tính kiên nhẫn trong việc giải quyết nợ nần, đặc biệt là tiền bệnh viện, tiền trả cho Medicare, tiền xe cứu thương, tiền bác sĩ điều trị trong suốt thời gian người quá cố ngọa bệnh. Trước hết phải thanh toán nợ rồi sau đó mới đòi bảo hiểm bồi hoàn, mọi việc này thường đòi hỏi rất nhiều thủ tục giấy tờ. Do đó phải lựa người nào có rộng rãi thì giờ lẫn thiện chí đối phó với mọi phức tạp, rắc rối đó. Ðồng thời người chấp hành phải đương đầu với các thân nhân nêu thắc mắc tại sao lâu không được chia gia tài; hay nghi ngờ tại sao phần được hưởng lại ít hơn là họ tưởng. Ðiều này rất dễ xảy ra, thí dụ tiền bạc của người quá cố đầu tư bằng cổ phiếu (stocks) của những công ty trồi sụt mạnh, nhất là người ấy chết đúng vào lúc thị trường xuống giá khiến bị thua lỗ nặng nề, vốn liếng hao hụt. Thường lệ người chấp hành phải mướn chuyên gia tài chánh (CPA) để lo các việc sau đây: - Lập hồ sơ khai thuế lợi tức cá nhân (personal income tax return) của người quá cố chưa kịp khai trước khi chết. - Lập hồ sơ khai thuế gia tài (estate tax return). - Lập hồ sơ khai thuế lợi tức do tài sản sinh lợi (estate income tax return). Trong di chúc cũng có thể chỉ thị cho mướn luật sư để thay mặt ra tòa, soạn thảo và nộp các đơn từ cần thiết cùng thi hành các vấn đề khác có tính cách kỹ thuật liên quan đến luật. Lệ phí trả cho luật sư ở vài tiểu bang được ấn định trả theo giá biểu hoặc tính giờ hoặc tính theo phần trăm trị giá của gia tài. Nếu ai là thương gia thì nên chọn người chấp hành chính hoặc phụ từng có kinh nghiệm giỏi trong lãnh vực đang kinh doanh. Ðôi khi cũng có thể chọn đồng nghiệp có kiến thức đặc biệt chuyên về quản trị kế toán và luật thuế về ngành đang kinh doanh thì dễ dàng hơn là chọn vợ hoặc chồng hay thân nhân nào khác trong gia đình trong việc chấp hành di chúc. Nói tóm lại nếu người chủ gia tài đang làm thương mại cần phải có quyết định đặc biệt do đó cần phải suy xét xem người định chọn có đủ kiến thức và kinh nghiệm để điều hành di sản và giải quyết các khó khăn không? Bằng không thì phải tìm thêm người phụ tá hoặc mướn chuyên gia kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề. Dù lựa chọn ai chăng nữa chắc chắn bao giờ cũng cần chỉ định luôn trong di chúc một người thay thế phòng hờ trường hợp người chấp hành chính chết hoặc từ chối không thi hành nhiệm vụ. Nếu không định sẵn như vậy thì tòa án quyền cho bất cứ người nào khác đứng ra thay thế. Ngoài ra người được chỉ định chấp hành phải hội đủ điều kiện đã trưởng thành, không can án và có quốc tịch Mỹ. Luật pháp Hoa Kỳ có ấn định cho người chấp hành quyền hạn lẫn nhiều hạn chế. Vì lý do này người lập cần viết rõ trong di chúc cho những quyền hạn nào ở ngoài mức giới hạn của luật tiểu bang. Tùy theo mức độ tín cẩn cùng mức kinh nghiệm của người ấy về mặt pháp luật và tài chánh, cũng như tầm hiểu biết luật lệ tiểu bang và thành phần gia tài có những gì; nhiều luật sư thường đề nghị ghi thêm trong di chúc những khoản sau đây: - Quyền hạn mướn chuyên gia: Nên ấn định trong di chúc cho phép người chấp hành có quyền hạn mướn luật sư có khả năng và kinh nghiệm để dàn xếp nhanh chóng thủ tục giải quyết di sản càng sớm càng tốt. Ngoài việc giúp trút bớt gánh nặng cho người chấp hành (nhất là khi người này lại là hôn phối của người quá cố), cũng như điều hành hữu hiệu di sản để lại, còn giúp chận trước được khiếu nại của những thừa kế thụ hưởng về lệ phí phải chi trong việc mướn luật sư hoặc chuyên gia tài chánh. - Quyền hạn cầm giữ lại một vài món trong di sản: Ðiều này rất cần thiết bởi vì luật tiểu bang có thể bắt buộc bán đi một vài loại tài sản nhất là những món được giải thích là không có khả năng sản xuất (unproductive assets) thí dụ như những tài sản để bảo tồn hoặc giữ làm kỷ niệm. - Quyền hạn duy trì nghiệp vụ tiếp tục sinh hoạt: Người chấp hành có thể giữ nghiệp vụ tiếp tục hoạt động cho đến khi lập được người cầm đầu mới trừ phi người quá cố ghi trong di chúc ý muốn cho bán đi. - Quyền hạn mua, bán, cho thuê bất động sản: Ðiều khoản này thường bị luật pháp hạn chế trừ phi có xác định rõ trong di chúc. - Quyền hạn vay tiền: Người chấp hành có thể vay tiền cho gia sản thông thường để thanh toán nợ nần. - Quyền hạn tận dụng lợi điểm tiết kiệm thuế: Người chấp hành có thể đạt được điều này bằng cách lựa chọn nhiều cách khai thuế khác nhau miễn là hợp pháp. Theo luật tiểu bang thông thường người được ủy nhiệm chấp hành sẽ phải đóng một khoản tiền thế chân (bond), ít nhiều tùy từng tiểu bang, trừ phi trong di chúc người chủ gia tài có yêu cầu tòa di sản (probate court) cho đặc miễn. Mục đích của việc đóng tiền thế chân là để bảo vệ gia tài cho con cháu người quá cố phòng ngừa người chấp hành có ý bất lương thâu tóm hết gia tài rồi bỏ trốn. Nếu có đóng thế chân mà xẩy ra chuyện này thì hãng nhận thế chân (bonding company) sẽ phải đền thiệt hại cho gia tài bị mất rồi sau đó họ sẽ truy tầm người bỏ trốn mà lấy lại. Dĩ nhiên tiền thế chân rất đắt có thể lên đến hàng chục ngàn Mỹ kim nếu là gia tài lớn. Nếu người chấp hành đáng tín cẩn hoặc người này có hưởng kế thừa một phần lớn gia tài, hiển nhiên không có dã tâm biển thủ di sản, thì người lập nên xác nhận trong di chúc cho đặc miễn khỏi đóng tiền thế chân. Ngay cả người lập di chúc vô ý không yêu cầu đặc miễn thì toàn thể các kế thừa thụ hưởng vẫn có thể liên kết đồng xin tòa cho người chấp hành khỏi đóng tiền thế chân. Trong trường hợp này thì tòa án vẫn bắt buộc có thế chân nhưng chỉ phải đóng một khoản tiền nhỏ tượng trưng để bảo đảm sẽ trả lệ phí và thuế gia tài cho tiểu bang. Tại tiểu bang nếu người chấp hành là một luật sư thì người này không có quyền nhận cả hai khoản tiền lệ phí luật sư lẫn tiền công chấp hành. Trường hợp này nếu dùng luật sư đảm nhận luôn nhiệm vụ chấp hành di sản thì có lợi điểm chỉ phải trả một khoản lệ phí mà thôi. Nếu người chấp hành không phải là luật sư thì phải trích tiền trong gia tài không những trả cho luật sư mà còn phải trả cho người chấp hành. Nói tóm lại việc lựa chọn người chấp hành di chúc là một quyết định quan trọng nhất trong kế hoạch dự trù tài sản. Việc chọn lựa này không theo bất cứ mẫu mực nào mà thuần túy chỉ tùy thuộc vào tính chất của gia tài để lại, gia cảnh của người lập di chúc cùng các yếu tố khác như đã trình bày. Ðiều chính yếu là phải thảo luận với luật sư lấy ý kiến thuận hay nghịch về người dự định tuyển chọn để ủy thác chấp hành di chúc. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
|