Thuế và gia tài |
Tác Giả: Luật Sư LyLy Nguyễn | |||
Thứ Ba, 15 Tháng 6 Năm 2010 07:12 | |||
Người Việt thông thường theo quan niệm của cổ nhân ngày xưa cứ cho rằng chết là hết nợ. Ra hải ngoại sống trên đất Mỹ câu nói của các cụ ta không còn hợp thời bởi vì theo luật pháp Hoa Kỳ chết cũng không thoát khỏi nợ thuế, nơi đây cái chết và thuế luôn luôn vẫn đi đôi chặt chẽ như hình với bóng. Thực sự không người nào muốn đóng thuế nhưng ở xứ văn minh ai cũng thấy công ích của tiền thuế đã giúp chính phủ đài thọ rất nhiều nhu cầu tối cần cho xã hội từ an ninh quốc phòng để bảo vệ quốc gia cho đến phúc lợi cho công chúng như y tế, hưu trí, gia cư, đường sá, cầu cống, v.v... Riêng phần thuế tài sản chiếm một phần quan trọng trong ngân sách thâu cho chính phủ mặc dầu của cải do người chết tạo được lúc sinh thời đã từng phải đóng qua rất nhiều loại thuế như thuế lợi tức, thuế mua bán chẳng hạn. Dự trù thuế gia tài (estate taxes planning) là một phần nòng cốt theo luật tài sản vì rất quan trọng cho những người có của cải đáng kể hoặc sẽ trở thành đáng kể trong nay mai. Ðáng kể đây có nghĩa là gia tài với giá trị từ bạc triệu (tiền Mỹ) trở lên. Ngoài đời trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều người không hề nghĩ rằng mình giàu có nhưng sẽ kinh ngạc khi thấy mình bị liệt thành triệu phú trước con mắt của cơ quan thuế vụ IRS để rồi lúc chết bị truy những khoản thuế khổng lồ trên của cải để lại cho những người thân yêu. Trên nguyên tắc căn bản bất cứ tài sản nào sang chuyển cho người khác nếu không vượt quá giới hạn luật định đều khỏi đóng thuế. Giới hạn này là con số mầu nhiệm định đoạt trị giá các tài vật đem cho người thụ hưởng mà được miễn thuế liên bang. Mức thuế liên bang qui định bắt đầu từ 41% trị giá của cải trội hơn giới hạn trở lên. Một thí dụ nhỏ, chỉ cần để lại một gia tài có trị giá trên mức miễn trừ $1 triệu Mỹ Kim thì kế thừa phải nộp cho IRS sơ sơ chỉ có $410,000 tiền thuế, dĩ nhiên trị giá gia tài càng trội nhiều hơn thì giá biểu thuế càng cao hơn! Nếu lập liên chủ quyền có quyền kế vị (joint tenancy with right of survivorship) với người khác không phải là vợ chồng thì trên phương diện thuế IRS sẽ tính trọn giá trị của tài sản đó. Thí dụ một người làm chủ chung với bà chị một ngôi nhà trị giá $150,000 thì khi chết IRS cộng trọn vẹn $150,000 vào di sản để tính thuế trừ phi người thi hành di chúc chứng minh được rằng bà chị có trả một nửa tiền mua trong đó. Vì lý do trên nhiều luật sư khuyên thân chủ không nên đứng tên tài sản chung càng tránh được bao nhiêu càng tốt, hoặc nếu có đứng tên chung phải giữ giấy tờ chứng minh phần tiền góp trả để khỏi bị đánh thuế quá lố. Nếu lập tín mục sinh thời loại thay đổi được (revocable living trust) thì nên liệt kê tài sản chung dưới dạng đồng chủ quyền (tenant in common) theo đó chỉ phải chịu thuế trên số phần trăm quyền sở hữu mà thôi. Thí dụ nếu sở hữu 25% ngôi nhà thì chính phủ chỉ tính thuế được trên một phần tư giá trị ngôi nhà. Mọi gia tài có trị giá nhiều hơn mức miễn trừ đều phải khai cho dù sau khi tính toán chiết giảm qua nhiều phương pháp đưa đến kết quả không nợ thuế nhưng cũng vẫn phải nộp tờ khai. Thuế gia tài bắt buộc nộp trong vòng chín tháng sau ngày chết và phải trả bằng tiền mặt. Nếu tính ra phải đóng thuế nhưng không thấy đề cập gì trong di chúc (a will) hay tín mục (a trust) ấn định dùng khoản tiền nào để trả thì luật tiểu bang thường buộc thuế vào người thừa hưởng di sản tính theo căn bản tỷ lệ, có nghĩa là thừa kế càng hưởng nhiều gia tài bao nhiêu thì càng phải đóng thuế nhiều bấy nhiêu. Hoặc luật tiểu bang thường bắt buộc lấy di sản dư (residuary estate) là những món không có liệt kê trong di chúc để thanh toán thuế trước nhất rồi phần còn lại sẽ truất vào phần di sản chính. Hiển nhiên thuế má và nợ nần là hai khoản phải thanh toán trước nhất, rồi sau đó mới tính đến phần còn lại phân chia cho các thừa kế. Những người lo xa đều tính trước các ngân khoản dùng để nộp thuế và chỉ thị thi hành rõ ràng trong di chúc hay tín mục. Chính quyền liên bang và tiểu bang là những nơi nhận tiền thuế có thứ tự ưu tiên cao nhất hơn hết mọi thừa kế. Do đó khi khi thiết kế bản dự trù di sản điều quan trọng phải lưu ý đến khả năng thanh toán tiền mặt mà trả thuế đừng để tòa án can thiệp phát mãi những món di sản muốn để lại cho thân nhân. Thí dụ muốn tặng một ngôi nhà đẹp cho người thân yêu thì phải tính đủ tiền đóng thuế trước, bằng không nhiều khi ngôi nhà đó có thể bị xiết để trả nợ thuế chưa chắc đã về tay được người thân như hằng mong muốn. Nhiều người hiểu lầm rằng bảo hiểm nhân thọ khi chết trả cho thân nhân là tiền miễn thuế. Sự thật không đúng hẳn như thế. Tiền bảo hiểm do người chết để lại tuy thừa kế không phải đóng thuế lợi tức cá nhân nhưng số tiền này được cộng vào toàn bộ gia tài nên nếu vượt quá mức miễn trừ sẽ phải chịu thuế nhiều khi rất cao, do đó kế hoạch dự trù lập ra càng tốt bao nhiêu thì càng bớt được nhiều thuế bấy nhiêu. Một điều quan trọng khác là thừa kế vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán thuế gia tài dù không dự trù trong di chúc. Cơ quan thuế vụ bao giờ cũng được quyền thu thuế trước khi chia phần cho thừa kế. Các thẩm quyền IRS rất rành rọt trong việc tìm tòi ai là người để nắm hoặc lấy gì để trả cho món nợ nhà nước mặc dù người quá cố đã đi rất xa trong cõi phiêu bồng. Khác biệt giữa thuế gia tài và thuế di sản Thuế gia tài (estate taxes) là thuế liên bang đánh trên tài sản của một người để lại lúc qua đời và thuế được tính trên trị giá vượt mức miễn trừ nêu trên. Như vậy một người lúc chết đi truyền những gì mình có cho thừa kế thì IRS sẽ đánh thuế gia tài trên số của cải đó. Ðây là thuế liên bang nên được áp dụng giống nhau ở toàn cõi lãnh thổ Hoa Kỳ. Riêng về vấn đề tài sản các tiểu bang chỉ đánh thuế phụ trội (pick-up tax) tương đương với cấp khoản trừ thuế (tax credit) mà cơ quan thuế vụ IRS bớt cho dân đóng thuế có thể dùng cấp khoản này để trả thuế di sản (inheritances taxes) cho tiểu bang. Thực ra tiểu bang được liên bang chia cho hưởng một tỷ lệ phần trăm thuế gia tài, nhưng để người dân khỏi có cảm nghĩ là bị đóng hai lần thuế cho nên chỉ phải đóng trực tiếp một lần cho IRS rồi sau đó liên bang sẽ chia lại. Nói một cách khác trên thực tế dân chúng chỉ phải đóng thuế tài sản một lần tính cho cả liên bang lẫn tiểu bang. Mặt khác thuế di sản của một số tiểu bang như mới đề cập ở trên là thuế mà người thừa kế phải đóng tính trên của cải nhận được do một người chết để lại. Ðây chính là loại thuế tương tự như thuế gia tài của liên bang nhưng được gọi bằng một tên cho khác nhưng đặc biệt chỉ áp dụng vào người thừa hưởng di sản. Ngoài ra tiểu bang còn đặt riêng rẽ thêm loại thuế tặng phẩm (gift taxes) khác với thuế tặng phẩm liên bang. Thuế tặng phẩm là thuế đem cho đi lúc còn sống và chỉ áp dụng trên những tài vật vượt quá số tiền miễn trừ pháp định trong suốt cuộc đời người sở hữu chủ và hoàn toàn khác với thuế gia tài là thuế trên của cải để lại lúc chết. Thuế và giá biểu thuế trên những của chìm tức là tài sản vô hình (intangible property) sẽ tùy thuộc vào tiểu bang nơi trú quán của người sở hữu chủ. Thuế và giá biểu thuế trên bất động sản như nhà ở, đất đai hay trang trại cùng các của nổi tức là tài sản hữu hình (tangible property) thì do tiểu bang sở tại nơi tọa lạc các tài sản đó quản trị. Tại các tiểu bang không có luật thuế di sản thì đương nhiên người thừa hưởng không phải đóng thuế này nhưng họ sẽ phải đóng thuế lợi tức trên bất cứ số tiền nào nhận được do người chết để lại. Khi lập dự trù tài sản cần lưu ý đến thuế tiểu bang. Ðừng bỏ qua vì lý do tài sản hiện không có đóng khoản thuế nào liên quan đến cái chết của người để của. Do hậu quả dây chuyền các ngân sách tiểu bang hàng năm sẽ bị thất thu vào khoảng từ 5 tỷ cho tới 9 tỷ USD tiền thuế thu nhập. Ðể tránh thâm thủng ngân sách chi dụng, tiểu bang phải tìm cách san bằng phần sai biệt bằng cách đánh thêm thuế trực tiếp vào dân, vì vậy nhiều tiểu bang đã chính thức biểu quyết luật mới tăng thuế nhằm vào mục đích cứu vãn tình trạng hụt hẫng. Về những món tiền hoãn thuế (tax-deferred) từ các quĩ hưu trí hay quĩ bồi thường của công ty, nếu muốn rút tiền ra sẽ có nhiều cách lựa chọn như nhận nguyên một khoản tiền mặt hoặc chia ra hàng tháng, v.v... do đó gây ra nhiều ảnh hưởng khác nhau về thuế lợi tức và thuế tài sản. Tuy nhiên tiền trợ cấp an sinh xã hội (social security) trả cho các thân nhân phụ thuộc không bao giờ phải chịu thuế liên bang. Tiền do quĩ hưu trí hay quĩ phúc lợi khác thông thường trả trực tiếp cho người thừa hưởng được chỉ định trước. Trên phương diện thuế những khoản tiền đó đều là tiền chưa đóng thuế dù rằng các khoản tiền trên trả trực tiếp cho người thừa hưởng thay vì chuyển vào gia tài của người quá cố. Muốn biết rõ ràng nên tham khảo với luật sư hay chuyên gia kế toán để xác định thuế nào phải trả cho tiền nào. Nhưng ai có góp tiền vào quĩ hưu bổng cá nhân (IRA) nên tận dụng yếu tố tiền này không phải đóng thuế khi chưa rút. Muốn vậy nên kéo dài thời gian lưu quĩ pháp định càng lâu càng tốt. Vì lý do tiền IRA góp trước thuế sẽ tiết kiệm được một số tiền thuế rất lớn nên ráng giữ tới khi đáo hạn tuổi bắt buộc phải lấy ra. Cách dễ nhất để kéo dài IRA đối với vợ chồng thành hôn là để tên người hôn phối làm người thụ hưởng. Khi vợ hoặc chồng qua đời thì người còn lại có thể chuyển tiếp (roll-over) sang một trương mục IRA mới rồi để tên con thừa hưởng. Làm như vậy sẽ tạo ra được quĩ IRA có thể giữ lâu theo tuổi tác người này rồi cứ thế chuyển tiếp sang đời con khi người còn lại cũng tạ thế luôn. Tùy theo tuổi của các nhân vật liên hệ, cách chuyển tiếp dây chuyền có thể kéo dài IRA miễn thuế tới ba, bốn mươi năm sau khi người đầu tiên chết. Còn những người độc thân nên để tên người thụ hưởng có tuổi nhỏ hơn để sau này nếu mình chết đi thì người kế thừa cũng sẽ kéo dài thêm được IRA tới mức tối đa. Về phần quĩ hưu trí 401(k) khi rút tiền ra chắc chắn phải chịu mọi thứ thuế. Ðầu tiên hết phải kể vào thuế lợi tức khai trong năm thuế đó. Khi chết đi tiền ấy phải đóng thuế gia tài nếu vượt mức miễn trừ đã kể trên và thừa kế vẫn phải trả thuế lợi tức trên phần tiền nhận từ quĩ ấy ngoại trừ phần thuế đã khấu trừ lúc rút ra. Ðối với giới doanh thương có một vài điều luật có thể giúp giảm thuế gia tài, một trong các khoản đó cho thương gia có thể kéo dài thời gian hoãn thuế doanh nghiệp lâu tới mười lăm năm mà chỉ phải trả lãi chỉ có 2% đồng niên trên số tiền hoãn thuế. Một luật khác trong mục đích giảm thuế cho phép khai bớt đi tới mức 300 ngàn USD trị giá của tài sản thương mại hiện hữu. Ngoài ra còn một số phương cách khác để giảm thuế tài sản thương mại thí dụ như lập ra tổ hợp gia đình (family partnership), cách này rất có hiệu quả trong việc khai giảm trị giá tổ hợp trong mục đích bớt thuế. Dĩ nhiên còn nhiều phương pháp dự trù tài sản hữu hiệu khác cần đến luật sư chuyên môn cố vấn. Tiền bảo hiểm nhân thọ trả ra khi người sở hữu chủ hợp đồng chết đi đều được miễn mọi khoản thuế lợi tức liên bang cùng thuế lợi tức tại hầu hết tiểu bang trừ phi có bao gồm luôn tiền lãi kiếm được. Tiền bồi thường do hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được kể vào di sản của người quá cố nếu lúc chết người ấy đang là sở hữu chủ của hợp đồng đó. Trong những kỳ sau chúng tôi sẽ trình bày nhiều cách làm cho bảo hiểm nhân thọ tránh được hẳn mọi thứ thuế liên bang hay tiểu bang đồng thời giúp người chủ hợp đồng nắm vững một cách hữu hiệu việc phân phối tiền ấy sau này khi người ấy mệnh chung. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
|