Tìm hiểu luật di trú: Tin cập nhật về Affidavit of Support |
Tác Giả: LS Darren Nguyễn Ngọc Chương, ESQ | |||
Thứ Bảy, 02 Tháng 1 Năm 2010 15:33 | |||
Luật di trú Hoa Kỳ là loại luật phức tạp nhất. Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong là luật sư Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California đã được Luật Sư Ðoàn Tiểu Bang California chính thức công nhận là luật sư chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 217,608 luật sư nhưng chỉ có 147 luật sư có bằng chuyên môn về luật di trú, trong số đó có Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong. Ngoài ra Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong đã từng phục vụ lâu năm tại Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS). Ông là một luật sư đầy kinh nghiệm và uy tín chuyên trách giải quyết và phục vụ đồng hương Việt Nam về lãnh vực di trú nhiều năm tại California và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Ðạo luật của năm 1996 thay đổi điều luật 212(a)(4) của Bộ Luật Di Trú. Ðiều luật đó nói rằng đương đơn không được nhập cảnh Hoa Kỳ vì đương đơn sẽ bị ghép vào thành phần là những người có thể trở thành gánh nặng của xã hội Hoa Kỳ. Ðiều luật sẽ được áp dụng vào những trường hợp đương đơn xin chiếu khán di dân, đương đơn xin nhập cảnh Hoa Kỳ và đương đơn xin điều chỉnh tình trạng di trú thành thường trú nhân theo diện bảo lãnh thân nhân hoặc diện bảo lãnh nghề nghiệp. Trong trường hợp bảo lãnh theo diện nghề nghiệp, chỉ có hai trường hợp là cần phải có mẫu bảo trợ tài chánh: 1. Trường hợp thứ nhất là người chủ đứng ra bảo lãnh là thân nhân của đương đơn; và 2. Trường hợp thứ hai là thân nhân của đương đơn có phần hùn trong công ty đứng đơn bảo lãnh cho đương đơn. Tuy rằng đạo luật được ban hành vào năm 1996, nhưng tới năm 1997, Sở Di Trú Hoa Kỳ mới ra interim rule (xin tạm dịch là điều lệ tạm thời) để chấp hành điều luật này. Chúng ta cũng dựa vào interim rule đó để làm đơn bảo trợ tài chánh. Vào ngày 21 Tháng Sáu của năm 2006, Sở Di Trú Hoa Kỳ chính thức ra final rule (xin tạm dịch là điều lệ chính thức). Nhưng quí vị thấy, Sở Di Trú Hoa Kỳ phải mất 10 năm sau khi đạo luật ban hành họ mới ra điều lệ chính thức. Trong những năm qua chúng ta chỉ dựa theo interim rule và những giác thư của Sở Di Trú Hoa Kỳ để làm mẫu bảo trợ tài chánh. Ðiều lệ chính thức thay đổi một số chi tiết nêu ra trong điều lệ tạm thời, nêu ra những điều lệ mới và giải thích một số điều lệ cũ. Trước đây Sở Di Trú Hoa Kỳ và Lãnh Sự Hoa Kỳ đều có sự đòi hỏi là mẫu đơn bảo trợ tài chánh phải được nộp vào cùng với 3 năm thuế liên bang. Nhiều khi đến lúc đương đơn được Sở Di Trú hoặc lãnh sự Hoa Kỳ phỏng vấn, Sở Di Trú hoặc lãnh sự Hoa Kỳ yêu cầu phải bổ túc thêm thuế liên bang mới nhất, vì thời gian lúc nộp bộ hồ sơ bảo trợ tài chánh đến khi phỏng vấn có thể kéo dài đến một năm. Nhất là trong thời gian này, ngày ưu tiên đang bị đứng lại và Lãnh Sự Hoa Kỳ không phỏng vấn đương sự đến khi nào ngày ưu tiên của đương sự được đáo hạn. Theo điều lệ chính thức, người bảo trợ không cần phải nộp 3 năm thuế liên bang mà chỉ cần nộp thuế liên bang mới nhất cùng với W2, 1099 hoặc giấy tờ chứng minh người bảo trợ tự làm chủ. Trong trường hợp lợi tức của người bảo trợ trong thuế liên bang mới nhất thấp hơn những năm trước và có lý do chính đáng, người bảo trợ nên nộp thêm 2 năm thuế nữa để chứng minh lợi tức của họ. Ðiển hình là người bảo trợ là giáo sư và họ nghỉ dạy học một năm để nghiên cứu trong ngành nghề của họ cho nên lợi tức của năm đó thấp. Một điển hình khác là người bảo trợ có thai nên tạm nghỉ việc một thời gian cho nên lợi tức của năm đó thấp. Trong hai thí dụ điển hình tôi vừa trình bày, người bảo trợ nên nộp thêm thuế của hai năm trước đó để chứng minh lợi tức chân thật hàng năm của họ. Trước đây, trước khi Sở Di Trú Hoa Kỳ ra điều lệ chính thức, không những người bảo trợ phải nộp 3 năm thuế liên bang mà còn phải chứng nhận việc làm hiện tại bằng cách nộp giấy chứng nhận việc làm do chủ nhân đương thời ký hoặc pay stubs (xin tạm dịch là cùi phiếu lương) cho 3 kỳ gần nhất. Theo điều lệ chính thức, Sở Di Trú Hoa Kỳ không còn đòi hỏi giấy chứng nhận việc làm hoặc pay stubs nữa. Một điều thay đổi quan trọng nêu ra trong điều lệ chính thức nữa là mẫu bảo trợ tài chánh sẽ có giá trị vĩnh viễn và mức lương tối thiểu được áp dụng sẽ dựa vào poverty guidelines (tức là mức nghèo khó) có giá trị lúc đơn bảo trợ tài chánh được Sở Di Trú Hoa Kỳ hoặc Lãnh Sự Hoa Kỳ nhận. Ðiển hình là người bảo trợ nộp mẫu bảo trợ tài chánh cho National Visa Center (tức là Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia) vào năm 2005 và họ dựa vào poverty guidelines cho năm 2005. Nhưng vì ngày ưu tiên bị đứng lại và chiếu khán không có, đương sự không được phỏng vấn đến năm 2006. Nhưng vì mẫu bảo trợ tài chánh được LSHK nhận được vào năm 2005, cho nên poverty guidelines của năm 2005 được áp dụng. Lý do điều này quan trọng, vì mỗi năm mức lương nêu trong poverty guidelines đều được tăng lên cho nên người bảo trợ tài chánh đủ điều kiện cho năm 2005 nhưng có thể không đủ điều kiện cho năm 2006. Thêm vào đó Sở Di Trú Hoa Kỳ có thêm mẫu I-864P. Mẫu I-864P có liệt kê rõ ràng poverty guidelines và theo điều lệ chính thức thì mẫu I-864P phải được nộp chung với mẫu bảo trợ tài chánh. Thật ra đây cũng là một điều nên làm vì khi người bảo trợ nộp mẫu I-864P có liệt kê poverty guidelines hiện thời thì khi poverty guidelines có gia tăng, người bảo trợ không cần phải nộp lại mẫu bảo trợ tài chánh vì mẫu I-864P sẽ là chứng từ chứng minh poverty guidelines hiện hành lúc mẫu bảo trợ tài chánh được nộp. Ðạo Luật của năm 1996 thay đổi điều luật 212(a)(4) của bộ luật di trú. Ðiều luật đó nói rằng đương đơn không được nhập cảnh Hoa Kỳ vì đương đơn sẽ bị ghép vào thành phần là những người có thể trở thành gánh nặng của xã hội Hoa Kỳ. Ðiều luật sẽ được áp dụng vào những trường hợp đương đơn xin chiếu khán di dân, đương đơn xin nhập cảnh Hoa Kỳ và đương đơn xin điều chỉnh tình trạng di trú thành thường trú nhân theo diện bảo lãnh thân nhân hoặc diện bảo lãnh nghề nghiệp. Vào ngày 21 Tháng Sáu của năm 2006, Sở Di Trú Hoa Kỳ chính thức ra final rule (xin tạm dịch là điều lệ chính thức). Ðiều lệ chính thức thay đổi một số chi tiết nêu ra trong điều lệ tạm thời, nêu ra những điều lệ mới và giải thích một số điều lệ cũ. Một thay đổi quan trọng nêu trong điều lệ chính thức là khi người bảo trợ không hội đủ mức lợi tức theo “poverty guidelines” của người bảo trợ lúc nộp mẫu bảo trợ tài chánh, người bảo trợ có thể thế vào tài sản. Các tài sản có thể dùng để hội đủ mức poverty guidelines là trương mục tiết kiệm, stock, bond, certificate of deposit, bất động sản hoặc những tài sản khác. Tài sản thế vào phải gấp 5 lần mức poverty guidelines. Nhưng một điều thay đổi là trong trường hợp người thừa hưởng là vợ hoặc chồng hoặc con dưới 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ thì tài sản thế vào chỉ cần gấp 3 lần mức poverty guidelines. Một thay đổi quan trọng nữa là trong trường hợp con độc thân của công dân Hoa Kỳ dưới 18 tuổi khi nhập cảnh Hoa Kỳ, sẽ được miễn sự đòi hỏi phải nộp mẫu bảo trợ tài chánh bằng cách nộp mẫu đơn I-864W. Lý do mà được miễn là vì theo đạo luật Child Citizenship Act of 2000, người con của công dân Hoa Kỳ khi nhập cảnh Hoa Kỳ dưới 18 thì sẽ tự động trở thành công dân Hoa Kỳ và trách nhiệm bảo trợ tài chánh cũng sẽ chấm dứt cho nên vấn đề bảo trợ tài chánh được miễn. Ðiều này khá quan trọng vì có mẫu bảo trợ tài chánh không có nghĩa là điều luật cấm nhập cảnh vì bị coi là gánh nặng của xã hội Hoa Kỳ không bị áp dụng. Trong điều lệ chính thức có nêu ra một điển hình thí dụ là người thừa hưởng là người con độc thân dưới 18 của công dân Hoa Kỳ. Người thừa hưởng có bệnh tật và sẽ cần sự giúp đỡ về vấn đề y tế cho nên nếu áp dụng điều luật cấm nhập cảnh thì người bảo lãnh phải chứng minh có đủ tài chánh để cung cấp y tế cho người thừa hưởng thì mới được miễn điều luật cấm nhập cảnh đó. Sở Di Trú Hoa Kỳ có trình bày rằng vì người thừa hưởng là con độc thân dưới 18 tuổi của công dân Hoa Kỳ và khi người thừa hưởng được nhập cảnh Hoa Kỳ thì dưới đạo luật Child Citizenship Act of 2000 thì người thừa hưởng sẽ tự động trở thành công dân Hoa Kỳ và người thừa hưởng sẽ được trợ cấp chính phủ. Trong những năm qua có khoảng 4 vụ kiện được tòa xử về vấn đề cấp dưỡng theo mẫu bảo trợ tài chánh. Tuy rằng có 4 vụ kiện không có nghĩa là không có những vụ khác được những tòa án khác xử vì 4 vụ kiện tôi nêu trên là người thừa hưởng đưa người bảo trợ ra tòa để đòi cấp dưỡng dựa vào mẫu bảo trợ tài chánh. Tôi tin rằng có những vụ xử khác nhưng về vấn đề bảo trợ tài chánh được xử chung với vấn đề cấp dưỡng trong hồ sơ ly dị cho nên những vụ xử đó là trong thành phần hồ sơ ly dị. Trong một vụ kiện thì người vợ, tức là người thừa hưởng, và người chồng là công dân Hoa Kỳ, đã ly dị sau khi người vợ được sự thường trú Hoa Kỳ. Sau khi ly dị, người vợ kiện người chồng và đòi người chồng phải cấp dưỡng theo như người chồng đã cam kết trong mẫu bảo trợ tài chánh. Tòa án liên bang phán quyết cho người vợ và người chồng phải cấp dưỡng cho người vợ theo mức 125% của poverty guidelines cho một người. Trong những thời gian qua, chúng tôi cũng có nhận những câu hỏi của các vị về vấn đề người bảo trợ có bị trách nhiệm của mẫu bảo trợ tài chánh sau khi họ đã ly dị người phối ngẫu hay không thì vụ kiện vừa trình bày trên đã làm sáng tỏ sự thắc mắc của những vị đó. Bản tin chiếu khán Sau đây là bản thông tin chiếu khán cho Tháng Giêng năm 2010. Ưu tiên 1 - priority date là ngày 1 Tháng Tư năm 2004, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ. Ưu tiên 2A - priority date là ngày 1 Tháng Giêng năm 2006, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân. Ưu tiên 2B - priority date là ngày 1 Tháng Mười Hai năm 2001, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân. Ưu tiên 3 - priority date là ngày 22 Tháng Năm năm 2001, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ. Ưu tiên 4 - priority date là ngày 1 Tháng Mười năm 1999, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ. Quí vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hàng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP tại: http://www.nguyenluu.com/vn/vnbulletin/2009-12%20luatditru_banchieukhan_dienthannhan.html.
|