Những cuộc an táng rùng rợn lúc nửa đêm! |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | |||||||||
Thứ Sáu, 03 Tháng 6 Năm 2011 07:24 | |||||||||
Ông mở túi nilon và bảo: “Hôm nay chỉ có 5 cháu thôi. Ngày nào nhiều thì có hơn chục cháu, ngày ít cũng 3-4 cháu”. Thang lang ở vùng quê ven biển, thuộc tỉnh Nam Định, tôi được chứng kiến hai ngôi mộ khổng lồ quái dị, và cuộc an táng rùng rợn, do một người đàn ông thực hiện, tiễn đưa những sinh linh bé bỏng về trời. Giữa cánh đồng xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng, Nam Định), có hai ngôi mộ sơn màu vàng, mái đỏ. Người dân quanh vùng, người đi làm đồng thường tránh xa, không dám lại gần hai ngôi mộ đó. Theo người dân trong vùng, ngày nào hai ngôi mộ cũng tiếp nhận vài hài nhi. Người đàn ông râu tóc bạc phơ, sau khi làm lễ tiễn đưa các lĩnh hồn về trời, vào lúc nửa đêm, ông rước các hài nhi xấu số về mộ.
Người dân trong vùng nhìn thấy ông già đó lại tránh rất xa. Họ kinh sợ việc làm quái đản của ông, sợ những hồn ma hài nhi xấu số. Tò mò với câu chuyện rùng rợn này, tôi tìm gặp ông Vũ Bao. Bóng tối sầm sập đến, con ngõ vào nhà ông già quái dị này vắng tanh, cảm giác rờn rợn. Tôi bước vào ngôi nhà lớp ngói tuềnh toàng. Ông lão tóc trắng toát, râu dài ngang ngực trắng như cước ngồi bất động trên ghế. Thi thoảng ông nhấp ngụm trà. Tôi cất tiếng “chào cụ”. Ông lão vuốt râu cười hiền lành: “Cậu cứ gọi tớ là anh cũng được, chưa lên chức cụ đâu”. Hóa ra, ông Bao mới 60 tuổi. Dáng ông vâm váp, nước da đỏ như da gà chọi, nhưng râu tóc thì lại trắng xóa. Tôi ngồi uống nước, trò chuyện cùng ông về cái công việc đặc biệt và kỳ quái này. Ông Vũ Bao vốn làm nghề đi biển như bao người dân khác ở vùng đất giáp biển. Ông nổi tiếng với tài câu cá vược. Không hiểu có phải ông có duyên với người chết hay không, mà thường xuyên câu được… xác chết. Mỗi lần gặp xác chết, ông không hề sợ, mà vớt xác, rồi an táng cho người xấu số cẩn thận. Thế rồi, ở đâu có xác chết trôi, người dân, chính quyền gọi ông làm giúp. Ông làm việc kinh dị này miễn phí. Nơi ông ở là vùng theo đạo. Cha xứ gọi ông về giáo xứ và giao cho làm trùm kẻ liệt, tức làm công việc khâm liệm cho con chiên. Cách đây 5 năm, đi câu cá ở bờ sông Tiêu, một bịch nilon dính lưỡi. Kéo bịch nilon đen xì lên, mở ra, thì ông lạnh cả người: cả chục hài nhi đỏ hỏn. Có đứa chưa thành hình hài, có đứa đủ cả tay chân, mặt mũi. Người theo đạo cấm phá thai, nên thấy cảnh đó, ông rụng rời tay chân. Ông cặm cụi làm đúng thủ tục mai táng như nhà thờ làm, cầu Chúa ban phước cho linh hồn các hài nhi về nơi cực lạc. Làm lễ xong, ông đem các bé ra nghĩa địa chôn. Việc phát hiện bọc thai nhi to tướng cứ ám ảnh ông mãi. Một ngày, ông làm chuyến điều tra dọc con sông cạnh nhà. Đi ngược lên phía thượng nguồn, ông nhặt được vô số túi nilon đen chứa hài nhi. Con sông dẫn đến thị trấn Đông Bình. Ông phục kích tại đây, thì phát hiện một người đàn bà ném những túi đen xuống sông vào chiều tối.
Người đàn bà này vốn là bác sĩ, đã về hưu, mở phòng sản tư, chuyên môn nạo hút thai. Mỗi ngày, bà gom hài nhi lại, rồi ném xuống sông Tiêu. Nghĩ đến cảnh các hài nhi làm mồi cho cá, chuột bọ, chó mèo, lòng ông đau quặn. Thế là, từ đó, ông nảy sinh ý tưởng lạ: Làm tang ma cho các linh hồn bé bỏng, để các linh hồn tội nghiệp được siêu thoát. Ông liên hệ với các bệnh viện, các phòng sản tư trong huyện, đề nghị họ cung cấp hài nhi cho ông để ông làm tang ma. Lúc đầu, các phòng khám, bệnh viện hoài nghi, từ chối, nhưng rồi, họ hiểu việc làm của ông, và cũng tốt cho họ, nên họ đồng ý. Cứ chiều xuống, họ lại mang hài nhi đến cho ông làm lễ an táng. Nơi làm lễ an táng hài nhi. Ông làm lễ rửa tội, xức nước thánh và đặt tên cho các sinh linh theo họ Vũ của ông. Xong xuôi, ông cho các cháu vào chiếc tiểu sành, chờ đêm xuống mang ra nghĩa địa chôn. Việc chôn cất hài nhi ra mả rất tốn diện tích, vì cứ vài ngày lại mọc thêm ngôi mộ, nên bị nhân dân phản đối. Vì thế, ông đã xây hẳn hai ngôi mộ to để chứa hài nhi vào trong đó. Đang trò chuyện, thì tiếng chó sủa râm ran, rồi tiếng xe máy đỗ ở ngõ. Ông Bao bảo: “Người ta mang hài nhi đến đó”. Tôi ra ngoài sân ngó xem, thì tiếng xe máy đã xa dần. Ông Bao mở chiếc hòm tôn như hòm thư trên cây nhãn trước nhà, lấy ra một bọc nilon màu đen. Ông mở túi nilon và bảo: “Hôm nay chỉ có 5 cháu thôi. Ngày nào nhiều thì có hơn chục cháu, ngày ít cũng 3-4 cháu”. Ông mang túi đựng hài nhi ra chái nhà, là lối đi giữa nhà và bếp. Tại đây, có một bàn thờ với khói hương, tượng thánh giá và vô số hài nhi đã được làm lễ rửa tội và “nhập quan”. Ông Bao thắp hương lầm rầm khấn vái. Ông đặt các hài nhi ra mặt bàn, đặt tên cho các con, rồi đọc kinh thánh giúp các linh hồn siêu thoát. Ông nói chuyện với các con mình: “Con người sinh ra từ cát bụi, chết lại trở về với cát bụi. Các con không một lần được nhìn thấy mặt trời, nhưng Chúa thấu hiểu nỗi đau nên sẽ bù đắp cho các con vào kiếp khác. Các con hãy siêu thoát và đừng oán hận những người trần gian, vì họ cũng có nhiều nỗi buồn khó nói. Cha mong các con được thanh thản nơi thiên đường và phù hộ cho những người cha, người mẹ lầm lỗi, phải nuốt nước mắt, rứt ruột rứt gan từ bỏ các con”. Đọc Kinh Thánh, trò chuyện xong, ông làm lễ rửa tội bằng cách xức dầu thánh lên các hài nhi. Ông đặt 5 hài nhi vào 5 chiếc tiểu sành. Hài nhi to đặt vào tiểu to, hài nhi nhỏ đặt vào tiểu nhỏ. Những chiếc tiểu do ông đặt ở cơ sở làm gốm, giống hệt các bát hương. Dán kín nắp tiểu sành bằng xi măng. Ông trộn ximăng cho nhuyễn, rồi dùng ximăng gắn chặt nắp với tiểu. Ông dùng bút lông đánh số bằng mực đỏ lên các tiểu sành. Hài nhi nhập quan cuối cùng trong ngày hôm đó mang số 3.155. Điều đó có nghĩa, đã có 3.155 hài nhi được ông Bao làm lễ rửa tội, xức dầu thánh và an táng chu đáo. Xong xuôi, ông Bao đựng các “quan tài” nhỏ xíu vào bị, rồi mang ra ngôi mộ ở cánh đồng. Tôi lẽo đẽo theo ông trong cảnh nhập nhoạng, với cảm giác rờn rợn. Bình thường, lúc nửa đêm, khi dân làng ngủ hết, ông mới đem hài nhi ra mộ, để người dân đỡ sợ. Nhưng hôm nay, có nhà báo, nên ông mang sớm để tôi được chứng kiến. Đi qua nghĩa địa u tịch của xứ đạo Quần Vinh thì đến hai ngôi mộ khổng lồ. Hai ngôi mộ nằm giữa ruộng, tách biệt hẳn với nghĩa địa. Hôm đó mưa to, nước lớn ngập ruộng, tràn cả vào trong mộ, khiến các tiểu sành nổi lềnh bềnh. May mà ông Bao trát kín miệng tiểu sành bằng ximăng nên nước không ngấm vào được. Ông bảo, đang làm thì hết tiền, nên chưa trát kỹ được tường, lại chưa có cửa, nên mưa to là mộ ngập nước. Ông dùng chậu tát hết nước trong mộ, rồi đặt một số tiểu sành vào trong. Dù ngôi mộ mới xây dựng, nhưng tôi thấy có đến cả ngàn hài nhi trong hai ngôi mộ này. Theo tính toán của ông Bao, phải vài chục ngàn hài nhi mới lấp đầy được hai ngôi mộ. Sau khi nhập các hài nhi vào mộ, ông Bao ngồi bên thành mộ “nói chuyện” với các linh hồn. Tôi thấy ông nói chuyện, khuyên bảo, cười đùa cứ như với người vô hình trước mặt. Ông Bao khẳng định, ông nghe được tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa râm ran của bọn trẻ! Bọn trẻ cũng nghe được những lời ông nói. Có đêm, đang ngủ, bọn trẻ cười đùa, khóc lóc, trèo lên bụng, lên ngực, ngoáy mũi, giật râu không cho ông ngủ! Chuyện ông Bao kể, chẳng hiểu có tin được không. Không rõ ông đang ở thế giới thực hay mộng nữa. Hầu như ngày nào, ông cũng ra mộ trò chuyện với mấy ngàn đứa con của ông. Tiếng chuông xứ đạo gọi con chiên vang vọng. Màn đêm bao phủ khắp nơi. Bỏ lại ông già râu tóc trắng xóa ngồi trò chuyện với các linh hồn bên mộ, tôi như chạy trốn hỏi một hiện thực nhói lòng. Việc làm của ông thật kỳ lạ. Nhưng tôi tin rằng, nếu ai một lần nhìn thấy ngôi mộ khổng lồ với hàng ngàn hài nhi chồng chất, sẽ biết sợ, biết trân trọng sự sống.
|