Nhớ về Elizabeth Edwards |
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh | |||
Thứ Ba, 14 Tháng 12 Năm 2010 10:45 | |||
1. Trong đời sống, chúng ta nợ nhau quá nhiều. Có thể đó là những món nợ ân tình không thể diễn tả được và chẳng bao giờ trả nổi, cũng có thể đó là món nợ thật nhỏ nhoi, chẳng hạn một lần được nắm tay, một lần thấy được nụ cười, hay một lời nói chứa đầy yêu thương được cất lên vào giữa đêm khuya, thật nhẹ -nhẹ nhàng như tiếng gió thoảng qua- và biết đâu chừng, lời yêu thương đó cuối cùng cũng chỉ là cơn gió thoảng qua rồi mất hẳn. Cũng có thể món nợ khó trả đó chỉ là miếng bánh ngọt và ly cà phê được mời vào một buổi chiều tháng 10 năm 2004 mà tôi nhận được từ tay người phụ nữ mang tên Elizabeth Edwards. 2. Tôi gặp bà lần đầu tiên ở thành phố Boston khi Radio Bolsa cử đi săn tin về Ðại Hội Ðảng Dân Chủ 2004. Mặc dù tất cả chú ý lúc đó đều được đổ dồn cho Thượng Nghị Sĩ John Kerry của tiểu bang Massachussetts vì ông là đối thủ chính trị của Tổng Thống George W. Bush, hay chính trị gia mới nổi tên Barack Obama với bài diễn văn hùng hồn đọc vào đêm khai mạc, nhưng mọi người vẫn không thể quên ông thượng nghị sĩ nổi tiếng đẹp trai và xông xáo John Edwards của North Carolina. Mặc dù thất bại khá chua cay ngày từ những vòng bầu sơ bộ đầu tiên, nhưng ông Edwards vẫn được xem là một trong những chính trị gia tương lai nhất của đảng, nhiều triển vọng có ngày trở thành tổng thống, và là người được ông Kerry chọn để đứng chung liên danh trong cuộc đua tiến về Tòa Bạch Ốc. Bốn năm trước đó tin đồn chính trị cũng đã nói đến ông, cho biết ông nằm trong danh sách có thể được Phó Tổng Thống Al Gore mời đứng chung liên danh, và là người đầu tiên được ông Gore gọi điện thoại cám ơn, trước khi thông báo cho mọi người biết chọn Nghị Sĩ Lieberman của tiểu bang Connecticut. Bà xuất hiện bên cạnh chồng, tay dẫn theo cậu con trai mới lên 4. Khuôn mặt hiền dịu, nói năng từ tốn, khác hẳn với chức năng của một luật sư thật thành công mà bà đã làm trong nhiều năm trời. Bà chăm chú nghe từng câu hỏi, bao giờ cũng tìm cách giới thiệu “anh John nhà tôi” trong câu trả lời, đưa đôi mắt ướt đẫm nhìn chồng và 3 đứa con khi một nhà báo đặt câu hỏi khiến bà nhớ đến cậu con trai lớn chết vì tai nạn xe hơi lúc mới 16 tuổi. Ông trông rất trẻ, bà nhìn thật chững chạc. Ông mặc bộ vest được cắt đo thật chuẩn, bà khoác trên người bộ quần áo rất bình thường không có vẻ hàng hiệu, lại còn nhàu nát vì phải bế con. Ông trông thật nhanh nhẹn, bà thể hiện hình ảnh của một người phụ nữ dịu hiền, nhu mì chỉ biết lo cho chồng con, không hề có nét sắc sảo như phần lớn các bà vợ những chính trị gia khác mà tôi đã gặp. Một nhà báo -tôi quên tên- của tờ Boston Globe đưa ra so sánh bà không “gấu” như Ðệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton, cũng chẳng lộ nét “tham vọng” như các bà của dòng họ Kennedy xuất thân từ vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ nhưng nổi danh cả thế giới. Hình như cũng anh nhà báo này bảo câu “bên Cộng Hòa có bà Laura, bên đảng Dân Chủ có bà Elizabeth”. Câu nói đó quá đúng và thật xứng đáng dành cho bà Elizabeth Edwards. 3. “Tôi và anh John gặp nhau lần đầu ở sân trường đại học, đám cưới xong, bảo là đi hưởng tuần trăng mật nhưng chỉ được đúng một ngày rồi hai đứa bù đầu vào công việc” như lời bà kể cho mọi người nghe. Công việc đó kéo dài hàng chục năm trời, để “anh John” có thể theo đuổi “ước mơ” trở thành người lãnh đạo. Bà xuất hiện khắp nơi, có mặt trong tất cả các cuộc vận động chính trị với chồng, thường là người đứng ra giới thiệu chồng với cử tri. Trong những lần mà tôi có dịp được nghe bà mở đầu cuộc họp, bao giờ cũng có câu “anh John là người yêu dấu nhất đời tôi” vẽ nên hình ảnh của một người đàn ông hết lòng với vợ con, với gia đình, và lúc nào cũng “sẵn sàng phục vụ quốc gia”, chỉ mong “được các bạn tin tưởng” như chính bà tin tưởng ở chồng. Chưa bao giờ tôi nghe thấy bà nói dù chỉ một chữ về công lao của mình. Dường như bà tin số phận Thượng Ðế đặt sẵn là gặp cậu sinh viên trường luật tên John Edwards, và giúp cậu sinh viên trẻ hơn mình 4 tuổi đạt được ước muốn mà anh đã có từ khi hai người chưa quen nhau. Chính bà chứ chẳng ai khác đã bế con đi theo chồng trong những cuộc vận động tranh cử, hãnh diện nhìn “anh John” giơ tay tuyên thệ nhận những chức vụ khác nhau. Cũng chính bà từng ngồi dưới hàng ghế khán giả, cau mày khi thấy “anh John” bị chất vấn với những câu hỏi khó khăn, và bao giờ cũng là người đầu tiên bước lên khán đài ôm hôn chồng thắm thiết sau những cuộc tranh luận chính trị đầy sôi nổi. Chỗ nào có ông, nơi đó có bà. Cho tới khi chuyện gia đình trở thành chuyện báo chí đăng tài ngay trên trang nhất. 4. Cuối năm 2007, tờ The National Enquirer tung tin ông John Edwards ngoại tình, người yêu là cô Rielle Hunter từng làm việc trong Ủy Ban Vận Ðộng Tranh Cử cho ông. Các bản tin đi kèm theo hình ảnh của tờ báo nổi tiếng lá cải nhất nước Mỹ không được ai chú ý tới, cho mãi đến gần một năm sau mọi người mới giật mình khi tờ The New York Times đưa tin nói cơ hội chính trị của ông Edwards “thật sự tan vỡ” vì không chỉ ngoại tình, ông và cô Hunter còn có với nhau một đứa con gái. Thoạt đầu ông lên tiếng bác bỏ tin này, đến khi không thể chối cãi được nữa ông mới xác nhận là quả có vụng trộm nhưng quả quyết không phải là cha của đứa bé, nhất định bảo “sẵn sàng thử DNA” để mọi người nhìn rõ sự thật. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chuyện còn nổ lớn hơn nữa: Ông dàn xếp để một người phụ tá nhận là cha của đứa bé, và anh này thấy không ổn, khai báo mọi chuyện với báo chí. Ðến khi nhà báo George Stephanopoulus tiết lộ trong bản tin buổi chiều của đài ABC “nhiều nhân viên trong Ủy Ban Vận Ðộng nói sẽ khai hết mọi chuyện để John Edwards không được đảng đề cử tranh chức tổng thống” và chính phủ nhảy vào điều tra xem ủy ban có sử dụng tiền cử tri đóng góp để trang trải “chi phí riêng tư” cho mẹ con cô Rielle Hunter hay không, lúc đó ông chính trị gia nổi tiếng đẹp trai của nước Mỹ mới nhìn nhận những gì đã xảy ra. Trong thời gian đó, thoạt đầu bà vẫn lên tiếng bênh vực cho chồng. Qua những cuộc phỏng vấn trên truyền hình, bà cho biết chuyện chồng có tật xấu là điều không nên, nhưng “nếu bỏ những điều xấu nhỏ nhoi đó đi thì anh John nhà tôi là một người chồng, người cha toàn hảo”. Nhưng đến khi nghe chồng thú nhận có con riêng và xin “gia đình cũng như những cử tri ủng hộ ông tha thứ”, bà mới quyết định xin ly dị, chấm dứt mọi liên lạc với người chính bà đã từng đặt trọn niềm tin và hy vọng. Khi loan tải tin này, tạp chí People viết rằng bà kể cho một người bạn thân biết rằng “tôi không thể nào chịu đựng được hơn nữa”, và chia tay với chồng “là giải pháp chẳng bao giờ muốn, nhưng phải làm”. Lúc chuyện dồn dập xảy ra, bà đang bị bệnh ung thư. Thoạt đầu, bác sĩ nói không nguy hiểm, có thể chữa được. Ít lâu sau, bác sĩ cho biết bệnh tái phát thật nhanh, phá khắp cơ thể và bà không có nhiều hy vọng qua khỏi. 5. Lần cuối cùng tôi đọc được những chia sẻ của bà là hôm Thứ Năm tuần trước. Lúc đó đang ở Zurich săn tin FIFA chọn quốc gia tổ chức World Cup 2018 và 2022, tình cờ vào Facebook thấy bà viết cho bạn bè và mọi người câu “thời gian chúng ta có dịp chia sẻ với nhau chẳng còn bao lâu nữa”. Ít ngày sau đó khi đã trở về lại Mỹ, đang lái xe thì được tin bà mất vì chứng bệnh quái ác. Tự dưng, tôi nhớ đến hình ảnh của bà, nhớ đến lần cùng với mấy chục nhà báo đua nhau đặt câu hỏi với bà ở Ðại Hội Ðảng Dân Chủ 2004 tại Boston, nhớ đến một buổi chiều cùng nhóm ký giả đứng săn tin trước cửa nhà bà ở thành phố Raleigh, North Carolina, và không thể quên được cảnh bà cầm khay bánh ngọt ra mời mọi người cùng ăn cho vui. Hôm đó, cả bọn chúng tôi đều phá lên cười khi một người trong nhóm bảo ước gì có được ly cà phê nữa thì tuyệt diệu. Không ai ngờ vài phút đồng hồ sau bà xuất hiện trở lại, lần này cùng với cô con gái lớn tên Cate, rót cà phê cho từng người một. Theo tôi hiểu thì trong số các bà vợ của những chính trị gia Hoa Kỳ, rất ít người làm điều như bà đã làm cho cánh báo chí chúng tôi ngày hôm đó. Chính điều đó khiến tôi có cảm tình với bà nhiều hơn, thấy thật buồn khi nghe tin bà mất. Ngay lúc này, tự dưng thèm được ăn một miếng bánh ngọt, uống một ly cà phê, như miếng bành và ly cà phê tôi đã nhận cách đây hơn 6 năm, từ tay người phụ nữ nhiều bất hạnh tên Elizabeth Edwards.
|