Home Đời Sống Gia Đình Vì sao phụ nữ Việt thích lấy chồng Tây?

Vì sao phụ nữ Việt thích lấy chồng Tây? PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Hà, phóng viên RFA   
Thứ Ba, 02 Tháng 11 Năm 2010 14:51

"Đàn ông Việt đang thất thế, nhan sắc Việt đang chảy máu”…

AFP photo/ Đám cưới cô dâu Việt và chú rể nước ngoài tại VN.

Đó là một vài trong số rất nhiều những tựa đề các bài báo trên báo chí Việt Nam gần đây khi nói về hiện tượng phụ nữ Việt Nam, nhất là các cô người mẫu, hoa hậu, nghệ sĩ nổi tiếng, đổ xô đi lấy chồng nước ngoài, hay nói cụ thể hơn là những người đàn ông phương Tây.

Có không ít bài viết chê bai đàn ông Việt so với những người đàn ông phương Tây, đổ lỗi cho họ về hiện tượng  ‘chảy máu nhan sắc Việt’ hiện nay.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin được góp thêm một vài suy nghĩ của những người phụ nữ, và cả đàn ông Việt Nam về hiện tượng này.

Khác biệt giữa Tây - Ta
Lấy chồng đã hơn hai năm, chị Phương, 36 tuổi, một người phụ nữ khá thành đạt ở thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng mình là người rất may mắn khi tìm được một người chồng tâm đầu ý hợp, một người chồng mắt xanh mũi lõ theo đúng nghĩa đen.

Chị cho rằng mình không lấy chồng vì tiền, hay vì muốn thành người Mỹ như chồng vì hiện cả hai đều đang làm việc ở Việt Nam. Theo chị, nguyên nhân chỉ bởi chị không tìm được người đàn ông Việt Nam nào có thể đem lại hạnh phúc như chị mong chờ.

Trước khi gặp người chồng hiện tại, chị cũng đã từng có bạn trai Việt Nam, người mà chị cũng suýt kết hôn. Giờ nhìn lại, Phương cho rằng chị không thể hợp với người đàn ông Việt bởi nhiều lý do:

"Đã từng yêu người Việt rồi nhưng trong quá trình yêu thì mình tiếp xúc với anh đó, cộng với gia đình, bạn bè, rồi những quan niệm của gia đình đó về cái chuyện hôn nhân, tương lai của hôn nhân, nó ảnh hưởng đến kết luận của mình. Với lại mình nhìn trong gia đình mình, bố mình với mẹ mình, cuộc sống đấy theo mình đấy không phải là hạnh phúc.

“Tôi là người may mắn nhất khi lấy được anh. Ông xã tôi là người không chỉ mang lại hạnh phúc tuyệt vời cho vợ con mà còn tôn trọng quá khứ của vợ’ / Chị Bùi Bảo Anh

Rồi mình có mấy người chị gái, các chị lấy chồng rồi bạn chị lấy chồng thì mình thấy rất là lạ là những người hạnh phúc nhất là những chị lấy chồng nước ngoài. Mình bắt đầu so sánh dần dần rồi càng ngày càng lớn lên thì có một vài chuyện rất rõ ràng xảy ra giữa mình và người yêu người Việt thì mình thấy là quả là mình không thể nào hợp với quan niệm sống của người Việt hoặc là các gia đình Việt họ yêu cầu người con dâu phải thế này, thế kia...."

Nguyên nhân mà chị Phương đưa ra, trong đó có ý so sánh sự khác biệt giữa người đàn ông Việt và người đàn ông phương Tây cũng chính là điều đã được một số những người phụ nữ khác đã lấy chồng nước ngoài nói đến.

 Người mẫu Bằng Lăng cùng chồng. Photo courtesy of giadinh.net.vn

Cách đây không lâu, một người mẫu cũng khá nổi tiếng ở Việt Nam tên là Bằng Lăng có chồng người Đức đã nhận xét trên báo chí rằng ‘đàn ông nước ngoài họ lãng mạn hơn ta, họ quan tâm đến tinh thần và cảm nhận của người đàn bà họ yêu.

Khi bạn trai cũ là người Việt thấy tôi buồn thì có hỏi thăm, nếu tôi nói không có gì đâu thì lập tức họ không hỏi nữa. Còn người nước ngoài họ luôn muốn biết vì sao tôi buồn để họ cùng chia sẻ với tôi.’

Chưa hết, người mẫu này còn chia sẻ tiếp là người đàn ông Việt thường e dè hơn người đàn ông nước ngoài, khi họ thích một cô gái, họ không dám thẳng thắn nói và họ để mất cơ hội với cô ấy rồi. Đàn ông Việt không tự tin vì họ sợ bị từ chối.

Cô người mẫu này nói cô đã từng thích nhiều người đàn ông Việt nhưng chờ mãi chẳng thấy mấy anh nói điều gì. Mãi sau này sau khi ván đã đóng thuyền thì mới có anh dám nói với cô rằng ‘anh đã từng thích em lắm’.

Đàn ông Việt gia trưởng ...
Nhưng có lẽ, nguyên nhân mà nhiều người phụ nữ Việt Nam đã lấy chồng nước ngoài đồng ý với nhau nhất là người đàn ông Việt Nam dường như vẫn còn có tính gia trưởng. Điều này thể hiện qua việc không sẵn sàng chia sẻ với vợ những công việc trong nhà hàng ngày như chăm sóc con cái, hay đơn giản hơn là nấu cơm, rửa bát... Chị Phương thì nói người chồng phương Tây thường muốn làm các việc đó cho vợ hơn là sẵn sàng.

Anh Sơn, một người đàn ông Việt thừa nhận:
"Chuyện nuôi con hoặc nấu cơm, rửa bát thì trong mắt người phụ nữ và đàn ông Á đông thì mặc nhiên những việc đó là của người phụ nữ phải làm. Cho nên người ta nhìn thấy rằng, rất nhiều người phụ nữ Việt Nam cam chịu sự áp đặt của người chồng trong gia đình, mặc dù xét về mặt nào đó trong xã hội như kiếm tiền chẳng hạn, người phụ nữ có thể hơn hẳn. Nhưng về gia đình đấy, người phụ nữ chỉ là thứ yếu."

Đối với những người phụ nữ lấy chồng phương Tây, còn một sự khác biệt khá lớn khác nữa giữa người đàn ông Việt và Tây mà họ cho là lý do khiến họ kết hôn với người nước ngoài. Đó là suy nghĩ của người chông Tây dường như cởi mở hơn so với người chồng Việt. Chị Bùi Bảo Anh, 30 tuổi, có chồng là người Mỹ nói:

"Họ cởi mở hơn, họ thông cảm với người phụ nữ nhiều hơn. Họ không có suy nghĩ lạc hậu là phụ nữ phải thế làm thế này, phải làm thế kia, phải nghe lời của người đàn ông trong gia đình. Em thì không có suy nghĩ đó. Em không chấp nhận điều đó cho nên em có quen một số bạn trai Việt Nam trước đó, thì có thể suy nghĩ của em quá cởi mở thì họ không chấp nhận em và em cũng không chấp nhận suy nghĩ của họ cho nên rất khó hòa hợp. Một số mối tình đã qua rất khó hòa hợp. Cho nên cũng chả tới đâu cả."

Sự cởi mở, thông cảm như Bảo Anh nói có thể tìm thấy sự đồng điệu trong lời phát biểu của một người mẫu nổi tiếng khác của Việt Nam về ông chồng người Anh của mình, khi cô nói ‘tôi là người may mắn nhất khi lấy được anh. Ông xã tôi là người không chỉ mang lại hạnh phúc tuyệt vời cho vợ con mà còn tôn trọng quá khứ của vợ’

“Người đàn ông Việt Nam phải học người đàn ông phương Tây rất nhiều, chẳng hạn ở sự chiều chuộng phụ nữ, chẳng hạn sự chấp nhận thành công của người phụ nữ hơn đàn ông. ''

Tôn trọng quá khứ vợ có lẽ không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người đàn ông Việt. Nói đơn cử chỉ chuyện vợ mình còn trinh hay không mà đến giờ cũng vẫn còn gây tranh cãi sôi nổi từ nông thôn đến thành thị. Không ít các ông chồng Việt vẫn còn phải dằn vặt, suy nghĩ không biết có nên tiếp tục cuộc hôn nhân với vợ mình hay không sau khi phát hiện vợ mình đã ngủ với người khác trước khi biết mình.

Xã hội phát triển, vai trò của người phụ nữ Việt Nam đã dần được cải thiện. Ngày nay người ta có thể thấy người phụ nữ Việt Nam đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, trở thành những người rất thành đạt.

 Nhưng khi nói về người phụ nữ, ở Việt Nam người ta vẫn thường sử dụng mỹ từ phụ nữ ‘giỏi việc nước, đảm việc nhà’, ngụ ý để khẳng định vai trò không tách rời của người phụ nữ vào các công việc trong nhà. Trong khi đó vai trò của người đàn ông trong gia đình vẫn chủ yếu được coi là người kiếm tiền nuôi gia đình mà thôi, còn các chuyện chăm sóc con cái, giặt giũ, cơm nước đương nhiên vẫn là việc của người phụ nữ.

...và không tôn trọng phụ nữ
Theo anh Sơn, quan niệm cho rằng vai trò của người phụ nữ chủ yếu là trong gia đình, là thứ yếu so với đàn ông không chỉ là đặc thù ở Việt Nam mà còn ở các nước Á Đông.

"Cái này không phải là người Việt Nam riêng, sự không chiều chuộng người phụ nữ và tính gia trưởng là bắt nguồn từ văn hóa nền của Á Đông, trong cái văn hóa nền người Á Đông thì vị trí và vai trò của người phụ nữ mặc dù được khẳng định qua thơ văn này nọ nhưng người ta vẫn chưa ở vị trí lãnh đạo của một cái xã hội.

Cho nên trong con mắt của người đàn ông Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng vị trí của người phụ nữ chỉ ở thứ yếu. Vì là ở thứ yếu nên người đàn ông nghĩ rằng không cần quan tâm hoặc coi là mình có quyền đặc biệt đối với người phụ nữ."

 Một người đàn ông nước ngoài đi hỏi vợ theo phong tục VN. AFPphoto
 
Anh Sơn cho rằng dù rằng đã có nhiều tiến bộ tại Việt Nam trong cách nhìn nhận vai trò của người phụ nữ trong gia đình, nhưng vẫn còn khá đông đàn ông Việt Nam còn chưa chấp nhận những thay đổi này. Anh thừa nhận người chồng Việt Nam cần phải học thêm nhiều điều ở những người chồng phương Tây.

"Theo con mắt của em thì người đàn ông Việt Nam phải học người đàn ông phương Tây rất nhiều, chẳng hạn ở sự chiều chuộng phụ nữ, chẳng hạn sự chấp nhận thành công của người phụ nữ hơn đàn ông.

 Chẳng hạn có những giai đoạn vợ mình thành công hơn mình, nhưng đó không phải là cái làm cho mình hèn kém hơn mà làm cho mình phải cố gắng hơn, nó là động lực cho mình cố gắng, để thể hiện vai trò leading thì mình phải cố gắng hơn.

Còn xét về quan điểm chung thì người đàn ông Việt Nam hiện chưa chấp nhận được việc người phụ nữ thành công hơn mình."

Mặc dù thừa nhận một số nhược điểm của người chồng Việt, anh Sơn cho rằng việc kết hôn với người đàn ông Việt sẽ đảm bảo cuộc sống gia đình hạnh phúc lâu dài hơn vì những tương đồng về văn hóa:

"Xét một góc độ nào đó tại thời điểm này khi người chồng các cô lấy thì trẻ trung này nọ, các cô còn cảm nhận rằng các ông quan tâm.

Đến lúc nào đấy thì… ở đây mình phải nhìn là những người phương Tây đặc biệt châu Âu và Mỹ thì suy nghĩ về gia đình của họ khác người Việt Nam, và cái văn hóa nền của người ta không phải văn hóa nền dựa trên sự liên kết chặt chẽ và hữu cơ như văn  hóa nền của người Việt Nam và Á đông.

Các cô ảo tưởng ở điều rằng các cô cảm nhận được sự hạnh phúc, chiều chuộng, quan tâm nhưng không có nghĩa là sự chiều chuộng đó sẽ là mãi mãi theo cách người Việt Nam làm."

Trước hiện tượng các người đẹp Việt Nam lấy chồng ngoại ngày một nhiều, trên báo chí và các diễn đàn gần đây, người ta thấy xuất hiện nhiều bài viết nêu quan điểm của những người trong cuộc về nguyên nhân dẫn đến những quyết định kết hôn này.

Người ta nói đến sự thất thế của đàn ông Việt, sự chảy máu ‘nhan sắc Việt’. Mỗi khi các bài viết có ý chê người chồng Việt so với người chồng Tây, thì ngay lập tức thường có khá nhiều các ý kiến phản hồi.

Đồng tình cũng có, mà phản đối cũng không ít. Những người đàn ông phản đối cho rằng những người phụ nữ lấy chồng Tây đó chẳng qua đã thiển cận khi nhìn nhận về người đàn ông Việt Nam như vậy, rằng họ đã không may mắn khi không tìm được người đàn ông Việt như ý, và rằng họ đã vơ đũa cả nắm.

“Trong con mắt của người đàn ông Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng vị trí của người phụ nữ chỉ ở thứ yếu.''/ Anh Sơn

Chị Ngọc Hiền, một người vừa kết hôn với một người Đức cũng cho rằng có lẽ ý kiến cho rằng người đàn ông Việt không cởi mở và còn quá gia trưởng có lẽ là hơi quá. Chị chia sẻ:

"Mình nói thế thì vơ đũa cả nắm, cũng không nên. Em cũng có người bạn rất cởi mở. Em thấy có anh có vợ mà vẫn chở vợ đi party, cho vợ tự do. Bản thân người Việt mình có anh bản tính rất hay, hiện đại."

Lấy chồng là chuyện hệ trọng cả một đời, dù lấy chồng Tây hay lấy chồng Việt, người phụ nữ Việt Nam cũng chỉ mong muốn được hạnh phúc.

 Xã hội ngày một phát triển, đã qua rồi cái thời người Việt Nam coi chuyện lấy chồng Tây như là ‘Kỹ nghệ lấy Tây’ của Vũ Trọng Phụng.

Người phụ nữ giờ đây đã tham gia tích cực hơn vào các họat động xã hội, nên họ có nhiều cơ hội kết bạn cả Tây lẫn ta. Vì thế, chuyện ngày một nhiều người phụ nữ lấy chồng Tây có lẽ cũng không có gì là lạ.